TÌNH MÙ VIỆT MỸ

Một câu chuyện cảm động có thật, kết thúc có hậu, đẹp hơn cả tiểu thuyết

Tác giả : Lệ Hoa Willson



Vợ chồng George- Phương Lan trước bàn thờ tổ tiên ngày cưới tại VN



Phương Lan , áo đỏ, tóc ngắn, làm cho Thư viện sách nói

1. Việt Nam : Chiêu Nguyễn Phương Lan

Em sanh năm 1974 tại Cam Ranh dưới cái tên trữ tình và có một chút hơi hám cung đình là Chiêu Nguyễn Phương Lan. Nhưng cái tên đẹp đẽ kia không cải tạo được số mạng nghiệt ngã của em . Hai tháng sau mẹ em cảm thấy có gì là lạ nơi mắt em . Bà đem em đi khám bác sĩ và kết quả đã làm cho tim bà tan nát . Mắt em bị một chứng bịnh lạ lùng và đang từ từ mất đi hoàn toàn thị giác . Đau khổ hơn nữa là đám virus ác nghiệt sẽ từ tròng mắt tấn công lên não bộ và để bảo tồn mạng sống cho em , bác sĩ phải mổ lấy ra một con mắt và hai năm sau con mắt thứ hai . Hai lỗ mắt trống hoắc và mí mắt sụp xuống che lại bầu trời có thiên địa huy hoàng , có bông hoa rực rỡ , có sông dài xanh ngát, có núi xám trời cao. Tất cả chỉ còn là bóng tối…

Một người mù hỏi thánh Anthony:

“ Có thể còn có điều nào khổ hơn là bị mù không?”

Thánh Anthony trả lời :

“ Có ! lúc người bị mất định hướng !”.

May mắn thay, em không mất định hướng . Trẻ em nhảy giây , em nhảy giây dù vấp té không biết bao lần . Tụi nhỏ hát, em hát . Tụi nhỏ vỗ tay cười giỡn, em vỗ tay cười giởn. Tụi nhỏ học đờn tranh , em học đờn tranh. Và vì không bận nhìn ngang ngó dọc , em tập trung tất cả thời gian vào thực hành nên em đờn hay hơn tất cả bạn bè , em học giỏi hơn tất cả bạn bè .

Năm em lên 7 tuổi, mẹ dẫn em xin vào học trường Nguyễn Đình Chiểu ở đường Nguyễn Chí Thanh nhưng bị từ chối vì em là … con của ngụy ! ( Ba em là cựu chiến sĩ VNCH và trong chiến đấu đã bị mất nguyên một bàn chân ) . Mẹ em đã lạy lục đầu trên xóm dưới , năn nỉ cùng trời cuối đất và sau cùng em được nhận vào học ăn ở nội trú một tuần năm ngày , tự giặt quần áo , tự tắm rửa v. v. và khi lớn lên một chút thì em học thêm nghề bó chổi, đan chiếu .

Ba năm cuối của trung học em được nhận vào trường phổ thông cơ sở quận Bình Thạnh.

Khi chấm dứt trung học , em thi vào trường Văn Hóa Nghệ Thuật chuyên ngành âm nhạc. Ba năm sau em thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm và năm 1998 em ra trường với danh dự thủ khoa ban Anh Văn , môn phụ Nhật Văn chỉ với một cái máy thu băng cũ kỷ để thâu lời giảng dạy và một cái máy đọc chữ Braill để làm bài tập .

Khi ra trường , em tuy hiểu Anh văn nhưng không nói được. Để tập nói , hai mẹ con dẫn nhau ra hồ Con Rùa hoặc bến Bạch Đằng, mẹ em đưa tay ra khều những người ngoại quốc . Có người xoay lại và vội vàng xua tay đuổi bà mẹ đi vì tưởng là bà xin tiền . Sau cùng bà phải nắm tay em để sát cạnh bà , khi người ngoại quốc xoay lại, em vội vàng trình bày ngọng nghịu là “ tôi là người khiếm thị, tôi học Anh văn nhưng không nói được, tôi muốn nói chuyện với ông , bà để thực tập. Tôi không phải là người ăn xin ”.

