HẦU NHƯ MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY SẼ BỎ RƠI UKRAINE

BIỆN PHÁP DUY NHẤT CỦA CÁC NƯỚC NATO CHỈ LÀ CẤM VẬN VÀ TIẾP NHẬN NGƯỜI TỴ NẠN Y NHƯ CÁC CUỘC CHIẾN KHÁC ĐÃ TỪNG DIỄN RA TRÊN THẾ GIỚI


Các lực lượng Nga cách Kiev 32km

Các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden thông tin với các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ trong cuộc họp vào khoảng 18h30 chiều 24.2, giờ ET rằng các lực lượng Nga đã vào lãnh thổ Ukraina thông qua Belarus và đang cách Kiev khoảng 32km. Các nguồn tin của CNN cũng thông tin thêm rằng, các lực lượng Nga khác tiến vào Ukraina từ Nga đang ở cách xa Kiev hơn một chút, nhưng cả 2 nhóm này đều hướng tới Kiev.

Mỹ sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Ukraina

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraina, mặc dù lập luận rằng phần lớn người Ukraina có thể sẽ muốn đến các nước Châu Âu láng giềng hơn. Bà Psaki tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang “làm việc với các nước Châu Âu về nhu cầu của họ là gì” và “nơi nào có khả năng” cho người tị nạn Bà Psaki lấy ví dụ Ba Lan - quốc gia Châu Âu đã tiếp nhận một lượng lớn người Ukraina trong 24 giờ qua. Nhiều người Ukraina đã rời Ukraina hôm 24.2, phần lớn dường như hướng về Ba Lan và các nước láng giềng khác.

Pháp "tăng tốc" triển khai quân đến Romania

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp đang tăng tốc triển khai quân đội để củng cố sườn phía đông của NATO ở Romania. Ông Macron nêu thông tin này sau cuộc gặp thượng đỉnh khẩn cấp với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu. Động thái này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của các đồng minh NATO nhằm củng cố sức mạnh của khối ở các nước thành viên phía đông, với hàng nghìn quân được huy động.

Ukraina nói thủ đô "bị tấn công bằng tên lửa"

Theo một cố vấn của chính phủ Ukraina, thủ đô Kiev đã bị tấn công bằng tên lửa vào sáng sớm hôm nay (25.2) theo giờ địa phương. "Các cuộc tấn công vào Kiev bằng tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo vẫn tiếp tục" - ông Anton Gerashchenko, cố vấn của người đứng đầu Bộ Nội vụ Ukraina, phát biểu với báo giới. Một nhóm phóng viên hiện trường của CNN báo cáo đã nghe thấy hai vụ nổ lớn ở trung tâm Kiev và một vụ nổ lớn thứ ba ở xa vào đầu ngày 25.2.

Xe quân sự trên đường phố Ukraina. Ảnh: AFP

Phương Tây do dự tung vũ khí trừng phạt mạnh nhất với Nga

SWIFT, vũ khí trừng phạt có thể khiến Nga e ngại nhất, vẫn chưa được phương Tây tung ra do bất đồng nội bộ. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và lãnh đạo EU hôm 24.2 đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân, thực thể tại Nga sau khi Mátxcơva phát động chiến dịch quân sự ở Donbass, miền đông Ukraina.

Các biện pháp trừng phạt của các nước G7 sẽ hạn chế khả năng kinh doanh bằng USD, bảng Anh hoặc yên của Nga. Tất cả tài sản của 5 ngân hàng hàng đầu Nga ở Mỹ sẽ bị đóng băng, cùng với những cá nhân "được hưởng lợi cá nhân" từ các chính sách của Điện Kremlin.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp đã nhất trí áp đặt trừng phạt đối với các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, qua đó mang lại "những hậu quả nghiêm trọng và to lớn" đối với Mátxcơva. Những biện pháp trừng phạt này bao trùm lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải, hàng hóa lưỡng dụng cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, danh sách bổ sung của các cá nhân Nga và các tiêu chí niêm yết mới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ áp đặt biện pháp phong tỏa tài sản với hơn 100 cá nhân và thực thể mới vào danh sách hàng trăm đối tượng đã công bố trước đây. Anh sẽ cắt đứt các ngân hàng Nga khỏi thị trường đồng bảng Anh và thanh toán bù trừ, trong khi Mỹ cũng sẽ có động thái tương tự đối với đồng USD. Ngoài ra, Anh cũng sẽ cấm hãng hàng không Aeroflot tại nước này.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không bao gồm việc cắt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do một số quốc gia Châu Âu phản đối. Hệ thống thanh toán tài chính liên ngân hàng toàn cầu SWIFT được coi như một "biện pháp trừng phạt hạt nhân" có tác động mạnh nhất với Nga. Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, các tổ chức tài chính trên thế giới gần như không thể gửi tiền hoặc rút tiền khỏi nước này, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với những bên mua dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga bằng USD. Tuy nhiên, Anh đã cố gắng thuyết phục các đồng minh của mình loại Nga khỏi SWIFT. “Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi nền kinh tế của Nga bị suy thoái và chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina được khôi phục” - Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden chỉ ra rằng chính quyền của ông sẽ không thực hiện các bước tương tự như Vương quốc Anh, nói rằng các biện pháp trừng phạt mà ông đã vạch ra có thể gây ra "hậu quả lớn hơn" bất kỳ hành động nào đối với mạng thanh toán toàn cầu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phản đối việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, cho rằng biện pháp này không nên là một phần của gói trừng phạt thứ hai mà EU dự kiến thảo luận ở Brussels.

