NGHỊ LỰC ĐÁNG NỂ CỦA MỘT NGƯỜI TÀN TẬT
I am a broke grain! (Tôi là một "hạt thóc lép")
Đó là lời giới thiệu quen thuộc của anh Phú dành cho những vị khách ngoại quốc ghé thăm quán nước "Đi khắp muôn nơi" của mình. Bởi, đó chính là cái tên đặc biệt mà bố mẹ dành cho anh.
Khi mang thai Phú, mẹ anh bị sốt rét do chuyển môi trường sống. Đó là căn nguyên khiến cậu bé ấy lớn lên nhưng "cái chân thì mãi chẳng chịu dài ra" và "cái đầu thì cứ thế phình lên". Phú bị mắc hội chứng lùn bẩm sinh do ảnh hưởng từ thai kỳ của người mẹ. Nhưng đó cũng là giai đoạn bình yên và vô tư nhất trong cuộc đời của Phú.
Sự yên bình không kéo dài được lâu cho đến khi Phú nhận ra sự khác lạ của mình với những người bạn cùng trang lứa. Kể về những ngày tháng thơ ấu, dòng lệ trong đôi mắt của người đàn ông đã đứng về phía nửa kia của cuộc đời vẫn chỉ chực chờ rơi: "Tôi không hiểu tôi là ai nữa. Những người bạn cùng tuổi tôi thì không bao giờ chơi với tôi. Những bạn nhỏ bé hơn nhìn thấy tôi thì khóc thét. Tôi chỉ biết tôi bị cả thế giới từ chối mà thôi".
Bố mẹ coi Phú như một "hạt thóc lép". Bởi với đứa con tội nghiệp này, việc duy trì cuộc sống đã khó chứ nói gì đến tương lai. Không chỉ bị những người ngoài kỳ thị mà trong ký ức của "cậu bé Phú" ngày nào còn có cả những trận đòn vô cớ từ bố mẹ.
Anh Phú vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc đó: "Đó là một hôm tôi cùng bố mẹ đến chơi nhà môt người bạn. Và chú ấy bảo: "Sao bố mẹ đều đẹp mà đẻ ra con lại như thế này!". Và sau đó, về nhà là những trận đòn vô cớ từ người bố của tôi. Tôi hận lắm nhưng mãi sau này mới hiểu".
Cứ mỗi lần thấy Phú ngại ra ngoài, ngại giao tiếp là ông bố nghiêm khắc lại vừa đánh, vừa mắng: "Mày có là "hạt thóc lép" thì cũng phải ra ngoài chứ sau này bố mẹ mất ai lo cho mày". Thế là, từ khoảnh khắc ấy, anh ý thức rất rõ về việc phải tự nỗ lực.
Lời chối từ nghiệt ngã
Từ những câu thúc của bố, những mẩu chuyện nhỏ về Nguyễn Ngọc Ký mà một người tốt đưa cho, anh Phú đã không từ bỏ ước mơ của mình. Anh nỗ lực học tập hết mình và đăng ký thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mọi nỗ lực để cuộc đời chấp nhận anh chỉ gói gọn trong hai từ đại học. "Cả thế giới từ chối mình thì chính mình không được từ chối mình, mình sẽ đậu đại học như bao người khác", anh Phú nói.
Nhưng, cũng chính ước mơ này làm anh đau khổ nhất. Anh lại một lần nữa bị từ chối. Lý do khiến anh bị từ chối không phải vì không đủ năng lực để học tập mà bởi không đủ chiều cao và cân nặng.
Anh Phú từng nếm trải cảm giác cùng cực vì bị cả thế giới từ chối
Nhớ lại ký ức buồn, anh khắc khoải: "Tôi rơi vào cảm giác trống trải. Trống trải đến nghẹt thở. Tôi nằm dài khiến bố mẹ tôi phát hoảng. Đến cả trong giấc mơ, tôi liên tục không hiểu tại sao bố mẹ lại sinh tôi ra trên cuộc đời này để rồi tất cả mọi người đều từ chối tôi".
Từ ngày đó, anh Phú lại tiếp tục hành trình sống mới. Một hành trình tẻ nhạt khác với những gì anh muốn. Anh sống thu mình hơn. Bằng sự giúp đỡ của bố mẹ và những người thân, anh có một căn nhà nhỏ hai tầng, rộng chưa đầy 3 mét vuông. Tầng 1 là nơi để anh có thể mở một hàng nước nhỏ, tầng 2 đủ để trải đủ một tấm nệm và treo một chiếc tivi.
Và, cũng từ đó, suốt gần mấy chục năm trời anh Phú gắn mình với cái điểm chốt 24 Hàng Cót. Anh bắt đầu hành trình tự lập, hành trình tự nuôi chính mình. Quán nước nhỏ nhưng có băng rôn quảng cáo rất to kèm dòng chữ "Đi khắp muôn nơi".
