SỐ PHẬN HẨM HIU CỦA KHÁCH SẠN NỔI 5 SAO TỪNG ĐẬU TRÊN SÔNG SÀI GÒN
‘Khách sạn nổi’ 5 sao từng ‘đậu’ lênh đênh trên sông Sài Gòn: Những năm 90, giá đã là 8 triệu đồng/đêm, có cả sân tennis, sân đỗ trực thăng… nhưng hình ảnh hiện tại thật đáng buồn!
Tọa lạc tại Bến Bạch Đằng (số 1A Mê Linh) ngay bên bờ sông Sài Gòn, Khách sạn nổi Sài Gòn chính là một địa điểm thu hút sự chú ý lớn của người dân nước ta trong những năm 1989 - 1997. Trong khi có tên chính thức là Khách sạn Sài Gòn (Saigon Hotel) thì các vị khách nước ngoài lại sử dụng cái tên "The Floater" mỗi khi nhắc đến tòa nhà "trôi nổi" bập bềnh giữa con sông này.
Một sự thật thú vị của địa danh này là nó không chỉ là khách sạn nổi đầu tiên tại Việt Nam, mà công trình bề thế này còn là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới. Và câu chuyện để khách sạn tầm cỡ thế giới này có thể đến được Việt Nam và trải qua thời kì hoàng kim tại đây cũng có nhiều tình tiết bất ngờ.
Khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới
Với chiều dài 89,2 mét, chiều cao 27,6 mét so với mực nước biển, công trình trị giá 45 triệu USD này (tương đương giá trị thời nay là 100 triệu USD) đã được thiết kế và đóng tại Singapore vào năm 1988 bởi Doug Tarca – một thợ lặn người Ý.
Ông đã ấp ủ ý tưởng này từ năm 1983 khi muốn có một nơi để khách tới khu du lịch lặn biển ở rạn san hô John Brewer, cách bờ biển Townsville khoảng 70 km, có chỗ nghỉ chân.
Sau một thời gian cân nhắc về những ưu thế tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ môi trường, nhà Tarca quyết định xây khách sạn nổi thay vì phải ủi đất, xây nền trên đất liền. Vậy là khách sạn này thực chất mang tên John Brewer Reef, được lai dắt hơn 5.000 km từ Singapore về rạn san hô Great Barrier.
Công trình này choáng ngợp vì kích thích khủng lên đến 89m, cao 7 tầng, đạt tiêu chuẩn 5 sao có sức chứa lên đến 356 khách với gần 140 phòng đôi, 34 căn suite cực kỳ sang trọng, 1 vũ trường, 4 quán bar, 4 phòng tập thể hình, 2 bể bơi, 20 phòng tắm hơi và 2 nhà hàng sang trọng. Ngoài ra, còn có rất nhiều hạng mục đẳng cấp khác như: hồ bơi, câu lạc bộ đêm, quán bar, nhà hàng, sân tennis, sân đỗ trực thăng và đài quan sát dưới nước để ngắm các rạn san hô.
Tuy nhiên, kì vọng đẹp là vậy nhưng sóng gió bắt đầu đến khiến cho khách sạn này có số phận "trôi nổi" hệt như tên gọi của nó vậy.
Theo tờ The Christian Science Monitor, John Brewer Reef ban đầu dự kiến mở cửa từ năm 1987, nhưng bị chậm tiến độ 6 tháng, gây thất thu hàng triệu đô la. Ngay trong năm đầu ra mắt, The John Brewer Reef Floating Hotel đã bị tấn công bởi một cơn lốc xoáy có tên Cyclone Charlie, gây ra thiệt hại tổng cộng gần 2,3 triệu đô la. Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến cho việc đón khách bằng trực thăng và tàu cao tốc đều gặp khó khăn.
Ngoài ra, người ta còn phát hiện một bãi đạn pháo từ thời Thế chiến thứ II được phát hiện cách khách sạn 3 km khiến khách sinh tâm lý e ngại.
