NÓI VỀ NỮ PHÓ TỔNG THỐNG ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC MỸ

 Vừa nhận tin chiến thắng, nữ Phó Tổng thống Mỹ đắc cử đã gửi thông điệp gây xúc động nghẹn ngào và loạt ảnh hiếm thấy của bà khi còn nhỏ

Bà Kamala Harris đã trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên và cũng là nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ với những thông điệp gây xúc động mạnh.

Bà Kamala Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên và người phụ nữ Mỹ gốc Nam Á đầu tiên trở thành Phó Tổng thống đắc cử. Vào lúc 8h30 sáng 8/11 theo giờ Việt Nam (8h30 tối 7/11 theo giờ Mỹ), bà đã có bài phát biểu đầu tiên trước toàn quốc.

Trong bài phát biểu chiến thắng, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris có đoạn: "Tôi là người phụ nữ đầu tiên trong văn phòng này trở thành Phó Tổng thống nhưng có thể sẽ không phải là người cuối cùng vì mỗi một bé gái chứng kiến những khoảnh khắc tối nay sẽ nhận ra rằng đây là quốc gia mà mọi thứ đều có thể xảy ra.

Và xin được gửi đến những em bé trên khắp đất nước của chúng ta, dù các cháu thuộc giới tính nào, đất nước đã đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng các cháu cứ mơ ước bằng cả đam mê và tiến lên với niềm tin mãnh liệt. Hãy nhìn nhận bản thân mình theo cách mà người khác không làm, đơn giản là do trước nay họ chưa thể thấy được điều đó. Và hãy biết rằng chúng tôi sẽ luôn cổ vũ cho từng bước đi của các cháu".

Bà Harris cũng nói về người mẹ quá cố, bà Shyamala Gopalan Harris, rằng: “Khi mẹ tôi đến đây từ Ấn Độ, ở tuổi 19, có lẽ bà đã không hình dung được khoảnh khắc này. Nhưng bà tin tưởng sâu sắc vào một nước Mỹ, nơi có thể xảy ra một khoảnh khắc như thế này".

“Vì vậy, tôi đang nghĩ về bà ấy và về các thế hệ phụ nữ - phụ nữ da đen, phụ nữ Châu Á, da trắng, Latin, thổ dân châu Mỹ - những người trong suốt lịch sử dân tộc của chúng ta đã mở đường cho khoảnh khắc này tối nay”.

Bà Kamala Harris, tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, sinh ngày 20/10/1964 ở Oakland, bang California.

Mẹ bà là Shyamala Gopalan - một nhà khoa học về ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ năm 1960, để theo học tiến sĩ ngành Nội tiết học tại Đại học California-Berkeley. Còn cha của bà là Donald J. Harris - một giáo sư danh dự chuyên ngành Kinh tế của Đại học Stanford. Ông từng nhập cư từ Jamaica đến Mỹ vào năm 1961 để học kinh tế tại Đại học California-Berkeley.

Dưới đây là những bức ảnh thời thơ ấu "hiếm có khó tìm" của vị Phó Tổng thống Mỹ đắc cử vừa làm nên lịch sử chưa từng có này.

Kamala Harris chụp ảnh cùng mẹ là bà Shyamala Gopalan Harris.

Kamala Harris chụp ảnh cùng với bố là ông Donald Harris.

Kamala Harris với bà ngoại Iris Finegan ở Jamaica.

Kamala Harris với chị gái, Maya trong lễ đón Giáng sinh tại nhà.

Kamala Harris thích đi dạo với chị gái, Maya và mẹ, Shyamala, bên ngoài Berkeley, California.

Kamala Harris thưởng thức kem trong chuyến thăm gia đình đến khu phố Harlem ở New York.

Kamala Harris khi còn là một thiếu nữ.

Kamala Harris chụp ảnh cùng Gwen Whitfield tại một cuộc biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vào năm nhất tại Đại học Howard ở Washington.

Kamala Harris chụp ảnh cùng mẹ.

Kamala Harris gặp gỡ mọi người trước buổi lễ của Nhà thờ Baptist Corinthian ở Des Moines, Iowa.

Bà được nuôi dưỡng trong một khu xóm có nhiều người Mỹ gốc Phi ở Berkeley. Khi còn nhỏ, bà được cha mẹ bế đi dự các cuộc biểu tình của phong trào dân quyền và tham gia ca đoàn của một nhà thờ Baptist.

Bà Kamala Harris tốt nghiệp Đại học Howard với bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế năm 1986.

Sau đó, bà tốt nghiệp trường Luật Hastings College năm 1989.

Bà tự miêu tả mình là một người coi trọng gia đình, thường nấu bữa tối vào mỗi Chủ nhật, hay chơi thể thao với 2 đứa con và thường được chúng gọi bằng biệt danh “Momala”.

Kamala Harris cho biết, bà chịu ảnh hưởng rất lớn từ mẹ mình, người từng bị châm chọc vì chất giọng Ấn Độ đặc sệt, nhưng vẫn trở thành nữ giáo sư khoa học da màu hàng đầu của Mỹ.

Ngay từ năm 13 tuổi, cô gái nhỏ Kamala Harris đã cùng chị gái Maya "lãnh đạo" thành công một cuộc biểu tình ngay trước tòa nhà chung cư đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ.

Việc ông Biden lựa chọn bà Harris làm người đứng chung liên danh tranh cử được coi là một cột mốc quan trọng.

Phẩm chất của bà còn được thể hiện qua câu khẳng định "cô bé đó chính là tôi" với ứng cử viên Joe Biden tại cuộc tranh luận thứ 2 của đảng Dân chủ vào năm ngoái, khi chỉ trích ông đã phản đối các sửa đổi đối với hệ thống xe bus liên bang.

Ngoại trừ Tổng thống Trump, hầu hết các chính trị gia đầy tham vọng tại Mỹ đều muốn làm nổi bật thông tin gia đình của mình. Đối với Kamala Harris, điều này còn có ý nghĩa xây dựng trọn vẹn hình ảnh của bà trước công chúng.

“Chúng tôi đều là những người trẻ, giỏi giang và là người da màu. Chúng tôi sẽ không để bất cứ điều gì cản trở thành công của mình”, bà từng viết trong cuốn tự truyện.

Bà Kamala Harris được truyền thông Mỹ gọi là"người phá vỡ rào cản" vô cùng đặc biệt.

LT Pháp luật & bạn đọc

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?