CHUYỆN VỀ CÚNG THẦN THÁNH: AI NÓI VN NGHÈO...
Chuyện về vị thần nữ ‘giàu nhất’ Việt Nam: Khách ‘VIP’ của các ngân hàng
Sự thật, Bà là vị thần gì và quyền lực ra sao? Loạt bài này, chỉ mong muốn đem đến cho bạn đọc những thông tin độc đáo về Bà Chúa Xứ núi Sam, chứ không có ý ca tụng hay ủng hộ việc thần thánh hóa và mê tín dị đoan. Còn đức tin, đó là điều trong mỗi con người, không ai có thể cấm cản.
Ngay sau Tết Nguyên đán mỗi năm, hàng trăm ngàn khách hành hương đã lục đục kéo về miếu Bà Chúa Xứ thuộc P.Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang gây kẹt xe trên nhiều đoạn đường. Mùa hành hương đã bắt đầu và kéo dài đến tận cuối tháng 4 âm lịch, dù theo thông lệ thì lễ Vía Bà chỉ được tổ chức trong 5 ngày - từ 23 đến 27.4 âm lịch hằng năm.
Từ năm 2001, lễ Vía Bà đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, nhưng với hàng triệu khách hành hương đến đây mỗi năm, đó không phải là nguyên nhân chính “kéo” họ đến thắp nhang cho Bà. Bởi lẽ, trong lòng nhiều người trong số họ, Bà là vị thần thiêng liêng và đầy huyền bí, sẽ ban cho họ sự giàu sang phú quý…
Bà Chúa Xứ - vị thần mà các ngân hàng săn đón
Một anh đang công tác trong ngành du lịch tỉnh An Giang, nói vui: “Bà Chúa Xứ là vị nữ “đại gia”, là thần nữ giàu nhất cả vùng miền Tây này”. Anh nói, khó ai thống kê chính xác khối tài sản khổng lồ của Bà, gồm khu miếu thờ với chánh điện nguy nga, vàng, hàng đống áo mão mạ vàng, khảm ngọc…
Gạo và muối mà khách hành hương cúng, chất thành kho - Ảnh: Nguyễn Hồ
Chỉ biết, riêng tiền mặt thì Bà “có” hơn 500 tỉ đồng đang gửi ở ngân hàng. Tất nhiên, Bà không phải là người trần mắt thịt, nên khối tài sản ấy Ban Quản trị lăng miếu núi Sam đang quản lý hộ…
Một thành viên Ban Quản trị lăng miếu núi Sam thừa nhận và cho biết: “Như riêng năm 2012, lượng tiền mặt mà khách hành hương thập phương đến cúng cho Bà đã lên đến hơn 70 tỉ đồng!”.
Vài năm trước đây, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam có gần 200 người, phải trả lương hằng tháng. Đó là chưa kể cũng ngần ấy người làm công quả trong miếu Bà, tức không ăn lương mà chỉ hưởng lộc hoa quả, thịt heo quay, gạo, muối… mà khách đến cúng. Ấy vậy mà sau khi trừ hết chi phí lương bổng, chi phí tu sửa lăng miếu… mỗi năm, Bà vẫn “còn dư” tròm trèm 50 - 60 tỉ đồng.
Vậy nên cũng dễ hiểu, vì sao lượng tiền mà Bà “gửi tiết kiệm” tại ngân hàng nhiều đến vậy! Cứ 3 - 5 năm một lần, Ban quản trị và các vị có chức trách sẽ ngồi lại với nhau, “đấu giá” để chọn lựa ngân hàng nào có uy tín nhất, lãi suất thích hợp nhất để giữ số tiền quỹ của Bà. Các ngân hàng thì cứ đua chen nhau, bởi điều dễ hiểu, với số tiền gửi như vậy, đương nhiên là khách hàng VIP mà ai cũng muốn giành về mình.
