11 ĐÈO NGUY HIỂM NHẤT VIỆT NAM
11 cung đường đèo nguy hiểm dễ cướp mạng người nhất Việt Nam
Quý vị có đi chơi hãy để ý nha
Những vách đá dựng đứng, sát bên là những vực thẳm hun hút có nguy cơ sạt lỡ bất kì lúc nào, bạn sẽ phải tái mặt khi tận mắt chứng kiến những con đèo đi vào nỗi ám ảnh của các tài xế dưới đây...
Những người có đam mê mà sở thích du lịch bụi, khám phá thì sắp tới đây, kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày chính là thời điểm thích hợp để thỏa thích rong ruổi trên các cung đường không còn lạ lẫm với những con đèo đã đi vào huyền thoại như Mã Pì Lèng, Pha Đin, Hải Vân...
Đèo Mã Pì Lèng - Hà Giang:
Đây chính là một trong tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam, Mã Pì Lèng rất được ưa chuộng không chỉ bởi độ nguy hiểm của những con dốc dựng đứng, những đường cong uốn lượn, trải dài từ núi này sang núi khác mà còn bởi chính vẻ đẹp hùng vĩ mà nó đem lại. Nó khiến cho người nhìn cảm thấy hưng phấn nếu được chinh phục.
Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai:
Cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn nổi danh, cung đường đèo Ô Quy Hồ với chiều dài lên tới 50km chính là một thách thức lớn đối với các tài xế đường dài. Không chỉ hiểm trở, một bên là vực sâu, một bên là núi cao mà khi đứng ở bất kỳ chỗ nào trên con đèo, chúng ta rất dễ nhìn được toàn cảnh trời đất ở độ cao gần 2.000m mà sau này người ta còn đặt cho nó cái tên rất mỹ miều "Cổng Trời".
Đèo Bắc Sum:
Nằm giữa Vị Xuyên và Quản Bạ, đèo Bắc Sum uốn lượn ngoằn ngoèo đưa du khách đến với hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Từ trên đỉnh đèo cao nhất nhìn xuống dưới, bạn sẽ thấy con đường nhỏ như một con trăn đang oằn mình trên dãy núi. Chính cảm giác này đã có không ít nhà nhíp ảnh dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng săn ảnh ở đây.
Đèo Pha Đin - Sơn La:
Nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn, hai đầu đèo Pha Đin nằm ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Địa thế hiểm trở, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm với tổng chiều dài 32 km, con đèo này chính thức ghi danh vào Top những cung đường nguy hiểm bậc nhất Việt Nam. Hơn nữa, nơi đây còn có vô số các khúc cua nguy hiểm như cua tay áo, cua chữ A, chữ Z nối tiếp nhau khiến nó được mệnh danh là một trong những đường đèo nguy hiểm nhất vùng Tây Bắc.
Đèo Khau Phạ:
Quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất, để vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải, Yên Bái, dân phượt cần phải có đầy đủ sự hiểu biết và kỹ năng cần thiết. Khau Phạ đẹp nhất vào tầm tháng 9-10, khi lúa đã chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang, cũng chính là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để ngoạn cảnh.
Đèo Ngang - Hà Tĩnh, Quảng Bình:
Đèo Ngang nổi tiếng từ trong bài thờ của Huyện Thanh Quan:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà Cỏ cây chen lá, đá chen hoa Lom khom dưới núi, tiều vài chú Lác đác bên sông, chợ mấy nhà Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia Dừng chân đứng lại, trời non nước Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Quãng Bình. Đường đèo này tuy không dốc như các đường đèo ở các tỉnh phía Bắc, nhưng có những đoạn vòng vèo, khúc khuỷu.
Đèo Đá Đẽo:
Nằm trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đèo dài 17 km với những khúc cua tay áo và cánh rừng già nguyên sinh. Đây là cung đường mà nhiều tay lái muốn trải nghiệm, đây cũng là con đèo gắn liền với bao thăng trầm của thời gian như một chứng nhân lịch sử và cũng là trọng điểm đánh phá địch ác liệt thời Mỹ chiến.
Đèo Ngoạn Mục - Ninh Thuận:
Con đèo này chạy men theo sườn núi dựng đứng nối thung lũng Ninh Sơn với Cao nguyên Lang Biang nên độ dốc lớn, khá nguy hiểm với các xe khách, xe giường nằm lưu thông qua. Đèo Ngoạn Mục dài 18,5 km và có độ dốc trung bình trên 9 độ, là con đèo có độ dốc lớn nhất các tỉnh phía Nam.
Đèo Sa Mù:
Là con đèo hiểm trở bậc nhất miền tây Quảng Trị, nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Lập của huyện Hướng Hoá, cao tít giữa trùng mây, kéo dài gần 20 km. Đèo Sa Mù có nhiều dốc đứng, quanh co, hiểm trở và thường bị sương mù giăng phủ, tô thêm vẻ hùng vĩ của quang cảnh dãy Trường Sơn.
Đèo Hải Vân - Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng:
Với tổng chiều dài khoảng 20km, nối liền hai tỉnh thành Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng, đỉnh đèo cao gần 500m. Đèo Hải Vân có một số đoạn cua gấp khúc nên nếu lái xe không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn.
Đèo Hòn Giao/Khánh Lê:
Còn được gọi là đèo Khánh Lê hay Long lanh hay dân phượt còn gọi với một cái tên sang trọng hơn là đèo Omega dài 33 km nối liền thành phố biển Nha Trang với thành phố hoa Đà Lạt. Đây được xem là một trong những con đường đèo đẹp nhất Việt Nam bởi khung cảnh rộng lớn của đất trời, mây và núi non xa xa bạt ngàn.
Những cuộc chinh phục sẽ không bao giờ kết thúc khi niềm đam mê của bạn quá lớn. Đổ đèo và lên đèo cần rất nhiều kỹ năng của tài xế, do vậy hãy luôn đảm bảo bạn và người cùng đi luôn được an toàn tỏng mọi tình huống, đừng để những điều đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến cuộc vui của bạn! Chúc bạn có một mùa lễ thật tuyệt vời với những chia sẻ trên đây!
Nhận xét
Đăng nhận xét