PHẪU THUẬT KÉO CHÂN CHO CAO THÊM: MỘT CUỘC "HÀNH TRÌNH" THẬT KHỦNG KHIẾP
Cô gái Hà Nội giấu bố mẹ đi kéo chân: Không mua quần áo suốt nhiều năm để tiết kiệm, leo lên bàn mổ với ước mơ cao thêm 7cm
Với chiều cao ban đầu là 1m48, Tâm muốn cao thêm 7cm để tự tin hơn trong cuộc sống. Để có sự thay đổi, Tâm đã trải qua một hành trình dài...
Yêu cầu công việc: Nữ, cao từ 1mxx trở lên.
Chiều cao: Trên 1mxx.
Cho mình hỏi chiều cao, cân nặng của bạn với ạ?
Bạn cao 1m bao nhiêu? Hình như bạn lùn đúng không?
…
Chúng ta có thể bắt gặp những mẫu câu như trên ở bất cứ đâu trên MXH, trong các thông tin tuyển dụng, câu hỏi dành cho các KOL trong phần “ask" Instagram. Chiều cao thật sự là một nỗi ám ảnh về ngoại hình với không ít người, đặc biệt là khi Gen Z ngày càng sở hữu chiều cao vượt trội. Những công việc hấp dẫn, xịn sò hiện nay đều đưa yếu tố chiều cao vào như là một điều kiện cần trong tuyển dụng.
Tâm (nickname hyanna115, sinh năm 1996, sống tại Hà Nội) vừa phẫu thuật kéo chân được 30 ngày. Cô bạn có chiều cao ban đầu là 1m48 và hy vọng mình có thể cao thêm 7cm sau khi kéo chân. Mỗi ngày, Tâm kéo khung 3 lần, mỗi lần cách nhau 8 tiếng. Khung có 6 mặt, cứ 3 mặt tương ứng 1mm. Đó là một hành trình gian nan, cần tâm lý vững và chịu đau giỏi.
Theo như chia sẻ của một số người dùng trên Reddit, cơn đau khi tập rướn kéo khung trong giai đoạn 2 của quá trình kéo chân này lớn hơn toàn bộ những gì mà một người có thể trải qua từ nhỏ đến lớn, giống như bị tra tấn vậy. Thậm chí, nó khiến bệnh nhân... hóa điên, phải điều trị tâm lý. Và thống kê thực tế cũng cho thấy đa số đều hối hận vì đã trải qua những cơn đau này.
Tâm đang chịu những cơn đau khủng khiếp nhưng cô có đủ động lực để vượt qua.
“Mình ý thức được chiều cao quan trọng trong cuộc sống như thế nào từ năm cấp 3. Mặc dù đã tìm đủ mọi cách để cao lên từ uống thuốc, tập thể dục… nhưng đều không có tác dụng. Và từ đó, mình đã tìm đến các biện pháp khác và cuối cùng là tìm hiểu về thông tin phẫu thuật kéo chân trong một bài báo trên mạng”, quyết định liều mình để cao hơn đến với Tâm như thế.
Cô gái 25 tuổi vào viện kéo chân một mình và trở về phòng trọ sau 10 ngày.
Chân của Tâm sau ca mổ, có thể thấy rõ từng đoạn gãy rời
Làm 3- 4 việc để tiết kiệm 175 triệu vào phòng mổ
Trên MXH có một hội kín có đến 28K thành viên những người từng kéo chân hoặc có ý định kéo chân. Tâm join vào group và được giới thiệu đến bác sĩ Đ. - người từng thực hiện nhiều ca phẫu thuật kéo chân ở Hà Nội. Năm đó, Tâm đang học Đại học. Tâm nhận được câu trả lời: “Em cứ học xong đi rồi hẵng kéo".
Sau khi tốt nghiệp ĐH, để có số tiền lớn thực hiện ước mơ của mình, Tâm làm 3-4 công việc một lúc gồm: Phiên dịch tiếng Hàn, bán quần áo order và dịch truyện tranh cho một số trang web.
“Mình đã không mua quần áo và mỹ phẩm trong nhiều năm liền để có tiền kéo chân. Chi phí phẫu thuật hiện tại là 175 triệu cho 2 lần phẫu thuật lắp khung chân và tháo khung. Nhưng ấy chỉ là chi phí cho 2 lần phẫu thuật, một lần nằm viện 10 ngày và một lần tháo khung 3 ngày trọn gói khi ở viện. Những cái khác mình vẫn phải tự lo như vật lý trị liệu khoảng 400-500k/lần, tiền ăn uống, chăm sóc… Mình đang dự tính phải vào khoảng 220 triệu đồng tất cả vì còn mua sữa, canxi và quan trọng nhất vẫn là ăn uống đủ chất", Tâm nói.
Những bữa ăn rất nhiều dinh dưỡng sau khi Tâm phẫu thuật kéo chân
Tâm phải đặt hẹn trước vài tháng để được gặp bác sĩ mổ kéo chân. Cô chọn nằm ở Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Bắc Hà (Hà Nội). Tâm giấu gia đình trong suốt quá trình thực hiện nên cô vào viện một mình và suốt 3 ngày đầu tiên sau mổ, Tâm được điều dưỡng bệnh viện chăm sóc.
“Trong lúc mổ, mình được gây tê màng cứng nên sau đó phải nằm một chỗ và ăn uống tại giường. Mình chỉ nhờ điều dưỡng chăm sóc khi ấy. Những ngày sau, mình cử động được thì mọi sinh hoạt cá nhân cơ bản mình đều tự làm. Hiện tại đã 1 tháng sau phẫu thuật, mình trở về nhà trọ sống với bạn mình. Thỉnh thoảng bạn có nấu ăn cho, còn lại mình vẫn tự lo được dù đang ngồi xe lăn”, cô gái chia sẻ.
Tâm phải trả 400-500k/lần cho một buổi vật lý trị liệu
Đến ngày thứ 7 sau khi mổ, quá trình kéo giãn tách xương bắt đầu. Tâm tự kéo giãn chân theo chỉ định của bác sĩ: Một ngày 3 lần, mỗi ngày tăng thêm 1mm. Hiện tại, Tâm vẫn chưa biết mình có thể kéo tối đa bao nhiêu cm vì điều đó phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Có người kéo lên được tối đa 10,4cm, có người ít hơn.
Tâm chọn kéo khoảng 7cm vì đó là trong khoảng an toàn để cơ thể có thể hồi phục nhanh nhất và tốt nhất. Cô cũng được bác sĩ khuyến cáo rằng không đau thì cũng không được kéo giãn chân nhiều hơn 3 lần/ngày vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành can xương.
“Mình đang ở ngày thứ 30 sau phẫu thuật, sức khỏe tốt, ăn uống tốt chỉ có giấc ngủ không được ổn lắm vì mình ngủ phải nằm ngửa, không xoay người được nên đêm có thể bị tỉnh nhiều lần”, Tâm là người có cơ địa cũng khá lành.
Hiện tại, Tâm đã cao thêm 2cm. Khoảng 2 tháng nữa, cô sẽ gặp bác sĩ để tháo khung nẹp ở chân.
Bố mẹ ở cách 40km vẫn chưa hề hay biết con gái kéo chân
Tâm chia sẻ clip trong những ngày nằm viện trên MXH nhưng xin được giữ kín danh tính vì… gia đình vẫn chưa biết quyết định này của cô. Cô giải thích, mình muốn kể về quá trình này vì trong quá trình tìm hiểu để làm phẫu thuật này, Tâm có tìm đến một vài anh chị đã xuất hiện trên những bài phỏng vấn để chia sẻ bí quyết kéo chân, nhưng mà cô không thể liên lạc được với họ. Cảm giác lúc đó khá hụt hẫng.
Tâm hy vọng mình công khai quá trình và thông tin phẫu thuật có thể tạo động lực và thêm niềm tin cho những bạn đang tự ti về chiều cao giống như mình.
Về phía gia đình, để giảm bớt lo lắng cho người thân, Tâm chọn giữ kín. Suy cho cùng, khi thấy mình cao lên cô sẽ tự tin hơn và có thể mạnh dạn làm những việc mình thích. Gia đình có thể không biết quá trình, chỉ cần nhìn vào kết quả cô hạnh phúc với những điều đã chọn là được.
Tâm chụp ảnh kỷ niệm trong những ngày còn ở trong viện
"Mình và bố mẹ ở cách nhau khoảng 40km. Bình thường, mình đã sống và làm việc xa nhà nên khoảng vài tháng không về nhà cũng không có gì lạ. Có anh phẫu thuật trước mình vài tháng bây giờ đã có thể chạy nhảy được rồi nên mình cũng hy vọng sớm phục hồi để về nhà và tìm kiếm cơ hội làm việc”, Tâm như chợt nhớ ra một chuyện, “À, khi kéo chân mình cũng hỏi bác sĩ là sau này em có mang giày cao gót được không? Bác sĩ bảo kéo chân xong mang giày cao gót có khi còn thoải mái hơn những giày khác do gân gót bị co, bàn chân có khả năng không để bằng phẳng được. Nhưng bác vẫn khuyên nên đi đế bằng để tập giãn gân gót, như vậy chân mới có thể sớm ổn định”.
Khi trải qua hành trình kéo chân, Tâm mới biết đang có rất nhiều bạn trẻ có mong ước giống mình và họ cũng tự để dành tiền để bước vào cuộc đại phẫu. Một tuần không cao điểm có từ 4-6 ca phẫu thuật, những tháng cuối năm có thể còn đông hơn. Có lẽ nhờ vậy, Tâm thấy quyết định của mình chỉ táo bạo thôi chứ không hề chấn động.
Trong những ngày vật lý trị liệu tại nhà, cô bạn đang cố gắng trau dồi nhiều kiến thức cho bản thân để đến khi hoàn thành việc kéo chân, sẽ có một cuộc sống tốt và tự tin hơn.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Vào năm 2017, Hoàng Tùng Anh (sinh năm 1993, sống tại Hà Nội) cũng đã công khai quá trình kéo chân của mình trên Facebook, hút hàng chục ngàn lượt like và nhiều bình luận chia sẻ.
Người yêu của Tùng Anh đã rất sốc khi biết quá khứ kéo chân của bạn trai. Từ 1m67, Tùng Anh cao lên 1m76 sau khi kéo chân. Anh chia sẻ mình có thể khiêng bình nước nặng 20 lít và cõng người yêu như thường.
Quá trình kéo dài chân sẽ bao gồm 3 giai đoạn: mổ trực tiếp, kéo dài và phục hồi. Trong đó, 2 giai đoạn đầu tiên cơ thể phải chịu đựng những cơn đau cực kỳ khủng khiếp
Nguồn toquoc.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét