PHẠT CÁC "ĐỆ TỬ LƯU LINH" KHÔNG NGỜ CỨU NGUY ĐƯỢC NẠN TRA TẤN KARAOKE

Bớt nhậu, karaoke cũng giảm


Những lần sơ tán của chị An (28 tuổi, ở Tân Phú) và đứa con 3 tháng tuổi để trốn tiếng karaoke từ cuộc nhậu bên hàng xóm, đã chấm dứt từ hơn nửa tháng.

"Nếu không có Nghị định 100 chắc bây giờ tôi đã mắc bệnh trầm cảm", chị An nói. Một năm trước, hàng xóm xây một dãy phòng trọ cho thuê, những cuộc nhậu cũng từ đó xuất hiện. "Họ nhậu luôn kèm với hát karaoke. Chiếc loa kéo luôn vặn volume ở mức to nhất, đứng xa cả trăm mét vẫn dội vào tai", chị An nói.

Chai rượu, đĩa mồi và màn karaoke bằng loa kéo là thói quen của nhiều người. Ảnh chụp tại một xóm trọ tại quận 9, TP HCM lúc 17h ngày 18/1. Ảnh: Phan Diệp.

Chai rượu, đĩa mồi và màn karaoke bằng loa kéo là thói quen của nhiều người. Ảnh chụp tại một xóm trọ tại quận 9, TP HCM lúc 17h ngày 18/1. Ảnh: Phan Diệp.

Mỗi buổi chiều, mối lo thường trực của chị là hôm nay dãy trọ có chầu nhậu nào không bởi đứa con mới ba tháng tuổi của vợ chồng chị không chịu nổi âm thanh lớn. Những bữa nhậu bắt đầu từ 18h, tiếng hò hét càng lúc càng lớn. Khoảng 20h, khi cháu bé đến giờ ngủ cũng là lúc chiếc loa kéo hoạt động. "Tiếng loa, thỉnh thoảng lại có tiếng hét lớn khiến đứa nhỏ giật bắn mình, khóc ré lên", chị kể và cho biết đến giờ vẫn chưa hết căng thẳng.

"Nhắc họ lúc tỉnh táo thì họ hứa nhưng khi đã uống vào thì quên sạch", anh Tâm, chồng chị nói thêm. Vậy là hôm nào thấy hàng xóm xách bia, kéo loa về, vợ chồng chị bồng con ra ngoài ăn tối, đi dạo siêu thị đến 22h.

Hơn nửa tháng nay, tiếng loa hát karaoke đột nhiên biến mất. Con trai chị An đã có giấc ngủ ngon hơn, còn chị cũng thấy nhẹ đầu.

Ở trọ một mình nên thói quen rủ bạn bè đến nhậu, hát hò vào dịp cuối tuần đã thành thói quen của anh Trung, một công nhân xây dựng ở quận 9. Khoảng một tuần nay, anh không rủ được ai nhậu nữa vì mọi người đều sợ uống bia chạy xe về bị phạt. "Hai ngày trước tôi mua bia về uống rồi hát đúng ba bài. Chỉ có một mình nên cũng dẹp đi ngủ sớm", anh Trung chia sẻ.

Ông Tình, chủ một xưởng may tại quận Tân Phú ngồi tựa cửa than thở việc bạn bè không còn tụ tập mỗi cuối tuần. Thời điểm này năm ngoái, gia đình ông bắt đầu mở tiệc tất niên, ăn trưa xong sẽ hát karaoke đến tối nhưng năm nay rủ chẳng ai đến. "Mấy ông bạn bảo, đến nhậu lỡ bị phạt thì ‘mày trả tiền lại cho tao nha’. Nói vậy ai dám rủ?", ông Tình nói và nhìn sang dàn karaoke hơn 10 triệu mới sắm với vẻ tiếc nuối. "Không nhậu thì đâu có hứng mà hát nữa", ông thở dài.

Chiếc loa kéo túc trực bên ngoài một quán nhậu để sẵn sàng phục vụ. Ảnh: Phan Diệp.

Chiếc loa kéo "túc trực" bên ngoài một quán nhậu để sẵn sàng phục vụ. Ảnh: Phan Diệp.

Nằm lọt thỏm giữa hai quán nhậu trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức là căn nhà của ông Bảy, 65 tuổi. Nhiều năm đã quen với tiếng cụng ly, hò hét... nhưng âm thanh "tra tấn" ông nhiều nhất là tiếng hát karaoke. "Có người dù đã say mèm vẫn hát 4-5 bài liền. Phải chi hát hay thì còn đỡ", ông Bảy tặc lưỡi.

Thời gian gần đây, những cuộc trò chuyện của ông với gia đình cũng nhẹ nhàng hơn, không còn phải nói lớn sát tai như trước. "Không ngờ Luật về phòng chống tác hại rượu bia cũng phòng chống tác hại của karaoke", ông Bảy nói vui.

Chị Hà, chủ quán nhậu vỉa hè gần nhà ông Bảy cho biết, mấy bữa nay chẳng ai mặn mà với việc hát karaoke nữa, họ uống vài chai rồi về sớm. "Mấy mối ruột của tôi chục hôm nay chẳng thấy ghé", chị thở dài.

Tại phố bia Bùi Viện, quận 1, anh Thành chủ một chủ tiệm tranh cho biết: "Âm thanh từ việc hát karaoke bằng loa kéo 'không xi nhê gì' so với tiếng nhạc trong các quán nhậu, quán bar".

Hơn 20 năm sinh sống tại khu phố có những quán nhậu mở thâu đêm, anh Thành đã quen với đủ loại âm thanh "rót" vào tai. Cách đây hai năm, các quán bắt đầu học nhau bật nhạc lớn khiến anh phải dùng thuốc chống nhức đầu 2 tháng liền.

Phía trên tiệm tranh của anh là nơi sinh hoạt của gia đình, buổi tối luôn phải đóng kín cửa, con cái phải tranh thủ học bài vào ban ngày. "Đêm đến, nhạc nổi lên là cánh cửa rung bần bật thế này nè", lấy tay rung cánh cửa, anh làm ví dụ.

Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, anh Thành thấy đa số các quán vắng khách hẳn, nên nhạc cũng được bật nhỏ lại. Tuy nhiên, người dân vẫn thấy tiếng ồn ở khu này quá ngưỡng chịu đựng của họ. "Tôi thấy nghị định mới này có hiệu quả với việc ăn nhậu, nên làm luôn một nghị định mới về việc xử phạt ô nhiễm tiếng ồn thì dân mới bớt khổ", anh chia sẻ.


Dân mừng vì người nhậu 'hết đường quậy'

Sống chung với mùi nước tiểu, bãi nôn của dân nhậu trước cửa, nửa tháng nay cuộc sống của gia đình bà Bắc (Tạ Hiện, Hà Nội) được giải thoát.

"Nghị định 100 là ân nhân cứu vớt cuộc sống bị đày đọa của gia đình tôi", bà Bắc, một cán bộ công an về hưu nhà ở phố bia Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nói. Bị bao vây bởi các quán nhậu nên tuần nào nhà bà cũng vài lần chịu cảnh xú uế người say rượu nhả ra trước cửa nhà. "Không thể nói lý với người say, tôi chỉ còn cách đành âm thầm dọn", bà Bắc nói.

Chưa hết, mùi đồ ăn, tiếng ồn, tiếng chửi tục, xe máy, bàn ghế lấn chiếm lối đi... ở phố bia nổi tiếng nhất Hà thành cũng khiến nhiều nhà dân như bà ngộp thở. "Mỗi lần ở đầu phố có loa, đài quảng cáo bia, rượu là tôi phải đưa mẹ chồng 90 tuổi đến nhà bạn ở phố Minh Khai sơ tán. Cửa kính các phòng cũng rạn nứt vì tiếng ồn quá lớn", bà Bắc bức xúc.

Hai tuần nay, phố Tạ Hiện đã giảm nhiệt đáng kể, lối đi của nhà bà cũng không bị xe máy, bàn ghế chiếm dụng như trước, nhưng bà Bắc vẫn mong "có luật dẹp được mấy quán nhậu vỉa hè nữa thì tốt".

Cách đó hơn 100 mét, là căn hộ vát nằm lọt thỏm trên phố Mã Mây của gia đình anh Nguyễn Lân, 46 tuổi. "Nhà góc khuất nên khách uống bia hay chui vào đi tiểu tiện. Có đêm họ say, lao cái rầm vào cửa nhà mình", anh Lân nói.

Từ 1/1 đến nay, cuộc sống về đêm của gia đình anh Lân êm đềm hẳn. "Sáng ra mở cửa, không khí vào nhà cũng trong lành hơn. Nếu cứ duy trì được thế này thì tốt quá", anh nói.

Các quán nhậu bày sẵn bàn ghế, lấn chiếm vỉa hè đón khách tại phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong chiều tối ngày 13/1. Ảnh: Phạm Nga.

Các quán nhậu bày sẵn bàn ghế, lấn chiếm vỉa hè đón khách tại phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong chiều tối ngày 13/1. Ảnh: Phạm Nga.

