NHẠT KÝ ĐẪM MÁU VÀ NƯỚC MẮT CỦA NỮ PHÓNG VIÊN TẠI ẤN ĐỘ
Ấn Độ trong những ngày tăm tối nhất: Phóng viên CNN chia sẻ những gì tận mắt chứng kiến về "địa ngục Covid" giữa làn sóng dịch bệnh thứ 2
Ấn Độ đã từng trải qua những ngày tháng tăm tối nhất, cho đến khi một tia sáng lóe lên phía cuối con đường.
*Bài phóng sự của Vedika Sud, phóng viên CNN tại Ấn Độ
Người đàn ông trong chiếc áo phông, quần jeans và khẩu trang trắng mang theo vẻ mặt đau khổ, làm nốt những nghi lễ cuối cùng để tiễn đưa người thân tại Nigambodh Ghat - một trong những lò hỏa táng lớn nhất tại Delhi. Nhìn anh trống rỗng, tê dại, và kiệt quệ. Cùng với một người thân khác, Madhur Chawla từng bước làm theo hướng dẫn của linh mục, vô hồn như một cỗ máy.
Đó là lễ hỏa táng của mẹ Chawla, 49 tuổi, qua đời vì Covid-19. Nỗi đau ấy lớn đến mức Chawla còn chẳng thể tự mình lấy tro cốt của mẹ được nữa. Anh chỉ ngồi, thẫn thờ trên chiếc ghế bành.
Trong chiến tranh, bạn ít nhất còn được biết kẻ thù của mình là ai. Nhưng trận chiến này, họ phải đối mặt với kẻ thù vô hình. Một thứ virus chết người, ra tay không khoan nhượng, và cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai chủ quan.
Phải làm gì để an ủi một người con đang đau khổ? Tôi đến bên Madhur, mong muốn chia sẻ nỗi đau với anh, nhưng rồi thất bại một cách thê thảm. Dù tôi muốn ghi lại câu chuyện của anh, song đó không phải là thời điểm phù hợp. Nén đi giọt nước mắt, tôi ngồi xuống băng ghế. Chúng tôi ngồi ở hai đầu ghế, hoàn toàn tĩnh lặng. 5 phút sau, Madhur cất tiếng: "Đây là thời khắc khổ sở nhất mà tôi từng trải qua".
Cha của Madhur cũng nhiễm bệnh, nhưng đã được điều trị và xuất viện từ hôm trước. Madhur còn có một người anh em sinh đôi vẫn đang được chăm sóc y tế, và anh không thể nói lời vĩnh biệt cuối cùng với mẹ trước lúc bà ra đi mãi mãi.
Thế giới tang thương ở lò hỏa thiêu
Ấn Độ đã phải trải qua những thời khắc tăm tối nhất. Số ca nhiễm đã gia tăng ở mức đáng báo động, và rồi đột nhiên người Ấn Độ phải đối mặt với chuyện mất đi người họ thương yêu nhất. Đóng chặt cửa nẻo, tất cả đều chẳng tác dụng. Người Ấn Độ từ già đến trẻ - bao gồm cả trẻ em, dù tuân thủ nghiêm túc các quy định chống dịch, vẫn trở thành miếng mồi cho thứ virus chết người.
Tháng 4/2021, khi tôi quyết định làm phóng sự về làn sóng dịch bệnh đầy chết chóc này, cha mẹ tôi vẫn còn ở Kolkata - thành phố phía đông Ấn Độ. Tôi quyết định thu hẹp rủi ro cho họ, bằng cách khăn gói ra ở một khách sạn. Lúc đó chung cư tôi đang sống - nơi có tổng cộng 1500 người, đã ghi nhận 57 ca dương tính.
Các tin tức về việc người thân và bạn bè nhiễm bệnh bắt đầu nhen nhóm. Các đồng nghiệp của tôi có người đã mất đi thân nhân. Lần này, ảnh hưởng của virus là quá gần.
Tôi nói với Anaya - cô con gái nhỏ 5 tuổi - rằng mình cần phải đi vài ngày. Nhưng chúng tôi đã không biết rằng "vài ngày" ấy là khoảng cách 20km mà tôi phải xa bé trong 18 ngày kế tiếp. Chương trình vaccine cho người từ 18 - 44 tuổi chỉ bắt đầu sau đó 1 tuần.
Đó là một Delhi khát thở. Oxy dự trữ cho y tế cạn kiệt, trong khi lượng người chết tăng mạnh. Đất nước tôi phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh kinh hoàng nhất. Tôi có thể cảm nhận được bố mẹ và chồng đang căng thẳng đến thế nào. Nhưng cuối cùng, cũng chỉ biết trấn an họ bằng việc bảo rằng mình sẽ cẩn thận hết mức có thể.
Khi tôi và một đồng nghiệp tiến vào khu đỗ xe của một lò hỏa táng, có rất nhiều xe cứu thương đã chờ ở đó. Một hàng dài những người đang đau khổ vì mất đi người thân. Các thi thể đặt trên cáng, phủ bằng vải trắng và buộc bằng dây thừng, được kéo ra và đưa vào khu hỏa thiêu.