Cánh cổng đại học đóng lại trước mắt, anh Phú gắn mình với ngôi nhà 3m2 và mong muốn "đi khắp muôn nơi" bắt đầu dẫn lối cho anh.
"Đi khắp muôn nơi" chính là ước mơ để đời của anh. Anh không ước có một cuộc sống giàu có, có một người vợ hay bất kể một điều mong mỏi gì khác. Anh chỉ ước đi muôn nơi. Anh không nói nhưng tôi hiểu điều anh nghĩ và mong muốn sâu thẳm của anh. Đơn giản lắm, anh muốn chứng minh cho mọi người hiểu rằng anh vẫn có thể đi khỏi căn nhà của mình. Anh muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện của một người lùn như thế nào?
Cuộc hạnh ngộ đặc biệt
Có một người đàn ông đã dành gần 12 năm của đời mình để đứng cạnh anh Phú. Người đàn ông đấy đến từ Mỹ, biết và nói thành thạo hơn 10 thứ tiếng. Đó là Julian, sinh năm 1952. Lý do để Julian gắn với tri kỷ của mình cũng bình dị như cái cách mà anh nói: "Chúng tôi là những người bạn chung đường, chung đích".
Julian cũng có nhiều điểm tương đồng với số phận của anh Phú. Tuổi thơ của Julian không hạnh phúc khi anh bị bố mẹ chối bỏ và ký ức tuổi thơ thì chỉ gói gọn trong những trận đòn roi của một người đàn ông mà anh miễn cưỡng gọi bằng bố.
Cuộc sống đã run rủi cho anh Phú gặp Julian và họ tự nguyện đồng hành cùng nhau
Cuộc gặp gỡ giữa Julian và anh Phú có thể coi là một cuộc hạnh ngộ đặc biệt. Trong dáng vẻ giản dị, với đôi dép quai hậu đã xổ chỉ, người đàn ông trầm ngâm kể về thời khắc đặc biệt đó: "Tôi có thói quen đi du lịch và tìm hiểu văn hóa của các nước. Việt Nam là một trong những điểm đến của tôi. Trong một lần đi dạo quanh hồ Gươm thì tôi gặp Phú. Tôi bất ngờ trước hình ảnh một người đàn ông bé nhỏ với cái đầu "khổng lồ" nhưng lại rất hoạt ngôn. Anh ấy nói thoăn thoắt cho tôi nghe về văn hóa Việt Nam, những trải nghiệm cuộc đời của anh ấy".
Từ khoảnh khắc đó, trong trái tim của một người đàn ông ngoại quốc không hề máu mủ, thân quen với anh Phú đã phát ra ý nghĩ "phải làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho người bạn "chưa từng quen" của mình".
Thế là anh về nhà anh Phú chơi và dành hẳn ba tháng để giảng dạy tiếng Anh miễn phí cho anh Phú. Đôi khi, lý do để hai người xa lạ có thể gắn kết nhau giản dị đến khó tin. Được sự tiếp lửa từ người bạn, người thầy của mình, anh Phú không ngừng nỗ lực học tập, miệt mài đèn sách với giấc mộng một mai sẽ hiện thực hóa giấc mơ "Đi khắp muôn nơi" của chính mình".
Anh Julian đã tình nguyện trở lại Việt Nam dạy tiếng Anh cho anh Phú để hiện thực hóa giấc mơ "Đi khắp muôn nơi".
Sau thời gian dài gắn kết, Julian trở về nước với lời nhắn nhủ: "Hãy học tốt Tiếng Anh đi, tôi sẽ trở lại".
Anh Phú vẫn tiếp tục sự nghiệp học hành của mình. Biết anh ham học, một giảng viên của một trường đại học đã bảo con trai của mình mỗi ngày qua tiệm anh Phú để chở anh đến lớp học do chính cô đang mở để giúp đỡ anh.
Động lực như được nhân đôi. Cũng phải, quá nửa cuộc đời phải nghe từ "No" (không) như anh Phú nói thì hẳn cảm giác này đặc biệt lắm. Chuyện học tiếng Anh rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc anh được chấp nhận.
Lạ lùng với lớp học không giáo án nhưng lôi cuốn học viên
Cả chục năm qua, người dân phố Hàng Cót chẳng còn xa lạ gì với hình ảnh "thầy giáo tý hon", một ông Tây và những học trò của mình say sưa với việc học tiếng Anh.
