NGÀY TÀN CỦA TRÙM XÃ HỘI ĐEN TRUNG QUỐC
Trùm băng đảng nguy hiểm bậc nhất TQ, ra phố thích cô gái nào là đòi chiếm đoạt cô đó
Ở Trung Quốc, có thể nói không ai là không biết cái tên Kiều Tứ, trùm băng đảng xã hội đen thống trị vùng đông bắc những năm 1980. Kiều Tứ ngông nghênh đến mức thích cô gái nào trên đường phố là hầu như sẽ chiếm đoạt được cô gái đó.
Kiều Tứ xuất thân nghèo khó, trở thành trùm băng đảng khét tiếng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, đông bắc Trung Quốc.
Kiều Tứ, sinh năm 1948 và mất ngày 9.6.1991, tên thật là Tống Vĩnh Giai, là một trong những trùm băng đảng xã hội đen khét tiếng nhất Trung Quốc vào cuối những năm 1980.
Kiều Tứ sinh ra ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc. Cái tên Kiều Tứ đã gắn với tay trùm từ khi còn nhỏ, do sống ở một nơi có tên là “Kiều” và là con thứ tư trong gia đình, theo Sohu.
Khởi đầu nghèo khó
Trước năm 1980, Kiều Tứ chỉ là một thợ xây bình thường, dùng sức lao động để kiếm số tiền ít ỏi trang trải cuộc sống. Dù làm việc cực nhọc mỗi ngày, số tiền kiếm được chỉ đủ lo chuyện cơm ăn, áo mặc.
Ở thời điểm đó, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng mọc lên như nấm ở thành phố Cáp Nhĩ Tân.
Nhưng nhiều dự án xây dựng bị đình trệ vì một số hộ gia đình nhất quyết không chịu rời đi do vướng mắc về tiền đền bù. Kiều Tứ cùng một vài người anh em thân thiết đứng ra lo chuyện giải phóng mặt bằng ở một số dự án và mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ.
Chuyện kể rằng, có lần Kiều Tứ còn sẵn sàng chặt đứt một ngón tay của chính hắn để dọa những hộ dân còn ngoan cố không chịu di dời, khiến ai cũng sợ hãi, vội vàng thu dọn đồ đạc rời đi để được an toàn.
Sau những lần tham gia giải phóng mặt bằng thành công, Kiều Tứ trở nên có tiếng. Nhiều công ty xây dựng và các chủ đầu tư đến gõ cửa nhà, nhờ cậy Kiều Tứ.
Từ một thợ xây bình thường, Kiều Tứ trở thành ông chủ của một công ty xây dựng.
Đầu những năm 1980, Kiều Tứ gần như độc chiếm toàn bộ thị trường phá dỡ và xây dựng ở Cáp Nhĩ Tân. Quyền lực bành trướng nhanh chóng, Kiều Tứ trở thành nhân vật có máu mặt trong giới xã hội đen của thành phố. Kiều Tứ cũng đứng ra dàn xếp những bất đồng giữa các băng đảng.
Trùm xã hội đen khét tiếng
Chiếc Mercedes biển số A88888 ưa thích của Kiều Tứ.
Giữa những năm 1980, Kiều Tứ phô trương thanh thế đến mức gần như thích cô gái nào trên đường phố là sẽ có được. Cảnh tượng được mô tả giống như phim xã hội đen Hong Kong, một chiếc Mercedes đột nhiên dừng trên phố, hai người đàn ông bước ra đưa cô gái vào xe theo yêu cầu của Kiều Tứ.
Mỗi lần hành sự xong, Kiều Tứ thường đưa cho các cô gái số tiền 10.000 nhân dân tệ. Không ít các cô gái trong gia đình nề nếp từng qua tay Kiều Tứ, theo Sohu.
Cuối những năm 1980, thế giới ngầm ở Cáp Nhĩ Tân có 3 phe phái lớn, trong đó có phe của Kiều Tứ và một phe bảo kê vũ trường của Hao Yuzi. Do mâu thuẫn trong mối quan hệ làm ăn, Kiều Tứ và Hao Yuzi trở mặt với nhau. Đàn em của Kiều Tứ cầm súng shotgun bắn trọng thương Hao Yuzi.