Người Hindu tôn thờ hỏa táng. Họ xếp gỗ, đặt thi thể lên trên rồi châm lửa. Sau khi lửa tàn, gia đình sẽ đến thu thập tro cốt, rồi đi rải xuống những con sông thiêng.
Sự im lặng ngập tràn khu tang lễ, thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng khóc nấc của ai đó. Lúc này là 10h sáng, xung quanh tôi là nhiều người, một số mặc đồ bảo hộ, số khác chỉ đeo khẩu trang. Có lẽ nhiều người đêm hôm trước đã chẳng được ngủ. Họ bận khóc than cho người thân đã ra đi mãi mãi.
Lò hỏa táng được chia làm 2 khu, một cho những nạn nhân Covid-19, và một cho những người chết vì nguyên nhân khác. Khu Covid, người ta xếp hàng ngày càng dài, chờ đến hàng giờ đồng hồ.
Là một phóng viên, tôi rơi vào tình huống khó xử. Làm thế nào để bước đi giữa những con người này, những người đang cảm thấy bị bỏ rơi, bị phản bội, với tâm trạng đau xót? Tôi đã không làm vậy, đúng hơn là không thể làm. Tôi chưa từng thấy điều gì giống như thế trong đời. Ở đâu cũng có thi thể, trong xe cứu thương, trên xe kéo, thậm chí là oto cá nhân.
5 giàn thiêu được châm lửa. Trong vòng 1h đồng hồ, mọi thứ bị thiêu rụi dưới ngọn lửa cuồng bạo, chẳng sót lại thứ gì.
Tôi nhìn quanh, thấy một người đàn ông khác có vẻ trạc tứ tuần đang đứng gần ngọn lửa. Đó là Neeraj Pal. Chú của anh đã chết vì virus. Trò chuyện với tôi, Pal bảo rằng họ đã cố gọi điện cho chú vào 3 ngày trước, nhưng không ai trả lời. Quá lo lắng, họ gọi đến bệnh viện để hỏi, và nhận về một thông tin đau lòng.
"Nếu không gọi cho bệnh viện, có lẽ phải rất lâu sau chúng tôi mới biết chú đã chết" - Pal đau đớn nói.
Một người phụ nữ trung niên ngồi sụp vào oto. Hàng ghế sau là một thi thể lạnh ngắt - chồng bà, được cuốn trong vải trắng. Trong làn nước mắt, bà kể rằng chồng mình đã hớp từng ngụm không khí cho đến thời khắc cuối cùng. Họ đã đi đến 4 bệnh viện, nhưng chẳng ở đâu tiếp nhận cả. Ông được chở về nhà, rồi cũng mãi mãi ra đi.
"Người ta không chết vì virus. Họ chết vì không có giường bệnh, không có oxy để cứu họ" - bà phẫn nộ.
Nhưng có lẽ, hình ảnh khó quên nhất là lũ trẻ tại lò hỏa táng, một số mới chỉ 4 tuổi. Hầu hết đã mất cha hoặc mẹ vì virus. Và lễ hỏa táng chật chội, nghẹt cứng sẽ là ký ức cuối cùng mà chúng có về người đã sinh thành ra mình. Theo số liệu từ chính phủ Ấn Độ, có 577 đứa trẻ mất đi cha mẹ trong vòng 55 ngày kể từ làn sóng dịch lần 2.
Bệnh viện và lò thiêu xác - chẳng khác gì nhau
Tình hình tại các bệnh viện cũng tồi tệ chẳng kém gì. Khu điều trị Covid ở một bệnh viện tư chúng tôi ghé đến chật kín người, không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Thân nhân ngồi la liệt bên ngoài hàng giờ, chờ đợi một tin tức tưởng như sẽ chẳng bao giờ đến.
40 phút sau, hàng chục xe oto xuất hiện, tất cả đều chở bệnh nhân phía sau, trong tình trạng khổ sở vì thiếu oxy. Thân nhân của họ chạy ào đến khu điều trị, cầu xin được cấp oxy, nhưng bệnh viện cũng chẳng còn gì. Từ bà cụ trên xe lăn, ông lão thở khó nhọc khi con trai đang tìm giường bệnh, cho đến những người chờ đợi trong xe cứu thương, tất cả đều bị từ chối.
Nhân viên bảo vệ hét lớn, lặp đi lặp lại một cách bất lực: "Không có giường, không có oxy. Tìm bệnh viện khác đi".
Một người phụ nữ trẻ đang thở những giọt oxy cuối cùng trong chiếc bình mang theo. Gia đình cô cầu xin bệnh viện để lấy thêm oxy, nhưng không thể. Khi nhìn thấy chiếc máy quay và micro chúng tôi mang theo, họ vội ào đến.
"Cô làm truyền thông đúng không, giúp chúng tôi với" - người phụ nữ khẩn khoản. "Họ sẽ nghe cô mà. Tôi chỉ cần một chiếc giường cho chị tôi thôi".
