TP. HCM ĐANG RA SỨC DẸP Ổ DỊCH LỚN NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY
Ca nhiễm từ nhóm truyền giáo tăng kỷ lục, thành phố lớn nhất nước 'đau đầu' chống dịch
Ngày thứ 4 TP.HCM giãn cách xã hội, ca lây nhiễm từ nhóm truyền giáo tăng kỷ lục. Việc cách ly tại Gò Vấp vẫn chưa rốt ráo. Chính quyền TP lớn nhất cả nước có giải pháp gì trong cuộc chiến này?
Chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo bùng nổ
Ngày 18/5, sau hơn 20 ngày không có ca bệnh mới, TP.HCM bắt đầu ghi nhận ca bệnh đầu tiên ở TP Thủ Đức. Sau đó, là chuỗi lây nhiễm ở quán ăn O Thanh, quận 3 với 5 bệnh nhân; chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ. Những chuỗi này với số bệnh nhân nhỏ lẻ nhanh chóng được TP truy vết, ngăn chặn được sự lây lan. Chính quyền và người dân TP tạm thở nhẹ và yên tâm, đồng thời cấp tập làm công tác tuyên truyền phòng chống dịch.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau (từ 26/5), điều không vui thực sự xảy ra với TP lớn nhất cả nước, khi chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp) bùng phát, mà cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng.
Hầu hết người dân ở Gò Vấp sẽ được lấy mẫu xét nghiệm
Cụ thể là tối qua (2/6), TP tiếp tục ghi nhận từ chuỗi này 29 ca. Tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn TP đã là 242 ca, trong đó hơn 200 ca liên quan đến nhóm này. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) còn nhận định, số ca bệnh có thể lên đến 500 ca khi còn rất nhiều F1.
Cũng liên quan đến chuỗi này, hàng trăm nghìn người đã và đang tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm; nhiều khu dân cư, tòa nhà văn phòng, công ty, khách sạn ở 20/22 quận, huyện bị phong tỏa; một số bệnh viện phải tạm đóng cửa; nhiều tỉnh lân cận cũng có ca nhiễm khi có người di chuyển về…
HCDC ra thông báo đặc biệt tìm người liên quan nhóm truyền giáo Phục hưng, yêu cầu chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo, kể cả khi không có bất cứ dấu hiệu mắc bệnh.
Theo chính quyền TP, đây là ổ lây nhiễm lớn nhất từ trước đến nay và là bài học đắt giá trong việc phòng chống dịch.
Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng.
Vợ chồng đứng đầu nhóm này, gia đình gồm 5 người đều mắc Covid-19, đăng trên fanpage chính thức của nhóm bức thư xin lỗi với đại ý nhận là một trong những ổ dịch khá lớn khởi phát từ nhóm.
Bức thư có đoạn: “Đây là lời xin lỗi chân thành của chúng tôi từ bệnh viện, trên nỗi đau chống chọi với bệnh Covid-19”. Đồng thời, người này cam kết sẽ hợp tác tối đa trong việc khai báo.
Tâm dịch Gò Vấp: Phong tỏa kiểu vừa đóng vừa mở
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong cuộc họp khẩn sáng 30/5, Chủ tịch TP đã quyết định, từ 0h ngày 31/5, toàn TP giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; riêng quận Gò Vấp (hơn 50 ca) và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16.
Vậy là một TP lớn với khoảng 10 triệu dân, luôn sôi động, mọi việc không đơn giản khi thực hiện phong tỏa, cách ly.
Cả dòng người chờ trước chốt ở Gò Vấp
Quận Gò Vấp, nơi có điểm sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục hưng (đường Nguyễn Văn Công, phường 3) khi buộc phải cách ly xã hội đã vô cùng lung túng.
0h ngày 31/5, quận lập 9 chốt chặn ở cửa ngõ. Nhưng đến sáng, giờ cao điểm cả nghìn người cùng qua lại, lực lượng kiểm soát không xuể dẫn đến ùn tắc kéo dài. Cả trăm người đứng dồn vào một chỗ vừa khai báo y tế, vừa điện thoại xin nghỉ làm vì e ngại, vào thì sẽ không được ra….
Sau đó, Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng buộc phải cho xả chốt; đồng thời, cho biết quận sẽ hướng dẫn, chuẩn bị và tổ chức lại.
Tuy nhiên, ngày thứ hai (1/6), tình hình vẫn chưa được cải thiện. Việc xả, đóng chốt diễn ra liên tục. Ông Dũng bộc bạch, việc xả trạm như vậy không hay, nhưng địa phương không thể thực hiện cứng nhắc, mà phải linh hoạt để xử lý các tình huống.
Lực lượng chức năng vừa kiểm soát dịch chặt, nhưng lại phải linh hoạt xả chốt khi lượng người dồn ứ quá đông. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Ông Dũng cho rằng, việc phong tỏa sẽ được thực hiện dần dần để người dân có nếp quen. Khi vào quận nếu có chậm thì chọn hướng đi khác. Đồng thời, khuyến khích mọi người làm việc tại nhà, nếu nơi làm việc đi qua quận thì xem xét chọn lộ trình khác.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức cùng đoàn công tác trực tiếp vào tâm dịch để hỗ trợ Gò Vấp đưa ra giải pháp hợp lý.
