NHỮNG ĐIỀU KHÁCH TÂY SỢ BỊ LỪA NHẤT KHI ĐẾN VN
Matthew Pie, du khách Canada có thời gian sống lâu ở TP HCM, đã có những chia sẻ về Việt Nam trên Culture Trip với bạn bè quốc tế. Theo đánh giá của Pie, Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, người dân thường rất tự hào khoe với bạn bè nước ngoài về quê hương mình.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ngắm cảnh, thưởng thức các món ăn ngon, du khách tới đây cũng nên cẩn thận với một số mánh khóe của những kẻ lừa đảo.
Việt Nam thu hút khách quốc tế nhờ cảnh đẹp tự nhiên, đồ ăn ngon. Ảnh: Culture Trip.
Một trong những bẫy du lịch mà các khách Tây thường dễ "dính" nhất là bị tráo tiền có mệnh giá lớn với mệnh giá nhỏ hơn. Pie cho biết tờ 500.000 đồng với tờ 20.000 đồng nhìn lướt qua khá giống nhau. Do đó, nhiều kẻ lừa đảo đã tìm cách tráo đổi những tờ tiền này của du khách. Mẹo nhỏ là bạn nên tiêu những tờ tiền có mệnh giá lớn tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi. Với các quán vỉa hè, hàng rong, bạn nên trả họ bằng tờ tiền có mệnh giá nhỏ.
Pie khẳng định phần lớn taxi ở Việt Nam đều làm ăn trung thực, nhưng vẫn còn tồn tại một số taxi "dù". Họ thường lừa khách đi taxi bằng cách để đồng hồ đo công tơ mét chạy với tốc độ "chóng mặt". Nhiều người đã phải trả số tiền lớn khi đi một quãng đường ngắn. Do vậy, du khách nên gọi taxi của các hãng uy tín, nhờ lễ tân khách sạn gọi hộ hoặc đặt xe qua các ứng dụng.
Một góc phố Bùi Viện (TP HCM) trong mắt du khách quốc tế. Ảnh: Culture Trip.
Nhiều du khách đã mất tiền oan vì mua tour của các công ty ma. Thường các nơi lừa đảo này sẽ mời chào, bán tour dưới những cái tên gần giống với các đơn vị lữ hành lớn, uy tín của Việt Nam. Mẹo ở đây là du khách nên kiểm tra kỹ tên các hãng du lịch trên mạng, trước khi đặt mua tour.
Pie kể rằng, anh biết một trường hợp khách nước ngoài thuê đánh giày ở Việt Nam. Trước khi đưa giày, họ đã thỏa thuận số tiền. Sau đó, người này phải trả gấp đôi, vì thỏa thuận ban đầu là cho một chiếc giày. Muốn đánh chiếc còn lại, bạn phải trả số tiền tương tự.
Hãy cẩn thận với những người bán hàng rong cũng là điều Pie muốn khuyên. Nhiều người sẽ gợi ý cho bạn mượn quang gánh của họ để chụp ảnh. Khi bạn đang mải mê chụp, họ sẽ bổ trái cây, nước dừa cho bạn uống và buộc bạn thanh toán tiền, dù trước đó không yêu cầu.
Những người bạn đường khiến khách Tây kinh hãi khi đến Việt Nam
- Lợi dụng sự không rành về tiền bạc, không am tường về đường sá của du khách nước ngoài, nhiều tài xế taxi, xích lô, xe ôm Việt Nam đã gian lận khi tính cước, tráo tiền, thậm chí là đưa cho khách cả tiền âm phủ.
Du khách người Pháp và những đồng tiền âm phủ
Cặp du khách cho biết, khi cả hai đang tham quan tại Hà Nội, một người đạp xích lô đồng ý chở họ với giá 600.000 đồng cho 1 giờ đồng hồ. Sau chuyến đi, 2 du khách trả người lái xích lô 1,5 triệu đồng và nhận lại tiền thừa là 900 nghìn đồng tiền âm phủ (bao gồm 1 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng). Đến sáng 17/7, hai vị khách nước ngoài mang ba tờ tiền này trả cho tài xế taxi thì mới biết đó là tiền âm phủ.
Những đồng tiền âm phủ được cho là anh lái xích lô trả lại cho một du khách người Pháp
Tuy nhiên, trả lời báo giới, anh N.V.C (SN 1979, Nam Định) – người lái xích lô - phủ nhận việc trả lại tiền âm phủ cho hai du khách người Pháp và cho biết sẵn sàng đối chất để làm sáng tỏ sự việc.
Thực tế, chuyện chặt chém, gian lận trong tính cước khi chở du khách nước ngoài gần đây liên tục xảy ra, gây bất bình trong dư luận.
Tối 9/7, tài xế taxi 79A-15483 chở 3 vị khách Hàn Quốc từ khách sạn Havana Nha Trang đến khách sạn Rosaka Nha Trang với khoảng cách khoảng 1,5 km, nhưng đòi phí dịch vụ 200.000 đồng. Các du khách không chịu trả thêm. Quản lý, bảo vệ khách sạn Rosaka Nha Trang và 3 du khách bị tài xế liên tục chửi rủa. Cuối cùng tài xế đòi 100.000 đồng, buộc khách phải trả tiền vì quá hoảng sợ.
Chuyện lái xe taxi "chặt chém" du khách Mỹ giá cước gấp 10 lần cũng gây bức xúc. Cụ thể, sáng 1/3, hai vợ chồng du khách cùng con xuống đi trên một chiếc taxi với quãng đường khoảng hơn 3 km. Đồng hồ tính tiền hiện 45.000 đồng, nhưng tài xế yêu cầu và thu của khách 450.000 đồng. Nhận thấy tiền phí quá cao, du khách thắc mắc nhưng tài xế bảo đó là thu theo quy định. Do vậy, du khách này đã ghi lại biển số xe và tới Quầy thông tin và hỗ trợ khách du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) trình báo.
Năm 2017, chuyện tài xế hãng taxi Hải Vân "chặt chém" nữ du khách Hàn Quốc cuốc xe 50.000 thành... 700.000 đồng ở Đà Nẵng cũng làm nóng dư luận. Hãng taxi Hải Vân đã xin lỗi và hoàn trả số tiền 700.000 đồng cho nữ du khách này. Tài xế chở nữ du khách đã bị lãnh đạo công ty sa thải và phạt 2 triệu đồng.
Vợ chồng du khách người Hà Lan.
Chuyện hai du khách người Hà Lan bị taxi “chặt chém” từng khiến dư luận phản ứng gay gắt. Ngày 15/9/2017, hai vợ chồng người Hà Lan đã phản ánh trên mạng xã hội về việc họ đi taxi từ phố Hàng Quạt về Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), bị tài xế đòi 870.000 đồng cho quãng đường khoảng 7km. Chiếc taxi chở du khách trên mang biển kiểm soát 30A 56218, của Công ty taxi Đại Hòa Phát.
Không chỉ taxi, mà xe ôm cũng chặt chém du khách nước ngoài. Năm 2017, một tài xế mặc áo GrabBike ở TP.HCM đã "chặt chém" du khách nước ngoài 100.000 đồng khi đi quãng đường khoảng 1km, ứng dụng Grab ghi số tiền thanh toán chỉ 19.000 đồng.
Lợi dụng sự không thông thuộc về đường sá của du khách nước ngoài, nhiều tài xế taxi còn chở đi lòng vòng để tăng tiền cước. Việc này khiến không ít du khách bức xúc. Năm 2017, một du khách người Nhật Bản đã đăng tải bài viết cảnh báo các thành viên trong một nhóm Facebook về việc bị một tài xế taxi Việt chở đi lòng vòng để tăng giá cước. Người này cho rằng, nhiều du khách đến Việt Nam do bất đồng ngôn ngữ nên khi bị “chặt chém” đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Chiêu tráo tiền thần kỳ của tài xế taxi dỏm
Theo điều tra của PV báo Pháp luật TP.HCM, hiện nay, cả trăm taxi dù chạy và đậu ở các khu đắc địa tại trung tâm TP.HCM. Họ giở lắm chiêu trò móc túi khách hàng, chủ yếu là du khách, bằng việc cho đồng hồ nhảy với tốc độ “phi mã”, tráo tiền trong nháy mắt.
Trong chớp mắt, tài xế taxi dỏm đã tráo tờ tiền 500.000 đồng thành tờ 20.000 và hô hoán đủ trò. Thậm chí, khi khách nói sẽ gọi "police" thì các tài xế này la làng lên “mafia”.
Tài xế taxi dù tráo tờ 500.000 đồng của khách thành tờ 20.000 đồng. (Ảnh cắt từ clip)
PV dẫn ra câu chuyện cụ thể với 1 du khách Hàn Quốc. Ngày 3/7, anh Han Jea Kwang (SN 1978, quốc tịch Hàn Quốc, tạm trú quận 7) cùng một người bạn bắt phải một taxi dù ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) để ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong lúc tính tiền, tài xế đã nhanh tay ảo thuật lấy tờ tiền 500.000 đồng của anh Han. Sự việc xảy ra chưa đầy 3 giây trong khi trên xe có đến 3 hành khách. Khi bị các vị khách phản ứng dữ dội, tài xế phải lấy tờ 500.000 giấu trong… đũng quần ra trả lại cho khách.
Các tài xế taxi dù thường điều khiển đồng hồ tính cước có mức giá nằm giữa khoảng 400.000 đến 600.000 đồng hoặc dưới 1 triệu đồng, để dễ tiếp xúc tờ 500.000 đồng của khách, nhằm đánh tráo bằng tờ 20.000 đồng.
Đây chỉ là những trường hợp hy hữu nhưng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam nếu không được chấn chỉnh. Kiểu kinh doanh chộp giật, chèo kéo, lừa đảo khách du lịch khiến cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trở nên thiếu thiện cảm trong con mắt của du khách nước ngoài.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Nhận xét
Đăng nhận xét