Tôi muốn giúp họ, thật sự. Tôi chạy đến khu điều trị, trao đổi với bác sĩ. Nhưng vô ích, vì bệnh viện đã chật kín rồi.
Ngồi trước mái hiên là một phụ nữ trong trang phục bảo hộ - Sonika Babbar. Cô đi cùng anh trai và người cha đang ốm nặng tới bệnh viện bằng xe cứu thương, khi bình oxy cho cha đã cạn.
"Không còn giường nữa. Bệnh nhân phải nằm trên sàn nhà kia kìa" - cô nói, mắt nhìn xa xăm.
Ngày hôm ấy, 26/4, Ấn Độ có hơn 350.0000 ca nhiễm.
Những ngày tăm tối nhất
Tối hôm sau, tôi đến đài truyền hình để chia sẻ những gì đã chứng kiến, và thực sự không thể kìm được nước mắt. Thật khó để gạt bỏ cảm xúc sang một bên và phát biểu như một phóng viên. Bởi lẽ, họ đều là đồng bào của mình.
Sâu thẳm bên trong, tôi bắt đầu thấy lo sợ cho gia đình của chính mình.
Sau đó vài hôm, tôi liên hệ với Babbar để hỏi về cha và anh của cô. "Ông ấy (người cha) đã đi từ hôm 8/5" - cô trả lời. Tin nhắn ấy hiện vẫn nằm trong hòm thư của tôi.
Ngày 30/4, tin tức về một người đồng nghiệp cũ bị đột quỵ khi đang điều trị Covid-19 khiến tôi thấy đau lòng. Những ký ức ùa về, từ những shows chúng tôi dẫn chung, những cuộc trò chuyện từng có. Giờ, những gì còn lại chỉ là ký ức mà thôi!
Sáng hôm sau tôi có lịch lên sóng. 10 phút trước khi ghi hình trực tiếp, tôi nhận được tin nhắn. Lại một đồng nghiệp nữa - Aashiish Kumar - đã ra đi mãi mãi.
Kumar mắc Covid, lượng oxy trong máu cứ tụt dần. Nhờ bạn bè đồng nghiệp giúp đỡ, một bình oxy được chuyển tới nhà anh. Sau đó 1 ngày, anh nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, thậm chí còn đăng lên Facebook về chuyện đó. Nào ngờ, đó cũng là bài đăng cuối cùng. Tôi vẫn tỉnh táo lên sóng, nhưng sụp đổ chỉ sau vài phút, ôm gối khóc một mình trong khách sạn.
Sếp tôi ngày nào cũng gọi điện, và tôi luôn được phép nghỉ bất kỳ lúc nào. Chỉ là ngày hôm đó, cảm xúc đã dồn nén quá mức mà thôi.
Những ngày kế tiếp, khu chung cư tôi ở có thêm ca nhiễm. 4 cư dân đã chết, cũng vì Covid. Ngày 5/3, Delhi ghi nhận 448 ca tử vong - cũng là mức cao kỷ lục ở thời điểm bấy giờ.
Một cô gái trẻ nói lời tiễn biệt với cha. Cũng giống như hàng trăm người khác tại Delhi, ông đã cạn kiệt oxy. Cô cũng nhiễm Covid, và phải đơn độc tìm đến một tổ chức tình nguyện xin hỗ trợ hỏa thiêu cha. Mẹ cô chỉ vừa mới phẫu thuật, trong khi anh trai đang ở Úc. Họ chỉ có thể gọi video cho nhau để chứng kiến thời khắc cuối cùng.
Tôi cuối cùng cũng đặt được lịch tiêm chủng vaccine mũi đầu tiên vào ngày 9/5. Trước đó 1 ngày, chồng tôi gửi tin nhắn: "Hôm sau là Ngày của Mẹ. Con gái Anaya muốn gọi cho em. Liệu anh có được đưa em về nhà vài giờ thôi, sau khi được tiêm chủng?".
Thực sự, tôi cần gặp con hơn là bé cần tôi. Với 2 chiếc khẩu trang và buộc phải giữ khoảng cách, tôi có vài giờ hiếm hoi ở bên Anaya. Với tôi, con bé giống như cơn mưa rào tưới mát tâm hồn đã vụn vỡ và bị thiêu rụi dưới ngọn lửa của dịch bệnh.
Và rồi ánh sáng cũng tới. Delhi ghi nhận số ca nhiễm giảm mạnh, hiện chỉ còn 1% so với 36% vào ngày 22/4. Số ca tử vong cũng đã giảm rất mạnh. Giờ đây, chúng tôi cần phải chuẩn bị cho làn sóng dịch lần 3, khi các chuyên gia cảnh báo lần này có thể gây ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ.
Thời gian sẽ chữa lành tất cả, đó là những gì người ta nói. Là một phóng viên, tôi phải luôn vững tâm. Với tư cách là người con, người chị, người vợ, người mẹ và con dâu, tôi thấy biết ơn vì gia đình mình vẫn an toàn.
Nhưng là một người Ấn Độ, tôi hiểu rằng đó sẽ là những vết thương không bao giờ chữa lành được.
Nguồn toquoc.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét