NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ: NHỮNG CÂU CHUYỆN BÍ MẬT CỦA TÙ BINH PHI CÔNG MỸ TRONG CHIẾN TRANH VN

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (1973 – 2023): Tù binh phi công Mỹ ở "hỏa lò" và những bí mật cần giải mã (Kỳ 1)

Lời Tác giả: Tháng 11/2021, tôi đã giới thiệu với các bạn tư liệu “Sự thật vụ tập kích Sơn Tây 1970”, với những minh họa ảnh màu, gắn liền với sự kiện được nêu trong tác phẩm.

Theo yêu cầu của nhiều bà con làng FB chưa có điều kiện mua sách, nay xin trích giới thiệu thêm một số kỳ về đời sống của tù binh Phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhân tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ năm 1973: Sau khi bị bắn rơi và bị bắt, họ bị giam giữ ở những đâu, điều kiện ăn ở và sinh hoạt ra sao? Và sau khi Hiệp định Paris được ký kết, họ được trao trả về nước như thế nào?...

tu-binh-my-1641533429.jpg

Trước hết, xin được giới thiệu đôi nét về Trại giam Hỏa Lò (tù binh Mỹ gọi hài hước là “Khách sạn Hilton Hà Nội”). Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng chục năm liên tục, Nhà tù Hỏa Lò được coi là một trong những địa chỉ được bảo vệ nghiêm ngặt và bí mật nhất ở Hà Nội. Lý do thật đơn giản: Đó là nơi đã từng giam giữ hàng trăm Phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam.

Đến bây giờ thì điều bí mật trên không còn nữa. Nhưng không phải ai cũng hiểu được “sự thật đằng sau bức tường đá” một thời. Ví dụ: Cơ cấu tổ chức của trại Tù binh Phi công Mỹ Hỏa Lò hồi ấy như thế nào? Có phải tù binh Phi công Mỹ tại Hỏa Lò được ăn uống theo chế độ “đặc táo”? Họ được tạo điều kiện chơi thể thao, thưởng thức văn nghệ, tham quan danh lam thắng cảnh của Thủ đô ra sao? Những tù binh Mỹ nào đã được mời tham gia đóng phim cho Việt Nam? Và cả chuyện một nữ tù binh duy nhất với bức thư “xin nuôi mèo”?...

Trong thiên ký sự “Sự thật về vụ tập kích cứu Phi công Mỹ tại Sơn Tây”, chúng tôi đã giới thiệu với bạn đọc một phần về nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù này nằm ngay trung tâm Thành phố Hà Nội, được xây dựng từ năm 1896. Người Pháp cho xây dựng nhà tù này nhằm giam giữ những người đấu tranh chống chế độ thực dân.

Theo một tài liệu còn lưu trữ tại đây cho biết: Nhà tù Hỏa Lò vốn có tên là Đề lao Trung ương (Maison Centrale), nhưng do được xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ), một làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung, vì thế làng còn có tên là Hỏa Lò và nhà tù ở đây cũng được gọi là nhà tù Hỏa Lò.

Các nhà tù khác thường biệt lập với khu dân cư, riêng Hỏa Lò nằm tại trung tâm Hà Nội, thủ phủ của chính quyền thực dân khi đó. Bên cạnh nhà tù là tòa đại hình và sở mật thám, tạo thành thế chân kiềng, sẵn sàng đàn áp phong trào Cách mạng của nhân dân ta.

Hỏa Lò là một trong những công trình kiên cố vào loại bậc nhất Đông Dương mà người Pháp đã xây dựng nên. Bao quanh nhà tù là bức tường bằng đá, bê tông cốt thép cao 4 mét, dày 0,5m, được gia cố bởi hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua, bốn góc là những tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam. Riêng hệ thống cửa sắt và khóa phòng giam đã được mang từ Pháp sang.

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, trong đó có các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười...

Tổng diện tích của Hỏa Lò (cũ) rộng gần 13.000 mét vuông, từ trên cao nhìn xuống khu đất này có hình thang, với hai góc vuông (một cạnh của “hình thang” ấy là đường Thợ Nhuộm, cạnh kia là đường Hai Bà Trưng; “đáy nhỏ” của “hình thang” ấy là đường Quán Sứ, còn “đáy lớn” là phố Hỏa Lò).

Nếu đi ngoài các đường phố quan sát, thì du khách chỉ thấy toàn bộ nhà tù Hỏa Lò được bao quanh bởi một bức tường đá, bê tông cốt thép dày và cao. Ngày nay, di tích nhà thù Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ bằng 1/5 diện tích cũ nằm giáp với phố Hoả Lò, phần lớn đã bị phá đi để nhường chỗ cho việc xây dựng một tòa tháp có tên tiếng Anh là Hanoi Towers.

Cũng bởi sự kiên cố của nhà tù Hỏa Lò và vị trí của nó nằm ngay giữ lòng Thủ đô Hà Nội, nên trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, Hỏa Lò được sử dụng để giam giữ hàng trăm tù binh Phi công Mỹ đã bị lực lượng phòng không ta bắn rơi và bắt sống. Thời đó, các Phi công Mỹ đã gọi Hỏa Lò bằng những cái tên hài hước là “Khách sạn Hilton Hà Nội” hoặc “Khách sạn Vỡ tim”.

Theo Đại tá Trần Trọng Duyệt (hiện trú tại Khu tập thể Đoàn 6 Hải quân, Cầu Rào, Hải Phòng), nguyên Trại trưởng cuối cùng của Trại tù binh Hỏa Lò - người được chứng kiến những ngày toàn bộ tù binh được ta trao trả cho phía Mỹ theo hiệp định Paris - nhớ lại, thì trong thời gian chiến tranh, tại Hà Nội, tù binh Phi công Mỹ được giam giữ chủ yếu ở ba địa điểm chính: một là khu vực Fafim đường Nguyễn Trãi bây giờ (tiếng lóng của tù binh Phi công Mỹ gọi địa điểm này là “Sở Thú”); hai là, số nhà 17 phố Lý Nam Đế (Phi công Mỹ gọi là “Đồn Điền”); và ba là Hỏa Lò (còn được tù binh Mỹ gọi hài hước là “Khách sạn Hilton”, hay “Khách sạn Vỡ Tim”), nơi thường xuyên có đông tù binh Phi công Mỹ “tá túc” nhất. Sau vụ đột kích bằng đường không của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, hòng giải cứu cho số tù binh bị giam giữ ở trại Sơn Tây bất thành, các tù binh Mỹ đang giam giữ ở nhiều nơi đã được ta đưa cả về Hỏa Lò, làm cho số lượng càng tăng lên, khiến cho một số phòng giam gần như “quá tải”.

Về cơ cấu tổ chức của trại tù binh Hỏa Lò: Tổng cộng cán bộ chiến sĩ ta chỉ có khoảng 60 người. Trong đó, có một Tổ Quản giáo kiêm Phiên dịch (từ 5 đến 7 cán bộ); một Tổ Bảo vệ chuyên làm nhiệm vụ dẫn giải tù binh đi làm việc và phục vụ sinh hoạt; hai Tiểu đội Hậu cần - Cấp dưỡng được chia làm 2 bộ phận: một bộ phận phục vụ cho ta, còn bộ phận kia (có quản lý riêng) chuyên phục vụ tù binh Mỹ; một Trung đội Cảnh vệ gác vòng ngoài (khoảng 20 đến 25 người)...

Đó là chưa tính các đơn vị phối hợp. Ví dụ: Để đề phòng đối phương có thể đột kích bằng đường không giải thoát tù binh, chúng ta đã bố trí một lực lượng phòng không dày đặc trên các tòa nhà cao tầng xung quanh khu vực Hỏa Lò, sẵn sàng bắn hạ máy bay bay thấp và máy bay trực thăng cứu hộ.

Ngoài ra, còn có những đơn vị bộ binh, Công an vũ trang, thậm chí có cả xe tăng, thiết giáp luôn sẵn sàng chiến đấu cao, nếu phía Mỹ dám liều lĩnh như với trại tù binh Sơn Tây năm 1970…

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 2): tù binh mỹ tại hỏa lò đã được ăn ở và vui chơi giải trí như thế nào?

Cựu Trại trưởng Tù binh Hỏa Lò, Đại tá Trần Trọng Duyệt (hiện sống tại Hải Phòng) đã khẳng định: Có lẽ trên thế giới này không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở Việt Nam. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có hàng nghìn năm của dân tộc ta. Các tù binh chẳng những được ăn tốt, mà còn được chăm sóc sức khỏe (cả vật chất và tinh thần) rất chu đáo trong điều kiện thời chiến cho phép.

Ông Duyệt nhớ lại: Hồi ấy, tù binh Phi công Mỹ đã được phía ta chăm sóc với một chế độ ăn uống rất đặc biệt: Buổi sáng, họ thường được ăn bánh mỳ với sữa hoặc đường (những thứ hàng xa xỉ mà thời ấy, những người Việt Nam bình thường chỉ những khi ốm đau mới được biếu và bồi dưỡng). Bữa trưa và chiều, suất ăn của họ là bánh mỳ kẹp trứng rán, hoặc thịt và một bát súp thịt hầm với khoai tây, hoặc rau các loại. Những người nghiện thuốc lá, mỗi ngày còn được phát 3 điếu Tam Đảo bao bạc (thứ thuốc lá không có đầu lọc, nhưng rất quý hiếm, do miền Bắc sản xuất hồi đó).

nu-tu-binh-1641605654.png
Ảnh do tác giả chọn lọc

Những ngày lễ, ngày Tết (của cả Việt Nam và Mỹ), tù binh còn được cho ăn tươi đặc biệt hơn. Ngoài việc gói bánh chưng, cuốn nem rán, bộ phận hậu cần của trại thường mang giấy giới thiệu đi về tận Hà Bắc, hoặc Sơn Tây để mua gà tây về quay, chế biến món cơm rang thập cẩm (cơm có cả thịt, trứng và rau), uống với bia Trúc Bạch - thứ đồ uống mà tù binh Mỹ rất thích - ăn xong thường có hoa quả và bánh kẹo.

Để bạn đọc dễ hình dung và so sánh, chúng tôi xin được nêu ví dụ cụ thể về chế độ và suất ăn như sau: hồi đó bộ đội ta thường có 3 chế độ ăn cơ bản:

- Đại táo: Áp dụng cho tất cả cán bộ chiến sĩ và những người có quân hàm đến Trung uý, được hưởng tiêu chuẩn ăn 0,68 đồng/ngày;

- Trung táo: Áp dụng cho các sĩ quan có cấp hàm từ Thượng uý đến Trung tá, được hưởng tiêu chuẩn ăn 0,9 đồng/ngày;

- Tiểu táo: Áp dụng cho các sĩ quan cao cấp có quân hàm Thượng tá và Đại tá, được hưởng tiêu chuẩn ăn 1,2 đồng/ngày.

Riêng tù binh Phi công Mỹ được hưởng mức ăn “đặc táo” tới 1,6 đồng/ngày. Với những người gầy yếu, hoặc ốm đau sẽ được Ban chỉ huy trại quyết định cho ăn chế độ bồi dưỡng đặc biệt: 3,2 đồng/ngày. Thời gian sau, mức ăn còn được nâng lên tới 7 đồng/ngày. (Đồng tiền ở miền Bắc ngày đó rất có giá trị: Lương tháng của đồng chí Trưởng ty Công an an tỉnh là 115 đồng! Một bát phở ngon có giá 3 hào, một que kem ở bờ hồ Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ có 5 xu...).

Vì được hưởng tiêu chuẩn cao, nên tù binh Mỹ thường ăn không hết suất, cơm và thức ăn thừa nhiều. Ban chỉ huy trại quyết định sử dụng số thức ăn thừa đó để... nuôi lợn. Thời gian cao điểm, bộ phận hậu cần của trại tù binh Hỏa Lò nuôi tới 40 con lợn béo. Khi lợn to được xuất chuồng, số thịt tăng gia và tiền bán lợn đó lại được sử dụng để bổ sung cho bữa ăn của tù binh...

Tóm lại, đó là một sự cố gắng rất lớn về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tù binh Mỹ. Bởi trong thời kỳ chiến tranh, đời sống nhân dân ta còn thiếu thốn trăm bề. Hàng hóa hầu hết đều phải phân phối, được mua bằng tem phiếu ưu tiên.

Tù binh Mỹ được ăn uống đầy đủ tới mức khiến nhiều cán bộ chiến sĩ ta phải thắc mắc: Tại sao ở nhiều nơi bộ đội và nhân dân ta còn phải ăn độn thêm khoai sắn mới đủ no, mà lại dành khẩu phần ăn tốn kém như vậy cho những kẻ đã từng gây bao tội ác với đồng bao ta? Cấp trên giải thích: Tù binh Mỹ là “vốn quý” và “tài sản” để sau này chúng ta có thể đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với địch. Cán bộ chiến sĩ của trại phải xác định rõ: chăm sóc bảo đảm tốt sức khỏe cho tù binh cũng là một nhiệm vụ đặc biệt!