Bạn có đồng ý với tôi là chúng ta nên cúi đầu khâm phục trước lòng nhẫn nại và ý chí học hỏi của người thiếu nữ khiếm thị nầy không ?

Em lần lượt dạy nhạc ở câu lạc bộ lao động quận 1, nhân viên của thư viện sách nói quận 3, và cuối cùng dạy cấp 1 cho hội Người Khiếm Thị thành phố.

Năm 1999 một phái đoàn Nhật tới Việt Nam tìm kiếm những người có khả năng nói được tiếng Nhật để đưa qua Nhật học ngành châm cứu và massage. Sau khi thành công sẽ để họ trở về VN dạy lại các người khiếm thị khác để những người tật nguyền nầy có được một nghề tự nuôi thân.

Em là người được chọn và sau một khóa học ba tháng tiếng Nhựt , em thi đậu và được theo học trường Đông Du tại thành phố để hoàn chỉnh khả năng Nhật- Anh , Anh - Nhật .

Tháng 10 năm 2000 em xuất ngoại du học tại Okinawa và một số tỉnh thành khác . Sau bốn năm tận tụy học hỏi môn châm cứu và massage trị bệnh của người Nhật , một lần nữa em ra trường với danh dự thủ khoa !

Trở về VN , từ năm 2004 tới 2009, em dạy cho các thanh thiếu niên khiếm thị tại Saigon một nghề mưu sinh . Phước đức vô lượng !

Trong thời gian du học , người Nhật nhân đạo đã bỏ tiền ra cho em đi bác sĩ lấp vào hai mắt nhân tạo để em nhìn bình thường và duyên dáng hơn.



Phương Lan ngày ra trường sư phạm. Phương Lan ( áo xanh, ngồi giữa) trình diễn đàn tranh

2. Mỹ : George Kasperitis

Anh sanh năm 1964 tại Pennsylvania, Mỹ . Là một thanh niên có dòng máu Đông Âu , anh cao lớn , khỏe mạnh, đẹp trai, chơi đàn piano, guitar , trống và là một ước mơ của các nữ sinh trung học .

Ra trường Pennsbury High School năm 1983, không theo lên cấp bậc đại học mà anh lại chọn Natural Medicin, chuyên ngành massage và phòng bệnh thiên nhiên. Tuy được cấp bằng tốt nghiệp, anh lại không theo nghề mà trở về trang trại của ông nội để giúp ông trồng trọt và chăn nuôi vì ông nội đã già và cần thân nhân . Ai nói người Mỹ không có tình cảm gia đình và không biết hiếu thảo ?

Sau khi ông nội mất năm 1988 , anh ra đời , mở một cơ sở chuyên trị cho các lực sĩ thể thao với hot rock và đặc biệt là hot bamboo. Anh giải thích là độ nửa tiếng trước khi khách hẹn đến , anh bỏ vào một nồi lớn 4 ống tre dài khoảng 2 feet , đường kính khoảng 3 inches , mỗi ống có độ 3 đến 4 mắt tre . Anh thêm vào lá basil, dill, mint, cinnamon v. . v . . và dầu almond . Anh đã chà xát cho các mắt tre mất sự bén nhọn nhưng các phần lồi lõm vẫn giữ nguyên. Anh lăn ống tre nóng tẩm các khoáng chất tiết ra từ lá và dầu lên lưng, cổ , khuỷu tay chân của khách hàng . Chúng sẽ kích thích các huyệt đạo nở lớn ra làm huyết mạch lưu thông thuận lợi , do đó cơ thể sẽ tiếp nhận nhiều linh khí trong trời đất hơn, con người sẽ khỏe mạnh hơn , sự thành tựu về thể xác sẽ tăng tiến hơn.

Chắc là lăn ống tre nhiều quá mỏi tay nên sau vài năm anh bỏ nghề và mở tiệm ăn . Dẹp tiệm ăn anh đi làm cho công ty JC Penny rồi nổi lên máu giang hồ anh gia nhập vào Peace Corp, trước hết phục vụ tại Paris , Pháp và sau đó là Ghana , Africa .