Tưởng sẽ chẳng bao giờ gặp lại người tri kỷ của mình nhưng anh Phú đã quá bất ngờ. Không bất ngờ sao được khi chỉ mấy tháng sau, Julian xuất hiện và hứa sẽ đồng hành cùng anh vô điều kiện.
Người dân phố Hàng Cót chẳng còn xa lạ gì với hình ảnh "thầy giáo tý hon", một ông Tây và những học trò của mình say sưa với việc học tiếng Anh.
Họ cùng nhau mở lớp học tiếng Anh vào chiều thứ 6 hàng tuần. Nắng cũng vậy, mưa cũng vậy, họ cứ lặng lẽ cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung của mình. Bởi, không nói nhưng họ đều biết họ đang cùng mục tiêu.
Những học trò đến với lớp học của thầy Phú không phân biệt độ tuổi, trình độ. Khi thì rất đông nhưng lúc rảnh thì chỉ khoảng 15 học viên. Có những người làm xe ôm, có người là học sinh, công chức đi làm. Đủ cả.
Và lớp học đặc biệt ấy cứ thế diễn ra, không bảng phấn, không sách vở, không bàn ghế cầu kỳ. Đến giờ, mỗi học sinh cứ thế xếp lấy một chiếc ghế đẩu nhựa thường dùng để bán hàng nước của thầy ngồi nép vào và giờ học bắt đầu.
Chẳng có một giáo trình nào được phát. Thầy Julian cứ thể kể về cuộc đời mình rồi thầy Phú cũng vậy. Họ cho những học viên của mình biết về những nền văn hóa mà mình biết. Cứ thế, thầy trò cứ thủ thỉ cùng nhau, đến chỗ nào thấy những khuôn mặt học trò "nhăn nhó" là thầy Phú lại ra tay.
Chúng tôi hỏi anh Phú về những khó khăn ngày đầu mở lớp, anh Phú kể: "Hồi đó, có một em học sinh là sinh viên đến theo học tôi. Mẹ tưởng đi chơi nên tìm đến tận nơi. Đến nơi, thấy lớp học ngay cạnh quán nước người mẹ tức tối làm loạn lên kèm câu nói "Ở vỉa hè chỉ phường trộm cắp, đàm đúm chứ học hành gì". Thấy thế tôi và Julian chỉ biết bình tĩnh và giải thích. Mãi sau này hiểu chuyện, người phụ nữ ấy mới gọi điện xin lỗi chúng tôi".
Với anh Phú, mỗi một học sinh đều trở thành người đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi khi tôi hỏi anh một học viên ấn tượng nhất thì anh không thể tìm được. Bởi, "có đứa đã thành con, thành cháu trong tâm mình từ lâu rồi".
Học sinh đến với anh Phú có lẽ không chỉ để học kiến thức mà còn để được truyền cảm hứng. Tôi hỏi trong cả quãng thời gian dài vừa qua, câu nói nào của học trò khiến anh hạnh phúc nhất. Ánh mắt của người đàn ông đứng tuổi sáng rực lên, anh nói: "Chúng con tự hào về thầy, đó là câu nói tôi thấy hạnh phúc".
Nói về hai người thầy đặc biệt của mình chị Nguyễn Thị Thùy Quỳnh nghẹn ngào: "Tôi đã có 6 năm theo học thầy Julian và thầy Phú. Những gì các thầy dạy chúng tôi vượt qua ngoài sách vở, kiến thức. Tôi chỉ biết cám ơn hai thầy vì chúng tôi đã được học, được nghe thầy nói. 6 năm qua, dù mưa bão hay nắng như đổ lửa, thầy chưa bao giờ muộn một phút. Điều quan trọng nhất chúng tôi được học là không bao giờ được từ bỏ sự tử tế và lòng can đảm trong mình".
Chị Nguyễn Thị Thùy Quỳnh là một trong những học trò được thầy Julian và thầy Phú dạy tiếng Anh, truyền cho cảm hứng học tập và ý chí phấn đấu.
May mắn được tham dự một giờ học ở lớp học đặc biệt, chúng tôi hiểu rằng những học viên ở đây không chỉ tìm đến với thầy Phú để học ngoại ngữ mà còn để được truyền cảm hứng.
Hạnh phúc nhất của một đời người có lẽ là tìm được một người hiểu mình thực sự. Tôi quay sang Julian và yêu cầu anh chỉ dùng một câu để nói về anh Phú và anh Phú phải dịch. Và câu nói chúng tôi nhận được là: "Số phận đã sắp xếp để chúng tôi gặp nhau".
Họ vô tư cho rằng số phận đã sắp xếp họ còn chúng tôi thì cho rằng những nỗ lực của họ, lòng trắc ẩn trong họ mới là sợi dây kết nối bền chặt. Hai người đàn ông, hai thầy giáo đã trở thành những người truyền cảm hứng thực sự.