Kể từ đó, Kiều Tứ là tay trùm có ảnh hưởng lớn nhất Cáp Nhĩ Tân. Bất cứ ai công khai chống lại băng của Kiều Tứ đều bị sát hại hoặc nếu còn sống cũng bị trọng thương.
Nhiều khách sạn, vũ trường, hộp đêm thuộc quyền kiểm soát của Kiều Tứ. Băng đảng của hắn gây ra không ít vụ tống tiền, cố ý gây thương tích, đe dọa sự ổn định của thành phố.
“Nếu ai có tiền muốn thanh toán đối thủ, hãy đến tìm Kiều Tứ, chỉ cần đưa đủ tiền, đối thủ chắc chắn chết”, người dân thành phố Cáp Nhĩ Tân thời đó truyền tai nhau như vậy, theo Sohu. Lấy một chân đối phương tiêu tốn 100.000 nhân dân tệ, còn lấy mạng là 300.000 nhân dân tệ.
Cảnh sát thành phố Hắc Long Giang được cho là đã bị Kiều Tứ mua chuộc, trong khi giới chức thành phố được cho là có quan hệ làm ăn với Kiều Tứ. Ở Hắc Long Giang, không ai kiểm soát được Kiều Tứ, tờ Sohu viết.
Trả giá bằng cái chết
Phiên tòa xét xử các thành viên băng đảng của Kiều Tứ.
Sự kiêu ngạo và coi trời bằng vung đã khiến Kiều Tứ phải trả giá. Một lần nọ, có lãnh đạo từ Bắc Kinh xuống Cáp Nhĩ Tân thị sát, làm việc với chính quyền địa phương.
Đoàn xe thi hành công vụ được xe cảnh sát hú còi, mở đường. Tất cả các xe khác đều phải tấp vào lề, trừ một chiếc Mercedes của Kiều Tứ là cứ thế vượt lên mà không bị ngăn chặn.
Vị lãnh đạo đến từ Bắc Kinh khi đó đặt câu hỏi: “Chiếc Mercedes biển số A88888 của ai mà ngông nghênh vậy”. Kể từ đó, cái tên Kiều Tứ rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh.
Vị lãnh đạo này yêu cầu mở cuộc điều tra về hoạt động của các băng đảng xã hội đen ở Cáp Nhĩ Tân, quyết tâm dẹp tận gốc băng đảng của Kiều Tứ.
Kiều Tứ bị xử tử hình cùng ngày với tòa tuyên án.
Để tránh đánh động, toàn bộ chuyên án do Bộ Công an Trung Quốc thực hiện. Lực lượng an ninh hùng hậu từ Bắc Kinh tới Cáp Nhĩ Tân bắt Kiều Tứ mà sở cảnh sát thành phố không hề hay biết, theo Sohu.
Băng đảng của Kiều Tứ và các băng đảng sừng sỏ ở Cáp Nhĩ Tân kháng cự sự truy bắt của cảnh sát, dẫn đến cuộc đấu súng căng thẳng. Kiều Tứ chỉ bị bắt sống khi bị dồn đến đường cùng.
Sau khi bị bắt, Kiều Tứ biết kiểu gì mình cũng chịu án tử hình. Kiều Tứ từng đề xuất rằng nếu được tha mạng, hắn sẵn sàng xây một tuyến đường cao tốc ở Trung Quốc (tuyến đường cao tốc ngắn nhất xây dựng ở thời điểm đó tiêu tốn tới 2 tỉ nhân dân tệ).
Ngày 9.6.1991, Kiều Tứ bị tuyên án tử hình, thi hành án ngay lập tức. Địa điểm thi hành án là nơi vắng lặng trên núi, xung quanh được cảnh sát chốt chặn.
Trước khi chết, Kiều Tứ tỏ ra bình tĩnh, nói một câu khá nổi tiếng: “Cuộc đời này, thế là đủ rồi”.
Theo Sohu.
Nhận xét
Đăng nhận xét