Nơi đây các thiện nguyện viên xây cất bồn nước , lắp đặt các hệ thống lọc để dân địa phương có nước sạch mà dùng . Mỗi tuần hai lần cả phái đoàn đi hiến máu . Máu được bỏ vào ống nghiệm , xoay tròn cho chất plasma trong máu phân chia và lắng riêng ra. Sau đó máu lại được chích trả lại cho người hiến máu , còn chất plasma thì được để dành trị bệnh cho người dân địa phương .

Trong những tối giữa núi rừng hiu quạnh , anh lên mạng và tìm kiếm người nói chuyện trên mục Pen Pal . Nơi đó anh đọc hàng chữ : “ thiếu nữ Việt Nam , 30 tuổi , độc thân , thích âm nhạc, hiện đang học ngành massage và bấm huyệt trị bệnh tại Nhật… . ”.

Ôi em ơi , hợp quá , anh cũng thích âm nhạc , anh cũng thích nghề massage trị liệu . À mà em chơi nhạc cụ gì? Anh thì đàn piano, guitar và đánh trống . Em đàn tranh anh à . Đàn tranh là cái gì vậy em ? Là một loại đàn đặc biệt cho âm nhạc Việt Nam . Nó không cao sang , rầm rộ , cao vút như dương cầm mà nó thắm thiết, đậm đà, từng âm thanh sẽ đi vào tim người , từng nốt nhạc sẽ làm người ngẩn ngơ thương tiếc. . . Wow , ước gì anh có thể nghe em đàn… Que sera, sera… Sẽ có một ngày nếu chúng mình gặp nhau .

Và những dòng tâm sự đổi trao, những xẻ chia , những cởi mở cho tới một ngày anh đọc những dòng chữ : “ Em là một cô gái khiếm thị, em rất buồn là sẽ không bao giờ “ thấy” anh dù cho chúng ta có khi nào gặp nhau ”…

Em ơi không phải em đang nói giỡn đó chớ ? Khiếm thị? khiếm thị từ lúc nào ? Từ lúc mới sanh ra? Ông trời ơi , em chưa bao giờ biết được màu sắc của hoa hồng à ? chưa bao giờ thấy được ánh mặt trời chói chang trên đỉnh núi à ? Chưa bao giờ thấy được hoàng hôn mênh mông trên biển cả à ? Ác nghiệt , định mệnh ác nghiệt ! Em hỏi anh có thay đổi cảm nghĩ của anh về em không khi anh biết em , người con gái mà anh nâng niu tâm sự bấy lâu nay , lại là một kẻ mù lòa ?

Câu trả lời là có , có rất nhiều. Làm sao anh không thay đổi tình cảm trước một sự thật phũ phàng như vậy ! Trước hết là anh giận ông trời tàn nhẫn đã buộc cái chứng bịnh độc ác kia vào đôi mắt em . Anh sẽ không ngần ngại đối diện với ngài để hỏi cho ra lý do ngài chọn em làm nạn nhân , anh sẽ không sợ sệt mà sẽ cương quyết chất vấn ngài tới cùng . Nhưng trời ở đâu không thấy vậy thì anh chỉ có thể quay về thế gian nầy để đối mặt với em .

Phương Lan, sau nữa là anh sẽ không quay lưng lại với em . Anh sẽ cùng em tiến bước dù cho bây giờ ngoài cái bổn phận làm chồng ( trong tương lai ) anh lại có thêm một bổn phận nữa là làm đôi mắt của em . Anh sẽ làm cho em cảm nhận được màu vàng óng ánh của cành mai trong dịp tết, sẽ thấy vô vàn hoa dại trên cánh đồng cỏ xanh tươi, sẽ vẽ ra được những chiếc lá thu vàng úa hắt hiu , sẽ nắm bắt được những tảng băng tuyết chói lọi dưới ánh mặt trời .