Họ không có giáo án nhưng họ đã thực sự xây dựng giáo án bằng cả cuộc đời mình!
Giấc mơ đã thành hiện thực
Bằng sự giúp đỡ hết mình của Julian, anh Phú đã thực hiện được giấc mơ của mình. Anh đã đến Sapa, chinh phục đỉnh Fansipan. Đến Ninh Bình, đi vịnh Hạ Long và tham quan nhiều địa danh trong cả nước.
Năm 2009, một kênh truyền hình nổi tiếng của nước ngoài khi biết về câu chuyện đặc biệt của anh đã bay sang xác minh. Sau chuyến đó, họ mời luôn anh sang Mỹ 6 tháng và trải nghiệm cuộc sống tại 6 tiểu bang của Mỹ. Anh được tham dự hội thảo do Hiệp hội người lùn thế giới tổ chức.
Anh một mình ra sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho hành trình bước ra thế giới như anh đã từng ước mơ. Vậy là quãng thời gian miệt mài học tiếng Anh đến độ "nhiều lúc mệt quá ngủ gục lăn quay ra sân hàng xóm phải sang đỡ" đã được đền đáp xứng đáng.
"Tôi tham gia với vai trò là người đại diện cho những người lùn ở Việt Nam, đó là một cảm giác thực sự đặc biệt và tự hào", anh Phú chia sẻ.
Vậy là thêm lần nữa, anh được chấp nhận. Một sự chấp nhận "đàng hoàng và tử tế nhất trong đời" của người đàn ông "cảm giác từng bị cả thế giới từ chối". Họ đón tiếp anh, lắng nghe câu chuyện của anh. Có lẽ, đối với một người như anh Phú, điều đó còn quan trọng hơn mọi giá trị về vật chất. Ở khoảnh khắc đó, anh nhớ lại những lời "khuyên" ngày nào của mọi người dành cho mình: "Này cái thằng lùn kia, mày chẳng giống ai. Mày chân ngắn, đầu to. Mày học tiếng Anh để làm gì, an phận đi!".
Trở về sau chuyến đi dài ngày, anh Phú cùng Julian lại tiếp tục hành trình "tạ ơn cuộc đời" của mình. Chúng tôi xin phép gọi như vậy bởi anh Phú ngược đời lắm! Đáng lẽ anh phải hờn dỗi cuộc đời nhưng anh lại "cảm giác mắc nợ cuộc đời, mắc nợ Julian, mắc nợ cô giáo đã cho anh theo học, mắc nợ cả những người tử tế giấu tên".
Anh Đinh Văn Phú trên đường chinh phục đỉnh Fansipan (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Năm 2017, anh Phú lại một lần nữa được mời sang Mỹ.
"Hạt thóc lép" đã có thể nảy mầm!
Tôi hỏi anh Phú: "Anh có sợ cô đơn không? Tại sao anh không nghĩ đến việc tạo lập một gia đình nhỏ?"
Anh chỉ từ tốn: "Cái này thì tôi hơi ích kỷ. Tôi sợ ai đó gặp tôi sẽ trở thành gánh nặng với họ. Con người vốn dĩ cũng chỉ là một thực thể rồi sẽ biến mất mà thôi. Nghĩ thế, mọi chuyện rất giản đơn".
Dù đã được đi khắp muôn nơi, đã thực hiện được giấc mơ của mình nhưng anh Phú vẫn còn nhiều lắm những trăn trở. Anh trăn trở về việc tạo lập một hiệp hội cho những người lùn. Để họ được học tập, được lắng nghe, được cống hiến cho xã hội chứ không phải gánh nặng của xã hội.
Một vài vị khách lạ ghé quán, họ tò mò khi thấy anh dạy tiếng Anh. Một vài vị khách Tây tò mò nghe anh kể chuyện về văn hóa Việt. Những học sinh vẫn say sưa nghe thầy Julian giảng bài. Con phố Hàng Chiếu huyên náo bỗng trở nên bình yên hơn.
Anh nói anh phải đi khắp muôn nơi để học hỏi. Nhưng chúng tôi nghĩ, chỉ cần anh có mặt, chỉ cần quán nước "Đi khắp muôn nơi" của anh vẫn còn mở cửa thì cả thế giới sẽ đến bến bên anh. Anh Phú không có một cơ thể như người bình thường nhưng nghị lực của anh sẽ khiến không ít người ngưỡng mộ.
Lòng trắc ẩn và sự tử tế cứ thế tiếp diễn. Một vị khách Tây ghé quán. Và anh Phú lại cất câu chào quen thuộc "Hello! Welcom to my shop!".
Huy Hoàng
Nhận xét
Đăng nhận xét