NHỚ TRƯỜNG VĂN LANG (TÂN ĐỊNH, SÀI GÒN) XƯA
Tôi rất vui khi thấy trường cũ vẫn còn mang tên Văn Lang . Tên con đường nơi trường toạ lạc vẫn là Trần Quí Khoách . Trong khi đó các ngôi trường khác ở Sài Gòn hầu như đã đổi tên mới gần hết , hoặc biến thành những chung cư , cao ốc , khách sạn , nhà hàng …
Trường Trung Học Tư Thục Văn Lang
Xóm Chùa - Tân Định
(Tưởng nhớ ngày Thầy Hiệu Trưởng Ngô Duy Cầu mất 30- 04- 1975 - 30- 04- 2016)
Trần Đình Phước
Trước năm 1975, số trường Trung Học Công lập ở Sài gòn, Chợ Lớn và Gia định đếm chỉ vừa đếm đủ trên hai bàn tay . Học sinh muốn được vào học Đệ Thất các trường này phải trải qua một cuôc thi tuyển rất gian nan , vì sỉ số học sinh nhận vào rất giới hạn , trong khi đó số thí sinh tham dự cuộc thi tuyển thì rất đông . Đối với những trường có tiếng như Petrus Ký , Chu Văn An , Gia Long . Mỗi thí sinh muốn được trúng tuyển phải tranh đua với mười lăm đến hai chục thí sinh khác. Do đó , số học sinh bị loại rất nhiều. Các học sinh chẳng may thi rớt sẽ phải ghi tên học Đệ Thất ở các trường trung học tư thục , hay ghi tên học lớp Tiếp Liên để thi lại vào năm sau . Một trong những trường trung học tư thục tương đối lớn , có uy tín ở vùng Tân Định . Đó là Trường Văn Lang .
Từ ngã ba Hai Bà Trưng và Trần Quang Khải đi về phía chợ Đa Kao . Quẹo trái con đường đầu tiên là Nguyễn Hữu Cảnh. Bên tay phải sẽ gặp một chỗ chuyên mài dao , kéo , tông đơ hớt tóc . Bên cạnh là quán bánh cuốn Thanh Trì , chỉ bán vào buổi sáng . Bà chủ mới mất năm 2010, thượng thọ 96 tuổi . Các con bà vẫn tiếp tục sự nghiệp bánh cuốn . Có lẽ quán bánh cuốn Thanh Trì này đã tồn tại trên nửa thế kỷ tại vùng Tân Định ? Nhìn đối diện bên kia đường là Hãng Sáo Công Ty. Đi tiếp tục sẽ gặp đường Đặng Dung , rồi đến đường Đặng Tất thì gặp Trường Việt Nam Học Đường nằm ngay góc , số 38 do Thầy Phan Hiếu Kính làm Hiệu Trưởng .
Trường Trung Học Tư Thục Văn Lang nằm cạnh bên Trường Việt Nam Học Đường , số 51 Trần Quí Khoách , Quận 1 - Sài gòn. Đối diện là cư xá Kiến Ốc Cục Tân Định được xây lên dành riêng cho công chức.
Cần nhắc lại , vào khoảng năm 1954 - 1957 , trước khi Trường Văn Lang di chuyển về nơi đây thì Thầy Cầu đã thuê một cái đình nhỏ số 126 đường Nguyễn Cư Trinh và một căn nhà ở số 208 đường Cô Giang để thành lập Trường Văn Thanh và Văn Lang. Lúc đó gia đình Thầy cư ngụ ở số 32 đường Cô Bắc . Sau này số học sinh càng lúc càng đông hơn . Thầy Cầu nghĩ đã đến lúc cần phải phát triển thêm , nên mua một miếng đất trong xóm Chùa, Tân Định để xây dựng thành Trường Văn Lang .