Theo ông Đức, hiện nay vấn đề lớn nhất của Gò Vấp là giao thông; thứ hai, là đảm bảo an sinh cho người dân.
Ông Dũng cho rằng, bài toán lập chốt kiểm soát không khác gì một đề thi khó mà quận vừa làm vừa tìm lời giải và phát sinh những hạn chế như thời gian qua.
Sang ngày cách ly thứ ba (2/6), tình hình giao thông qua các chốt có “dễ thở” hơn khi lực lượng chức năng vừa kiểm tra vừa xả chốt. Nhưng đây lại không phải là cách khả thi khi nhiều người vẫn dồn ở điểm chốt, và không phải là kiểu cách ly xã hội.
'Bài toán' cho Gò Vấp vẫn chưa có lời giải?
Bạn đọc N V Bang ý kiến: “Chỉ thị 16 chỉ yêu cầu nhà cách ly nhà, làng này cách ly làng kia..., không tiếp xúc lây lan dịch bệnh, nhưng cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... vẫn cho phép làm việc thì chặn đường như vậy là không khả thi. Đi làm phải đi từ quận này sang quận khác, trục đường chính phải cho đi, đường 2 bên là 2 quận khác nhau thì sao?
Do đó, theo bạn Bang, riêng khu vực nào tình hình Covid phức tạp thì rào chắn các trục đường, hẻm không cho phép ra vào, sai phạm thì phạt nghiêm khắc...
Vừa chốt chặn, lại vừa xả khi ùn ứ liệu việc cách ly có hiệu quả?
Đồng quan điểm bạn Bình Sơn bày tỏ: “Cả thành phố cùng áp dụng chung Chỉ thị 15 là được. Gò Vấp là nơi trung chuyển quan trọng của các quận xung quanh nên phong tỏa chắc chắn sẽ rất khó khăn và không hiệu quả, đồng thời tăng nguy cơ lây nhiễm tại các chốt. Các điểm F0, F1 thì đã cách ly khu vực, nên nguy cơ ra cộng đồng xung quanh là thấp. Vậy nên chăng thực hiện chung cùng một cấp trong toàn TP”.
Bạn My Nguyenquang thì dứt khoát: “Tôi thấy không có tác dụng phòng dịch, cảnh người xe ùn ứ nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nên cấm tuyệt đối, nội bất xuất ngoại bất nhập trong vòng 15 ngày”.
Về điểm đặt chốt, bạn Than ý kiến: “Theo tôi tại ngã tư, ngã ba gần tới điểm lập chốt, bố trí công an hướng dẫn, điều khiển xe hạn chế và giảm đi hướng tới chốt”.
Bày tỏ quan điểm, bạn Thái Thăng Long thẳng thắn: “Không khó nếu chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án. Thời gian qua là quá đủ để chuẩn bị. Vấn đề là không làm tới nơi tới chốn và không có phương án nào được chuẩn bị kỹ càng”.
Chìa khóa để TP.HCM khống chế dịch?
Nói về chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, chuỗi này đang lan rất mạnh. TP vẫn đang tiếp tục truy vết và trọng tâm hiện nay là thần tốc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.
Dịch Covid-19 từ nhóm truyền giáo đã xâm nhập 4 khu công nghiệp. Trong đó, 3 ca bệnh làm việc trong 3 KCN (Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi, Vĩnh Lộc - Hóc Môn).
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, điều mà TP quan tâm nhất hiện nay là phòng, chống dịch lây lan vào các KCX, KCN. TP đã có kế hoạch và đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm trong các KCN.
HCDC trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Đồng thời, TP đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại các nơi này; triển khai thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang bắt buộc, khai báo y tế hàng ngày...
Ngoài ra, sẽ chọn một vài doanh nghiệp thực hiện theo kiểu vừa cách ly vừa sản xuất một cách khép kín.
Bên cạnh đó, ông Phong nhấn mạnh, TP cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ và tạo điều kiện để TP tiếp cận được nguồn vắc xin, thực hiện tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân. TP đã có kế hoạch và đủ nguồn để lo cho vấn đề này.
Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết, ngay từ giai đoạn dịch bệnh bắt đầu phát sinh và diễn biến phức tạp trong cả nước (27/4), TP đã tăng cường nhiều hoạt động, biện pháp phòng chống.
Toàn ngành y tế được huy động tham gia lấy mẫu xét nghiệm, có ngày đạt công suất 100.000 người/ngày.
Tại khu vực ghi nhận nhiều ca bệnh như phường 3, 5, 9, 15 (Gò Vấp) và phường Thạnh Lộc (quận 12), phường 15 (Bình Thạnh)..., Sở thực hiện xét nghiệm mở rộng cho người dân toàn phường.
Theo ông Bỉnh, những ngày qua, trung bình 50.000 người được thực hiện xét nghiệm mỗi ngày. Ngành y tế đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm "thần tốc". Đồng thời, TP chuẩn bị tình huống, sẵn sàng cách ly điều trị 5.000 ca Covid-19.
Bảo Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét