CÓ MỘT CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NHƯ THẾ Ở VLADIKAVKAZ
Nằm cách Thủ đô Moscow gần hai tiếng rưỡi giờ bay, sân bay Beslan, tại TP Vladikavkaz, thủ phủ Cộng hòa bắc Ossetia-Alania, thuộc Liên bang Nga (LB Nga) dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Sân bay nhỏ, cũng hao hao nhiều sân bay khác ở các tỉnh thành, nước cộng hòa thuộc LB Nga nằm dọc theo dãy núi Kavkaz với nhiều huyền thoại nổi tiếng.
Chờ chúng tôi ở sân bay là anh Tăng Văn Khả, một người đàn ông tốt bụng và giọng nói đậm chất đất võ Bình Định, dù anh đã đến Nga và ở lại xứ này hơn 30 năm qua. Anh bắt tay chúng tôi thật chặt và hồ hởi hỏi tuổi, hỏi tên. Những giây phút làm quen ban đầu trôi nhanh.
Sau chừng 25 phút chạy xe qua những cung đường thưa thớt hàng cây trơ cành lá vào một ngày mùa đông nước Nga, anh Khả giới thiệu: “Nhà anh đây rồi!” Mở cánh cửa sắt, bước vào sân nhà, bốn năm anh em ùa ra, người chào hỏi, người bắt tay, người bưng đỡ chân máy, chiếc valy… Chờ đợi đoàn phóng viên chúng tôi trong căn nhà ấm áp hôm ấy là các chị em, anh em đang tất bật hoàn tất những món ăn ngày Tết. Năm nay, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của người Việt Nam và năm mới cũ của người Nga vào đêm 13, rạng ngày 14-1, tương đối gần nhau, nên dường như Tết của bà con ta ở TP Vladikavkaz cũng đến sớm hơn.
Anh Tăng Văn Khả (thứ hai bên phải) và một số bà con cộng đồng người Việt.
Câu chuyện bên mâm cơm ấm cúng ngày cuối năm, kể về những quãng đời phiêu dạt khắp các phương trời của nhiều anh em bà con cộng đồng người Việt. Mỗi người đến nước Nga với những cơ duyên, hoàn cảnh khác nhau. Phiêu dạt qua nhiều phương trời ở xứ sở Bạch Dương. Đi qua bao vùng đất, hầu hết bà con ta đều bắt đầu với “nghề đi chợ”, buôn bán quần áo, làm may mặc… Chuyển đổi qua bao vùng đất, thành phố, rồi các anh chị phiêu dạt về vùng đất phương nam nước Nga và trụ lại ở TP Vladikavkaz này. Người nhiều đã bước qua thập kỷ thứ tư, người ít cũng đã ở đây hàng chục năm có lẻ.
Vladikavkaz vốn là thành phố mới, mở mang phát triển nhà cửa là nhu cầu tất yếu của người dân nơi này. Nắm được nhu cầu thực tế đó, cộng đồng người Việt ở đâya, người đi trước dìu dắt, bảo ban người đi sau, ngoài việc buôn bán quần áo ở chợ, bà con còn mạnh dạn bước sang làm nghề xây dựng và ít nhiều đã thành công.
Tính đến xuân Canh Tý 2020 này, cộng đồng người Việt ở TP Vladikavkaz còn lại hơn chục hộ gia đình với khoảng 50 người là những người buôn bán ở chợ và gần 100 anh em, chủ yếu là nam giới, làm công nhân xây dựng. Ở vào thời điểm trước khi nước Nga bị cấm vận, đời sống người dân khấm khá hơn, bà con người Việt ta dù bán hàng hay làm nghề xây dựng, sửa chữa nhà cửa, cũng đều có thu nhập tốt. Khi đó, số người Việt sinh sống ở Vladikavkaz có lúc cũng lên tới 2-3 nghìn người. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, nước Nga chịu lệnh cấm vận trừng phạt từ phương Tây, cuộc sống, cơ hội làm ăn không còn dễ dàng như trước. Nhiều người, phần vì những điều kiện khách quan kể trên, phần cũng đã tích lũy được chút vốn liếng và muốn đoàn tụ gia đình nên đã trở về quê hương. Những người ở lại đều có đủ giấy tờ cư trú hợp pháp, tạo thành một cộng đồng gần gũi, quan tâm nhau như anh em một nhà. Và điều quan trọng hơn, chính quyền sở tại cũng như người dân địa phương ở Vladikavkaz đều quý trọng và tạo điều kiện để người Việt Nam được sinh sống và làm ăn hợp pháp.
Tuy chưa thành lập Hội người Việt như nhiều địa phương khác ở nước Nga, song bà con ta ở Vladikavkaz rất gắn bó, đùm bọc nhau. Họ cùng gọi chung người đàn ông đất võ Bình Định Tăng Văn Khả là “anh cả”. Gọi bằng “anh cả” phần vì anh lớn tuổi nhất, song quan trọng hơn là anh luôn sẵn lòng giúp đỡ cộng đồng, tập hợp được bà con người Việt quây quần bên nhau. Mỗi khi Tết đến xuân về, hay những lúc tối lửa tắt đèn họ đều có nhau.
Cùng với cộng đồng, với những công việc hằng ngày, anh và bà con người Việt ở Vladikavkaz đã dành được sự tin quý, trân trọng của người dân địa phương. Còn gì vui hơn, tự hào hơn khi người Nga ở nơi đây nói về người Việt Nam mình bằng một câu ngắn gọn: “Người Việt các bạn thật tài giỏi”. Đó là nhận xét rất chân thành của ông Enbrus và vợ sống ở TP Vladikavkaz, nói về nhóm thợ xây đang sửa chữa nhà mình, do anh Nguyễn Văn Phấn, quê Nam Định, làm trưởng nhóm. Khi được hỏi cảm tưởng về những người đang sửa nhà cho mình, ông Enbrus khẳng định không chút do dự: “Người Việt Nam các bạn thật chịu khó, làm việc rất nhiệt tình, có kỹ thuật xây dựng, tiến độ hoàn thành công việc thì rất nhanh. Chúng tôi rất ưng ý. Họ đúng là những người thợ giỏi!”.
Đặt chân tới khu chợ của thành phố, qua quầy hàng nào, chúng tôi cũng bắt gặp những nét mặt vui tươi, những lời chào hỏi của người dân bản địa dành cho bạn bè Việt Nam của họ. Khác với nhiều khu chợ ở Nga mà người Việt trực tiếp bán hàng, ở Vladikavkaz, đa phần bà con đều thuê người bản địa đứng bán giúp. Cuộc sống vì thế cũng an nhàn hơn và hàng hóa bán cũng chạy hơn vì người bán và người mua cùng chung ngôn ngữ. Người Việt mình nhờ đó cũng có thể dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Chị Trần Thị Loan, quê Hà Tĩnh, vợ của anh Khả cho biết, chị đặt chân đến Vladikavkaz từ 30 năm trước và suốt 30 năm ấy chỉ có hai cái Tết chị được đón cùng gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, chị cho biết “Tết cổ truyền ở đây cũng như ở quê hương”. Bà con cộng đồng do đã thuê người bản địa bán hàng, nên cũng có điều kiện chiều 30 Tết tập trung làm bữa cơm tất niên thắp hương cúng tổ tiên, ngày mùng 1, mùng 2 cũng đi vòng các nhà trong cộng đồng để chúc Tết nhau. Trước thềm năm mới, cũng như tất cả bà con cộng đồng đi làm ăn xa xứ, chị Loan chia sẻ mong muốn “làm ăn sẽ khấm khá hơn, nước Nga hết bị cấm vận và cuộc sống thật yên bình”.
Gói bánh chưng - niềm vui lớn của các em bé chưa một lần được về quê đón Tết.
Sẽ là chưa đủ nếu chỉ nói về những gam màu sáng trong bức tranh cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Vladikavkaz. Phải thừa nhận rằng đâu đó vẫn còn phảng phất những mảng tối, những gam màu buồn. Hỏi thăm vợ chồng anh Lộc - chị Hồng, người Ninh Bình, làm nghề xây dựng và vợ bán hàng nước ở chợ, rằng anh chị có hay về Việt Nam không. Anh cho biết gần chục năm nay chưa về nhà, vì phải tiết kiệm lo cho tương lai. Cũng may hai cháu gái con anh chị giờ đã đi học phổ thông và đã biết làm “phiên dịch” cho bố mẹ, nên cuộc sống xa quê đỡ nhọc nhằn hơn. Hay như anh Điếm, người đàn ông miền biển Hải Phòng, rời quê nhà từ hơn 30 năm trước, đến nay, anh vẫn chưa thể lập gia đình và chưa một lần trở lại. Các anh cùng có chung nỗi niềm là chưa đủ điều kiện để trở về. Các anh chị cho biết, đời sống ở nước Nga hiện mỗi ngày mỗi khó khăn, nên chưa thật sự dư giả để đưa con cái về thăm quê hương ông bà.
Xếp hàng và cùng hô to "Chúc mừng năm mới" - chỉ như thế cũng là Tết.
Một buổi chiều cuối năm, tập trung ở nhà anh Lộc - chị Hồng là những bà con sống ở Vladikavkaz lâu năm, đó là vợ chồng anh Hải - chị Vân, người Quảng Bình, anh Thắng, chị Xuân, anh Thành, người Hà Tĩnh, chị Biển, chị Chăm, anh Xanh, anh Tiến, người Quảng Bình. Mỗi người mỗi quê hương, song ở xứ này, họ lại cùng nhau gói bánh chưng để thắp hương tổ tiên và sau nữa là để các con mình, vốn thiệt thòi chưa một lần được về quê ăn Tết, có ý niệm về ngày Tết cổ truyền nơi quê nhà.
Tâm sự trước thềm năm mới, người “anh cả” Tăng Văn Khả chia sẻ: “Dù đi đâu, làm gì, tôi cũng một lòng mong đến ngày được trở lại quê hương”. Đó là tâm nguyện của vợ chồng anh, cũng là tâm nguyện của rất nhiều người Việt nơi TP Vladikavkaz. Tâm nguyện ấy càng tha thiết hơn mỗi khi Tết đến xuân về.
Nhận xét
Đăng nhận xét