NÊN XƯNG HÔ NHƯ THẾ NÀO GIỮA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH CHO HỢP LÝ
Không gọi học sinh là "con", sao ở công sở vẫn xưng hô "chú
Xung quanh chủ đề đang gặp nhiều tranh cãi Giáo viên không được gọi học sinh là "con", thì còn một kiểu xưng hô còn chưa thống nhất được đó là tại công sở có nên xưng hô “chú - cháu”, “bác - cháu”?
Cần có chuẩn mực trong cách xưng hô tại nơi làm việc. Ảnh minh hoạ
Cho đến nay, vẫn chưa có quy chuẩn nào mang tính bắt buộc nơi công sở vì thế, trong cùng một nơi làm việc dễ dàng bắt gặp kiểu xưng hô “như trong gia đình” như “chú - cháu”, “bác - cháu”. Thậm chí còn có kiểu xưng giữa nhân viên và sếp kiểu “bác - con” như “bác ký cho con công văn này”, “thưa chú, con vừa đi công tác về”…
Đây đã từng là vấn đề gây tranh cãi. Xưng hô thế nào cho đúng? Có ý kiến cho rằng cách xưng hô “gia đình hóa” giúp đồng nghiệp nhanh chóng gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng có người cho rằng, “chú chú – cháu cháu” nơi công sở tiêu diệt tính độc lập của con người khi nêu ý kiến, triệt tiêu sự tranh luận, đối thoại.
Chuyên gia ngôn ngữ Phạm Văn Tình từng phân tích rằng: Hệ thống từ ngữ xưng hô của Việt Nam tương đối phức tạp như vậy đã chi phối cách xưng hô chung trong xã hội. Bởi người Việt lấy chuẩn về mặt gia đình, tuổi tác để lựa chọn từ ngữ xưng hô như: chú, bác, anh, cô...
Ngay cả giao tiếp nơi công sở, nếu người giao tiếp không lấy “tiêu chuẩn tuổi tác, gia đình” để xưng hô thì dễ bị cho là không hòa nhập, xách mé, hỗn hào... Ví dụ, khi đến cơ quan công quyền, nói chuyện với cán bộ hơn mình nhiều tuổi mà xưng hô “ông ông – tôi tôi” dễ bị coi là hỗn hào, công việc khó thuận lợi.
Chuyên gia Phạm Văn Tình cho rằng, nên xưng hô chuẩn theo xã giao (bỏ yếu tố gia tộc hóa) nhưng phải có quá trình và sự đồng thuận chung của mọi người. Trong công sở có xu hướng xưng hô “anh – em”. Quan sát có thể thấy, những người chênh lệch nhau nhiều tuổi vẫn gọi nhau là “anh- em”, “chị - em”. Đây là xu hướng tốt, đơn giản hóa xưng hô và tạo ra các cặp từ xưng hô thoáng đạt, tạo điều kiện cho người tham gia giao tiếp thoải mái hơn.
Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy khi khoảng cách về tuổi quá lớn. Chẳng hạn, một sinh viên mới ra trường và một người sắp về hưu thì phải xưng hô thế nào cho đúng? Liệu xưng hô “anh - em”, “anh - tôi” có đúng khi người này còn lớn tuổi hơn cả bố mẹ người kia?
Đã có một giai đoạn, cách xưng hô dùng ngôi thứ nhất là “tôi”, ngôi thứ hai là “đồng chí” khá phổ biến và được áp dụng trong hầu hết cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên cách gọi này, với bối cảnh hiện nay đã ít nhiều không còn phù hợp.
Theo các nhà ngôn ngữ, cách xưng hô “anh - tôi” vẫn là tốt nhất. Chữ “tôi” rất quan trọng. Đây là đại từ khẳng định rõ chức vụ, vị trí và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Xưng hô thế nào, ở đâu cần phải có một bộ quy tắc mang tính chuẩn mực. Không thể ở trường các thầy cô giáo không được gọi học sinh là “con” nhưng ở công sở vẫn còn chuyện “chú bác” theo kiểu gia đình, nhất là ở những cơ quan công vụ - nơi thực thi pháp luật, thực thi quy định của Nhà nước.
Mỹ Linh
Nhận xét
Đăng nhận xét