QUÁN CƠM 2000 ĐỒNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO NGAY GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ
Quán cơm 2.000 đồng ngay trung tâm TP.HCM của vị linh mục thương người nghèo
Người đến ăn cơm như anh em một nhà
Trưa trưa, TP.HCM nắng như đổ lửa. Bên trong quán cơm nổi bật với biển hiệu màu xanh lá có tên Huynh Đệ 3, nằm ngay mặt tiền số 77 Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), vợ chồng anh Nguyễn Thành Bảo (48 tuổi) và chị Trần Thị Thùy Hiên (40 tuổi) cùng vài nhân viên tất bật chuẩn bị món ăn trong bếp.
Chục chiếc bàn đã được sắp xếp ngay ngắn với muỗng, đũa, giấy ăn, nước chấm… đã được chuẩn bị sẵn. Dù 11 giờ 15 phút, quán mới bắt đầu phục vụ món, nhưng 11 giờ kém nhiều bác đã có mặt. Các bàn đều kín khách.
Họ háo hức rửa mặt, rửa tay bằng nước sát khuẩn ở bồn nước phía trước quán, uống một ngụm nước lọc giải khát. Sau đó, họ bỏ 2.000 đồng vào thùng tiền đặt ở giữa quán rồi ngồi xuống bàn nghỉ ngơi, chờ đợi món. PV quan sát, hỏi chuyện và nhận ra khách đến quán ăn đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, là người già neo đơn, bệnh tật, là người bán vé số, người khuyết tật…
Theo lời giới thiệu của anh Bảo, mỗi phần ăn ở đây có giá 2.000 đồng. Khách đến đây sẽ được phục vụ 1 phần ăn đầy đủ với cơm, món chính, món xào, món canh và trái cây ăn tráng miệng. Quán bán từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Mỗi ngày quán phục vụ 2 buổi, buổi trưa bắt đầu lúc 11 giờ 15 phút và buổi chiều lúc 17 giờ 15 phút. Điều đặc biệt là sau mỗi bữa ăn, buổi trưa khách còn được "tặng kèm" thêm dầu cá, buổi chiều là 1 ly sữa Ensure để bồi bổ sức khỏe.
Là người đến sớm nhất, bà Kim Liên (64 tuổi, Q.Phú Nhuận) tâm sự đã ăn ở đây vài tháng. Biết đến quán cơm thông qua lời giới thiệu của một người bạn, cụ bà ghé đây ăn một lần rồi đều đặn ghé ngày 2 bữa không sót ngày nào.
"Ở đây cơm 2.000 đồng/phần, mà ăn đầy đủ chất, ngon lắm! Tôi có cảm giác như ăn ở nhà hàng vậy. Tôi không có chồng con, sống cùng bà chị nhưng thân ai nấy lo thôi. Hồi trước có sức còn đi làm này làm kia, giờ bệnh nặng, không ai thuê. Có quán ăn này rồi giờ tôi nhẹ trong người lắm, mỗi ngày không phải nghĩ ăn gì, tiền đâu mua đồ ăn", bà xúc động.
Đúng giờ, bà Liên cùng hàng dài người tuần tự xếp hàng, vào gian bếp sạch bong trong quán nhận đồ ăn rồi mang ra. Họ vừa ăn ngon lành vừa trò chuyện vui vẻ, nhân viên quán thì luôn cầm trên tay tô cơm to, tiếp cơm cho ai muốn ăn thêm.
Gắp thêm đồ ăn từ dĩa mình sang cho người chồng khiếm thị, bà Ngô Thị Thúy (66 tuổi) khen hôm nay quán phục vụ thịt kho trứng vô cùng ngon và vừa miệng. Ăn ở đây suốt nhiều tháng nay, đều đặn mỗi ngày bà dẫn chồng bắt xe buýt từ Q.10 sang để ăn không sót ngày nào.
"Điều tôi xúc động nhất ở đây là mọi người trong quán như anh em một nhà vậy, ai cũng tình thương mến thương với nhau. Biết tôi nhà xa, mọi người còn chuẩn bị cho tôi phần ăn chiều để về hâm nóng lại để khỏi phải bắt xe buýt tới lần nữa", bà Thúy nói.
Nghe vợ tâm sự, ông Nguyễn Công Trường (72 tuổi) cũng tâm sự vì gia cảnh khó khăn, các con cũng có cuộc sống riêng, ông bà già cả, bệnh tật nên không làm gì ra tiền. Chính những bữa cơm ở quán này đã "cứu đói" cho cặp vợ chồng già nhiều ngày. Từ hồi ăn ở đây, uống thuốc bổ, sữa, vợ chồng ông thấy trong người khỏe ra.
Chỉ một thoáng, những phần cơm được khách "chén" sạch. Mọi người không quên cảm ơn vợ chồng anh Bảo cùng nhân viên rồi nhanh chóng rời đi, tiếp tục công việc, cuộc sống hằng ngày của mình và hẹn chiều lại hội ngộ.