Tính đến lúc rời khỏi "quê nhà", khách sạn nổi này đã để lại một khoản lỗ tài chính lớn cho công ty với con số lên đến gần 8 triệu đô la.
Vốn thuộc quyền quản lý của tập đoàn khách sạn lừng danh Four Seasons, tuy nhiên, sau đó công trình này đã phải bị bán lại vào năm 1989 cho tập đoàn Nhật Bản EIC Development Company. Được đưa về Sài Gòn hoạt động dưới sự quản lý và vận hành của Công ty Australia’s Southern Hotels, khách sạn này bỗng có thời kim hoàng kim bất ngờ.
Khách sạn nổi đầu tiên tại Việt Nam
Được đưa đến Việt Nam, khách sạn khổng lồ này ngay lập tức có bước ngoặt khi bất ngờ thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Trong 5 năm đầu (1989 – 1994), mặc dù giá phòng 1 đêm lên đến 355 USD (gần 8 triệu VNĐ), bằng cả một gia tài so với mức sống Sài Gòn thời điểm bấy giờ nhưng gần như lúc nào cũng kín khách. Nơi đây cũng từng được lãnh đạo thành phố đặt làm nơi tiếp khách quốc tế hoặc các công ty, tập đoàn nước ngoài sử dụng làm nơi tổ chức sự kiện hội thảo quan trọng.
Với người dân thời ấy, khách sạn nổi này chính là một địa điểm để họ có dịp được chiêm ngưỡng, được trầm trồ. Vì khi đó, khách sạn nằm cạnh bến phà Thủ Thiêm nối đôi bờ trung tâm Sài Gòn với vùng đất hoang vu nghèo khổ phía quận 2.
Đáng tiếc thay khi thời kì hoàng kim đó quá ngắn ngủi và là điểm sáng duy nhất trong cuộc đời 30 năm của công trình này. Khi kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, đây không còn là địa điểm cao cấp bậc nhất để giới thượng lưu phải lui tới nữa, người dân không phải ngước đầu trầm trồ nhìn ngắm nữa. Hàng chục khách sạn cao cấp được nâng cấp hoặc xây mới như Continental, Majestic, Rex, New World…, thị phần của Saigon Hotel năm 1995 giảm mạnh, doanh thu giảm 30% so với thời đầu.
Cuối cùng, khách sạn lại phải đổi chủ cho Công ty Huyndai Asan, chuyên về du lịch, trực thuộc Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) với giá còn hơn 1/3 là 12,7 tỉ won (tương đương 18 triệu USD). Ngày 9h30 ngày 1/4/1997, con tàu chính thức nhổ neo lại lênh đênh trên con đường đến với Singapore.
Công trình rỉ sét tại Triều Tiên
Sau quá trình trùng tu ở Singapore, khách sạn mở cửa trở lại vào năm 2000 với tên gọi Haekumgang, neo tại khu du lịch Kumgang Triều Tiên với mong muốn thu hút các khách du lịch quốc tế tới đây. Lúc đó, quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn còn đang suôn sẻ.
Tuy nhiên, vào năm 2008, sự cố xảy ra khi một nữ du khách Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn gần khu vực này với cáo buộc xâm phạm khu vực quân sự, làm căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên - Hàn Quốc. Khu nghỉ mát Kumgang ngừng hoạt động.
Năm 2019, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm núi Kim Cương, ông ra lệnh phá hủy để tái thiết khu vực theo hướng phù hợp với văn hóa Triều Tiên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch, mọi kế hoạch phá dỡ đều bị đình trệ khiến khách sạn bề thế từng nổi danh một thời vẫn phải lênh đênh ở đó, hoàn toàn trơ trọi.
Vượt hơn hành trình hơn 14.000 km đường biển đi qua nhiều quốc gia trong hàng thập kỷ, sở hữu nhiều kỉ lục thế giới, qua tay không ít chủ, nhưng đến cuối cùng, công trình này vẫn chịu một kết cục đáng buồn!
Nguồn: Tổng hợp cafebiz
Nhận xét
Đăng nhận xét