BÀI HỌC CUỘC SỐNG
Câu chuyện thứ nhất: Vị khách đòi đổi chỗ
Trên một chuyến bay nọ, có một phụ nữ da trắng tầm 50 tuổi ngồi cạnh một người đàn ông da đen. Khó chịu vì chuyện này, bà ta liền gọi một nữ tiếp viên đến giải quyết vấn đề.
Nữ tiếp viên lịch sự hỏi người khách: "Có chuyện gì vậy, thưa bà?".
"Rõ ràng thế này mà, cô không nhìn thấy sao?", người phụ nữ trả lời một cách hách dịch, hất hàm sang người bên cạnh.
Cô tiếp viên tỏ ý không hiểu vấn đề. Vì thế, bà ta đã chỉ tay sang người đàn ông da đen bên cạnh, dõng dạc từng từ: "Cô xếp tôi ngồi cạnh một người đàn ông tới từ chủng tộc khác, đây là một sự sỉ nhục với tôi. Tôi không muốn ngồi cạnh anh ta. Cô hãy tìm một ghế khác đi".
Cô tiếp viên mỉm cười, quay đi tìm một ghế còn trống khác. Vài phút sau, cô quay lại và lịch sự nói với người phụ nữ: "Thưa bà, tôi đã đi hỏi cơ trưởng rồi, hạng phổ thông thì không còn ghế nào còn trống, hạng thương gia cũng như vậy, tuy nhiên, may mắn là hạng nhất vẫn còn một ghế còn trống".
Trước khi người phụ nữ kịp nói gì thêm, nữ tiếp viên lại tiếp tục: "Thông thường, hành khách ở hạng phổ thông sẽ không được đổi sang ghế của hạng nhất.
Thế nhưng, cơ trưởng của chúng tôi nói rằng, trong trường hợp này, việc bắt một người ngồi cạnh một vị khách gây khó chịu thì thật là bất công."
Sau đó, cô tiếp viên quay sang người đàn ông da đen và nói: "Nên thưa anh, nếu anh đồng ý thì xin mời anh mang theo hành lý xách tay lên ghế của khoang hạng nhất còn trống".
Đúng lúc đó, tất cả các hành khách khác vô cùng sững sờ trước những gì họ được chứng kiến nên lặng đi một vài giây, sau đó, họ đều đồng loạt đứng dậy và dành 1 tràng vỗ tay vang dội cho cách xử lý tuyệt vời của cô nữ tiếp viên.
Lời bình: Trong cuộc sống này, không thiếu những người luôn có tư tưởng phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp, và tự cho mình là cao quý và có quyền coi thường người khác.
Thế nhưng, giữa một thế giới hội nhập mà mọi ranh giới đang được xóa nhòa, và con người chỉ được đánh giá cao bởi tài năng và nhân phẩm, thì những suy nghĩ đó đã trở nên lỗi thời và cần phải được loại bỏ. Nếu cứ cố chấp với những tư tưởng lệch lạc đó, bạn sẽ tự biến mình thành những kẻ lố bịch và đáng bị coi thường.
Câu chuyện thứ hai: Chàng trai trên chuyến xe buýt
Một chàng trai ngoài 20 tuổi đi xe buýt cùng với bố của anh. Cứ một lát, anh lại reo lên khi nhìn ra ngoài cửa kính: "Bố ơi, những đám mây ngoài cửa sổ kìa, đẹp quá", hay "Những tòa nhà kia sao mà lớn thế? Nhà của ai thế hả bố?".
Người bố cũng hào hứng đáp lại phản ứng của cậu con trai, còn giới thiệu cho cậu những khái niệm về các công trình xung quanh.
Các hành khách xung quanh nghe vậy, một số thì bụm miệng cười, số khác thì nhìn họ giống như hai kẻ ngốc.
Sau đó, chàng trai lại reo hò và vỗ tay hoan hô trong khi xem phong cảnh bên ngoài. Lúc này, một vài hành khách xung quanh đã tỏ ra khó chịu và quay sang nhắc nhở người cha hãy để con chú ý đến lời nói và việc làm của mình.
Người cha đáp lại bằng những lời xin lỗi và sau đó nhẹ nhàng giải thích: "Con trai tôi bị mù từ nhỏ, đây là lần đầu tiên nó có thể nhìn thấy thế giới sau ca phẫu thuật, thế nên đã vô cùng phấn khích".
Các hành khách nghe xong, không ai nói gì, những người tỏ ra khó chịu hay khinh thường chàng trai giờ đây đều cúi mặt, tự xấu hổ vì sự nhỏ nhen và nông cạn của bản thân.
Lời bình: Có người nói rằng, chúng ta chỉ mất 2 năm đầu đời để học nói, nhưng lại mất cả đời để học cách im lặng. Đôi khi, không nói gì mới thể hiện trí tuệ, còn nếu nói mà không suy nghĩ thì chỉ khiến cho người khác bị tổn thương mà thôi.
Do đó, cẩn trọng với những lời nói ra, đặc biệt là những lời phán xét người khác là điều vô cùng cần thiết, mà người ta gọi là "Nghệ thuật của sự im lặng".
Ai cũng có những câu chuyện riêng của mình và nếu chỉ giao tiếp thông thường, bạn sẽ khó mà hiểu được câu chuyện cũng như cuộc đời họ. Vì thế, đừng bao giờ phán xét người khác, mà hãy dành cho họ sự tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu.
Theo Moral Stories
Nhận xét
Đăng nhận xét