NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT: HẠNH PHÚC LÀ KHI ĐƯỢC GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC
Nữ sinh viên bị thủng lốp xe trên đèo Hải Vân, dắt bộ 3km dưới mưa và "lời cầu cứu" được đáp lại
Không quản ngại đêm hôm, mưa gió, hễ có người gọi cứu hộ xe máy, tai nạn giao thông thì biệt đội SOS Đà Nẵng lập tức có mặt. Khi nói về công việc của mình, các thành viên đều cười xòa: "Chuyện nhỏ thôi mà!".
"Miễn phí em ơi"
Đà Nẵng, trời cuối tháng 10 kéo dài những trận mưa đêm, hôm thì rả rích, hôm lại tầm tã không ngớt. 23 giờ khuya, trong cái lạnh tê tái ở phố biển, điện thoại của Đặng Ngọc Tiến (27 tuổi) - trưởng nhóm cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp - SOS Đà Nẵng lại reo. Đầu dây bên kia là giọng nói run run của một cô gái: "Anh ơi, cứu em với ! Xe em đang bị thủng lốp trên đỉnh đèo Hải Vân mà điện thoại lại sắp hết pin mất". Rồi, tút… tút… tút…
"Máy của bạn ấy bị sập nguồn rồi, anh em mình phải đến hỗ trợ ngay thôi", Tiến nói, rồi cùng 3 thành viên trong nhóm lập tức xách bộ đồ nghề lỉnh kỉnh lên đường.
SOS Đà Nẵng: Đội cứu hộ giao thông xuyên màn đêm
Sau khoảng 20 phút vượt gần 20 km trong đêm mưa gió, nhóm đã tìm được nữ sinh viên đang ngồi co ro bên chiếc xe xẹp lốp. Khoảng 15 phút sau, chiếc xe được vá xong. Cô gái mừng rỡ, cảm ơn rối rít, rồi mở ví lấy tiền trả công.
Thấy vậy, Tôn Thất Vũ (23 tuổi, thành viên SOS Đà Nẵng) xua tay từ chối, kèm theo nụ cười: "Miễn phí em ơi! Mai mốt em nói bạn bè có ai gặp sự cố gì đêm khuya thì cứ alô tụi anh giúp nhé".
Cảm kích trước hành động nghĩa hiệp của các chàng trai trẻ, bạn Nguyễn Thị Mỹ Duyên (22 tuổi, sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Em đang trên đường từ quê ở Huế vào lại Đà Nẵng để sáng mai đi học, khi qua đèo Hải Vân thì xe bất ngờ bị thủng lốp. Dắt bộ khoảng 3km dưới mưa mà vẫn không tìm được chỗ vá nên em lên mạng cầu cứu mọi người thì được giới thiệu nhóm SOS Đà Nẵng. Cũng may được các anh giúp đỡ kịp thời chứ không em cũng không biết phải làm sao".
Nhóm SOS Đà Nẵng giúp người đi đường bị hư xe tại đèo Hải Vân
Bất kể mưa gió, hễ có người cần giúp, các chàng trai SOS Đà Nẵng lập tức có mặt
Theo anh Đặng Ngọc Tiến, SOS Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 4/2019 với 6 thành viên có chung niềm đam mê du lịch bụi, thích khám phá những cung đường. Và trên những chuyến đi ấy, nhiều lần chứng kiến những trường hợp xe bị thủng lốp giữa đèo hay đêm khuya mà không có ai hỗ trợ. Từ đó, các chàng trai đã nảy ra ý định thành lập nhóm cứu hộ này.
Cứ thế, đều đặn từ 19 giờ tối hàng ngày, bất kể nắng mưa, nhóm bạn trẻ này lại rong ruổi khắp những tuyến đường để hỗ trợ người dân gặp chuyện chẳng lành và và tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Số đường của nhóm được nhiều người dân Đà Nẵng lưu vào máy và chia sẻ nhau để… phòng thân nếu chẳng may gặp sự cố trong đêm.
Nói về những khó khăn khi làm công việc "không công" này, các bạn trẻ trong nhóm đều cười trừ. Theo họ, khó khăn lớn nhất có lẽ là từ phía gia đình. Bởi, hầu hết các thành viên trong nhóm có hoàn cảnh không mấy khá giả, một số bạn lại là con trai một nên cha mẹ rất ái ngại khi thấy con mình đêm nào cũng vắng nhà. Thêm nữa, có nhiều trường hợp nhờ hỗ trợ, nhóm phải đi rất xa giữa đêm khuya, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đặng Ngọc Tiến - Trưởng nhóm SOS Đà Nẵng
Không chỉ tiếp nhận thông tin hỗ trợ thông qua đường dây nóng, để giảm thiểu các vụ thủng săm do đinh tặc, đội thường xuyên tổ chức dọn dẹp đinh trên một số tuyến đường "nóng". Những đêm "ế khách", các thành viên lại chia nhau đi tuần tra trên những tuyến đường vắng, nhằm hỗ trợ người dân khi gặp sự cố mà điện thoại họ lại hết pin,... Ngoài ra, trong túi đồ nghề của nhóm luôn có sẵn bông băng y tế, thuốc sát trùng để kịp thời sơ cứu khi gặp những trường hợp tai nạn.
"Chúng tôi luôn mong muốn công việc cứu hộ này bị ế khách, những chuyến xe trong đêm sẽ luôn được an toàn mà không cần phải nhờ sự cứu hộ của đội", Lê Nguyễn Hữu Tài (SN 1995, quê Thừa Thiên Huế), thành viên SOS Đà Nẵng tâm sự.
Nhận được sự giúp đỡ giữa đêm lại thấy công việc ý nghĩa, mấy hôm sau Lê Nguyễn Hữu Tài đã xin gia nhập nhóm SOS Đà Nẵng.
Gần 5 năm "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", có không ít những tình huống "khó đỡ" mà những "hiệp sĩ đường phố" này gặp phải khi giúp người dưng. Bởi, giữa đêm, ai ra đường cũng trong tâm trạng đề phòng, cảnh giác. Do đó, việc giúp người của nhóm SOS Đà Nẵng cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Điển hình là trong một lần 3 thành viên của nhóm đang băng bó vết thương cho người bị té xe trên đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê) thì bất ngờ nhận những cú đánh như "trời giáng". Hóa ra đó là người nhà của nạn nhân. Họ tưởng "ân nhân" là người gây tai nạn nên nhào vô "xử". Sau khi giải thích họ mới ngừng tay xin lỗi và cảm ơn.
Đặc biệt, hành động ý nghĩa của nhóm đã được lan tỏa, nhiều "khổ chủ" sau khi nhận được sự giúp đỡ cũng đã xin gia nhập và trở thành thành viên đầy nhiệt huyết của SOS Đà Nẵng. Đến nay, nhóm có 15 thành viên thường trực cùng một mạng lưới cộng tác viên dày đặc. Các thành viên chỉ trong độ tuổi từ 20 đến 30, ban ngày mỗi người đều có công việc mưu sinh riêng, nhưng tối đến họ lại tập hợp cùng nhau để giúp người khi hoạn nạn.
Từ 1 chàng trai cá tính mạnh và có phần "nổi loạn", giờ đây Tôn Thất Vũ đã trở thành thành viên của nhóm SOS Đà Nẵng và đang giúp đỡ được rất nhiều người
Trong nhóm SOS Đà Nẵng có những thành viên khá đặc biệt, như Tôn Thất Anh Vũ, từng là "người quen" của công an phường vì có nhiều "sự cố không hay". Thế nhưng, nhờ sự định hướng của các đồng chí công an, giờ đây ban ngày Vũ làm việc ở tiệm sửa xe, tối đến lại rong ruổi trên khắp nẻo đường để giúp đỡ người khác.
Hay trường hợp của Đặng Hữu Thắng (SN 2002, quê Quảng Nam), trong một lần đi chơi về khuya, xe bị hư giữa đường và được nhóm SOS Đà Nẵng giúp đỡ. Mến mộ tấm lòng hiệp nghĩa của các đàn anh, Thắng đã viết đơn xin gia nhập nhóm.
Ước ao có thêm chiếc xe cứu thương
Đến nay, Biệt đội SOS Đà Nẵng đã tròn 5 tuổi và đã có hàng ngàn trường hợp được nhóm hỗ trợ, giúp đỡ. Trên Facebook, nhóm công khai số điện thoại đường dây nóng cùng lời gửi gắm: "Hãy trả phí cho chúng tôi bằng nụ cười của bạn!".
Thời gian đầu hoạt động, mỗi đêm nhóm chỉ tiếp nhận 7-10 ca cứu hộ, nhưng dần dần nhiều người biết đến hơn, giờ đây có đêm cả nhóm phải chia nhau làm đến 20 trường hợp. Nhiều nhất là các trường hợp xe bị đinh xịt lốp không đi được, xe hết xăng, đứt dây côn... Ngày cao điểm, có khi đến tận 4 - 5 giờ sáng thì các thành viên mới được nghỉ tay.
Thành viên Đặng Hữu Thắng chia sẻ, động lực để SOS Đà Nẵng hoạt động chính là những lời cảm ơn, những nụ cười ấm áp của người bị nạn
Tuy vất vả là vậy, nhưng động lực thúc đẩy SOS Đà Nẵng tiếp tục trắng đêm dấn thân trên mọi nẻo đường chính là những lời cảm ơn, những nụ cười ấm áp của người bị nạn. "Dù lời cảm ơn chẳng thể đổi thành tiền, nhưng khiến mình vui và hạnh phúc vì đã giúp đỡ được nhiều người, làm những việc có ích cho xã hội", Thắng tâm sự.
Cảm kích trước sự giúp đỡ nhiệt tình của nhóm, nhiều người đã gửi tiền hỗ trợ xăng xe. Các thành viên quyết định lập một quỹ trên Facebook để công khai. Số tiền ấy, một phần nhóm dùng để mua dụng cụ, đồ đạc phục vụ công việc cứu hộ, phần còn lại để tổ chức các chương trình từ thiện, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Các thành viên trong nhóm SOS Đà Nẵng mỗi người một công việc, có bạn làm bảo vệ, người thì sửa xe, bán hàng, và cả sinh viên...
Dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ở họ đều có chung tinh thần tương trợ, yêu thương, giúp đỡ mọi người
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, tất cả thành viên đội đã chia nhau trực chốt chống dịch cùng lực lượng y tế. Đồng thời vận động được hơn 600 suất quà hỗ trợ khu cách ly, các gia đình có F0. Đặc biệt, giữa năm 2021, nhóm còn lập điểm sữa xe và thay nhớt miễn phí trên đèo Hải Vân để tiếp sức cho hàng trăm bà con từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch.
Mới đây nhất, giữa tháng 10 vừa qua, nhóm đã có mặt kịp thời để cùng lực lượng chức năng xuyên đêm giúp người dân tại các vùng bị ngập lụt ở Đà Nẵng sơ tán kịp thời.
Nhóm SOS Đà Nẵng xuyên đêm sữa xe miễn phí cho bà con từ các tỉnh phía Nam chạy xe máy về quê tránh dịch
SOS Đà Nẵng kịp thời có mặt tại các điểm ngập lụt ở Đà Nẵng để hỗ trợ người dân sơ tán
Ngoài ra, đội thường xuyên tổ chức nấu cơm từ thiện, phát quà, tặng xe đạp cho người nghèo và giúp đỡ bệnh nhân khó khăn. Nhóm cũng thường xuyên góp tiền và kêu gọi mọi người đóng góp thêm quần áo cũ, đồ dùng, gạo, bánh, sữa để hỗ trợ trẻ em vùng cao.
"Tất cả tiền hỗ trợ từ mạnh thường quân đều được công khai và sử dụng đúng mục đích. Tụi mình chưa từng lấy một đồng quỹ để dùng cho bản thân. Để duy trì lâu dài thì mình không dám chắc vì thiếu nhân lực và kinh phí hạn hẹp nhưng hễ ngày nào còn hoạt động thì SOS Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết mình. Hiện, nhóm đang ước ao có thêm chiếc xe cứu thương, bởi có trường hợp bị tai nạn mình không thể đưa nạn nhân bằng xe máy đến bệnh viện", Đội trưởng Đặng Ngọc Tiến, trải lòng.
Nhóm SOS Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện, tặng quà cho người khó khăn
Với những cống hiến lặng thầm cho cộng đồng, SOS Đà Nẵng đã nhận được nhiều cơ quan, tổ chức tặng giấy khen
Câu chuyện của chúng tôi còn dở dang thì điện thoại reo. 3 giờ sáng, trời về khuya lạnh dần, song không ngăn được bước chân hiệp nghĩa của các hiệp sĩ đường phố. Nhìn các chàng trai tuổi mới đôi mươi lại lao đi trong màn đêm mưa gió để giúp đỡ những người gặp nạn mới thấy việc làm của họ thật ý nghĩa.
Khương Mỹ
Nhận xét
Đăng nhận xét