Ở mấy ngàn dặm xa xôi kia, người bạn vừa đọc email cho Phương Lan vừa khóc . Phương Lan vừa nghe email vừa khóc . Cám ơn anh , George . Cám ơn tình yêu của anh dành cho em . Nhưng em không tin rằng trên đời lại có người đàn ông nào có thể yêu thương một cô gái mù lòa thắm thiết như vậy .

Kiếp sau anh nhé . Ở một kiếp mà em có thể thấy nắng vàng tỏa sáng trên tóc anh , biển xanh gợn sóng trong mắt anh , nụ cười rạng rỡ trên môi anh . Ở một kiếp mà chúng ta có thể tay cầm tay , mắt nhìn mắt , đối diện nhau nói lời thề nguyện thủy chung . Còn kiếp nầy, em xin lỗi … thật là xin lỗi .

Ra trường , Phương Lan trở về Việt Nam , ký giao ước làm việc từ 2004 tới 2009, trở thành giảng viên massage cho các em khiếm thị.

George ngẩn ngơ vì mất liên lạc nhưng anh không bỏ cuộc. Anh lần mò lên facebook , internet v. v. . bất cứ cái gì có thể để tìm kiếm Phương Lan. Sau sáu tháng dài tìm tòi anh kiếm ra người con gái khiếm thị đó . Phương Lan đã bỏ địa chỉ email bên Nhật và đổi lại địa chỉ Việt Nam . Tình mù Việt Mỹ lại tiếp tục .

Năm 2005, lần đầu tiên anh về Việt Nam để mặt đối mặt với người yêu . George không phải là một văn sĩ . Anh không biết diễn tả như thế nào cảm nghĩ của anh khi anh bước chân ra khỏi phi trường và nhìn thấy Phương Lan . Em đứng đó tay cầm chùm bong bóng , khắc khoải nhìn về phía trước nhưng không biết lúc nào thì người đó sẽ tới, sẽ cầm tay mình , sẽ kêu lên hai tiếng Phương Lan. Trái tim em run rẩy , chân tay em run rẩy và ngay cả linh hồn em cũng run rẩy . Mẹ em đứng cạnh bên . Mẹ ơi , mẹ sẽ thành thật cho con biết là anh ấy … như thế nào nghe mẹ .

Phương Lan ơi, anh đến với em đây . Em đứng đó bồn chồn , lo sợ. Sự sợ hãi tỏa ra chung quanh em làm tim anh tê tái . Em không tin rằng anh sẽ đến phải không? Em nghĩ rằng anh sẽ chạy theo những cô gái quần là áo lụa , những cô gái mắt nâu tóc vàng … chớ làm sao anh lại lặn lội mười ngàn dặm xa xôi để đến gặp một cô gái Việt Nam giản dị , bình thường lại mất đi ánh sáng … Nếu anh đã từng giận hờn ông trời cay nghiệt đã sắp đặt cho cuộc đời em gặp quá nhiều cảnh trái ngang thì ngày hôm nay, nhìn em đứng bơ vơ cách biệt giữa dòng đời rộn rả , anh lại cám ơn ngài đã sắp đặt cho cuộc đời hai đứa mình trộn lẫn vào nhau , để anh có thể đem đến cho em tình yêu , tin cậy và nương tựa .



Phương Lan với bằng cấp ra trường tại Nhật

Anh đưa thẳng cánh tay mặt ra phía trước cho Phương Lan vịn vào và cứ như vậy họ ra xe , về nhà , dạo phố, du lịch và có thể là đi trọn đường đời . Giờ đây nghĩ lại, anh cười hắc hắc thú nhận cùng tôi: “ Lúc đó cháu không dám nắm tay Lan để cùng đi vì cháu biết phong tục Việt Nam rất bảo thủ . Cháu thấy trong các phim ảnh , người dẫn đường cho người khiếm thị luôn luôn đưa thẳng cánh tay ra phía trước nên cháu cũng làm y như vậy , đi đến đâu ai thấy cũng cười , vậy mà cháu hãnh diện quá vì đã là cây gậy và đôi mắt cho Lan!”