Tổng thống Zelensky nói Ukraina "bị bỏ rơi"

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói Ukraina đang phải một mình chống đỡ Nga trong khi NATO "sợ" đưa ra bất kỳ đảm bảo nào cho Kiev. Cáo buộc phương Tây để Ukraina một mình đối mặt với Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông không ngại đàm phán về việc chấm dứt cuộc tấn công của của Nga, nhưng sẽ cần đảm bảo an ninh để làm như vậy. Phát biểu vào đầu giờ sáng ngày 25.2 từ Kiev, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã liên hệ với các "đối tác" ở phương Tây để nói với họ rằng số phận của Ukraina đang bị đe dọa. "Tôi đã hỏi họ - các vị có hỗ trợ chúng tôi không? Họ trả lời rằng họ có, nhưng họ không muốn đưa chúng tôi vào liên minh. Tôi đã hỏi 27 nhà lãnh đạo của Châu Âu, liệu Ukraina có gia nhập NATO hay không, tôi đã hỏi trực tiếp họ - tất cả đều lo sợ và không trả lời” - ông Zelensky nói. “Chúng tôi đã bị bỏ lại một mình. Ai đã sẵn sàng ra trận vì chúng tôi? Thành thật mà nói, tôi không thấy ai cả. Ai sẵn sàng cung cấp cho Ukraina sự đảm bảo về tư cách thành viên NATO? Thành thật mà nói, mọi người đều sợ hãi” - Tổng thống Ukraina nói thêm. Nga đã đưa quân vào Ukraina hôm 24.2 sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa” Ukraina. Mátxcơva kể từ đó đã nói với Kiev rằng họ sẽ cân nhắc đàm phán với chính phủ của Tổng thống Zelensky nếu họ đồng ý thảo luận về quy chế trung lập trung lập của Ukraina cùng những điều khác. Trong một bài phát biểu hôm 25.2, Tổng thống Zelensky nói ông sẵn sàng thảo luận về tình trạng trung lập tiềm năng của Ukraina, nhưng nhấn mạnh rằng đất nước của ông cần sự bảo đảm của bên thứ ba. “Chúng tôi không sợ Nga, chúng tôi không ngại đối thoại với Nga, nói về mọi thứ: Đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi và một địa vị trung lập. Nhưng hiện tại chúng ta không thuộc NATO - chúng tôi sẽ có những đảm bảo an ninh nào? Những quốc gia nào sẽ cung cấp cho chúng tôi?” - ông Zelensky cho biết, trước khi nói thêm rằng nên có các cuộc đàm phán có thể chấm dứt cuộc tấn công quân sự của Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 24.2, “tình trạng trung lập và việc từ chối sở hữu các hệ thống vũ khí tấn công” là “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Putin đối với Ukraina và giờ đây quả bóng đã nằm ở sân của Kiev.

Nga giành quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Chernobyl

Các lực lượng Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - Văn phòng Tổng thống Ukraina cho biết hôm 24.2.

“Sau một trận chiến khốc liệt, chúng tôi đã mất quyền kiểm soát Chernobyl. Hiện chưa rõ tình trạng cơ sở vật chất của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, kho lưu trữ và kho chứa chất thải hạt nhân” - Mikhail Podolyak, trợ lý của người đứng đầu văn phòng tổng thống, nói với hãng thông tấn Ukraina UNIAN tối 24.2.

Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi Kiev cho biết giao tranh diễn ra dữ dội tại địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986.

Vị trí nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Đồ hoạ: CNN

Quân đội tràn ngập nhà máy trong ngày đầu tiên Nga tấn công Ukraina - người phát ngôn của Cơ quan Nhà nước Ukraina về Quản lý Khu vực Nguy hiểm (Exclusion Zone), bà Yevgeniya Kuznetsovа, nói với CNN.

"Khi tôi đến văn phòng vào buổi sáng hôm nay ở Kiev, hóa ra ban quản lý nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã rời đi. Vì vậy, không có ai để đưa ra chỉ thị hoặc bảo vệ" - bà Kuznetsovа nói.

Trước đó, trong ngày 24.2, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng các lực lượng Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân.

"Lực lượng của Nga đang cố gắng chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Những người bảo vệ của chúng tôi đang hy sinh mạng sống của họ để thảm kịch năm 1986 sẽ không lặp lại. Đây là một lời tuyên chiến chống lại toàn bộ Châu Âu" - Tổng thống Zelensky viết trên Twitter.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?