CHUYỆN TÌNH GIÀ ĐÁNG KHÂM PHỤC BÊN CẦU LONG BIÊN
Đi dọc theo con đường nhỏ ở bãi bồi sông Hồng, tổ ấm của ông Nguyễn Văn Thành (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (86 tuổi) là chiếc bè tạm rộng khoảng 10m2 đang dập dìu trên mặt nước sông đoạn ngay cạnh chân cầu Long Biên.
Cùng chung cảnh ngộ không người thân, ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thuỷ tìm thấy sự đồng cảm rồi dọn về ở chung. Hơn 50 năm qua, cặp vợ chồng nghèo dựa vào nhau mà sống, trôi dạt khắp các con ngõ của Thủ đô rồi chọn cho mình nơi cạnh chân cầu Long Biên là điểm dừng chân cuối cùng. Ông Thành chia sẻ, sự xuất hiện của bà là động lực duy nhất khiến ông đi hết quãng đời còn lại.
Hơn 50 năm trước, ông và bà gặp nhau trong một lần đi nhặt rác, hai ông bà thường xuyên nói chuyện và yêu nhau lúc nào không hay. Một thời gian sau khi ông ngỏ lời mời bà về ở cùng mình, bà đồng ý. Từ đó hai ông bà đã về bầu bạn cùng nhau.
"Chúng tôi sống trong thiếu thốn, đói nghèo nhưng chả bao giờ ốm đau. Hai vợ chồng sống với nhau dù không có con cái nhưng ông ấy vẫn luôn quan tâm, chăm sóc tôi đến tận bây giờ", bà Thủy xúc động chia sẻ.
Cuộc sống của ông bà vốn dĩ đã rất khó khăn, nhưng hơn 5 năm trở lại đây lại càng khó khăn hơn khi đôi mắt của bà Thuỷ sau một lần đau mắt đã bị mù.
Từ khi đôi mắt của bà Thuỷ không nhìn được, ông Thành là người đảm nhiệm toàn bộ mọi việc trong nhà như đi chợ, nấu ăn, giặt giũ…
Bữa ăn của ông bà đạm bạc, giản dị chỉ có chút canh, rau.
Lo sợ bà buồn vì ngày nào cũng ở 1 chỗ nên hễ rảnh ông lại làm thơ về bà và đọc cho bà nghe.
Ông Thành thường tỉ mỉ soạn đủ, để hết tất cả đồ cá nhân ở dưới giường của bà để khi nào ông không có ở nhà bà sẽ tự lấy được đồ dùng.
Trên cánh tay của ông Thành xăm hàng số 26-9-69. Ông bảo: “Tôi sợ khi về già sẽ lẩm cẩm không nhớ, nên tôi đã xăm lên cánh tay ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình, đây là ngày tôi và bà về chung sống cùng nhau”.
Khoảng 2 năm sau khi bà bị mù, ông lại bị điếc, cuộc sống của ông bà càng thêm nhiều khó khăn nhưng với ông bà, còn được bên nhau cũng là niềm hạnh phúc. Ông là người dẫn lối cho bà, bà lại là đôi tai của ông.
Mới đây, do ngôi nhà cũ đã xuống cấp, ông bà được các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để làm lại một ngôi nhà mới.
Dù chỉ là 1 chiếc bè nổi đơn sơ nhưng với ông bà, ngôi nhà vẫn thực sự là tổ ấm - nơi ông bà có thể nương tựa vào nhau, chia sẻ với nhau những vui buồn cuộc sống.
Tuổi đã cao, nhưng ông Thành vẫn tự tay mua vật liệu và dựng lên ngôi nhà của mình bằng số tiền tài trợ đó.
Khi được hỏi sao ông không thuê người làm cho đỡ cực, bà Thuỷ ghé sát tai truyền đạt lại, ông Thành cười lớn nói: “Tiền đâu mà thuê người làm, tiền thuê người bây giờ 1 ngày công cũng đã 300-400 nghìn rồi. Tôi tự tay làm vừa được theo ý mình, vừa tiết kiệm được chi phí”.
Khi làm xong ngôi nhà, ông thường lên kiểm tra, ngắm nghía, trang trí thêm cho ngôi nhà của mình. Ảnh của ông và bà được ông treo để ở nơi dễ nhìn nhất.
Hiện nay, ngôi nhà mới đã được hoàn thiện. Ông bà đã chuyển lên sống trong ngôi nhà mới và mong nước nhanh dâng lên cao để có thể đưa được căn nhà mới xuống thay thế ngôi nhà cũ.
Ông bảo, cuộc đời ông bà dù có bao nhiêu khó khăn, nhưng ở đây, bên trong tổ ấm này chỉ có không gian tràn đầy niềm vui, hạnh phúc đã được vun đắp suốt hơn 50 năm qua.
Khổng Chí
Nhận xét
Đăng nhận xét