SINH VIÊN GIÀ NHẤT THẾ GIỚI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ ông Giuseppe Paterno đã nếm trải đủ vị ngọt đắng của cuộc đời - một tuổi thơ nghèo khó, chiến tranh, và ngay bây giờ là đại dịch coronavirus. Cũng tại thời điểm này, ông cụ 96 tuổi đã “vượt vũ môn” để cầm được trong tay tấm bằng đại học, đồng thời ghi tên mình vào danh sách sinh viên tốt nghiệp đại học ở độ tuổi cao nhất nước Ý.
Mới đây, "anh chàng" cựu nhân viên đường ray xe lửa đã tự hào bước lên bục danh dự để nhận tấm bằng cử nhân của mình trong tiếng reo hò vỗ tay chúc mừng của gia đình, thầy cô, và cả những bạn đồng môn kém mình tới hơn 70 tuổi.
“Tân cử nhân” 96 tuổi đang hồi hộp chờ đợi giây phút được bước lên bục danh dự nhận bằng tốt nghiệp - Ảnh: Reuters |
“Tôi cũng chỉ là một người bình thường thôi mà, giống như bao người khác” - cụ ông hóm hỉnh trả lời khi được hỏi về cảm xúc của việc tốt nghiệp quá muộn như thế này. “Đúng là tuổi của tôi cao hơn tất cả những sinh viên khác cùng khóa. Nhưng tôi đâu có cố ý đi học muộn để được như vậy”.
Là người rất yêu thích đọc sách nhưng cụ ông Giuseppe Paterno lại không có cơ hội để ghi danh học đại học khi còn trẻ. Mãi đến năm 2017, ông mới quyết định theo học chuyên ngành mà mình yêu thích bởi “Nếu không học bây giờ thì đến bao giờ?”.
“Tôi hiểu rằng, đã là rất trễ để theo đuổi chương trình cử nhân 3 năm khi mà tôi đã hơn 90 tuổi. Nhưng tôi tự nhủ lòng mình rằng, hãy cứ thử xem sao. Mình làm được mà”.
Và rồi hôm nay, ông đã tốt nghiệp hạng ưu, được nhận những lời chúc mừng từ Hiệu trưởng trường đại học.
Giá sách đầy những quyển sách quý mà ông Paterno nâng niu gìn giữ - Ảnh: Reuters |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng Sicily phía Nam nước Ý vào những năm trước khi xảy ra sự kiện Đại khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu (từ năm 1929), cũng như bao cậu bé khác, Paterno chỉ học xong bậc tiểu học. Lớn lên, ông gia nhập quân đội và phục vụ trong quân ngũ suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ II trước khi phục viên và làm việc tại một hãng xe lửa. Sau đó, ông lập gia đình và có 2 người con.
Khi mà xã hội thời hậu chiến chỉ tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh thì công việc và gia đình là những ưu tiên hàng đầu lúc đó. Tuy nhiên, Paterno đã kịp tốt nghiệp trung học phổ thông ở tuổi 31 và vẫn không ngừng nuôi khao khát được học cao hơn.
“Kiến thức giống y như chiếc va-li mà tôi vẫn mang theo bên mình hàng ngày. Với tôi, nó là một kho báu vô giá”, ông nói.
Suốt thời gian làm sinh viên đại học, ông đã miệt mài viết các bài luận của mình bằng chiếc máy đánh chữ “cổ lỗ sĩ” mà mẹ ông đã tặng khi ông nghỉ hưu ở hãng xe lửa vào năm 1984. Ông không khoái sử dụng “giáo sư” Google để tìm kiếm tài liệu và thông tin phục vụ việc học. Thay vào đó, ông đắm mình vào những cuốn sách in tìm được trong thư viện. Tất nhiên ông cũng không hứng thú với các bữa tiệc thâu đêm suốt sáng vào những ngày cuối tuần như “bọn bạn học” tuổi 20 cùng lớp.
Chiếc máy đánh chữ, là quà tặng của mẹ ông khi ông nghỉ hưu ở hãng xe lửa đã trở thành trợ thủ đắc lực giúp ônghoàn thành các bài luận đại học của mình - Ảnh: Reuters |
“Ông là một tấm gương sáng cho các em sinh viên trẻ noi theo”, một giáo sư ngành Xã hội học thốt lên lời tán thưởng khi cụ Paterno xuất sắc vượt qua kỳ thi vấn đáp cuối khóa vào tháng Sáu vừa rồi.
Cụ Paterno thú nhận rằng bản thân có đôi chút không thoải mái khi phải học trực tuyến qua mạng trong những ngày vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, không vì những trở ngại ấy mà có thể cản trở việc học của ông.
Khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo sau khi tốt nghiệp đại học, cụ ông cho biết, kết thúc chương trình đại học không có nghĩa là đã kết thúc mọi thứ.
“Kế hoạch của tôi trong những ngày sắp tới là đọc và viết. Tôi muốn tìm đọc lại tất cả những quyển sách mà tôi chưa có cơ hội được đọc trước đây. Đó là mục tiêu lớn nhất của tôi”.
Công nghệ hiện đại không hề gây khó khăn cho sinh viên 96 tuổi này. Trong ảnh là ông Paterno đang dự một buổi học trực tuyến qua mạng được nhà trường tổ chức giữa thời điểm giãn cách xã hội - Ảnh: Reuters |
Trước cụ ông Paterno, thế giới cũng đã ghi nhận một số trường hợp tốt nghiệp bậc cử nhân, thạc sĩ, và thậm chí là tiến sĩ ở những độ tuổi “xưa nay hiếm” khác, như: cụ ông Leo Pass (ở Mỹ) nhận bằng cao đẳng năm 2011 lúc 99 tuổi, cụ bà Nola Ochs nhận bằng thạc sĩ lúc 98 tuổi. Thậm chí, cụ bà Syllm-Rapoport được trường đại học Hamburg (Đức) trao tấm bằng tiến sĩ khi bước sang tuổi 102.
Nguyễn Thuận (theo Reuters)
Nhận xét
Đăng nhận xét