Hiện nay, những người làm công quả không được ở thường xuyên trong khu miếu, do đã có tình trạng người xấu trà trộn vòi vĩnh tiền cúng, hay phát tán những trò mê tín dị đoan, nhưng riêng lực lượng nhân sự có trả lương mà Ban quản trị đang quản lý cũng lên đến hàng trăm người. Có thể nói, lực lượng phụng sự cho Bà nhiều hiếm thấy ở những nơi thờ cúng khác.
Gần 200 năm nay - kể từ lúc có miếu Bà, rất nhiều người đã giữ phong lệ đến cúng Bà hằng năm. Nhưng trước kia, gia cảnh mỗi người cũng như nền kinh tế chung còn nghèo, nên người đến cúng chỉ mang theo ít trái cây, mâm xôi, con gà… hoặc chỉ thắp nén hương tỏ lòng thành kính. Nhưng nay, kinh tế phát triển, nhiều người lắm tiền nhiều của không ngại ngần dâng cả tiền tỉ để cúng Bà.
Cặp đèn cầy (nến) độc đáo ở miếu Bà - Ảnh: Nguyễn Hồ
Trong khu miếu Bà, có 2 góc ở trệt và tầng 1 được đặt những đồ vật quý hiếm mà khách thập phương đến cúng Bà. Việc bảo vệ ngày đêm tại các khu này cũng được triển khai, nhưng có lẽ chỉ là cho đúng quy định, bởi sự tôn thờ và lòng tin về sự hiển linh của Bà quá lớn, nên đố tên ăn trộm nào dám mò vào ăn cắp đồ của Bà nếu không sợ bị vật chết.
Tại những chiếc tủ kính ở tầng trệt, chúng tôi quan sát có hàng hà sa số các tranh khảm vàng, đồ vật bằng vàng khối hoặc mạ vàng, kim chi ngọc diệp, tượng sa thạch, đồng đen… Có cả một cây nhang quý đường kính khoảng 30cm, cao khoảng 1 mét, chạm rồng rất đẹp và cầu kỳ - có thể nói là vô giá, còn phía 2 bên là 2 cây đèn có kiểu dáng và hình thù rất lạ. Cây nhang ấy, theo một thành viên Ban Quản trị: “Chúng tôi thấy quá đẹp nên tiếc, nay không dám đốt nữa”. Mà nếu đốt, cũng chẳng biết xuyên suốt bao nhiêu tháng trời mới cháy hết cây nhang ấy.
Hơn 15 năm trước, có vị đại gia không biết đến từ xứ nào, nhưng cứ đến hẹn hằng năm là lại đến, cúng Bà một hiện vật bằng vàng to bằng nắm tay. Cứ năm Sửu, thì ông ta mang đến con trâu bằng vàng, năm Thìn thì đem đến con rồng bằng vàng… Cách đây vài năm, ông ta đã cúng đủ 12 con giáp, đang trưng bày tại miếu Bà.
Bộ áo mão của Bà trị giá gần 50 triệu đồng
Dư luận hay xôn xao về việc các ca sĩ, diễn viên, đại gia… xài hàng hiệu, quần áo hàng triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi bộ, rồi mỗi người sở hữu cả bộ sưu tập quần áo... Nhưng đến miếu Bà, thì đấy là điều bình thường! Nhưng tất nhiên, đó phần lớn là những thứ mà khách thập phương đến cúng.
Những đồ vật quý hiếm được khách hành hương cúng bà - Ảnh: Nguyễn Hồ
Một cán bộ ở Trung tâm Du lịch nông dân An Giang, cho biết sau lưng lăng Thoại Ngọc Hầu - đối diện với miếu Bà, có người đàn bà rất nổi tiếng với việc chuyên may áo, mão cho Bà. “Có bộ áo, mão mà khách hành hương đặt cúng Bà mà chị này may, trị giá gần… 50 triệu đồng! Trên áo, mão có khảm ngọc, thêu hình rồng nổi… nên rất giá trị. Còn những bộ thường hơn, giá cũng vài triệu đồng/bộ là chuyện bình thường”, anh kể.
Theo Ban Quản trị lăng miếu núi Sam, cứ 15 ngày là phải thay áo mão cho Bà một lần. Bộ áo mão cũ không bao giờ được mặc lại cho Bà, mà nhiều lúc cất vào kho hoặc vải áo được cắt ra thành những mảnh nhỏ, phân phát cho khách hành hương có nhu cầu xin lộc. Vậy mà áo mão của Bà vẫn không thể sử dụng hết, do khách hành hương cúng quá nhiều. Nhiều đến nỗi có lúc Ban Quản trị phải trương hẳn bảng thông báo to, ghi rõ: “… Do số lượng áo mão quý khách dâng cúng quá nhiều, nên chỉ mặc được một lần rồi đưa trưng bày một ít, phần lớn phải cất vào kho không sử dụng, trong khi đó giá trị mỗi cái áo mão rất cao. Để hạn chế phần nào cho sự hao phí và việc dâng cúng của quý khách có ý nghĩa thiết thực cho việc trùng tu tôn tạo di tích cũng như sử dụng vào các công việc từ thiện khác… đề nghị hạn chế đến mức thấp nhất việc cúng áo mão…”. Chỉ đến năm 2009 thôi, “bộ sưu tập” áo mão của Bà đã lên đến con số khủng: 15.000 bộ!
Còn ngay trong khu miếu, có hẳn căn phòng lớn, nhưng vẫn không chứa hết số gạo, muối mà khách hàng hương đến cúng, cho nên phải chất ra tới hành lang hàng đống. Theo một nhân viên bảo vệ tại khu miếu, đến những ngày cao điểm, heo quay mà khách tới cúng bày hàng trăm con ngoài sân, nhưng vài chục phút sau thì phải cất dẹp nơi khác để bày số heo mới lên. Cứ như vậy, đủ thấy lễ vật mà khách thập phương dâng cúng cho Bà nhiều đến mức nào.
Phần lớn những khách hành hương đến cúng, vung tiền triệu tiền tỉ, “vàng ròng bạc nén”... hiển nhiên vì lòng tin. Họ tin rằng, cúng Bà càng nhiều thì làm ăn càng tấn tới, đụng đâu thắng đó. Tiếng đồn ngày một vang xa, ai cũng muốn một lần đến cúng Bà nếu ít điều kiện, còn dư dả thì năm nào cũng đến. Có người đến từ Tiền Giang, TP.HCM, Đồng Nai, có người từ tận miền Bắc.
Một số lễ vật quý hiếm dâng cúng Bà, cũng có ghi tên tuổi, địa chỉ… và theo quan sát của chúng tôi, hầu hết là các vị “đại gia” ở cách đó hàng trăm cây số. Còn với người dân địa phương thì khỏi phải nói, việc cúng Bà đã như in sâu vào tiềm thức của họ, khả năng bao nhiêu thì cúng bấy nhiêu, không ai áp đặt.
Nhưng liệu những người đã thắp hương, cúng kiếng và thành tâm van vái ấy, có được Bà “độ” để làm ăn phất lên hay không? Không ai khẳng định được điều đó, kể cả các thành viên trong Ban Quản trị - những người sâu sát hằng ngày tại khu miếu thờ này. Chỉ biết, họ đến vì lòng tin và sự tôn sùng quá lớn đối với Bà Chúa Xứ.
Từ những năm trước đây, mỗi năm chỉ khoảng 3 triệu lượt khách đến hành hương, thắp nhang, thì nay, lượng khách cứ tăng dần theo từng năm.
Và trong số tiền cúng Bà, hằng năm Ban Quản trị lăng miếu núi Sam cũng trích ra bình quân gần 10 tỉ đồng/năm để chi cho công tác phúc lợi như xây trường học, mổ mắt cho dân nghèo, trồng rừng, làm đường, sửa chữa nhà tình nghĩa…
Nguyễn Hồ
Nhận xét
Đăng nhận xét