Ngoài việc được tận tình cứu chữa vết thương do nhảy dù sau khi máy bay bốc cháy, các tù binh đã được những bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện 108, 103, 354 của quân đội đến khám và chữa bệnh theo định kỳ. Cho nên, sau cú sốc thần kinh ban đầu lúc họ bị bắt, khi đã vào trại Hỏa Lò hầu hết các tù binh Mỹ đều ổn định tinh thần và sức khỏe rất nhanh. Nhiều người đã có ý thức tập luyện để thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới, giữ gìn sức khỏe để đợi ngày được trao trả về nước.

Ông Duyệt cho biết: ở Hỏa Lò hồi đó các tù binh Mỹ thường xuyên được tổ chức vui chơi giải trí. Hằng ngày, họ được ra sân phơi nắng, chơi bóng chuyền, bóng rổ, chọc bi-a, đọc sách báo, nghe tin tức - kể cả tin tức của Mỹ và phương Tây - qua đài phát thanh mà trại tiếp âm, hoặc chọn những tù binh có giọng đọc tốt để đọc cho tất cả cùng nghe.

Để các tù binh có phương tiện chơi thể thao thường xuyên, trại phải nhờ đến sự giúp đỡ của đồng chí Tạ Đình Đề, người phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ của Tổng cục Thể dục thể thao. Thậm chí để giúp một số tù binh có bệnh về mắt có thể đọc được sách báo, Ban chỉ huy trại đã phải thửa khá nhiều cặp kính thuốc của chị Thuý Hà ở cửa hàng số 48 Hàng Bài. (Hiện bà Hà đang trú tại 51 Trần Nhân Tông, Hà Nội).

Đặc biệt, trong các ngày Lễ, ngày Tết của Mỹ như ngày Độc lập (4 tháng 7), ngày Lễ Tạ ơn, Noel, Tết Dương lịch..., tôn trọng tín ngưỡng của tù binh, trại còn cho mời cả mục sư Bùi Hoàng Thử đến làm lễ theo nghi thức tôn giáo cho số người theo đạo.

Thỉnh thoảng, trại cho mời các nghệ sĩ của đoàn văn công Tổng cục Chính trị đến biểu diễn cho bộ đội và cho cả tù binh Mỹ cùng thưởng thức. Ông Duyệt còn nhớ một lần nghệ sĩ Tường Vi đến hát bài “Cô gái vót chông” và “Tiếng đàn ta lư”. Tới đoạn lên cao như tiếng chim hót “Pơ-rô-tốc... pơ-rô-tốc...” Mặc dù không hiểu nghĩa cả bài hát, nhưng tù binh Mỹ khoái quá, vỗ tay rào rào, yêu cầu hát đi hát lại. Đêm ấy, khi buổi văn nghệ đã tan từ lâu, nhưng ở nhiều phòng giam, tù binh không chịu ngủ. Họ bàn tán đủ thứ chuyện về các ca sĩ Việt Nam, rồi còn bắt chước giọng Tường Vi hát “Pơ-rô-tốc... pơ-rô-tốc...” suốt đêm.

Để thay đổi không khí cho các tù binh đã phải ở trong trại lâu ngày, được sự phối hợp giúp đỡ của Công an Hà Nội và An ninh Quân đội, Ban chỉ huy trại còn nhiều lần tổ chức cho các tù binh đi tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng của Thủ đô Hà Nội như: Hồ Hoàn Kiếm, Công viên Lê Nin, Quốc tử giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), Bệnh viện Bạch Mai... Để bảo đảm an toàn cho những “vị khách đặc biệt” này, ta đã cho phép các tù binh ăn mặc như khách du lịch: cũng com-lê, ca-vát, giày đen v.v... và đi theo hướng dẫn viên.

Tuy nhiên, cũng có lần nhân dân đã phát hiện ra tù binh Mỹ. Mọi người xì xào: Chuyên gia, khách nước ngoài gì mà mắt cứ nhìn lơ láo, thiếu tự nhiên, đúng là “giặc lái Mỹ” rồi”! Vậy là tất cả cùng kéo lại chỉ chỏ, bàn tán, buộc ban tổ chức phải đưa tất cả lên xe, huỷ bỏ chuyến tham quan dã ngoại theo dự kiến...

Có một chuyện rất thú vị, đó là việc tù binh Mỹ tại Hỏa Lò còn được ta trưng dụng để tham gia... đóng phim.

“Diễn viên” đầu tiên trong trại Hỏa Lò được nhận vinh dự này là Trung tá Robinson Risner, một Phi công khét tiếng, “người hùng” của quân đội Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, với 109 vụ và 3.000 giờ bay thành công (một tài liệu nói rằng ông ta đã bắn rơi tới 8 chiếc máy bay của đối phương). Nhưng khi sang chiến trường Việt Nam, mới tới phi vụ thứ 5, Risner đã bị lực lượng phòng không ta bắn cháy, anh ta cố lái máy bay ra biển nhảy dù và được cứu hộ thoát chết. Báo chí Mỹ hồi đó đã tuyên truyền rùm beng cả tháng trời về sự việc này. Nhưng lần thứ hai, ngày 16 tháng 9 năm 1965, Risner lái chiếc “Thần sấm” F-105D đã bị bắn hạ tại Thanh Hóa. Vào Hỏa Lò, tính ngông nghênh của Risner đã bị khuất phục. Anh ta ngoan ngoãn nhận tội và đã khai rất nhiều... Vì họ tên đọc theo tiếng Anh thường dài và khó phát âm, để dễ gọi tên, bộ đội ta đã đặt cho Risner một cái tên Việt Nam gọi ngắn gọn là “Giai”, cũng như tù binh Phi công John McCain được gọi là “Cài”.

Anh em phục vụ trong trại tù binh Hoả Lò ngày đó ai cũng nhớ “Giai”, vì anh ta ăn rất khoẻ. “Giai” đã làm đơn xin lãnh đạo trại tù binh được ăn… 2 suất ăn bình thường và đã được chấp nhận.

Khi đoàn làm phim của Cộng hòa Dân chủ Đức sang Việt Nam quay bộ phim tài liệu “Phi công trong bộ quần áo ngủ”, cần một người vào vai nhà báo quốc tế, Giai đã vui vẻ nhận lời và anh ta nhập vai rất đạt. Với khổ người cao to, mặc bộ đồ dạ tím, chẳng ai nghĩ ông nhà báo phương Tây đó lại chính là viên Trung tá tù binh Phi công Mỹ tại Hỏa Lò đóng. Được biết, sau ngày được trao trả về nước, Robinson Risner (tức Giai) còn tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ và được phong hàm sĩ quan cấp Tướng.

Với bộ phim truyện “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” của điện ảnh Việt Nam thì chuyện đóng phim của tù binh Mỹ còn thú vị hơn: Trong phim ta có sử dụng hai sĩ quan Thiếu tá tù binh đóng vai Đại tá và Trung tá cố vấn Mỹ của Chính quyền Sài Gòn (cũ). Phim có nhiều cảnh hai cố vấn Mỹ phải xuất hiện, hoạt động với những không cảnh thời gian và địa điểm khác nhau... và hai tù binh vào vai cũng rất đạt, như diễn viên chuyên nghiệp vậy.

Nhưng có một sơ suất mà ít ai ngờ... đó là sau khi xem phim, cả hai diễn viên đặc biệt này đều gật gù, rồi một người nói rất hài hước: “Chỉ có điều hơi tiếc là các ông đã cho tôi làm một Đại tá Mỹ... nghèo nhất thế giới! Bởi suốt từ đầu đến cuối phim tôi chỉ có mỗi bộ quần áo mặc trên người, không hề được thay đổi trang phục”!

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 3): NGƯỜI NỮ TÙ BINH DUY NHẤT TẠI HỎA LÒ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Đó là một chi tiết thú vị, dường như còn rất ít người biết. Khoảng giữa năm 1971, trại Hỏa Lò được lệnh tiếp nhận 2 tù binh người phương Tây, một nam và một nữ. Họ bị bắt và đưa từ chiến trường miền Nam ra Bắc. Nghe kể, chuyến đi rất gian khổ, đoàn có 4 người, gồm 3 nữ và một nam, nhưng 2 nữ đã chết dọc đường. Phải mất gần một năm đi bộ xuyên rừng, lội suối, vòng qua đất Lào, họ mới ra được tới Hà Nội.

Người nữ tù binh có tên là Monika Schwinn, nguyên là nhân viên quân y trong quân đội Mỹ, gốc Đức. Cô ấy có khuôn mặt trái xoan, tóc nâu, mắt xanh, da rất trắng, dáng người mảnh mai, xinh đẹp và thông minh. Monika biết cả tiếng Anh và tiếng Đức. Vì là nữ tù binh duy nhất, nên ban chỉ huy trại đã bố trí cho cô một phòng riêng rộng khoảng 10 mét vuông, có kê một chiếc giường hộp (loại vẫn dùng cho sĩ quan cấp tá của quân đội ta), với đủ chăn màn, một phích nước ấm chén và một chiếc bàn nhỏ, thậm chí còn có cả một... lọ hoa!

chuydvh1-1641609245.jpg
Nữ tù binh Monikaschwinn sau khi được Việt Nam trao trả 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Lúc đầu, Monika không chịu nhận chiếc phòng đó, cô ấy cứ nằng nặc đòi được ở chung phòng với người nam tù binh đã đi cùng chuyến từ miền Nam ra Bắc. Hình như giữa họ đã nảy sinh tình cảm nam nữ, quá mức bình thường. Tất nhiên là Ban chỉ huy trại không chấp nhận. Không thể biến phòng giam thành... buồng hạnh phúc cho họ được!

Nhưng anh em quản giáo giải thích thế nào Monika cũng không nghe, lại còn tỏ thái độ bướng bỉnh, khóc lóc và không chịu ăn uống gì. Lý do, Monika đưa ra là căn phòng ấy... xấu và trống trải quá. Vả lại, đêm ngủ một mình cô rất sợ… ma.

Thấy vậy, trại trưởng Trần Trọng Duyệt cho gọi Monika lên phòng mình. Ông hỏi thăm sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của người nữ tù binh và động viên cô chấp hành kỷ luật trại, cải tạo tốt để khi có điều kiện sẽ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Rồi với thái độ vừa cương quyết, vừa mềm mỏng, ông nói: Tôi là trại trưởng, nhưng phòng làm việc của tôi cũng không lớn hơn căn phòng mà chúng tôi đã bố trí cho cô. Thậm chí, còn không có lọ hoa... Vậy cô còn muốn gì nữa đây?

Tới lúc đó, Monika mới “ngoan ngoãn” nhận phòng.

chuydvh2-1641610016.jpg
Cựu Trại trưởng tù binh Mỹ tại Hỏa Lò Trần Trọng Duyệt thời trẻ. Ảnh do tác giả cung cấp.

Những ngày sống ở trại Hỏa Lò, người nữ tù binh duy nhất trại này đã được anh em quản giáo quan tâm chăm sóc tới mức... “hơi bị nuông chiều”. Họ sắm cho cô ta đủ cả gương, lược và những đồ dùng cá nhân thiết yếu của phụ nữ. Một chiến sĩ trẻ đã được giao nhiệm vụ đi mua sắm “phụ tùng” cho Monika. Vì không quen với loại hàng hóa “phức tạp và tế nhị” này, lại đang là thời bao cấp khó khăn, nên anh đã phải vất vả đi lùng khắp Hà Nội. Thêm nữa, còn phải giữ bí mật, vì không thể nói mình mua đồ lót cho nữ tù binh, nên nhiều phen ngượng chín mặt vì bị hiểu nhầm…

Thậm chí, có lần Monika còn được Trại trưởng trực tiếp đưa đi làm đầu tại một tiệm uốn tóc bên bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi đi mua quần áo ở Hàng Đào... Sau chuyến đi nhiệt tình vì “người đẹp” ấy, ông Duyệt và Ban chỉ huy trại đã bị cấp trên nhắc nhở và phê bình vì đã “thiếu tinh thần cảnh giác”.

chuydvh3-1641610182.jpg
Hai y tá Monika Schwinn và Bernhard Diehl sau khi được trao trả ngày 05/03/1973, về đến CHLB Đức vào ngày 07/03/1973. Monika Schwinn cùng với Bernhard Diehl còn viết một cuốn sách ấn tượng "Một chút ít tình người". Ảnh do tác giả cung cấp.

Mấy tháng sau, Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã nhận được một lá thư do Monika viết cả 2 mặt giấy, với kiểu chữ nắn nót, một bên bằng tiếng Đức và một bên bằng tiếng Anh, có cùng nội dung, tạm dịch như sau:

"Kính gửi ông chỉ huy!

Từ tháng 12 năm 1971, tôi đã xin phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo, vì vậy tôi rất vui khi được nhà cầm quyền cho phép. Tôi cho rằng: sự đối xử như vậy, dù là hành động nhỏ, nhưng rất văn minh, biểu lộ chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước Việt Nam. Còn đối với những đề nghị trước đây, tôi tin rằng hoặc đã không tới tay ông, hoặc chưa được ông quan tâm thỏa đáng. Nhưng tôi hết lòng hy vọng lần này thì ông sẽ không lãng quên việc tôi xin phép nuôi con mèo này. Một khi tôi được phóng thích, tôi xin phép được mang theo con mèo về nước. Là một tù binh, tất nhiên giờ đây tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng tôi xin hứa sẽ bồi thường tất cả chi phí tăng thêm, vì tôi được phép nuôi con mèo này. Xin nhường ông sự lựa chọn, bằng phương thức trao đổi thích hợp nhất, do ông tự sắp xếp. Hy vọng thiết tha rằng ông không bỏ qua lời đề nghị của tôi.

Xin gửi tới ông chào trân trọng!

Ký tên: Monika Schwinn".

Sau đó, việc nuôi mèo trong phòng giam của Monika đã được Ban chỉ huy trại tù binh chấp nhận. Cô vui lắm, luôn tỏ ra dịu dàng và tử tế với mọi người, bởi được chăm sóc con vật mà mình yêu thích. Chỉ khổ cho Trưởng trại tù binh Trần Trọng Duyệt vốn đẹp trai, lịch lãm đã bị anh em trêu chọc vì lời đề nghị “đa nghĩa” và rất dễ bị hiểu nhầm của cô nữ tù binh xinh đẹp: "Xin nhường ông sự lựa chọn, bằng phương thức trao đổi thích hợp nhất, do ông tự sắp xếp".

Rất tiếc là, Đại tá Trần Trọng Duyệt không có tấm ảnh nào chụp kỷ niệm với người nữ tù binh duy nhất ở trại Hỏa Lò kể trên. Ông cũng không nhớ là khi được trao trả về nước, cô ấy có mang theo con mèo như đã đề nghị trong thư hay không? Nhưng nghe nói sau khi trở về Đức, cô đã viết sách kể về thời gian ở Việt Nam.

Sau nhiều chục năm, Đại tá Trần Trọng Duyệt vẫn giữ được bản gốc bức thư “Xin nuôi một con mèo” của Monika. Nó được viết bằng thứ chữ nhỏ li ti, đẹp và đều tăm tắp như kiểu chữ vi tính. Ngay bên dưới là bản tạm dịch viết tay của một cán bộ quản giáo. Sau khi đã nghỉ hưu, một lần về Hà Nội thăm lại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò, cựu Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã tặng lại bức thư độc đáo nêu trên cho Ban Quản lý khu di tích. Vì thế, bức thư của Monika đang được lưu giữ tại Phòng trưng bày hiện vật tù binh Phi công Mỹ. Tôi cho rằng đó là một trong những bức thư hay nhất thế giới về tù binh chiến tranh.

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 4): CHUẨN BỊ CHO NGÀY TRAO TRẢ TÙ BINH VỀ MỸ…

Đại tá Nguyễn Đình Tiếp (số nhà 87, ngõ 343, đường Lạc Long Quân, Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Sản xuất công nghiệp Cục Quân nhu - đơn vị được giao bảo đảm trang bị cho tù binh ngày đó, kể lại: - Chúng tôi được lệnh của trên là phải chuẩn bị một số trang bị đặc biệt (quần áo, túi xách, giày) để sao cho khi tù binh được trao trả phải được ăn mặc tươm tất, lịch sự, thể hiện rõ chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, nhóm kỹ sư của đơn vị đã phải bàn bạc và cân nhắc mất cả tuần, rồi họ đưa ra phương án:

- Về loại vải may quần áo cho tù binh Mỹ ở trại Hỏa Lò, đề nghị chọn loại ka-ki của Liên Xô. Màu vải phải khác với đồng phục của Quân đội và Công an hồi ấy, quần sẫm hơn áo. Về mẫu áo cũng phải tính toán kỹ, cuối cùng anh em đã chọn phương án may áo bludông, có khóa kéo.

- Đề nghị không may ba lô như cấp trên gợi ý lúc đầu, mà thay bằng túi xách du lịch không lớn quá, cũng không nhỏ quá.

- Về giày và dép: lúc đầu, anh em đề nghị mua sẵn dép nhựa cỡ lớn, vì lo không đo được cỡ chân của tù binh. Nhưng sau thấy đi dép không trang trọng, nên lại phải đổi phương án đi giày da đen.

chuydvh1-1641697109.jpg
Trại trưởng Trần Trọng Duyệt nói chuyện với các tù binh Mỹ trước khi lên xe ra sân bay Gia Lâm để trao trả về Mỹ, theo tinh thần của Hiệp định Paris về chấm rứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.

Riêng về may đo quần áo, trực tiếp đồng chí Phó Giám đốc X20 ngày đó đã phải vào trại Hỏa Lò, bí mật đo quần áo cho “khách hàng” bằng cách ngồi một chỗ kín đáo, rồi ước lượng bằng cách so sánh chiều cao của mỗi tù binh trên bậc cửa ra vào để lấy kích cỡ quần áo cho họ...

Những cố gắng của các cán bộ chiến sĩ X20 đã được đền đáp xứng đáng: Hôm các tù binh Mỹ thay trang phục cấp phát mới để dự lễ bàn giao về nước, tất cả những người chứng kiến, trong đó có nhiều nhà báo quốc tế đều công nhận là họ được ăn mặc trang trọng và lịch sự tới mức... không ai nghĩ đó là tù binh, mà giống như những người đến Việt Nam du lịch trở về nước.

chuydvh2-1641697270.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Còn một chuyện lạ lùng này, không thể không viết ra: Đó là khi biết tin sắp được trao trả về nước, một số tù binh Mỹ đã viết đơn xin được tình nguyện... ở lại Việt Nam! Ban chỉ huy trại không biết xử trí ra sao, đành phải báo cáo xin ý kiến cấp trên... Dĩ nhiên, không ai dám chấp thuận điều đó, ông Duyệt đành phải gọi những người đã viết đơn xin ở lại Việt Nam lên phân tích, thuyết phục để họ trở về nước đoàn tụ cùng gia đình.

Trước hôm tiến hành lễ trao trả tù binh, chỉ huy trại đã tổ chức một bữa cơm Việt Nam, đồng thời cho mua một số nón bài thơ và điếu cày... (những thứ mà tù binh Mỹ rất thích) để tặng họ mang về nước làm kỷ niệm.

chuydvh3-1641697391.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Có một chuyện rất thú vị, mà cho đến những ngày đầu tháng 4 năm 2010 Đại tá Trần Trọng Duyệt mới tiết lộ với chúng tôi. Ấy là việc trước ngày ta tổ chức tiến hành trao trả các tù binh cho phía Mỹ. Công việc đã được chuẩn bị rất kỹ càng, tưởng chừng như chu đáo đến từng chi tiết nhỏ, nhưng cấp trên vẫn lưu ý: Thử đặt giả thiết, nếu trong quá trình trao trả, tù binh Mỹ có hành động phản đối, cởi hết quân trang quần áo (như anh em tù binh của ta đã làm ở miền Nam khi được trao trả ngày đó) vứt lại, hoặc những hành động tương tự mà chúng ta không lường hết và không kiểm soát được, trước sự chứng kiến của báo giới quốc tế thì sẽ ra sao?

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã nghĩ ra một “độc chiêu” rất có tác dụng: Trước khi đưa các tù binh sang sân bay Gia Lâm bàn giao cho phía Mỹ, ông cho tập hợp họ lại để nói chuyện. Sau khi nhắc lại ngắn gọn tinh thần của Hiệp định Paris về việc trao trả tù binh chiến tranh, ông Duyệt đã nói những chuyện rất tình cảm và hỏi: “Hôm nay, ai trong các anh muốn được về với gia đình, vợ con, cha mẹ và người thân?”

Dĩ nhiên, chẳng có tù binh nào không đồng ý. Ông Duyệt lại bảo: “Có về Mỹ được hay không, là tuỳ thuộc hoàn toàn vào thái độ và hành động của các anh. Tôi xin lưu ý các anh cần phải trật tự, giữ nguyên đội hình thẳng tiến lên xe và ra máy bay. Chỉ cần một người trong số các anh có hành động khác thường, là ngay lập tức, chúng tôi sẽ cho đình chỉ cuộc trao trả và đưa tất cả trở lại phòng giam”…

Vậy là chính các tù binh Mỹ đã nhắc nhở nhau tự giác chấp hành kỷ luật và các quy định khác. Điều đó đã góp phần tích cực, làm cho những đợt trao trả tù binh cho phía Mỹ ở sân bay Gia Lâm hồi đó diễn ra hết sức thuận lợi và thành công tốt đẹp.

chuydvh4-1641697566.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Đại tá Trần Trọng Duyệt, cựu Trại trưởng Trại tù binh Hỏa Lò còn nhắc đến một kỷ niệm với một tù binh Mỹ có tên là Alfonso Riate. Ngày đó, anh em quản giáo thường gọi tắt tên người này là “Te”. Anh này bị bắt tại chiến trường Quảng Trị. Nghe nói, “Te” từng làm cố vấn cho một tỉnh trưởng của Chính quyền Sài Gòn (cũ). Biết ông Trại trưởng tù binh mang họ Trần, nên anh ta tự nhận mình có họ tên là... “Trần Văn Te”. Được tin mình sắp được trao trả về Mỹ, “Trần Văn Te” đã viết cho ông Duyệt một lá thư khá dài, trong đó có đoạn:

...Lần đầu tiên tôi đến đất nước Việt Nam của ông là ngày 28 tháng 10 năm 1966. Tôi hoàn toàn không hiểu gì về xứ sở này, chỉ biết rằng ở Việt Nam đang có chiến tranh và tôi đến đây với tư cách là một người lính theo lệnh cấp trên.

Tôi bị bắt ngày 25 tháng 4 năm 1967. Và cho đến hôm nay tôi có may mắn được hiểu biết về đất nước và nhân dân Việt Nam, về cuộc chiến tranh xâm lược mà Chính phủ Mỹ đang tiến hành... Tôi đã nói với chính bản thân mình rằng: Cuộc sống của tôi ở Việt Nam hiện nay mặc dù chỉ là của một tù binh, nhưng nó thật có nghĩa.

Từ tận nơi sâu kín của lòng mình, tôi cảm thấy buồn vì sắp phải từ biệt ông và những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong 6 năm trời ở đây. Tôi sẽ không còn những người hiểu biết và đáng yêu bên cạnh mình nữa.

Tôi hiểu rằng, nỗi lòng tôi có một mong muốn sau khi trở về nước, nếu có điều kiện nhất định tôi sẽ trở lại thăm Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ quên ông - người trại trưởng của tôi. Bởi ông mang bóng dáng của nhân dân Việt Nam, người trực tiếp điều hành việc thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với tù binh. Trong tương lai, tôi có ý định làm cho nhân dân Mỹ hiểu về Việt Nam hơn. Hãy giữ gìn sức khoẻ ông nhé. Với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn nhất. Ký tên: Trần Văn Te”.

Những “công dân bất đắc dĩ” của Hỏa Lò ngày ấy... bây giờ đang sống và làm việc ra sao? Ai còn và ai mất? Vì bài viết có hạn, chúng tôi không thể điểm mặt tất cả mấy trăm tù binh, nhưng chắc chắn không một ai trong số họ có thể dễ dàng quên và quay mặt lại với quá khứ.

John McCain, viên Phi công bị ta bắn rơi và vớt lên từ hồ Trúc Bạch (Hà Nội), sau khi trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ, với tư cách là một vị khách quý của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quay trở lại thăm Hỏa Lò, tìm lại chính căn phòng của mình bị giam giữ năm xưa... Đặc biệt là vào năm 2008, khi ông với tư cách là ứng cử viên Tổng thống Mỹ, cùng tranh cử với Barack Obama, thì di tích tù binh Phi công Mỹ tại Hoả Lò đã được các hãng thông tấn Mỹ và nhiều nước khác quan tâm đặc biệt.

Cựu Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã nghỉ hưu từ lâu, tưởng không còn ai biết đến, bỗng nỗi tiếng cả thế giới. Hàng chục hãng thông tấn nước ngoài với hàng trăm phóng viên từ Mỹ, Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Liên bang Nga, Vương quốc Anh, Ba Lan, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tìm về Hải Phòng để phỏng vấn và ghi hình Đại tá Trần Trọng Duyệt - Người đã “gần gũi” với ứng cử viên Tổng thống Mỹ một thời.

Ngài Peterson sau khi đã trở thành vị Đại sứ đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, lấy vợ người Việt, cũng đã nhiều lần cùng vợ con tìm đến buồng giam số 2, khu I của Hỏa Lò - nơi ông đã có gần 7 năm trời gắn bó với bao kỷ niệm buồn vui.

Cựu Thống đốc bang Indiana của Mỹ, ngài Joseph Kernan - từng là Phi công do thám của Hải quân Mỹ, bị bắn rơi ở Thanh Hóa năm 1972, bị giam ở Hỏa Lò và Fa fim Ngã Tư Sở gần một năm trời trước khi được trao trả về Mỹ, cũng sang Việt Nam sau Tết Nguyên Đán Canh Dần để thăm lại chiến trường xưa và “dối già” vào năm 2010…

Các cán bộ, nhân viên quản lý Khu di tích lịch sử Hỏa Lò cho biết: Hầu như ngày nào cũng có những du khách người phương Tây, trong đó có nhiều người đến từ Mỹ ghé vào hai phòng trưng bày “Khách sạn Hilton Hà Nội”. Họ có thể là những cựu binh, nhưng nhiều người còn rất trẻ, có lẽ là con cháu, hoặc thân nhân những tù binh đã từng bị giam giữ tại đây.

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 5): CÓ BAO NHIÊU TÙ BINH MỸ ĐÃ ĐƯỢC TRAO TRẢ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM?

Một tư liệu thống kê từ phía Mỹ cho biết: Trong số 591 tù binh chiến tranh được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ từ miền Bắc Việt Nam năm 1973, về thành phần, thì có 325 người thuộc lực lượng Không quân, 138 người thuộc lực lượng Hải quân, 26 người trong lực lượng Thủy quân lục chiến và 77 người thuộc các lực lượng khác của quân đội Mỹ.

Ngoài ra, còn có 25 người là nhân viên dân sự của các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam.

Xét về địa điểm trao trả, ngoài sân bay Gia Lâm - Hà Nội là chính, cùng thời gian trên, còn có 81 tù binh Mỹ được trao trả từ các địa chỉ khác: 69 người được Chính phủ Cách mạng lâm thời tổ chức trao trả tại miền Nam Việt Nam, họ đã lên máy bay từ Lộc Ninh. Ngoài ra, còn có 9 tù binh đã được trao trả từ Lào và 3 tù binh nữa được trao trả từ Trung Quốc...

chdvh1-1641779076.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Hơn 40 năm sau các cuộc trao trả nêu trên, hai trong số những tù binh chiến tranh trước đây trở thành những chính trị gia nổi tiếng phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ, đó là Thượng nghị sĩ John McCain của bang Arizona và Hạ nghị sĩ Sam Johnson của bang Texas. Một số tù binh khác, sau đó đã tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ và được phong hàm cấp Tướng.

Cuối tháng 5 năm 2013, nhiều phương tiện truyền thông và báo chí Mỹ đưa tin: Khoảng 200 cựu tù binh, đa phần là các cựu phi công đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, cùng thân nhân gia đình và bạn bè của họ đã có cuộc tụ họp lịch sử tại thư viện kiêm bảo tàng mang tên Richard Nixon (1913 - 1994) - Vị Tổng thống thứ 37 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - ở California, để kỷ niệm tròn 40 năm cuộc trao trả tù binh tại Việt Nam (1973 - 2013). Thời kỳ đầu khi Richard Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ, mỗi tuần đã có khoảng 300 lính Mỹ chết tại chiến trường Việt Nam. Và mặc dù cho đến nay ông vẫn là vị Tổng thống duy nhất buộc phải từ bỏ nhiệm sở vì vụ “Watergate” nổi tiếng; nhưng cũng chính ông là người đã “có công” đưa các tù binh Mỹ thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam và trở về nhà.

chuydvh2-1641779190.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Một buổi lễ trang trọng và một bữa tối ấm cúng đã được lên kế hoạch chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ trước đó. Các cựu tù binh đã tổ chức một đoàn xe sơn màu quân sự, họ cùng ăn mặc như những người lính Mỹ năm xưa đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam đầy ám ảnh. Theo kịch bản, đoàn xe chở những cựu tù binh đã vượt qua một cây cầu, như họ đã đi qua cầu Long Biên để sang sân bay Gia Lâm - Hà Nội để về nước. Rồi một nghi lễ đặt vòng hoa tưởng nhớ những người bạn không trở về và kết hợp tour du lịch tới triển lãm của một bảo tàng đặc biệt tập trung vào các kỷ vật và ký ức của các tù binh Mỹ đã hồi hương như thế nào năm 1973. Buổi tối hôm đó đã được các cựu tù binh tổ chức như một sự kiện đáng nhớ trong đời. Họ đã cố gắng tái tạo một thực đơn với các món ăn quen thuộc và cả những món mơ ước khi còn ở trong các trại giam ở Việt Nam cách đó hơn 40 năm để người thân, bạn bè cùng thưởng thức và hồi tưởng lại...

Các cựu tù binh chiến tranh Việt Nam đã gặp may khi cuộc hội ngộ của họ trùng với một ban nhạc khá nổi tiếng nước Mỹ ở cùng một địa điểm. Sự xuất hiện của của một ban nhạc sống cùng những ngôi sao như Bob Hope, John Wayne, Sammy Davis Jr và Irving Berlin... đã thu hút công chúng, báo giới quan tâm và khiến những người đàn ông rơi nước mắt, khi họ cùng đắm mình trong màn biểu diễn "God Bless America".

chuydvh3-1641779272.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cungt cấp.

Tất cả đã cùng uống và nhảy múa cho tới 2 giờ sáng... Họ đã vinh dự nhận được lời của Tổng thống và phu nhân nói “Chúc ngủ ngon” vào lúc nửa đêm. Thậm chí, một thư ký của Nhà Trắng còn nói thêm: "Các bạn có thể nhảy múa suốt đêm. Cứ nhảy cho đến khi nào ban nhạc buông tha và đây là một chương trình miễn phí".

Tất cả đều nhằm mục đích tưởng nhớ các tù binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và tái tạo lại không khí trao trả họ từ năm 1973... Vậy 40 năm trước, người Mỹ đã đón những tù binh của cuộc chiến tranh Việt Nam trở về như thế nào?

Ngày 12 tháng 2 năm 1973, một chiếc C-141A, loại máy bay phản lực vận chuyển, có sơn biểu tượng chữ thập đỏ trên đuôi đã cất cánh từ sân bay Gia Lâm - Hà Nội, mang theo 40 tù binh chiến tranh vừa được phía chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho chính phủ Hoa Kỳ. Đó cũng là chuyến bay đầu tiên thực hiện cuộc hành trình hồi hương, đoàn tụ với gia đình cho các tù binh, mà người Mỹ gọi đó là hoạt động “Homecoming”. Sau này, các tù binh hài hước gọi chiếc máy bay ấy là "Hà Nội taxi" - vì nó đã “có công” đưa những tù binh được trao trả đợt đầu tiên bay lên trời, để họ được biết cảm giác hương vị khoảnh khắc khác nhau giữa cầm tù và tự do là như thế nào. Vào cuối ngày hôm đó, thêm ba chiếc C-141A đã cất cánh từ Hà Nội, và một chiếc khác cất cánh từ Sài Gòn mang theo đầy đủ danh sách và những tù binh được trao trả đầu tiên.

chuydvh4-1641779357.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cungt cấp.

Roger E. Shields là một chuyên gia tù binh của Lầu Năm Góc cho hay: Phái đoàn của ông đã được phía Việt Nam chào đón chu đáo. Ông hài lòng với những hoạt động của ngày đầu tiên, mặc dù nó đã bị trì hoãn hai giờ bởi thời tiết xấu ở miền Bắc và hơn 12 giờ bởi tranh luận cho thủ tục trao trả ở miền Nam. Nhưng cuối cùng, giai đoạn đầu tiên của chương trình tù binh hồi hương “Homecoming” đã được hoàn tất. Con số tương tự của các tù binh sẽ được trao trả từ phía Chính phủ Việt Nam trong khoảng thời gian 15 ngày, tương ứng với việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Nghị định thư về tù binh trong các thỏa thuận của Hiệp định Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973 quy định: Tất cả các tù binh chiến tranh phải được trao trả trong vòng 60 ngày!

Để phục vụ chương trình tù binh hồi hương “Homecoming”, Chính phủ Hoa Kỳ đã huy động những chiếc máy bay vận tải loại C-141A như thế, thực hiện nhiều chuyến bay từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 4 tháng 4 năm 1973, chuyên chở gần 600 tù binh chiến tranh hồi hương về Mỹ. Vẫn còn khoảng 1.300 người Mỹ đã được người ta liệt kê và bị coi là đã mất tích trong chiến tranh Việt Nam, cần phải được phối hợp tiếp tục tìm kiếm.

Chưa có tài liệu nào công bố chính thức, nhưng sau này người ta đã thống kê được một con số thú vị: Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, đã có khoảng 90 vụ các tù binh Mỹ nỗ lực tự tìm cách trốn khỏi trại giam của đối phương. Ít nhất 20 vụ trong số đó diễn ra ở Bắc Việt Nam và riêng tại Hà Nội là 5 cuộc vượt trại. Thậm chí còn có những tù binh Mỹ đã nỗ lực thực hiện chạy trốn nhiều lần. Nhưng chỉ có khoảng 4% là thoát được (chủ yếu là ở miền Nam Việt Nam). Còn hầu hết họ đã bị bắt lại ngay trong ngày đầu vừa vượt trại. Văn hóa, ngôn ngữ và địa hình hoàn toàn xa lạ, ngoại hình khác biệt, đã bất lợi cho các tù binh Mỹ, khi họ tìm cách đào thoát và trốn chạy khỏi trại giam.

Xin quý vị và các bạn hãy thử đặt mình vào cảm nhận của các tù binh Mỹ ngày đó. Và tưởng tượng rằng họ đang thất vọng, chán chường dường như vô tận, vì đã nhiều ngàn ngày và đêm mất tự do, xa rời người thân và quê hương, thì bất ngờ được thay đổi quần áo và xếp hàng lên máy bay để trở về nhà... Bởi thế, nhiều tù binh khi đã được đọc tên trao trả, bước lên máy rồi, vẫn chưa dám tin, vẫn tưởng đó chỉ là một giấc mơ không có thật.

Khi những chiếc máy bay đã cất cánh rời khỏi đường băng, ổn định độ cao bay trên bầu trời và chắc chắn không thể quay lại trại giam, không khí trang nghiêm, hồi hộp trong các tù binh mới thực sự chấm dứt hoàn toàn. Nhất là khi các cô ý tá kiêm tiếp viên xinh đẹp, mặc đồ trắng, thoang thoảng mùi nước hoa quyến rũ, tới mời họ cà phê, các thứ đồ uống dinh dưỡng khác và cả thuốc lá Mỹ. Rồi họ còn được các tiếp viên mời đọc báo chí mới phát hành trên máy bay. Họ say sưa đọc tờ báo quân sự Stars and Stripes và tạp chí tin tức.

Thậm chí có anh còn vớ được cả một cuốn tạp chí Playboy, như ai đó cố tình bỏ quên trên lưng ghế. Anh ta sửng sốt kêu lên theo bản năng “Chúa ơi!”. Khiến mấy người đàn ông cùng chụm đầu dán mắt vào hình ảnh của mấy cô nàng hoàn toàn khỏa thân đầy gợi cảm... Các tù binh thật sự phấn khích. Họ đã tự đặt ra hàng tá các câu hỏi về nhiều chủ đề khác nhau, từ thể thao đến thời trang và nhất là... đàn bà! Họ chuyện trò râm ran, cùng tỏ ra hứng khởi, cổ vũ nhau bằng cách hò hét, huýt sáo và giơ cánh tay lên. Có ai đó hô “Tự do muôn năm!” Rồi những tiếng cười vang và có cả tiếng khóc ấm ức...

Có tù binh đã tự hỏi: Chúng ta đã được trao trả và trở về quê hương, vậy có phải nước Mỹ đã thắng trong cuộc chiến này không? Một tù binh khác trả lời: Cậu hồn nhiên và ngây thơ quá. Không phải “chúng ta”, hay “nước Mỹ”, mà thường là những cuộc chiến, hay can thiệp quân sự như thế này, chỉ có Chính phủ và những người giàu là thắng; còn những người lính ra trận và nhân dân phải nộp thuế thì bao giờ cũng thua!

Nhưng điều quan trọng là các tù binh vẫn còn sống và được về nhà. Dường như với họ địa ngục đã không còn tồn tại và tất cả mọi thứ đều đang trở thành thiên đường. Đại úy Larry Chesley, người sau khi bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam, đã có bảy năm “an dưỡng” trong trại giam nổi tiếng "Hà Nội Hilton và một số trại giam khác nhớ lại: "Khi cánh cửa chiếc máy bay C-141 vừa đóng lại, thì hầu hết những người đàn ông dạn dày trận mạc và cứng rắn bom đạn như chúng tôi đã cùng ứa nước mắt. Chúng tôi không giấu giếm mà đã tự do khóc để mừng vui cho ngày trở về".

Thiếu tướng Ed Mechenbier là một trong các tù binh của cuộc chiến tranh Việt Nam cuối cùng đã tiếp tục phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ, nhớ lại những cảm xúc của cuộc hành trình của mình ra khỏi miền Bắc Việt Nam vào ngày 18 tháng 2 năm 1973: "Trong không khí xúc động và sự yếu đuối của những tù binh chiến tranh, khi tự do đã trở thành sự thật, chúng tôi đã cùng hét lên, bật khóc, ôm nhau và nhảy...".

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 6): CHIẾN DỊCH "TRỞ VỀ NHÀ" VÀ NHỮNG CUỘC TRAO ĐỔI VIỆT - MỸ

Chiếc máy bay thứ 4 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Clark Air Base - Philippines lúc 11 giờ địa phương (tức 10 giờ, ngày thứ Hai, giờ New York), mang theo 26 tù binh vừa được trao trả tại Việt Nam.

Ba máy bay khác, mang theo 116 tù binh được thả tại Hà Nội, đã đến buổi chiều ngày hôm trước. Đó là đợt tiếp nhận trao trả các tù binh Mỹ đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 13 tháng 2 năm 1973.

Các tù binh đã được đón tiếp như những “anh hùng” khi họ về đến Clark Air Base, nơi những chuyến bay tạm thời dừng chân để chuẩn bị cho chặng bay dài tiếp theo. Trực tiếp Đô đốc Hải quân Noel Gayler, Tư lệnh lực lượng Mỹ Thái Bình Dương, dẫn đầu đến thăm hỏi các tù binh. Cùng đi với ông còn có Trung tướng William G. Moore Jr, người chỉ huy đơn vị Không quân 13 và người điều hành các hoạt động trở về quê hương ở Clark; Roger Shields, phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách công việc cho POW / MIA.

chuydvh1-1641887722.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Tù binh đầu tiên bước trên thảm đỏ là Đại úy Jeremiah A. Denton của Hải quân. Sau gần tám năm trong trại giam, khi được mời nói chuyện với đám đông dân chúng đang xếp hàng cạnh đường băng, ông tự tin tiến vào một micro và nói: "Chúng tôi rất vinh dự khi có cơ hội để phục vụ đất nước mình trong những hoàn cảnh khó khăn như những ngày qua. Chúng tôi rất biết ơn các cấp chỉ huy và cảm ơn tất cả những ai đã tham gia hoạt động giúp các tù binh hồi hương thuận tiện nhất. Rồi ông ta hô to: "Chúa phù hộ cho nước Mỹ!" (Sau này, Jeremiah A. Denton đã được bổ nhiệm Chuẩn đô đốc và được bầu vào Nghị viện Hoa Kỳ, đại diện cho vùng Alabama).

Đi ngay sau Đại úy Jeremiah A. Denton là Trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr, phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi và bị bắt trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có “thâm niên” hơn tám năm làm tù binh. Chỉ có bốn trong số những tù binh được thả (ba từ miền Bắc và một từ phía Nam) - đã phải rời máy bay xuống sân bằng cáng. Phần còn lại họ đều tự đi ra, bước xuống cầu thang máy bay trên thảm đỏ để chờ xe buýt và xe cứu thương.

chuydvh2-1641887816.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Đại tá Không quân Robinson Risner, sĩ quan cao cấp nổi tiếng tại "Hà Nội Hilton" (người sau này được vinh dự dựng tượng chân dung tại Học viện Không quân Mỹ) nghẹn ngào cảm xúc từ khi ông được trao trả và ngồi trên chiếc C-141 trong chuyến bay thứ hai từ Hà Nội trở về, đã xúc động nói: "Thay mặt tất cả những người bị bắt làm tù binh, tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn, cảm ơn Tổng thống và người dân Mỹ đã đưa chúng tôi về nhà để tự do một lần nữa. Cảm ơn bạn hơn bao giờ hết và rất nhiều!"

Các tù binh đã được chào đón với sự cổ vũ mừng vui, hoan hô trong nước mắt, khi họ ra khỏi máy bay. Một số tù binh bước nhanh nhẹn ra khỏi máy bay, mỉm cười và chỉ ngón tay cái lên. Tiếng hô "Welcome Home!" của khán giả từ các cơ sở chào đón các tù binh khi họ bước ra khỏi máy bay. Hơn 1.000 cư dân địa phương đã có mặt. Một số chàng trai trẻ trong trang phục thể thao bóng chày và đồng phục Hướng đạo sinh, những phụ nữ ngồi trên bãi cỏ, trẻ em, các phóng viên với máy ảnh và quay phim. Nhiều người xúc động đã ứa nước mắt...

chuydvh3-1641887916.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Trong khi các tù binh Mỹ được thả từ miền Nam Việt Nam vẫn đi đôi dép Việt Nam và bộ quần áo bệnh viện được cấp phát trước chuyến bay, thì những người được thả từ Hà Nội mặc quần áo đồng phục mà họ đã nhận được từ miền Bắc Việt Nam ngay trước khi họ được trao trả, có vẻ tươm tất hơn: quần xanh, áo sơ mi màu xanh nhạt, thắt lưng màu nâu, giày đen, và áo jacket màu xám xanh ánh sáng. Chính phủ Việt Nam còn chu đáo cấp cho mỗi tù binh một túi đen đựng tư trang lên máy bay.

Sau khi nhận được sự kiểm tra y tế, rồi ăn uống món bít tết, kem và thực phẩm Mỹ khác, trước khi thực hiện bay tiếp theo trở về nhà của họ, các tù binh đều được nhận đồng phục mới và yêu cầu thay thế những bộ đồng phục do phía Việt Nam cấp phát trước khi trao trả. Máy bay của họ đã dừng lại ở Hawaii và California. Nhóm đầu tiên gồm 20 tù binh đã về đến Travis Air Force Base, California, vào ngày 14 tháng hai năm 1973.

chuydvh4-1641887967.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Đại úy Hải quân James Stockdale (người sau đó đã trở thành một Phó Đô đốc và ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ) là người đàn ông đầu tiên khập khiễng ra khỏi chuyến bay lịch sử này. Tiếp đó, lần lượt đến các người khác bước xuống trong sự vui mừng tột độ của thân nhân gia đình họ. Tin tức, hình ảnh và cả các clip tiết lộ những cảm xúc sâu sắc về tù binh được hồi hương sau cuộc chiến tranh Việt Nam ngày đó đã xuất hiện tràn ngập trên các báo chí nước Mỹ và cả thế giới...

*

Một đêm cuối năm 2012, người viết cuốn sách này đã cùng cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ của Việt Nam trực tiếp lên Nội Bài để đón Nghệ sĩ nhiếp ảnh Johr Fleck vừa bay đến từ bên kia bờ đại dương. Ông là một trong những tay máy cự phách nhất của nước Mỹ hiện nay, chuyên chụp ảnh cho Bộ Không quân Hoa Kỳ. Johr rất thần tượng nhân vật cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ ở Việt Nam. Ông đã chụp tới 58.000 bức ảnh tư liệu cho nhân vật này. Một con số khổng lồ, mà kể cả các siêu sao điện ảnh của Hollywood cũng chưa chắc đã có được.

Johr Fleck sang Việt Nam lần này là thứ hai, với mục đích muốn bổ sung thêm tư liệu để hoàn thành một cuốn sách ảnh, dự kiến sẽ in song ngữ Anh - Việt, về đề tài những cựu phi công Việt - Mỹ. Và quan trọng hơn, là ông muốn khảo sát việc tổ chức đưa một đoàn cựu phi công Mỹ sang thăm Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trao trả toàn bộ Tù binh Phi công Mỹ cho Chính phủ Hoa Kỳ (1973 - 2013) và 60 năm kỷ chiến Chiến thắng Điện Biên Phủ, Giải phóng Thủ đô (1954 - 2014)... Nên vừa xuống sân bay đêm hôm trước, chiều hôm sau, ông đã theo cựu Phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ lên tàu về Nghệ An, dự đám giỗ thân phụ ông Mỹ và kết hợp tác nghiệp luôn.

Tôi đã mời Johr Fleck tới Café Lục Bát ở 40/6 phố Võ Thị Sáu - Hà Nội, tham dự buổi ra mắt tập thơ Đất Làng của Nhà thơ Đặng Cương Lăng và ăn trưa ngay tại quán. Thật tình cờ, cùng ăn trưa với Johr Fleck hôm đó, ngoài cựu phi công MiG-21 của Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ còn có Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Tướng Dan Cherry đã thông qua Johr Fleck chuyển tới chúng tôi nhiều câu hỏi khảo sát cho chuyến đi của các Cựu tù binh phi công Mỹ trở lại Việt Nam sau 40 năm. Chúng tôi đã thay nhau, lần lượt giải đáp toàn bộ những thắc mắc, băn khoăn của phía Mỹ…

Rồi chúng tôi có buổi tiếp xúc với Trung tướng Trần Hanh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Cựu phi công MiG-17 và MiG-21; người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Ông khuyên chúng tôi nên làm việc với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam để được giúp đỡ.

Chúng tôi rất mừng là Tiến sĩ Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp mới nghe qua điện thoại, đã hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ ý tưởng nêu trên. Đang bận họp Quốc hội, vị Chủ tịch đã tranh thủ tiếp chúng tôi vào giờ nghỉ trưa. Ông cho mời một Vụ trưởng phụ trách công tác Châu Mỹ tới cùng nghe chúng tôi trình bày kế hoạch tổ chức đón đoàn cựu Tù binh phi công Mỹ, dự kiến sẽ sang thăm lại Việt Nam vào mùa hè năm tới. Ông còn hứa, sẽ tạo mọi điều kiện, trợ giúp các thủ tục hành chính và ngoại giao cần thiết để đón đoàn được thuận lợi và hiệu quả nhất...

Đầu tháng 10 năm 2013, cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ đưa Nhà báo David Freed – một phóng viên nổi tiếng của Tạp chí Hàng không và Vũ trụ Mỹ, từng đoạt giải Nhất báo chí quốc tế - tới gặp tôi tại Lục Bát Quán. David Freed khoe: Ông ta có máy bay riêng và thường xuyên bay. Freed cũng không giấu giếm: Con trai mình là một sĩ quan có quân hàm Đại úy trong quân đội Mỹ, vừa thoát chết từ chiến trường Afghanistan trở về. Lần đầu tiên sang Việt Nam, David Freed có tham vọng viết loạt bài “đinh” cho tạp chí Mỹ về bộ đội Tên lửa Việt Nam và tìm hiểu nguyên nhân đích thực khiến Không quân Mỹ đã thua Tên lửa Việt Nam như thế nào?

Qua một người bạn và điện thoại, tôi đã kết nối được với Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân... Cuối năm 1972, Nguyễn Văn Phiệt là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261 Sư đoàn Phòng không 361 (Đoàn Thành Loa). Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12 năm 1972, ông đã chỉ huy Tiểu đoàn bắn hạ 2 máy bay B-52 Mỹ… Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đã nhiệt tình, cởi mở tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở 174 phố Lê Trọng Tấn. Điều thú vị hơn: Ông Phiệt cũng là một trong những nhân chứng, có mặt tại thị xã Sơn Tây cuối tháng 11 năm 1970. Ngày đó, ông Phiệt là học viên lớp bồi dưỡng nâng cao cán bộ cấp Trung đoàn của Trường Sĩ quan Phòng không. Ông nhớ rất rõ: Trước khi vụ tập kích xảy ra, bộ đội mình thường tập trận ở khu vực Sơn Tây, có cả máy bay trực thăng; nên trong đêm lực lượng biệt kích Mỹ đổ bộ cứu tù binh phi công bất thành, lúc đầu ai cũng tưởng bộ đội ta lại tập trận. Chỉ khi có thông tin về các nạn nhân, người ta mới biết chuyện gì đã xảy ra ở Sơn Tây…

Trong Lễ hội Lục Bát Quý Tỵ - 2013, như một sự hữu duyên, tôi đã gặp được Trung tá cựu chiến binh Bùi Nguyễn Hải Yến. Chị Yến xúc động nhớ lại: Năm 1970, dù mới nhập ngũ được vài tháng, đơn vị đóng quân tại thị xã Sơn Tây. Nhưng ngay trong đêm vụ tập kích xảy ra, người nữ quân nhân này cùng một số đồng đội đã được lệnh lên xe tới hiện trường để cứu hộ các nạn nhân... 43 năm đã qua, nhưng hình ảnh những người bị thương được đưa tới Viện Quân y 105, những thi thể và hiện trường đầy máu vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người cao tuổi ở khu vực Đền Và – Sơn Tây.

Vào một ngày đẹp trời tháng 11 năm 2013, chúng tôi đã cùng đến thăm lại bà Trần Thị Liên (tức “Nghiên gà”) – một nhân chứng của Vụ tập kích Sơn Tây. Năm này bà Liên đã bước qua tuổi 80, nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Bà Liên khoe: Sau ngày tôi viết bài, giới thiệu về câu chuyện của bà vô tình tiếp phẩm cho các tù binh phi công Mỹ và chứng kiến “Vụ tập kích Sơn Tây” thế nào trên Báo An ninh thế giới, có rất nhiều cựu tù binh phi công Mỹ, khi có điều kiện sang Việt Nam đã tìm đến tận Sơn Tây thăm bà. Trong đó, có cả một nhân vật nổi tiếng thế giới, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ: Thượng nghị sĩ John Sidney McCain. Ông “Kên” trong vai một khách du lịch, mặc quần soóc, đi giày vải, đội mũ lưỡi trai (miền Nam gọi là “nón kết”) đã xin được chụp ảnh với bà “Nghiên gà”.

Có một chi tiết khá hài hước là, dưới con mắt của nhiều cựu tù binh phi công Mỹ từng bị giam giữ bí mật ở Xã Tắc năm 1970, thì bà “Nghiên gà” đã rất “dũng cảm” vì “dám” cung cấp thức ăn cho họ. Dù thực tế, hồi đó bà chỉ là người buôn gà tự do và may mắn nhận được hợp đồng “tiếp phẩm” cho trại tù binh.

Bây giờ, mỗi khi có khách tới thăm, bà Liên thường tự hào giới thiệu một bức ảnh chụp chung với Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ John Sidney McCain cùng bức thư của vợ chồng một người Mỹ, có nội dung được dịch như sau:

Ngày 29 tháng 1 năm 1999

Thưa bà, người bạn mới của chúng tôi!

Tên tôi là Charlene Terrell, là một trong những người Mỹ đã gặp bà ở Sơn Tây hồi tháng Mười năm ngoái. Được gặp bà là một trong những kỷ niệm tốt đẹp nhất trong chuyến đi của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt và sự hiếu khách mà bà đã dành cho chúng tôi. Đặc biệt, tôi không bao giờ quên lòng tốt mà bà đã dành cho chồng tôi và những người Mỹ khác nhiều năm trước đây, khi họ bị giam tại một nhà tù gần nhà của bà. Bà đã mạo hiểm khi cố gắng đưa đồ ăn vào cho những người đàn ông đang bị đói ấy. Chúng tôi khâm phục lòng dũng cảm đó của bà.

Chúng tôi vui mừng khi biết rằng mọi việc của bà sau đó đã diễn ra tốt đẹp. Các con bà đều có công việc ổn định và có thể giúp đỡ bà. Chúng tôi biết bà rất tự hào về các con của mình. Và các con của bà cũng rất kính yêu bà.

Chúng tôi chúc bà hạnh phúc và sức khỏe trong năm mới. Chúng tôi cầu Chúa phù hộ cho bà và gia đình. Nếu chúng tôi có thể trở lại Việt Nam trong thời gian tới, chúng tôi sẽ gặp lại bà. Nếu bà có điều kiện sang Mỹ, bà nhất định phải tới chơi với chúng tôi. Một lần nữa xin cảm ơn bà về tất cả mọi việc. Bà thật sự là một người phụ nữ tốt bụng và có trái tim rộng lượng.

Kính thư: Charlene và David Terrell

Trước khi phiên bản “Phi công Mỹ ở Việt Nam” này được ấn hành, tác cuốn sách này đã mời Thiếu tướng, Nhà giáo Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục III – Bộ Công an về thăm lại khu Đền Và và làng Xã Tắc, nơi có dấu tích Trại giam bí mật những Tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh. Vị tướng già từng nhiều năm dạy học tại vùng Sơn Tây, giờ đây gặp lại cảnh cũ, người xưa, không khỏi bồi hồi xúc động…

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 7): KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN CỦA "NGƯỜI TRONG CUỘC" VỀ TÙ BINH PHI CÔNG MỸ

Trong chiến tranh Việt Nam, tù binh phi công Mỹ được giam giữ ở những trại giam nào ở Miền Bắc nước ta? Cho đến nay, đó vẫn là một câu hỏi được trả lời chưa thỏa mãn với nhiều người.

Gần đây, tác giả cuốn sách này có nhận được bức thư của ông Đặng Xuân Xiêm, sinh năm 1946, nguyên Quản giáo tù binh Phi công Mỹ. Ông Xiêm đã cung cấp một số chi tiết thú vị của một “người trong cuộc”…

Tháng 10 năm 1970, sau ba năm học tiếng Anh, tôi về công tác Quản giáo tại Trại giam phi công Mỹ ở Nhổn (một doanh trại của đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (lúc đó gọi Trung đoàn Thủ đô) gần Trạm Trôi. Thời đó, chúng tôi gọi những tù binh phi công Mỹ này là “tội phạm chiến tranh” (criminal of war).

chuydvh1-1641976028.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Sau đợt đặc nhiệm Mỹ tổ chức giải cứu tù binh phi công Mỹ bất thành ở Sơn Tây tháng 11 năm 1970, số phi công này được ta đưa về giam ở Hỏa Lò, một số được đưa về giam ở trại giam Thanh Liệt (gần Cầu Tó). Cuối năm 1972, một số lớn tù binh Phi công Mỹ còn được chuyển đến trại giam ở bản Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An, Cao Bằng.

Ngày 16 tháng 12 năm 1972, tôi được lệnh về Hà Nội chuẩn bị vào Tân Sơn Nhất, Sài Gòn phiên dịch cho Ban Liên hiệp Quân sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam… Sau này, tôi còn làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo. Ngày nay, các đơn vị tôi từng công tác, học tập đều đã tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc sáp nhập: Trường Ngoại ngữ Quân đội (phiên hiệu gọi là Đoàn 17); Trại giam Phi công Mỹ (phiên hiệu Đoàn 168); Ban Liên hiệp Quân sự không còn; Cơ quan làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cũng sáp nhập vào ngành Nội vụ; Đơn vị Thông tin ở sân bay thành Tiểu đoàn...

chuydvh2-1641976110.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Vì có thời gian làm công tác Quản giáo ở một số trại giam Phi công Mỹ, tôi xin được thông tin thêm một số chuyện mà tôi biết và trực tiếp “tai nghe mắt thấy”.

Hồi đó, tù binh Phi công Mỹ được giam chủ yếu ở trại giam Sơn Tây. Tháng 10 năm 1970, số Phi công ở đây được chuyển về trại giam ở Nhổn để phục vụ cho công tác đấu tranh chính trị. Nơi đây từng là doanh trại của một đơn vị bộ đội được cải tạo lại, nhưng vẫn giữ nguyên nhà tường gạch, mái ngói cấp 4, trần vôi rơm. Người ta chỉ xây thêm hàng rào bảo vệ cao độ 3 mét, trên có giăng dây thép gai. Có ba nhà giam, mỗi nhà đều có sân chơi rộng rãi, có phòng câu lạc bộ cho tù binh Phi công Mỹ xem tranh, đọc báo (thường là báo Vietnam Courier), đọc truyện (thường là chuyện cổ tích, chuyện lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh).

Sau vụ Không quân Mỹ tổ chức cướp tù binh Phi công ở Sơn Tây không thành cuối năm 1970, thấy trại giam này không đảm bảo an toàn, cấp trên quyết định chuyển đổi số tù hình sự của Bộ Công an về đây, để chúng tôi chuyển toàn bộ số tù binh Phi công Mỹ này về Hỏa Lò.

Một số thông tin về Trại giam Tù binh Phi công Mỹ ở Ngã Tư Sở: Đây nguyên là cơ sở của Xưởng phim Quân đội. Cũng nhà tường gạch, mái ngói cấp bốn, có trần vôi rơm, được cải tạo lại làm nơi giam giữ số tù binh phục vụ cho đấu tranh chính trị.

chuydvh3-1641976214.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Tại trại giam tù binh Phi công Mỹ Ngã Tư Sở này đã xảy ra sự kiện chấn động hồi đó: Một tù binh Phi công Mỹ đã trốn trại! Nhưng anh ta mới chỉ lọt ra ngoài từ lúc nửa đêm tới đầu giờ sáng hôm sau đã bị bắt trở lại. Tù binh này khai: Anh ta phát hiện ra phòng giam có lỗ lên trần, khi cải tạo, người ta đã sơ ý không dùng bê tông vôi vữa trát lấp kín, mà dùng dây thép gai bịt lại. Ý định vượt ngục của người tù binh kia đã nảy sinh, khi lên câu lạc bộ của nhà giam, tình cờ được xem một tấm bản đồ Việt Nam treo trên tường. Anh ta nhìn thấy con sông Tô Lịch. Theo nguyên tắc chung, sông chảy ra biển. Anh ta suy đoán: Trốn được ra ngoài cứ đi xuôi theo dòng sông thì chắc sẽ gặp biển. Chỉ cần gặp thuyền của ngư dân rồi, thì sẽ xin đi nhờ, hoặc khống chế họ bắt chở ra biển. Khi gặp tầu nước ngoài thì sẽ làm tín hiệu SOS...

Để chuẩn bị cho chuyến trốn trại này, người tù binh Phi công Mỹ đó đã lấy bánh mì phơi khô tích trữ dần làm lương thực... Nửa đêm hôm đó, chờ cho mọi người ngủ say, người tù binh này đã tháo dây thép gai chăng trên lỗ lên trần phòng giam và thoát ra ngoài. Nhưng mới lần mò men theo bờ sông đi được ít cây số, thì trời đã tảng sáng. Anh ta phải vào một ngôi chùa bên bờ sông Tô Lịch, vặt lá đa trải lên nền nhà chùa rồi chui vào nằm trốn trong đó…

Sáng ra, có mấy người dân đi làm qua thấy cây đa lá rụng nhiều. Họ rủ nhau vào chùa xem sao, thì phát hiện thấy có người Tây ăn mặc như tù, đang nằm ngủ, liền báo cho Công an và dân quân địa phương. Trước đó, sau khi phát hiện có tù binh Mỹ trốn trại, các lực lượng An ninh và Quân đội của ta trên địa bàn Thủ đô cũng đã được báo động. Cấp trên còn thông báo cho tất cả các địa phương xung quanh Hà Nội cùng phối hợp truy bắt. Và người tù binh Phi công Mỹ này ngay lập tức đã bị áp giải đưa trả về trại giam…

Về Trại giam ở bản Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng: Đây là trại giam được ta xây cấp tốc để sơ tán Phi công Mỹ, nằm trong kế hoạch chủ động chống lại cuộc tập kích 12 ngày đêm của Mỹ tháng 12 năm 1972. Trại giam này được xây vật liệu bằng đá, phòng hẹp và cửa nhỏ. Thời gian xây quá vội, xi măng thiếu, nên chất lượng kém. Có một nhà ở của lãnh đạo trại là nhà ngói, vách trát toóc xi; có ba nhà gạch, diện tích khoảng 20 mét vuông, là nơi làm việc của cán bộ quản giáo. Có ba nhà giam xây bằng đá. Nước sinh hoạt được dẫn từ mạch nước ngầm gần đỉnh núi bằng ống nứa đục mắt, nối lại nhiều đoạn, dẫn vào tận phòng giam của tù binh. Sau một tháng, thấy thị giác tù binh bị giảm, chúng tôi báo cáo, cấp trên lệnh làm giàn dây thép ở ngoài sân, lấy lá ngụy trang và thường xuyên cho tù binh ra tắm nắng.

Sau này, còn có một số tù binh đặc biệt như Đại tá quân đội Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thọ bị bắt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào cuối năm 1971, cũng bị đưa về giam giữ tại đây.

Tại trại giam Bó Dường hồi đó còn có căn nhà lưu giữ hai chiếc xe ô tô (trong đó có một chiếc xe loại cứu thương của bệnh viện). Người trông giữ hai chiếc xe này tiết lộ: Đó là xe từng phục vụ Bác Hồ.

Gần đây, có một bài báo với tiêu đề “Một trại giam Phi công Mỹ bị bỏ quên”, chính là viết về trại Bó Dường này. Nếu bạn đọc nào quan tâm, có thể tìm về địa chỉ nêu trên gặp ông Chu Văn Xây, dân tộc Tày, nguyên là cán bộ Quản giáo trại giam tù binh Phi công Mỹ, nhà ông ở ngay bản Bó Dường; hoặc gặp người đã từng làm Chủ tịch xã Vân Trình thời điểm cuối năm 1972. Ông chủ tịch xã này từng đích thân dẫn chúng tôi và một số anh em vào hang núi cách trại giam khoảng một cây số để chuẩn bị địa điểm dự phòng, theo “phương án hai”: Nếu thấy trại giam không an toàn, thì chuyển tù binh vào trong hang đá…

Trại giam Thanh Liệt: Đây là trại giam do Bộ Công an quản lý. Tháng 9 năm 1971, chúng tôi đưa 23 Phi công Mỹ về giam ở đây. Bên Công an đã dành cho chúng tôi hai ngôi nhà cấp bốn, một là phòng giam, một là nơi ăn nghỉ của cán bộ, chiến sỹ Quản giáo và Bảo vệ sử dụng.

Trại giam ở nhà số 17 phố Lý Nam Đế - Hà Nội: Nơi đây cũng nguyên là doanh trại đơn vị bộ đội được cải tạo lại. Trước năm 1970 có tù binh Phi công Mỹ nào bị giam ở đây hay không tôi không rõ. Sau này (1972), ta có đưa một số tù binh Mỹ bị bắt ở chiến trường Miền Nam ra và giam giữ ở đây.

Nhà máy Điện Yên Phụ: Ngoài ra, có thời kỳ gần chục Phi công Mỹ còn được đưa đến Nhà máy điện Yên Phụ. Hàng ngày, ta bố trí cho họ xuất hiện công khai. Mục đích là để đối phương biết nơi giam giữ tù binh Mỹ, góp phần bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ và cầu Long Biên. (Phía Mỹ thấy có người của họ ở gần cầu và tại nhà máy điện sẽ chưa dám ném bom ở đây).

Một Trại giam Tù binh Phi công Mỹ trong chiến tranh thường được tổ chức bộ máy như thế nào?

- Lãnh đạo trại gồm Trại trưởng, Trại phó (biết tiếng Anh) và Chính trị viên;

- Bộ phận Tham mưu (biết tiếng Anh) có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Nhà nước ta qua hệ thống truyền thanh của trại. Hỏi cung những tù binh mới bị bắt đựa về trại, duyệt lần cuối các thư của tù gửi về gia đình…

- Hai tổ Quản giáo (biết tiếng Anh) làm nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với tù binh hàng ngày. Tổ chức cho họ thực hiện tốt nội quy của trại, giúp họ có nhận thức đúng đắn về chính sách nhân đạo của ta, hiểu rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa của Chính phủ Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam.

Hàng ngày tù binh thường được ra sân tập, tắm nắng, tắm nước hai lần sáng và chiều, mỗi lần một giờ đồng hồ. Chúng tôi thường hướng dẫn họ tham gia các hoạt động thể thao, đưa đi bệnh viện nếu bị ốm, nhận và trao quà gia đình của họ gửi đến; hướng dẫn họ viết thư, kiểm tra và đề xuất ý kiến xử lý đối với những thư có vấn đề…

- Ngoài ra, ở mỗi Trại giam Tù binh còn có một đơn vị Bảo vệ và bộ phận Cấp dưỡng.

Riêng với Trại giam Tù binh Phi công Mỹ Hỏa Lò: Có lực lượng Công an gác cổng ngoài, Quân đội gác cổng trong. Khu nhà giam phía đường Quán Sứ giao cho bộ đội giam Phi công Mỹ; Lực lượng Công an chỉ sử dụng khu C (góc phía đường Hỏa Lò và Hai Bà Trưng). Bên Công an chỉ giữ lại tầng một nhà hai tầng phía phố Thợ Nhuộm làm nơi làm việc; còn lại tầng hai và toàn bộ nhà phía đối diện, nhà bếp giao cho đơn vị bộ đội quản lý sử dụng.

Nhà bếp cho bộ đội được bố trí sát tường sau của một phòng giam. Cũng chính điều này đã làm thay đổi nhận thức của tù binh Mỹ. Bởi họ thường vịn tay lên cửa sổ nhìn ra và thấy bữa ăn đạm bạc của bộ đội ta kém xa tiêu chuẩn ăn của tù binh Phi công Mỹ. Từ buổi ấy, họ không đả động gì đến Công ước Giơ-ne-vơ. Trước đó, báo chí Mỹ và Phương Tây thường đòi ta phải thực hiện Công ước Giơ-ne-vơ đối với tù binh chiến tranh. Trong trại giam, tù binh Mỹ cũng đấu tranh vấn đề này. Chúng tôi giải thích: Các anh là tội phạm chiến tranh, vì đã mang bom ném xuống đất nước chúng tôi, gây bao tội ác với dân thường. Buộc chúng tôi phải chiến đầu bắn trả để tự vệ. Máy bay của các anh trúng đạn bị rơi, các anh bị bắt về đây. Các anh không có quyền đòi được hưởng theo Công ước Giơ-ne-vơ. Tuy nhiên, thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước chúng tôi, các anh đã được đối xử tốt, được hưởng tiêu chuẩn sinh hoạt hàng ngày còn cao hơn cả chúng tôi.

Thời chiến tranh, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân ta còn nhiều thiếu thốn và khó khăn lắm. Tiêu chuẩn ăn của bộ đội ta mùa hè mỗi người chỉ được chi 7 đồng/ngày, còn mùa đông là 6 đồng 8/ngày.

Đối với tù binh Mỹ thì sao? Họ được hưởng mức ăn tới 16 đồng/ngày. Chưa hết, mỗi ngày mỗi tù binh được hút 6 điếu thuốc lá Tam Đảo, Nhị Thanh hoặc Tam Thanh (thường là Tam Đảo). Mỗi tháng, một tù binh còn được nhận 6 lưỡi cạo râu. Mỗi năm được phát một bộ quần áo tù màu xanh lam xẫm, cùng đầy đủ chăn, màn, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng…

Tù binh được cắt tóc theo nhu cầu (có nhà giam chúng ta sắm tông đơ, kéo cho họ tự cắt cho nhau). Mỗi quý, ta còn tổ chức cho họ xem phim một lần. Hàng ngày họ được chơi thể thao, bóng chuyền (có lúc bộ đội cùng tham gia). Có tù binh xin được đọc Tuyển tập Mác – Ăngghen, chúng tôi đã cung cấp.

Các phòng giam có tú lơ khơ, cờ quốc tế (khi ta có chủ trương cho nhận quà, gia đình họ gửi bàn, quân cờ và tú lơ khơ).

Ở trại giam Nhổn và Ngã Tư Sở còn có cả phòng câu lạc bộ dành cho tù binh.

Một tháng, mỗi tù binh được viết một lá thư dài không quá bẩy dòng; một quý, mỗi người được viết một lá thư dài không quá hai mươi mốt dòng gửi về gia đình.

Vào dịp Lễ Noel (25 tháng 12) hàng năm, Trại giam đều tổ chức lễ, các phòng cũng trang trí cây Noel. Chiều 24 tháng 12, họ thường được ăn thịt gà tây. Năm nào chúng tôi cũng chọn một số tù binh tiêu biểu cho đi lễ nhà thờ. Có năm chúng tôi mời mục sư đạo Tin Lành vào làm lễ cho tù binh tại trại giam (đạo Tin lành giản đơn, chỉ cần cây thánh giá là đủ, không cầu kỳ như đạo Công giáo). Đúng 12 giờ đêm, chúng tôi phát quà Noel cho tù binh gồm: 6 cái kẹo hoặc 6 tấm bánh bích quy Hương thảo, sáu hoặc ba điếu thuốc lá…

Trại giam cũng tổ chức cho các tù binh Phi công Mỹ ăn tết Nguyên đán theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, có bánh trưng và giò lụa. Sáng mồng Một, lãnh đạo Trại gặp đại diện tù binh chúc Tết họ. Buổi gặp này thường rất vui. Sau lời chúc Tết của lãnh đạo Trại, tù binh được mời hút thuốc, uống nước, ăn bánh kẹo và nghe chúng tôi kể chuyện cổ tích Việt Nam. Họ rất thích chuyện tiếu lâm, ví dụ như “Sai con đi mua nước mắm bằng đĩa”.

Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 8): NHỮNG CHUYỆN BI HÀI QUA LỜI KỂ CỦA QUẢN GIÁO TÙ BINH PHI CÔNG MỸ

Tháng 3 năm 1971, anh em bảo vệ Trại Hỏa Lò phát hiện hàng ngày vào khoảng 10 giờ sáng, có hai tù binh ở nhà giam phía đường Quán Sứ và Hai Bà Trưng cùng vào nhà vệ sinh, và ở trong đó lâu khoảng một tiếng đồng hồ. Chúng tôi kiểm tra hồ sơ tự khai, hai tù binh này đều tốt nghiệp đại học ngành thông tin liên lạc.

Trại trưởng liền ra lệnh khám phòng (có trên 40 tù binh ở phòng này). Chúng tôi phát hiện dây mắc màn bằng dây thép đã được cách điện với tường. Chúng tôi gọi hai tù binh có biểu hiện không bình thường kia lên chất vấn. Họ khai đang lắp máy bộ đàm để liên hệ với bên ngoài. Hỏi linh kiện lấy đâu ra? Họ khai: Hải quân Mỹ gửi linh kiện bằng cách nhét vào hộp thuốc đánh răng, quả táo, bánh xà phòng. (Thực hiện chính sách nhân đạo, Chính phủ ta cho Phi công Mỹ nhận quà từ gia đình).

chuydvh1e-1642059442.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Sau việc này, toàn bộ quà gửi cho Phi công Mỹ được kiểm tra rất kỹ. Qua kiểm tra này, chúng tôi đã lấy được tài liệu của Mỹ gửi cho Phi công giam giữ ở đây về vụ tổ chức cướp Phi công Mỹ ở Sơn Tây được nhét vào ruột quả táo khô (ta thường gọi là táo tầu). Tài liệu viết trên tờ giấy ni lông rất mỏng khổ rộng 4 cm, dài 50 cm, chữ nhỏ phải dùng kính lúp mới đọc được. Một câu hỏi đặt ra: Tù binh Phi công Mỹ sẽ đọc bằng cách nào? Họ khai: Lọ nhựa đựng thuốc vitamin Hải quân Mỹ lấy danh nghĩa gia đình gửi cho Phi công Mỹ có đáy là hình cầu lõm, dùng thay kính lúp đọc rất rõ.

Thời điểm ấy, tôi là Tổ phó Quản giáo đã được giao nhiệm vụ dịch bản tài liệu này. Bản dịch dài tới 5 trang viết tay loại giấy trang kẻ ngang. Tôi còn nhớ có mấy chi tiết như sau: Phía Mỹ cho biết họ có điệp viên là người địa phương, nắm chắc tình hình trại giam, vẽ sơ đồ gửi cho Mỹ. Họ cũng công nhận, vì hoạt động ở trại giam Sơn Tây không thấy có gì thay đổi, vẫn có kẻng báo thức hàng sáng, thấy bộ đội tập thể dục, tối có kẻng báo đi ngủ… Thực ra, trước đó một tháng, toàn bộ số Phi công giam giữ ở đây đã chuyển về trại giam ở Nhổn. Cơ sở ở Sơn Tây giao cho một đơn vị bộ đội quản lý. Để giữ bí mật, ngày chuyển tù binh Phi công Mỹ đi, ta đã thực hiện nghi binh: Cứ chuyển đi một xe lại có một xe ô tô giống như vậy chuyển bộ đội đến. Nên trại giam không có gì khác lạ, không ai phát hiện được việc chuyển tù Phi công Mỹ đi khỏi trại giam Sơn Tây…

chuydvh2e-1642059670.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhân đây, xin được kể một một vài chuyện còn ít biết về những tù binh đặc biệt này:

Họ được học hành, đào tạo, huấn luyện rất đặc biệt với nhiều kỹ năng. Khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam, Phi công Mỹ còn được học cả cách mở khóa, phá cửa và những kỹ thuật biệt kích phá hoại. Có tù binh đã nói với tôi, trốn ra khỏi trại giam các ông không khó, nhưng trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam là không thể, vì hình dáng người Việt khác người Mỹ và nhân dân các ông có ý thức cảnh giác cao, tin tưởng ở chính quyền. Thực tế cũng có mấy lần chúng trốn khỏi trại nhưng lại bị bắt lại ngay.

Ngay việc chuyển Phi công Mỹ đi giam ở Cao Bằng, chúng tôi phải thực hiện nghi binh: Xuất phát ở Hỏa Lò từ 11 giờ đêm, xuống Hà Đông, rẽ Nhổn, về Yên Phụ, lên cầu Thăng Long, đi Thái Nguyên, sang Bắc Cạn, đi Thất Khê, Đông Khê (Cao Bằng) và rẽ vào trại giam ở sườn núi thuộc địa phận bản Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

chuydvh3-1642059746.jpg
Chùm ảnh mầu trao trả tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

Bây giờ từ Hà Nội đi Cao Bằng chỉ trong một ngày. Nhưng hồi đó, đoàn xe chúng tôi phải đi suốt hai đêm một ngày mới tới. Để đảm bảo an toàn, lo ngại tù binh trốn dọc đường, chúng tôi phân công bảo về ngồi cùng và kèm chặt. Đến Bắc Cạn, xe dừng, tôi lên kiểm tra thì cả mấy đồng chí bảo vệ và tù binh cùng nằm ngủ ngon lành trên xe. Tất nhiên, trên đường đoàn xe chúng tôi đi qua đều có sự hiệp tác bảo vệ của các đơn vị tại chỗ. Điều ngạc nhiên, là ngay sáng hôm sau, tôi vào phòng giam, một tù binh đã nói với tôi: Đây là biên giới Việt Trung! Tôi hỏi tại sao biết? Anh ta chỉ vào cây rừng trước cửa và nói chỉ ở biên giới Việt Trung mới có loại cây này.

Chuyện báo chí Mỹ nói tù binh Phi công Mỹ bị bộ đội Bắc Việt bắt lao động khổ sai, đã lợi dụng việc đập gạch vỡ rồi xếp chữ SOS để báo với máy bay trinh thám của Mỹ. Không biết thực hư thế nào? Vì trong các trại giam tôi biết, thì không có chuyện bắt tù lao động. Nhưng việc họ lợi dụng viết thư để thông tin về nước là có và rất phổ biến. Do vậy, chúng tôi phải tổ chức kiểm duyệt.

Một lần tôi kiểm tra một lá thư gửi về gia đình, một tù binh đã viết như sau: Khi con được về nhà, con sẽ lấy vợ. Bố mẹ mua sẵn cho con một ngôi nhà. Con thích có một ngôi nhà nằm trên một sườn núi, hướng trông ra một cánh đồng và trên cánh đồng đó có một cái làng... Tôi nghĩ ngay, người tù binh này đã ngầm thông báo Trại giam ở Bó Dường, Cao Bằng. Ngay cái tên “Khách sạn Hilton” là họ tự đặt cho Trại Hỏa Lò, khi viết trong thư gửi về nhà.

Thời gian cuối năm 1971 đầu năm 1972, cấp trên cho rằng dân Mỹ ăn bánh mỳ sao không cho Phi công Mỹ ăn bánh mỳ lại cho họ ăn cơm. Trại chúng tôi liền tổ chức cho tù binh ăn bánh mỳ. Họ rất thích, nhưng lại có tù binh lấy cớ chống lại. Xin kể một chuyện. Tù binh Phi công có tên là Morgan (tiếng Việt chúng tôi đặt là “Gàn” - Ở trại giam, để anh em bảo vệ dễ nhớ, dễ gọi, mỗi Phi công Mỹ được đặt một tên Việt. John McCain, sau là Thượng nghị sỹ Mỹ, gọi là “Cài”. Morgan là Đại úy, anh ta thường khoe là Phi công bị bắt thứ 6 tại Hải Phòng. Sau khi ăn bánh mỳ được một tháng, anh ta lâm bệnh và giảm cân nhanh. Chúng tôi đưa đến bệnh viện. Các bác sỹ bệnh ở viện 108 và 354 đều không tìm không ra nguyên nhân. Có lần tôi được trực tiếp vào phòng chiếu X quang, nhìn màn hình không thấy có biểu hiện gì. Lần đó, bác sỹ quân y viện 354 nói với tôi khả năng tù binh này bị phản ứng thức ăn. Anh ta được điều trị và ăn uống theo chế độ đặc biệt. Sau này, tù binh này đã khai được tên cầm đầu giao nhiệm vụ, mỗi lần ăn bánh mỳ xong lấy tay móc họng cho nôn ra, rồi ăn lại. Không ngờ hành động đó tạo thói quen phản xạ. Mỗi lần ăn xong, tên này nôn ra bát và rồi lại xúc thức ăn vừa mới đó ăn lại thì mới được. Nhiều đồng chí của ta nhìn thấy là thấy lợm giọng. Tham gia vụ này, “Cài” đã cạo đầu theo phong cách “một mất một còn” - Cạo trọc một nửa đầu, một nửa để tóc dài.

Cuối năm 1971, Hà Nội có dịch đau mắt đỏ, Ban chỉ huy Trại tổ chức tiêm phòng cho tù binh. Không hiểu tại sao, có một phòng gần 40 tù binh đã bị đau mắt đỏ đồng loạt ngay sáng hôm sau. Họ la ó, phản đối dữ dội. Chúng tôi phải nhờ các bác sỹ quân y viện đến kiểm tra và chữa trực tiếp, mới qua được đợt dịch này.

Kể thêm về anh “Cài”

Về chuyện tù binh “Cài” - John McCain thì mọi người đều đã rõ. Anh ta là con trai của Đô đốc Hải quân Mỹ Robert McCain, bị bắt ở hồ Trúc Bạch. Khi bị bắt McCain bị thương ở chân rất nặng, mất nhiều máu. Các bác quân y viện 108 đã tập trung cứu sống, sau này chữa không phải cưa chân (vì chân bị dập nát xương) và các năm sau chữa đi được. Có người bạn hỏi tôi, nếu ông gặp lại John McCain ông sẽ nói với ông ta điều gì? Tôi nói, những hoạt động của John McCain thời gian qua nói lên sự nhận thức của ông ta về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nếu có gặp lại, tôi sẽ khuyên ông ta tìm gặp các bác sỹ quân y đã cứu sống và tìm cách giữ cho ông ấy cái chân trong điều kiện khó khăn của bệnh viện 108 nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu có thể ông nên có đóng góp gì đó hữu ích cho bệnh viện quân y 108.

Có lần tôi hỏi “Cài” là tại sao tham chiến ở Việt Nam. Ông ta trả lời rất đơn giản là sang Việt Nam được lương cao, và vì ông ta là quân nhân nên phải theo lệnh của cấp trên. Ông ta giải thích quân đội Mỹ thường gọi là “G’I” (government issue) nghĩa là đội quân theo lệnh của Chính phủ, nên Chính phủ Mỹ bảo đi đâu phải thực hiện. Ông ta còn nói, khi còn là học sinh, sinh viên có tham gia Câu lạc bộ Hàng không, nên khi có động viên sang Việt Nam được lương cao ông ta đã đăng ký tham gia. Tôi hỏi: Bố anh là Đô đốc Hải quân, anh có theo nghiệp bố không? “Cài” trả lời: Tôi khác quan điểm với ông ấy. Tôi thích làm chính trị. Nếu tôi không sang Việt Nam tôi sẽ phấn đấu là Thượng nghị sỹ.

Có một chuyện vui, một buổi sáng vào nhà giam kiểm tra, khi đi qua phòng giam tôi thấy “Cài” đang tập thể dục. Thấy tôi, “Cài” nói “Blinky” - phó nháy (tôi có tật nháy mắt). Thấy thái độ như vậy, tôi nói bảo vệ không cho ra ngoài. “Cài” gào to: “Báo cáo Trại trưởng”! Đồng chí Tổ trưởng Quản giáo hỏi tôi tại sao anh ta phản ứng vậy? Tôi báo cáo sự việc. Quản giáo cho dẫn “Cài” lên phòng hỏi cung. Vừa gặp tôi, anh ta đã nhận có sai và thanh minh là đùa, xin được gặp tôi để xin lỗi. Khi gặp lại tôi, “Cài” đã xin lỗi và thanh minh: Thấy ông hiền, tử tế nên tôi mới nói đùa…

Làm công tác quản lý Phi công Mỹ, chúng tôi thường nhắc nhau phải qua hành động thực tế để cảm hóa họ. Khi nói chúng ta có 4.000 năm lịch sử, bọn họ không tin. Chúng cho rằng nước Mỹ mới có 200 năm mà giầu có như vậy, Việt Nam có 4.000 năm tại sao lại nghèo? Trại bố trí cho họ đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mắt thấy tai nghe, nên họ tin ngay.

Một lần, một tù binh chửi tục, bị phạt giam riêng, nhưng vẫn hưởng mọi chế độ. Một buổi sáng tôi vào phòng giam đó. Anh ta kể: Ông bảo vệ hôm qua mang cho tôi 6 điếu thuốc lá. Sau đó, ông ấy về vị trí trực. Tôi phát hiện ông ấy cũng nghiện thuốc nặng, đã phải lấy mẩu thuốc cũ trong túi của mình ra châm lửa hút. Tôi rất khâm phục ông ấy. Tôi là người đang bị kỷ luật mà ông ấy vẫn đối xử với tôi như vậy. Ông có quyền, nhưng đã không bớt tiêu chuẩn thuốc hút của tôi.

Tù binh Phi công Mỹ khi được ta tin tưởng nhờ làm gì là họ cũng thích. Khi ở trại giam Bó Dường, tôi giao cho một phòng giam tìm các từ đồng nghĩa tiếng Anh (thời kỳ đó tài liệu tiếng Anh khan hiếm lắm). Chỉ 20 ngày họ làm xong một quyển rất hay. Quyển này, sau này khi về học ở Mai Dịch chuẩn bị vào Tân Sơn Nhất, tôi đưa cho anh Đoàn Huyên.

“Tài sản đặc biệt” đã bị tiêu hủy

Xin kể một chuyện vui nữa: Khi bị bắt, đưa đến trại giam, Phi công Mỹ có tài sản gì trong người đều được ta lập biên bản và giữ lại để khi trao trả thì bàn giao lại. Có một tù binh Phi công Mỹ khi dẫn giải đến trại giam, trong tư trang anh ta có một món tài sản khá đặc biệt, đó là một… túm lông nhỏ (không hiểu để làm gì), nhưng theo quy định, ta cũng phải lập biên bản coi như “tài sản riêng” và phải lưu giữ.

Vậy là, mỗi khi người tù binh kể trên chuyển đi trại giam nào, thì cán bộ quản lý cũng phải bàn giao “túm lông tài sản” đó theo. Mãi sau này, cấp trên cử bác Xuân Oanh từ bên ngoại giao (năm ấy bác là Người phát ngôn báo chí của đoàn ta tại hội nghị Paris) sang làm Trại phó. Bác Oanh thấy vậy, liền cho hướng xử lý: Mời người tù binh kia lên giải thích về sự phiền toái, rắc rồi… Anh ta đồng ý hủy, chúng tôi liền cho lập biên bản và hủy “tang vật” trước chứng kiến của chủ nhân túm lông kỳ quặc nọ.

Trong gói quà gia đình gửi cho tù binh thường có cả ảnh gia đình, thậm chí còn có ảnh vợ, bạn gái chụp khỏa thân gửi cho… Lúc đầu, chúng tôi thấy ảnh khỏa thân, trông rất chướng mắt, nên không cho tù binh nhận. Thấy vậy, bác Xuân Oanh tham gia ý kiến là: Văn hóa Mỹ và Phương Tây coi ảnh khỏa thân là bình thường trong cuộc sống của họ. Ta cứ cho tù binh nhận ảnh khỏa thân, để họ nhớ vợ, nhớ người yêu, nhớ nhà mà đấu tranh với Chính phủ Mỹ và phản chiến mạnh hơn.

Nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi rất tiếc là không có điều kiện tổ chức được các buổi gặp mặt truyền thống của các Cựu cán bộ những Trại giam tù binh Phi công Mỹ hồi đó…

Hé lộ về một trại tù binh Mỹ tại Đà Nẵng, trong chiến tranh Việt Nam

Theo hồi tưởng của Zalin Grant - Một cựu phóng viên của tờ Time, từng tình nguyện phục vụ như một sĩ quan quân đội Mỹ tại Việt Nam (lược dịch - ĐVH):

Khoảng những năm 1968 - 1971, đã có một Trại tù binh Mỹ được lập ở sâu trong một cánh rừng phía tây của Đà Nẵng. Trại này nằm dưới những tán lá rừng rậm rạp, nơi ánh sáng mặt trời khó xuyên thủng, với những cành cây và dây leo đan chồng lên nhau. Trại tù binh này không đèn điện, không có tháp canh và cũng không có giây thép gai bao quanh. Phòng giam tù binh chỉ là những túp lều tranh, giường ngủ bằng sạp tre, được làm đơn giản như nơi ở của người dân tộc Tây Nguyên trong chiến tranh. Những người lính Việt Cộng rất giỏi chịu đựng gian khổ, thiếu thốn và hy sinh. Nhưng với những người Âu – Mỹ thì điều kiện sinh hoạt nơi đây thật là tồi tệ đến kinh dị, vì không khí luôn ẩm thấp, bùn lầy và còn bị côn trùng rắn rết tấn công.

Lúc cao điểm nhất, trại này có 32 tù binh. Nhưng 12 người trong số họ đã chết vì nhiều lý do: bệnh tật, đói ăn và cả vì bom đạn của quân đội Mỹ trút xuống. Suốt một thời gian dài, 18 tù binh Mỹ phải đi chân trần với dép cao su. Không được cấp đủ gạo và lương thực thường xuyên, để cứu đói, họ phải tự đi lao động thu hoạch khoai mỳ trên rẫy về làm thức ăn. Họ sống trong nguy hiểm rình rập đêm ngày, vì liên tục bị ném bom bởi lực lượng Không quân Mỹ và Không quân Sài Gòn. Một người Mỹ phản chiến được trang bị một khẩu súng trường Marine Bob Garwood đã làm “quản giáo” giúp Việt Cộng giam giữ những tù binh nơi đây.

Tháng 4 năm 1968, các tù binh ở trại giam phía Tây Đà Nẵng này đã tổ chức một kế hoạch chạy trốn, nhân một lần được cử đi thu hoạch khoai mỳ, mà chỉ có một bảo vệ giám sát. Nhưng tất cả đều bị bắt lại, khi họ lạc vào một buôn người Thượng mà không tìm được lối ra.

Về sau, chỉ có một tù binh trốn trại và đào thoát thành công. Thêm 5 người trong số họ may mắn được Việt Cộng trả tự do vì mục đích tuyên truyền. Số tù binh còn lại phải đến sau Hiệp định Paris mới được trao trả hết cho Mỹ tại Lộc Ninh năm 1973.

Riêng năm 1971, còn có một nữ tù binh hiếm hoi thuộc lực lượng Quân y, người Mỹ gốc Đức, được yêu cầu gửi ra Hà Nội cùng một tù binh gốc Đức nữa, theo đường mòn Hồ Chí Minh...

Đặng Vương Hưng



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?