Lúc đầu, nơi đây chỉ là những ao rau muống , bùn lầy và cây cỏ mọc um tùm. Các xe vận tải , xe ba bánh , và xe bò hàng ngày thường đem rác đến đây đổ . Trườnôg Văn Lang xem như bắt đầu trên nền đóng rác này . Khi mới thành lập thầy Cầu chỉ mở ít lớp, các lớp học rất sơ sài với mái tôn, vách ván . Rồi sau đó xây dựng dần dần để trở thành một ngôi trường bề thế , so với các trường tư thục khác trong vùng như: Đông Tây Học Đường , Huỳnh Khương Ninh , Huỳnh Thị Ngà , Nguyễn Công Trứ , Tân Thạnh , Tân Thịnh, Vạn Hạnh , Văn Hiến , Việt Nam Học Đường và Vương Gia Cần.
Trường chia ra làm hai cấp lớp : Trung học Đệ Nhất Cấp và Trung học Đệ Nhị Cấp do Thầy Ngô Duy Cầu làm chủ , kiêm Hiệu Trưởng . Cũng cần nói thêm trước đó Thầy Ngô Duy Cầu vừa mới xây xong một ngôi trường cũng mang tên Văn Lang ở gần hồ Halais , Hà Nội. Tuy nhiên, gia đình Thầy đã từ bỏ tất cả sản nghiệp để di cư vào miền Nam bắt đầu làm lại cuộc đời mới .
Khi trường mới thành lâp . Thầy Cầu đảm trách một vài lớp về Toán. Thầy nổi tiếng dạy môn Lượng Giác . Với dáng người ốm, cao , phục sức rất chỉnh tề nhì rất sang trọng . Thầy giảng dạy dễ hiểu, rõ ràng , nên học sinh rất thích . Về sau , vì phải lo toan nhiều thứ việc , nên Thầy không còn dạy nữa . Tất cả mọi việc điều hành Trường Văn Lang, Thầy đều giao hết cho Thầy Tổng Giám Thị thân tín là Lê Văn Tập, mà học sinh thường gọi với tên thân yêu là Bác Tập . Bác người miền Bắc , dáng hơi thấp , đeo kính cận thị, gọng nhựa màu đen. Nhà Bác Tập ở trong dãy phố mười căn , có ban kích động nhạc thần đồng CBC gồm ba thiếu nhi : Tùng Linh, Tùng Vân và Bích Loan, cũng kể thêm hai chị ruột là nữ ca sĩ Bích Ly và Bích Liên . Tất cả được hương dẫn bởi người anh cả tên Lân . Bên cạnh đó , trong xóm còn có ban nhạc kèn Bắc của Hội Bắc Việt Tương Tế mà hầu hết là anh em trong gia đình . Ban nhạc chuyên phục vụ các đám tang theo lối miền Bắc với các nhạc khí cổ truyền : đàn tỳ bà , đàn nhị, gáo , đàn tranh và có cả phần khóc mướn, nằm cáchtrường không bao xa !
Phải công nhận học sinh Trường Văn Lang khi ấy đều nể sợ Bác Tập hơn là sợ Thầy Hiệu Trưởng . Bác Tập đứng ra quán xuyến tất cả mọi chuyện . Từ việc xếp thời khoá biểu, mời các giáo sư cộng tác , cũng như mọi vấn đề linh tinh xảy ra hàng ngày trong trường . Thầy Cầu may mắn có người phụ tá giỏi , tín cẫn và rất cần mẫn . Dưới bác Tập có cô Bích , nhà cũng ở trong xóm Chùa. Cô Bích có nhiệm vụ chuyên lo về kế toán , làm sổ sách , ghi biên lai các học sinh đóng học phí mỗi tháng . Sau đó đến thầy giám thị Nguyễn Văn Hoàng , người gốc Tuy Hoà , nước da ngâm đen, tướng dong dỏng cao.
Thầy Hoàng được phân công phụ trách về điểm danh , kiểm soát trật tự , kỷ luật , và đôn đốc học sinh đóng học phí mỗi tháng đúng thời hạn . Có nghĩa là sau ngày 5 Tây là coi như đóng trễ. Lần đầu được gọi lên văn phòng nhắc nhở, lần thứ hai mời về nhà kêu cha mẹ đến, và lần thứ ba thì sẽ bị xoá tên không cho vào lớp nữa .
Về điện , nước , mở cửa, đóng cửa và tạp dịch vệ sinh trong trường được khoán hẳn cho bác Huân Già một mình chăm lo mọi việc . Gia đình bác Huân di cư theo Thầy Cầu từ Hà Nội vào . Thầy Cầu cấp cho gia đình bác một căn nhà nhỏ ở sát Trường Văn Lang , khi trường vừa sửa chữa xong .
Sau ngày 30 tháng 04, năm 1975. Trường Văn Lang bị chính quyền tịch thu . Rất may mắn , gia đình bác Huân vẫn còn được ở lại căn nhà này , vì lúc làm giấy tờ nhà và làm tờ khai gia đình căn nhà này hoàn toàn biệt lập , không dính dáng đến Trường Văn Lang . Tuy nhiên, gia đình bác Huân cũng rất khổ sở và khốn đốn dưới áp lực của chính quyền địa phương , cũng như phòng giáo dục Quận Nhứt . Hai bên đều muốn chiếm cho bằng được để làm trụ sở . Nhờ một phần hợp pháp về chủ quyền căn nhà và sự tranh đấu can trường của gia đình bác Huân , nên hai nơi kia đành phải chịu thua . Cuối cùng gia đình bác Huân được tiếp tục cư ngụ mà không còn bị gây khó khăn , cũng như bị sách nhiễu nữa ! Bác Huân đã mất , gia đình bác đã đi định cư ở nước ngoài, nên căn nhà đã có chủ khác dọn đến ở.
Trưòng Văn Lang nằm trong khu vực mà đa số là bà con lao động . Địa danh mang tên Xóm Chùa vì nơi đây có nhiều chùa. Nổi tiếng nhất là chùa Vạn Thọ , trước đây do Thượng Toạ Bửu Truyền trụ trì . Hiện nay chùa Vạn Thọ đã được xây dựng và trùng tu bề thế , vững chắc hơn. Cổng chùa nhìn ra phía bờ sông , trong sân chùa có nhiều cây Bồ Đề lâu năm và nhiều cây cảnh giá trị .
Hầu hết học sinh đều cư ngụ ở vùng Tân Định , Đa Kao và Phú Nhuận . Ngoài ra , cũng có một số học sinh từ các nơi như Gia Định , Gò Vấp , Bà Chiểu , Hóc Mộn , Thị Nghè , Chợ Lớn và có cả Thủ Đức cùng đến đây ghi tên học . Du đảng Xóm Chùa cũng nổi tiếng trong vùng, nhưng họ không gây ra những vụ trầm trọng . Lâu lâu cũng có những chuyện xô xát nhỏ vì những lý do bình thường như chọc gái , kênh qua , kênh lại, học sinh cư ngụ trong xóm Chùa kêu gọi băng đảng xóm mình đến dằn mặt bạn bè trong lớp để thị uy vì mâu thuẫn , hoặc đôi khi trấn lột học sinh lấy viết máy Pilot , Parker , hay lục túi lấy vài đồng mà cha mẹ cho đến trường ăn quà vặt.