Thương lắm người nghèo!
Hỏi mới biết, quán ăn mở sau dịch Covid-19, là tâm huyết của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Sang. "Hồi dịch, vợ chồng tôi may mắn được đồng hành cùng cha Nguyễn Sang phân phối nhu yếu phẩm đi đến nhiều khu phong tỏa ở TP.HCM. Dịch qua đi, Cha Sang nhận thấy còn nhiều người khó khăn, bệnh tật, sức khỏe kém nên quyết định mở quán này và vợ chồng tôi hết lòng hỗ trợ cha, phục vụ không nhận thù lao", chị Thùy Hiên (quản lý quán) bày tỏ.
Tâm sự với Thanh Niên, linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Sang nói rằng quán cơm xuất phát từ tình thương mà ông và các nhà hảo tâm dành cho người khó khăn ở khắp nơi. Vị linh mục nói thêm, hệ thống cơm 2.000 đồng Huynh Đệ đã được mở 8 năm về trước ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang).
Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Sang hiện là Trưởng ban Caritas Giáo phận Mỹ Tho. Song song đó, ông tiếp tục đảm đương các vai trò linh mục chánh xứ Nhà thờ Ba Giồng, kiêm Giám đốc Trung tâm Hành hương Ba Giồng.
Hàng chục năm qua, ông được biết đến là linh mục hát vì người nghèo khi lập chương trình "Tiếng hát vì người nghèo" năm 2005. Qua chương trình, ông thu âm những bài thánh ca vào đĩa CD để bán, lấy tiền giúp đỡ người khó khăn. Ông duy trì nhiều hoạt động vì người nghèo suốt những năm qua.
Hiện Huynh Đệ đã có 2 quán ở Tiền Giang phục vụ cho sinh viên và người khó khăn, 2 quán ở TP.HCM được linh mục mở cách đây không lâu. Như vậy, cùng với Huynh Đệ 3, quán cơm 2.000 đồng Huynh Đệ 4 cũng vừa khai trương hồi tháng 7 năm nay, nằm ở số 124 đường Điện Biên Phủ (Q.1), là quán thứ 2 ở TP.HCM. Theo đó mỗi ngày, 4 quán cơm Huynh Đệ phục vụ cho khoảng 800 phần ăn. Riêng 2 quán ở TP.HCM bán cho khoảng 200 khách/ngày với khoảng 400 phần.
"Quán ăn của chúng tôi phục vụ không phân biệt tôn giáo. Ai thực sự khó khăn cũng có thể đến để được phục vụ. Đó cũng là lý do mà tôi đặt tên cho quán của mình là Huynh Đệ, mọi người ở bất kỳ đâu, bất kỳ tôn giáo nào đến đây thì cũng là anh em một nhà, sẽ được phục vụ bằng cái tâm và cái tình", vị linh mục chia sẻ.
Nói về kinh phí duy trì quán, linh mục Nguyễn Sang tâm sự rằng chính nhờ sự ủng hộ của các thành viên chương trình Tiếng Hát Vì Người Nghèo, các nhà hảo tâm cũng như từ nguồn tiền phát hành nhạc của ông. Quán không kêu gọi bất kỳ hình thức quyên góp nào trên mạng cộng đồng vì sợ nhiều người giả danh lạm dụng lòng tốt của người khác, song nhiều người vì cảm nhận được ý nghĩa nhân văn trong mô hình quán ăn này đã liên hệ hỗ trợ trực tiếp.
Vị linh mục tiếp lời: "Như quán ở Điện Biên Phủ chẳng hạn, chủ mặt bằng cho chúng tôi sử dụng miễn phí. Chính những sự ủng hộ đó, chính nụ cười hay lời cảm ơn mà những vị khách đến quán dành cho chúng tôi, là động lực để chúng tôi duy trì quán ăn này càng lâu càng tốt, đến khi nào không còn sức nữa thì thôi".
Từ ngày đồng hành với quán ăn, vợ chồng anh Bảo, chị Hiên tạm gác lại công việc kinh doanh của mình. Họ nói rằng sau thời gian cố gắng, họ đã có được cuộc sống ổn định và "biết đủ". Đây là lúc họ dành toàn thời gian để phụ giúp linh mục chăm sóc quán ăn có giá 2.000 đồng này càng lâu càng tốt, và điều đó cũng giúp cho vợ chồng tìm thấy được ý nghĩa yêu thương hy sinh phục vụ trong cuộc sống của mình.
Cứ như vậy, quán cơm màu xanh hy vọng giữa TP.HCM đầy yêu thương mỗi ngày vẫn tiếp đón hàng trăm lượt khách, san sẻ bữa ăn no và niềm hy vọng đến với những người khó khăn, bất hạnh…
Cao An Biên
Nhận xét
Đăng nhận xét