Không biết nghị định 100 là gì, nhưng giấc ngủ của cháu nội 22 tháng tuổi sâu hơn là điều bà Bình, 60 tuổi, ở làng Cốm Vòng, Cầu Giấy cảm thấy rất rõ. "Mọi hôm, tôi vừa bê bát cơm lên thì nghe tiếng 'dô, dô' ở dưới, thằng cu lại tỉnh. Cứ phải ôm cháu trên tay cho nó đỡ giật mình", người phụ nữ quê Thanh Hóa kể.

Bà Bình ra thủ đô trông cháu từ hơn một năm nay. Phía dưới căn chung cư dành cho người thu nhập thấp bà ở là quán thịt trâu. Buổi trưa, dân nhậu ra vào như đi hội. Buổi tối là tiếng karaoke "hát cho nhau nghe" dội vào căn hộ hơn 50 m2 khiến mọi người trong nhà cảm thấy tức ngực dù đã đóng kín các cửa.

Sự kiên quyết của các lực lượng thực thi pháp luật khiến tiếng "dô, dô" thưa hẳn và âm lượng không lớn như trước. Chương trình karaoke của quán nhậu cũng không dai dẳng, say sưa đến gần nửa đêm. "Cũng may là mấy hôm nay tĩnh hơn, nếu không đầu tôi cũng bạc trắng hết rồi. Cố hết năm nay, thằng cu lớn, bố mẹ nó cho đi trẻ là tôi về quê", bà nói và nhìn sang đứa cháu nội đang ngủ say.

Một đêm cách đây hơn tháng, chị Thuý Dung, 30 tuổi, giáo viên tiểu học ở Hoàng Mai, Hà Nội được bố đẻ báo tin: "Chồng mày say, đang nằm ngoài đê đấy". Dù rất bực nhưng Dung vẫn phải gọi thêm cậu em trai đi cùng đón chồng. Hai người phải rất vất vả mới dìu được anh chồng về và trắng đêm thu dọn "chiến trường" nôn ói.

Đây không phải lần đầu tiên chị Dung phải đi tìm chồng kiểu vậy. Mỗi tháng, khoảng vài lần anh say khướt, phải nhờ bạn đèo về, hoặc tự đi rồi nằm vật đâu đó. Có người gọi vào máy báo tin, chị lại tất tả đi tìm.

Khi nghị định 100 ra đời, anh chồng chủ động tuyên bố bỏ thói quen say sưa ở ngoài vì lý do khi say sẽ bị taxi hoặc xe ôm "chặt chém", đồng thời "là công chức mà bị phạt vì rượu bia thì mất mặt". Gần nửa tháng này, chồng chị không có hơi men. Tình cảm gia đình ấm hẳn lên. "Phạt thế vẫn còn ít, phải tăng nữa thì các gia đình mới yên ổn được", chị Dung nói.

Tài xế Nguyễn Đình Sơn (45 tuổi, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị tạm giữ ôtô và xử phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng do vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đắc Thành.

Tài xế Nguyễn Đình Sơn (45 tuổi, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị tạm giữ ôtô và xử phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng do vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đắc Thành.

Ở TP HCM, ông Nguyễn Văn Thanh, hẻm 514, đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp đã hình thành thói quen rủ bạn bè trong hẻm ra ngồi đàm đạo - điều hơn chục ngày trước hiếm xảy ra.

Trước đây, cứ vài ngày, một nhà hàng xóm lại rủ bạn bè đến nhậu nhẹt và hát karaoke ầm ĩ. Chiếc loa kéo luôn vặn hết công suất, "tra tấn" hàng xóm từ chiều tới nửa đêm. "Khi đã say, những bài hát của họ trở nên kinh khủng hơn", ông Thanh rùng mình nhớ lại.

Theo nhiều người dân ở khu vực đường Hoàng Diệu 2, con đường tập trung nhiều quán ăn, quán nhậu của quận Thủ Đức, những quán đắt khách, thường thứ 7, chủ nhật phải đặt thêm bàn ghế ngồi lấn hết vỉa hè. Lượng xe máy vào quán quá tải nên ùn lại một góc đường.

Từ đầu năm, lượng khách nhậu giảm hơn 60%. Ông Trần Văn Châm nhà trong hẻm 127, đường Hoàng Diệu 2, cảm thấy thoải mái mỗi lần ra vào hẻm, bởi không còn tình trạng kẹt xe như trước nữa.

"Nghị định hay như thế sao không ban hành sớm hơn?", ông Châm nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?