Thành phần giáo sư cộng tác giảng dạy có thể nói toàn là những thầy giỏi và có uy tín ( không thấy cô giáo) . Trong số đó có các thầy đang dạy tại những trường trung học công lập nổi tiếng như: Chu Văn An , Pétrus Ký , Gia Long , Trưng Vương… Các giáo sư có thể kể tên : Thầy Võ Thế Hào - môn Toán , Thầy Vũ Văn Tiên - môn Lý, Thầy Nguyễn Văn Đĩnh , Trần Đình , Trương Đình Bân - môn Vạn Vật, Thầy Trương Đình Ngữ- môn Hoá , Thầy Trần Đức An - môn Triết , cùng các Thầy Hoàng Định , Bùi Đình Mạc , Đinh Công Hoạt , Hoàng Mai , Nguyễn Thế Thông , Lữ Hồ, Lương Duyên Trinh , Ngô Duy Trinh , Lâm Vị Thủy, ( Tác giả tập thơ Sao Em Không Về làm Chim Thành Phố) …
Phải nhắc thêm các giáo sư đến với Trường Văn Lang vào thuở đầu tiên : các Thầy Vũ Lai Chương - môn Hoá Học , Thầy Vũ Huy Chấn- môn Sử - Địa , Thầy Vũ Hoàng Chương ( tập thơ Say ) , Nghiêm Toản, Thanh Đạm , Bàng Bá Lân ( Tiếng Võng Đưa) - môn Việt Văn , Thầy Hoàng Cung , Vũ Đình Mẫn - môn Pháp Văn . Thầy Đinh Văn Lô , Phạm Vũ Đấu, Bùi Xuân Quyên , Nguyễn An , Nguyễn Khang - môn Anh Văn …
Trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài Một và Tú Tài Hai do Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức hàng năm . Học sinh trường Văn Lang thi đậu bao giờ cũng chiếm tỷ lệ khá cao so với các trường tư thục khác ở Sàigòn .
Niên khoá 1967- 1968 có một việc đau buồn xảy ra . Thầy Mạnh Hoàng , dáng người to , cao , râu quai nón. Mặt lúc nào cũng nghiêm nghị . Thầy dạy môn Lượng Giác lớp Đệ Nhị . Thầy đột ngột qua đời , khi đi nghỉ mát cuối tuần ở Vũng Tàu. Hầu hết các học sinh Đệ Nhị Cấp đều có mặt trong tang lễ tiễn đưaThầy lần cuối. Nhiều học sinh đã rơi lệ vì thương tiếc sự ra đi của Thầy . Ngoài việc dạy học ở trường . Thầy Mạnh Hoàng còn là một trong những Võ Sư nổi tiếng của môn phái Voviam .
Học sinh trường Văn Lang cũng thường xuyên tham gia các công tác cứu trợ và lạc quyên giúp bà con khi gặp thiên tai . Nhân dịp này các nữ sinh được tiếng là hoa khôi của các lớp Đệ Nhất A , Đệ Nhị A như: KN , KT , MH, ML , MT , BK, TA… đứng ra phụ trách cácthùng lạc quyên . Các nàng ôm thùng đến từng lớp kêu gọi học sinh trong trường nhịn ăn quà để giúp đỡ bà con bất hạnh . Các nam sinh rất xông xáo hưởng ứng . Nhiều anh xung phong, tình nguyện theo phụ giúp. Một số anh thường cúp cua đi xi nê cũng hăng hái tham gia . “ Có lẽ tuần đó các chàng tạm ngưng mọi nhu cầu giải trí để chứng tỏ lòng hào hiệp và hy vọng sẽ vớt vát được nhiều điểm đã bị mất từ trước?” Vì thường ngày các chàng này hay đứng chặn lối đi ở chân cầu thang vào giờ ra chơi để chọc phá các nữ sinh có nét duyên dáng , hoặc dữ dằn ngang tầm bà la sát như : vuốt tóc , sờ nhẹ lên đầu, ghép tên nhau , hay tay run run vịn vào vai. Rồi cùng nhau che miệng cười hô hố! Coi như đó là một chiến tích lẫy lừng của tuổi dậy thì?
