GIẾT NGƯỜI CHỈ VÌ CHUYỆN NHỎ KHÔNG KỀM CHẾ ĐƯỢC
Thấy bạn cùng phòng bị ức hiếp, chửi là "đồ Bắc kỳ", Phúc cầm dao cùng đi đòi lại công bằng. Án mạng xảy ra. Ba Phúc đột tử khi biết tin con giết người. Mẹ Phúc ôm đớn đau về hai người đàn ông trong gia đình...
Ngày 7.8, TAND xét xử 3 thanh niên 9X về tội giết người
Một buổi sáng TP.HCM mưa tầm tã, bà Hạnh (54 tuổi, quê Hà Tĩnh) líu ríu chạy vội vào sân tòa, người ướt sũng. Nhưng dù trời có nổi bão đi chăng nữa, cũng chẳng bằng sóng gió gia đình bà đã chịu, kể từ khi Phúc (26 tuổi, tạm trú Q.12, TP.HCM), con trai duy nhất của bà, ra tay giết người…
Đôi mắt bà đỏ hoe, dáo dác trông vào phòng xử. Dưới trận mưa quá lớn, không ai biết bao nhiêu nước mắt đã rơi, bà cũng vậy. Bà chỉ biết tim mình thắt lại, khi thấy Phúc đang ngồi nơi hàng ghế bị cáo, cúi đầu hối lỗi. Trong vô thức, bà chắp tay cầu nguyện: “Cầu trời cho thằng Phúc, ông ơi…”.
Chồng bà… đột tử kể từ khi nghe tin Phúc bị bắt vì tội giết người. Ông chỉ mới sang tuổi 55, làm ruộng còn khỏe khoắn lắm. Đùng một cái, tin dữ đến, ông sốc nặng, ra đi mà chẳng nhắm mắt xuôi tay. Bà Hạnh một mình ôm đớn đau về hai người đàn ông trong gia đình.
Phúc cúi đầu hối lỗi trong phiên xử
NGUYỄN ANH
Cách đây một ngày, bà Hạnh tay xách nách mang dăm ba bộ đồ, đóng vội cửa nhà nhờ người ta ngó giùm, rồi lên chuyến xe đi một mạch vào TP.HCM. Một ngày một đêm mới đến nơi, mắt bà mở trao tráo. Cũng như rất nhiều đêm bà thức trắng vì ám ảnh những nhát dao chém vào ông Hải (bị hại). Nghiệt ngã thay, con dao nằm trong tay Phúc.
Đây là lần thứ năm, bà Hạnh vào Sài Gòn, sau 4 lần vào trại giam thăm nuôi Phúc. Một lần xe đi - về cũng ngốn hơn cả triệu đồng, nhưng bà không thể không đi...
“Ngày xưa hai vợ chồng chăm sào ruộng, lụt lội thường xuyên cũng chẳng được bao nhiêu lúa, nhưng ít ra cũng chắt mót được đồng ra đồng vào. Ổng đi rồi, bỏ lại mình tôi suy sụp, đến những chuyến xe vào với con cũng chẳng đủ tiền… Tôi vào ở nhờ nhà hàng xóm của thằng Phúc trong này, đợi đến giờ thì bắt xe ôm đi gặp nó. Lần này cũng như mấy lần trước, tôi được mấy cậu, mấy chú xe ôm gần đó thương, chở không lấy tiền”, bà bộc bạch bằng giọng quê mình đặc sệt.
Án mạng vì câu nói miệt thị vùng miền
Một chiều giữa mùa World Cup, ông Hải cùng một số người thân, bạn bè ngồi nhậu trước cửa dãy trọ ở P.Hiệp Thành, Q.12 chờ đến giờ xem bóng đá. Cuộc nhậu kéo dài đến tối thì Dương (28 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú Q.12) tình cờ chạy xe ngang qua để vào nhà người thân. Đã ngấm hơi men, cùng với việc có những mâu thuẫn trước đó, ông Hải nói với mọi người trong bàn: “Nó kênh tao kìa”.
Mặc mọi người trong bàn khuyên ngăn, ông Hải vẫn đi ra hàng rào lấy một cây gỗ dài để gần chỗ ngồi. Lát sau, trông thấy Dương trở ra, ông Hải chửi lớn: “Thằng Bắc kỳ con”. Dương ấm ức dừng xe, bị ông Hải cầm khúc gỗ định đánh. Được mọi người can ngăn, Hải lái xe chạy về.
Bà chẳng thể đứng vững lúc tòa tuyên án
HOÀI NHÂN
“Mọi chuyện đã kết thúc, nếu bị cáo không trở về và gọi thêm bè bạn của mình đến để trả thù. Bị cáo còn lấy dao tự chế phát cho bạn mình thủ sẵn, để giờ ngoài bị cáo còn có thêm hai người bạn nữa phải đứng đây. Ông Hải sai đã đành, bị cáo lại càng sai. Còn hai người bạn bị cáo, đáng ra phải có trách nhiệm can ngăn, như những người trong bàn nhậu đã can ngăn ông Hải, đằng này cũng hùa theo. Tổng cộng 18 vết thương trên người nạn nhân, khiến gia đình người ta mất đi một người thân. Hành vi của các bị cáo là quá tàn nhẫn”, giọng thẩm phán đanh thép.
Bà Hạnh ngồi bần thần, nghe rõ từng câu chữ. Nghiệt ngã thay, trong 18 vết thương, có một nhát chém của Phúc. Hải, Phúc và một bị cáo nữa cùng là những đồng hương nơi dải đất miền Trung nắng gió, cùng vào Sài Gòn ở chung căn trọ để mưu sinh. Một người bị miệt thị giọng nói vùng miền, nên những người còn lại đã bênh vực nhau nhưng lại chọn cách hành xử côn đồ.
Người mẹ bần thần chạy theo con trai ra tận xe áp giải...
HOÀI NHÂN
“Lo cái tang cho ổng, rồi lo cho gia đình người ta, tôi bán hết trâu bò rồi. Giờ chẳng còn gì cả, mà cũng chẳng cần gì cả, chỉ cần thằng Hiếu nó sớm trở về... Nhà nghèo nó học hành không đến nơi đến chốn, nhưng cũng chưa bao giờ gây gổ đánh ai. Nó đi nghĩa vụ về, tự đi học lái xe, xin vào Sài Gòn làm tài xế 2 năm nay. Thấy nó chí thú làm ăn, tôi với ổng mừng thầm. Cuối cùng, coi đó, nó đi giết người ta…”, bà khóc. Nước mắt chảy thành dòng, trong lúc tòa nghị án.
19 năm tù giam, khép lại một bản án. Nhưng nỗi đau của bà, một người mẹ nhìn con tù tội, một người vợ đột ngột mất chồng, biết bao giờ kết thúc…
Nhận xét
Đăng nhận xét