Giọng hát đâu đó vẳng tới “ Ôi tình yêu ! Tình yêu là gì mà suốt đời ai đã một lần qua !”

Anh trở lại VN lần thứ hai năm 2006 để làm đám cưới .

Gần như tất cả khu phố nơi gia đình Phương Lan ở đều tham dự đám cưới , hoặc là khách mời , hoặc là nhập vào đám đông tò mò coi ông Mỹ cưới bà mù ! .

Phương Lan mời tất cả các bạn khiếm thị. Họ sờ mặt chú rể và hít hà khen đẹp trai quá ? ( chắc là rờ thấy cái mũi cao) , nhưng khi sờ tới cánh tay có lông hơi nhiều và hơi dài ( hơn người VN ) thì cả đám liền hét lên trời ơi giống con khỉ quá ! . Cả bọn phá ra cười , chú rể cũng hiểu sơ sơ danh từ con khỉ nên cũng chỉ biết đau khổ mà cười .

Ai nói cưới hỏi phải môn đăng hộ đối ? Ai nói chọn vợ lựa chồng phải thấy mặt nhau ? Ngày hôm nay hai đứa chúng con quì trước bàn thờ tổ tiên , tuy không nhìn thấy nhau , nhưng nguyện cùng nhìn về một hướng. Chúng con không có tiền tài để cho nhau , nhưng nguyện cho nhau cả cuộc đời dù ấm no dù đói lạnh. Chúng con không có nhà cao cửa rộng để cho nhau , nhưng chúng con nguyện cho nhau hai tấm chân tình mênh mang như biển rộng trời cao.

Lạy thứ nhứt chúng con cám ơn nước Mỹ và nước Việt Nam đã cho chúng con một nơi gọi là tổ quốc . Lạy thứ hai chúng con cám ơn dòng họ hai bên đã nuôi dưỡng chúng con thành người . Lạy thứ ba chúng ta cùng cám ơn nhau nhé và cùng hứa hẹn :

Nhĩ ngã tương ước định bách niên.

Thùy nhược cửu thập thất tuế tử .

Nại hà kiều thượng đẳng tam niên

( Chúng ta ước hẹn sống trăm năm .

Nếu lỡ ai chết năm chín bảy

Cầu nại hà chờ đợi thêm ba năm )

Sau ngày cưới , George trở về Mỹ lo giấy tờ bảo lãnh nhưng Phương Lan không chịu đi sớm vì em nghĩ là nước Nhật đã tốn tiền để đào tạo em với mục đích là em sẽ truyền dạy lại cho những người khiếm thị bạc phước khác một nghề nghiệp để nuôi thân. Nếu em bỏ đi thì phụ công ơn nước Nhât và bạc nghĩa với những người đồng cảnh ngộ. Giọt nước dòng sông. Nhận ơn nghĩa bằng một giọt nước , nguyện trả lại bằng một dòng sông . Chúng mình xa nhau ba năm nhưng lại có hàng trăm người có nghề nghiệp nuôi thân suốt cả đời , rất đáng phải không anh ? Vì thế em cương quyết ở lại VN tới năm 2009 khi khế ước dạy học mãn hạn em mới đi đoàn tụ cùng George.

Hiện giờ hai vợ chồng sống tại California, tình yêu vẫn đậm đà nhưng số phận nghiệt ngã vẫn một lòng theo đuổi . Tôi sẽ trở lại khi có dịp .

Những bài học về tình yêu , về tình người , về tiền tài , về số phận , về bản ngã , về cách đối xử v. v . . của George và Phương Lan làm tôi chới với nhìn lại bản thân tôi , nhìn sâu vào trái tim tôi, quay lại từng đoạn đời tôi đã đi qua , từng tao ngộ tôi đã gặp phải, từng đối xử tôi đã chọn lựa . Đồng ý . Phản đối . Cảm động . Giận dữ. Biết ơn. Oán trách . Tôi chưa hoàn toàn thẩm thấu được tất cả.

Bạn thì sao ?

Lệ Hoa Wilson


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?