Ngoài ra , cũng có khi vài anh đứng dàn hàng ngang xàng xê qua , xàng xê lại không cho các nữ sinh lên lầu ; hay chờ các nàng vừa bước lên lầu cùng la to tên các cô . Tội nghiệp nhất các cô có tên cha mẹ đặt dễ bị nói lái như Hương… Qua Đèo, Chín . . Bến Đò và tên của mùa Lá Rụng … Khi bị la tên mình lên thì sẽ đỏ mặt xấu hổ. Chỉ còn biết đứng khóc tại chỗ ! Việc này khiến nhiều nữ sinh vào giờ ra chơi chỉ quanh quẩn trong lớp , không dám xuống lầu để đi vệ sinh hay mua quà như: chùm ruột , cóc, ỗi , me , khoai mì chà bông, nước đá nhận xi rô …
Thầy giám thị Hoàng phải thường xuyên túc trực vào giờ ra chơi nơi cầu thang để duy trì kỷ luật . Ông ghi tên những học sinh vi phạm. Sau đó đương sự sẽ được mời lên gặp thầy Tổng giám thị Tập giải quyết . Nhẹ thì cảnh cáo. Nếu quá đáng thì cho tạm nghỉ một tuần . Còn tái phạm nhiều lần thì bị đuổi vĩnh viễn. Cuối cùng nhà trường phải ra thông cáo nghiêm ngặt : “ Cấm học sinhkhông được tụ tập ở cầu thang. Học sinh nào vi phạm sẽ bị kỷ luật . ”
Trường Văn Lang cũng có nhiều giọng ca tài tử , có nhiều học sinh tham gia thi tuyển lựa ca sĩ do Đài Phát Thanh Sàigòn tổ chức hàng tuần ở Rạp Quốc Thanh, sau này tổ chức ở Rạp Hưng Đạo. Có cả học sinh lọt được vào chung kết và thi biểu diễn xếp hạng . Tuy nhiên, con đường xướng ca của các ca sĩ tài tử này không mấy thành công .
Đặc biệt , Ca Sĩ Lan Ngọc cũng xuất thân từ trường này . Hiện gia đình cô đã định cư ở Hoa Kỳ và đang sống ở Nam Cali . Lúc còn ở Việt Nam . Cô là chủ một phòng trà nổi tiếng ở Sàigòn , nằm ngay góc đường Trương Định và Hiền Vương. Những ai muốn tìm về kỷ niệm xưa với những bài hát tiền chiến giá trị , những ca khúc sáng tác trước năm 1975 thường tìm đến đây dể thưởng thức . Ca Sĩ LNg vẫn còn chiếm được nhiều thiện cảm của người mộ điệu . Ngoài giọng ca thiên phú, cô còn có một cuộc sống rất đạo đức, một gia đình thật hạnh phúc và không bị mang tai tiếng như một vài đồng nghiệp cùng thời . Dù bây giờ đã trải qua gần nửa thế kỷ đi hát . Giọng ca của Ca Sĩ LN vẫn còn có chỗ đứng và không biết đến bao giờ sẽ dừng lại .
Gia đình thầy Ngô Duy Cầu cư ngụ tại số 48A , đường Đặng Dung , Quận 1- Sài gòn. Căn nhà có một lầu , rất khang trang . Bên trong trang trí đẹp với nhiều bức tranh giá trị và một số cổ vật xưa . Thầy Cô có tất cả sáu người con : bốn trai và hai gái . Hai con trai lớn tên Ngô Quôc Thắng và Ngô Duy Hiếu đi du học Hoa Kỳ vào năm 1969, tại The University of Michigan . Hai con trai còn lại là Ngô KhánhTrực và Ngô Duy Anh . Hai con gái là Ngô Thái Tiên và Ngô Anh Đào. Các con Thầy đều là những học sinh giỏi và chăm chỉ . Mặc dù là con của Thầy Hiệu Trưởng , nhưng tất cả rất khiêm nhường, dễ thương , không hống hách, không kênh kiệu và thường hay giúp đỡ bạn bè gặp những hoàn cảnh khó khăn . Căn nhà số 48 A Đặng Dung đã thay đổi qua nhiều chủ nhân . Hiện nay là Trung Tâm Nha Khoa mang tên Ngọc Nha , chuyên khám, chữa răng không đau .
Khoảng giữa tháng 04 , năm 1975 . Thầy lo cho vợ con di tản khỏi Việt Nam trước và may mắn tất cả ra đi thoát. Phần Thầy không may bị kẹt lại bất ngờ vào phút chót . Thầy đâm ra khủng hoảng và lo sợ. Thầy mất đúng vào ngày 30 tháng 04, năm 1975.
Thầy đã ra đi âm thầm , cô đơn và lặng lẽ . Tiễn đưa Thầy về cõi vĩnh hằng chỉ có vài người thân . Khi biết đuợc tin này. Tôi đã bàng hoàng và rất đau buồn , vì trước đó , tôi còn gặp và trò chuyện cùng Thầy ở Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam , số 17 Bến Chương Dương , Quận Một, Sàigòn .
Cuộc đời ! Đúng là Phù Du ! Sinh ly và Tử Biệt làm sao biết trước !
Xin được lắng đọng trong giây phút để tưởng nhớ đến Thầy Ngô Duy Cầu. Một người Thầy đạo đức, tận tụy mà học sinh rất kính trọng và thương quý .
Thời gian thấm thoát đã hơn bốn mươi năm ! Một đôi lần có dịp về Sàigòn . Tôi đã trở lại thăm ngôi trường thân yêu xưa , để tìm lại một chút kỷ niệm và hương vị của thuở học trò . Tôi rất vui khi thấy trường cũ vẫn còn mang tên Văn Lang . Tên con đường nơi trường toạ lạc vẫn là Trần Quí Khoách. Trong khi đó các ngôi trường khác ở Sài Gòn hầu như đã đổi tên mới gần hết , hoặc biến thành những chung cư , cao ốc , khách sạn , nhà hàng …
Tôi đã đi vào xóm Chùa. Hỏi thăm Thầy Tập, Cô Bích , và những giáo viên đã từng dạy, những học sinh đã từng học ở trường Văn Lang, nhưng không còn gặp ai !
Ở nơi phương xa nào đó . Xin Thầy hãy mỉm cười , vì đa số học sinh xuất thân từ ngôi trường Văn Lang thân yêu của Thầy đã thành công trong cuộc sống và đều có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội .
Xin được vài hàng tưởng nhớ đến Thầy Hiệu Trưởng Ngô Duy Cầu và các Thầy đã từng dạy ở trường Văn Lang nay đã đi xa . Ngoài ra , cũng xin được gửi đến các cựu học sinh của Trường Văn Lang trải qua nhiều thế hệ từ Hà Nội tới Sàigòn hình ảnh ngôi trường xưa của chúng ta. Hy vọng tất cả cùng tìm lại một chút kỷ niệm tuổi hoa niên của :
Thuở học trò thường buồn vu vơ .
Thức bao đêm làm thơ , rồi đợi chờ .
Hoa trắng len cài khung cửa nhỏ.
Ngỡ thầm là người thơ qua trong mơ .
( Bài hát Vọng Gác Đêm Sương - Nhạc Sĩ Mạnh Phát )
Trần Đình Phước ( San José , California - 04/2016 )
Comments
Cám ơn anh Trần Đình Phước , tôi cũng là cựu học sinh trường Văn Lang, bài viết chi tiết gợi nhớ thời trai trẻ mang nhiều lý tưởng , lần nửa cám ơn anh .
Cảm ơn anh đã có lời khích lệ . Thường học sinh các trường Tư Thục ít quyến luyến ngôi trường của minh so với các học sinh các trường Công Lập . . . Học sinh Văn Lang rất đông từ Hà Nội trước năm 1954 vô tới Sàigòn . Bài viết hy vọng các cựu học sinh Văn Lang nhớ lại ngôi trường Văn Lang thân yêu để tìm lại một chút kỷ niệm thuở học trò .
Chúc bình an đến bạn cùng gia dình .
Thân chào,
trầndìnhphuoc
Anh Phước còn nhớ : đã mang tiếng trong trời đất , phải có danh gì với núi sông, tôi còn giử những thông tín bạ và nhiều bãng danh dự ở nhà tôi . chúc anh Phước và gia đình an vui hạnh phúc . HSơn ( France ) .
Nhận xét
Đăng nhận xét