TRUNG QUỐC HẮT HƠI, THẾ GIỚI CẢM LẠNH
Nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc ở một mức độ chưa từng thấy và sự bùng phát của virus Corona mới (nCoV) cho thấy cái giá phải trả cho sự phụ thuộc này.
Tình nguyện viên khử trùng một nhà ga xe lửa ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 4.2
Reuters
Hiện Trung Quốc chiếm tỷ trọng thương mại toàn cầu cao gấp đôi so với khi dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bùng phát năm 2002-2003, và ảnh hưởng của đất nước này sẽ tiếp tục gia tăng đối với nền kinh tế thế giới, theo tờ Asian Nikkei Review.
Nếu sản lượng của Trung Quốc giảm 10 tỉ USD thì sẽ làm giảm 6,7 tỉ USD sản lượng ở phần còn lại của thế giới, các chuyên gia kinh tế ước tính. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được dự báo sẽ chịu tác động đầu tiên trong các ngành công nghiệp ngoại vi và dây chuyền sản xuất trị giá khoảng 65 tỷ USD.
Hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục bị đình trệ vì nCoV. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu.
Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản đã phân tích số liệu của Ủy ban châu Âu và phát hiện sản lượng sản xuất của Trung Quốc giảm 10 tỉ USD sẽ làm giảm sản lượng các mặt hàng của Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc gần 300 triệu USD.
Công nhân làm việc tại một nhà máy lắp ráp của Hyundai Motor ở Asan, Hàn Quốc
Reuters
Bên cạnh đó, việc giảm nguồn cung từ Trung Quốc sẽ làm giảm khoảng 200 triệu USD các lô hàng sản phẩm hoàn thiện của Hàn Quốc. Hai tác động này đồng nghĩa nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại 500 triệu USD.
Tổng thiệt hại cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực bên ngoài Trung Quốc sẽ lên tới khoảng 6,7 tỉ USD, các chuyên gia dự báo.
Tác động có thể còn lớn hơn. Chẳng hạn, Hyundai Motor sản xuất 34.000 xe mỗi/tuần tại 3 nhà máy ở Hàn Quốc. Hyundai Motor sẽ ngừng hoạt động đến 11.2 do dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử bị gián đoạn ở Trung Quốc. Việc sản xuất có thể khởi động lại 12.2 nhưng có nguy cơ tiếp tục đình trệ tùy theo diễn biến tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán.
Một nhà phân tích tại một công ty tư vấn đầu tư Hàn Quốc cho rằng dừng sản xuất một tuần có thể khiến Hyundai thua lỗ 700 tỉ won (587 triệu USD).
Tại Đài Loan, TSMC, một nhà cung cấp chip lớn cho Apple, và Largean Precision, chuyên sản xuất ống kính máy ảnh, đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm. Mặc dù hai công ty này sản xuất linh kiện tại Đài Loan nhưng lại chịu tác động bởi Hon Hai Precision Industry of Taiwan (hay Foxconn) vốn sản xuất điện thoại iPhone cùng thiết bị khác tại nhà máy ở Trung Quốc đại lục.
“TSMC cùng một số công ty khác dự kiến sẽ giành chiến thắng lớn trong cuộc đua smartphone 5G, nhưng sự gián đoạn trong dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc đại lục có thể buộc họ phải cắt giảm các kế hoạch”, theo một nhà phân tích tại công ty đầu tư của Đài Loan.
Samsung Electronics của Hàn Quốc, cung cấp linh kiện cho Apple và Huawei, cũng không thể tránh khỏi tác động. Còn LG Electronics chứng kiến giá cổ phiếu giảm 7% kể từ cuối năm ngoái.
Các nền kinh tế tương đối nhỏ hơn so với Mỹ,Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không thể tránh khỏi hiệu ứng domino.
Nhà sản xuất ô tô Honda Motor tiết lộ sẽ trì hoãn việc khởi động lại hoạt động tại nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch nCoV. Toyota Motor cũng sẽ tiếp tục đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và những động thái này sẽ tác động đến các nhà sản xuất phụ tùng chính của Nhật Bản.
Còn Mỹ chứng kiến sự ảnh hưởng lớn từ việc ngừng sản xuất linh kiện ở Trung Quốc. Chẳng hạn, Apple phụ thuộc vào nguồn cung cấp các sản phẩm như điện thoại thông minh từ Trung Quốc nên việc ngừng sản xuất sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, làm giảm doanh số.
Trung Quốc hắt hơi, nhiều nước bị cảm lạnh
Tổ chức Trung tâm Thương mại Quốc tế ước tính Trung Quốc chiếm 12% tổng giao dịch thương mại trên toàn cầu, vượt qua Mỹ. Hồi năm 2003, Trung Quốc có tỷ lệ dưới 6%. Đài Loan, nhà cung cấp chính các linh kiện điện tử cho Trung Quốc, có giao dịch thương mại với đại lục chiếm 36% trên tổng số. Giao dịch thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc chiếm 28%.
Các chuyên gia trước đây thường nói khi Mỹ hắt hơi, Nhật Bản bị cảm lạnh. Tuy nhiên, tình hình hiện tại có thể thay đổi do tỷ lệ thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc là 22% và 15% với Mỹ. Ở Đức, một nhà xuất khẩu máy móc, tỷ lệ với Trung Quốc là 6%.
Những chiếc xe BMW ở cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 9.1
Reuters
Những quốc gia mới nổi đang lo ngại sự đảo chiều trong dòng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Số vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, không bao gồm đầu tư vào Hồng Kông và Macau, là 8,1 tỉ USD năm 2003. Con số này tăng vọt lên 870 tỷ USD năm 2018, gấp hơn 100 lần so với 15 năm trước.
Sự tăng trưởng trong đầu tư nước ngoài của Trung Quốc thể hiện rõ ở Đông Nam Á, với sự hiện diện của Trung Quốc mở rộng đáng kể từ năm 2003 tại Malaysia và Indonesia.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào diễn biến của virus Corona trong tương lai, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có thể mất đà và có thể gây ra sự đảo chiều trong dòng tiền Trung Quốc.
(Thanhnien.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét