ĐẤT NƯỚC DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI CÒN GIỮ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN, VUA CHÚA NGÀY XƯA
Choáng váng trước lối sống xa xỉ của nhà vua đa thê, tuyển trinh nữ làm vợ hàng năm
Đất nước nhỏ bé eSwatini, trước đó có tên Swaziland, được cai trị bởi một vị vua nổi tiếng bởi lối sống xa xỉ và có rất nhiều người vợ.
Nước nghèo nhưng vua Mswati III lọt vào danh sách "15 nhân vật hoàng gia giàu có nhất thế giới" theo Forbes năm 2009. Ảnh: AP |
ESwatini nằm giữa Nam Phi và Mozambique, là đất nước duy nhất ở châu Phi còn tồn tại nền quân chủ, đang phải vật lộn với nghèo đói và HIV.
Sau khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1968, vua Sobhuza II đã hủy bỏ hệ thống chính trị lúc đó. Tới năm 1973, nhà vua khôi phục hình thức chính phủ truyền thống, mang lại cho hoàng gia quyền lực tối cao.
Chính phủ eSwatini ngăn chặn những bất đồng chính kiến và các cuộc biểu tình, bao gồm cả bởi các công đoàn dân chủ.
Đất nước đói nghèo
Tính tới năm 2018, khoảng 63% người eSwatini sống trong nghèo đói và ¼ số trẻ em dưới năm tuổi có dấu hiệu suy dinh dưỡng, theo báo cào từ Liên Hợp Quốc.
Khoảng 26% lực lượng lao động tại quốc gia này đang thất nghiệp và 77% người Swazis sống bằng nghề nông, với hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều người cần viện trợ.
Đất nước eSwatini có ít ngành công nghiệp phát triển, trong đó sản xuất đường là một trong những ngành quan trọng nhất và phụ thuộc nhiều vào Nam Phi, nơi cung cấp 85% lượng nhập khẩu và nhận 60% xuất khẩu, Ngân hàng Thế giới cho biết.
Ngành dệt may chủ chốt của eSwatini cũng đã bị suy giảm nghiêm trọng, với hàng ngàn nhân công mất việc, khi Mỹ bất cờ loại bỏ quốc gia này khỏi hiệp ước thương mại béo bở vào năm 2014 do những lo ngại về quyền của người lao động.
Khoảng 27% người trưởng thành trong độ tuổi từ 15-49 tuổi tại eSwatini phải sống chung với HIV, theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 2018. Tỷ lệ nhiễm vi rút gây bệnh Aids tại nước này đứng đầu thế giới.
Người dân ESwatini. Ảnh: Getty |
Tuy nhiên, số ca nhiễm HIV đã giảm một nửa kể từ năm 2010 và các ca tử vong liên quan đến Aids đã giảm 28%, theo Unaids.
Đây là kết quả của các chiến dịch vận động, tuyên truyền nhằm tăng cường cho người dân tiếp cận với các loại thuốc ức chế virus và khuyến cáo nam giới nên cắt bao quy đầu.
Chính phủ gần như kiểm soát hoàn toàn các phương tiện truyền thông và tờ báo độc lập duy nhất, Times of Swaziland, thường xuyên bị đe dọa.
Đồng tính luyến ái bị coi là phạm pháp, váy ngắn bị cấm vào năm 2012 và năm 2017. Chính phủ ra lệnh chỉ Kitô giáo mới có thể được dạy ở các trường tiểu học và trung học.
Chỉ số dân chủ của Swaziland xếp thứ 144 trong số 167 quốc gia, và năm trong danh mục các quốc gia "độc đoán" của thế giới, theo bảng xếp hạng năm 2017 của Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU).
Lối sống xa xỉ của vua Mswati III
Vua Mswati III lên ngôi năm 1986 khi ông chỉ mới 18, 4 năm sau khi cha của ông là vua Sobhuza II qua đời.
Năm nay, ông Mswati đã nắm quyền lực trong 33 năm, điều này khiến ông trở thành một trong những người cai trị lâu nhất ở châu Phi, nắm giữ quyền lực chính trị không giới hạn đối với 1,3 triệu dân.
Ông Mswati có 15 người vợ, theo Telegraph. Hai người vợ đầu tiên của vua được ủy viên hội đồng quốc gia lựa chọn. Sau đó, mỗi năm, ông Mswati có quyền chọn một cô dâu mới, tại lễ hội múa sậy thường niên.
Tại lễ hội này, các trinh nữ sẽ để ngực trần, mặc váy ngắn đính cườm, đeo vòng ở cổ chân và đồ trang sức sặc sỡ. Họ hát múa trước hoàng gia cũng như rất đông khán giả, trong đó có du khách và các chức sắc nước ngoài.
Cô Tintswalo Ngobeni là một trong những người đã chạy trốn lời mời gọi của nhà vua. Ảnh: Daily Mail |
Nhà vua thường sẽ chọn vợ trong số những thiếu nữ tại đây. Tuy nhiên, nhưng không phải cô gái nào cũng muốn trở thành vợ của vua.
Cụ thể, cô Tintswalo Ngobeni là một trong những người đã chạy trốn lời mời gọi của nhà vua. “Tôi biết tình ý của ông ấy với tôi khi tối mới 15 tuổi. Ông ấy thường gọi cho tôi, đề nghị tôi trở thành thành viên hoàng tộc ", cô kể. Hiện tại, cô Ngobeni đã tới Anh sinh sống và luôn sợ phải trở về quê nhà.
Vua Mswati III thường xuyên bị chỉ trích vì lối sống xa hoa, trong khi người dân của ông thì sống trong cảnh nghèo đói.
Năm 2014, khi hơn một nửa số dân của eSwatini đang phải sống với mức chi tiêu là 1,25 USD/ngày thì Quốc hội eSwatini đã phân bổ đến 61 triệu USD cho việc chi tiêu cả năm của gia đình nhà vua.
Năm 2002, Vua Mswati III gây xôn xao và hứng vô số chỉ trích khi yêu cầu Quốc hội chi đến 50 triệu USD để mua một chiếc máy bay phục vụ cho việc đi lại của Hoàng gia.
Quốc hội eSwatini đã không thông qua kế hoạch mua sắm này, sau làn sóng biểu tình quy mô lớn lan ra trên khắp cả nước.
Đến năm 2004, Vua Mswati III lại yêu cầu Quốc hội duyệt khoản chi 15 triệu USD để trang trí lại các tòa nhà chính trong cung điện và xây thêm 11 điện khác cho 11 bà vợ của ông ta.
Một số người vợ của vua Mswati III. Ảnh: AP |
Chỉ một năm sau, Mswati III chi khoảng 800.000 USD để mua 10 chiếc BMW cho 11 người vợ và ba hôn thê tuổi teen. Việc này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi ông đã sắm cho mình một chiếc Maybach trị giá tới nửa triệu USD, được trang bị tivi, đầu DVD, hệ thống âm thanh vòm, máy lạnh và điện thoại không dây.
Tháng 8/2008, hàng trăm phụ nữ Eswatini biểu tình phản đối chuyến ra nước ngoài và sô tiền đã bị đốt vào việc mua sắm của 9 người vợ.
Tuy nhiên, tới tháng 4/2012, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 44, Vua Mswati III vẫn sở hữu một chiếc máy bay 2 động cơ DC-9 như mong muốn. Thời điểm Vua Mswati III có máy bay mới để sử dụng là lúc eSwatini đang trải qua khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Các yêu cầu công khai tên của những người tặng quà và giá trị của chiếc máy bay đều đã bị Hoàng gia eSwatini bỏ qua.
Và mới đây nhất, mặc cho chỉ trích của người dân và truyền thông quốc tế, vua Mswati III đã mua 19 chiếc Rolls Royce tặng các bà vợ trước Giáng sinh và một chiếc Rolls Royce Cullinan tặng chính mình, trị giá 15 triệu USD (khoảng 348 tỷ đồng) vào cuối tháng 10.
Không dừng lại ở đó, chính phủ do vua Mswati tiếp tục gây choáng váng khi mua thêm 79 chiếc BMW và xe máy để sử dụng độc quyền cho gia đình hoàng gia.
Mộc Miên (Theo Times Live, Daily Mail, New24)
Nhận xét
Đăng nhận xét