ĐẠI NẠN RÁC SẮP ĐẾN
Đất nước trên nền rác
Việt Nam là một quốc gia thuộc loại xả rác cao nhất thế giới. Chung quy lại chỉ có hai nguồn rác là rác thải công nghiệp và rác thải dân dụng. Và cách xử lý rác của đất nước mình cũng thuộc loại… “quái thai” nhất thế giới.
Trước tình cảnh hàng triệu tấn tro xỉ nhiệt điện than không chỗ chứa, một số bộ ngành đã đề xuất nới lỏng hay hạ chuẩn môi trường. Trong ảnh: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận. (Ảnh: Lưu Tâm)
Khuôn khổ bài viết có hạn nên tôi chỉ chọn một lát cắt nhỏ để phân tích: rác thải nhiệt điện.
Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2010, dự tính lượng tro xỉ thải của năm 2015 là 2 triệu tấn/năm. Đến 2020, con số sẽ là 20 triệu tấn/năm và năm 2030 là 46 triệu tấn/năm.
Cũng theo báo cáo trên cả nước ta chỉ có 69 công ty được Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) cấp phép xử lý chất thải rắn nguy hại. Tổng lượng xử lý của các công ty này không đủ đáp ứng tốc độ xả thải của chất thải nguy hại.
Giả sử tỉ trọng tro bay và xỉ đáy lò trộn lẫn trung bình 1 tấn/m3 thì đến năm 2035 số tro xỉ chưa xử lý tồn sẽ là 2×5+20×5+30×5+46×5= 490 triệu tấn. Số lượng này cần bãi chứa có diện tích 490 triệu m2 cao 1m hay 49 triệu m2 bãi chứa cao 10m. Đều đặn từ năm 2030, Việt Nam mất 460ha đất/năm để chôn lấp. Đất đó phải đất vùng cao không có khả năng ngập lụt trong vòng 100 năm, theo tiêu chuẩn xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn. Mưa xuống, khả năng ô nhiễm vùng nước ngầm là rất lớn. Không mưa, phải có một lượng nước khổng lồ để phun và diện tích bạt nhựa khổng lồ để che đậy ngăn tro xỉ bay lên.
Câu hỏi đặt ra là quỹ đất quốc gia mất gần 50 triệu m2 để chôn lấp tro xỉ với vô số hiểm họa chực chờ thì ai chịu trách nhiệm và đất chôn lấp ở đâu ra?
Đất nước này xử lý về ô nhiễm môi trường về thể loại chất thải nguy hại tuyệt đại đa số bằng công nghệ chôn lấp. Và muốn thành doanh nghiệp xử lý về ô nhiễm môi trường về thể loại chất thải nguy hại cần phải được Bộ TNMT xét duyệt ĐTM (đánh giá tác động môi trường). Bộ TNMT phải có nhiệm vụ tìm kiếm công nghệ trong và ngoài nước để xử lý chất thải rắn 100% giảm và tiến tới không chôn lấp. Thay vì như vậy, họ lại giành quyền cấp phép xử lý chất thải nguy hại với địa phương. Trung ương triển khai dự án gây ô nhiễm. Địa phương muốn xử lý ô nhiễm lại phải ra trung ương xin phép trong khi nhiều doanh nghiệp có công nghệ tái chế rác muốn làm mà không được. Lạ lùng!
Câu hỏi đặt ra tiếp là nếu cứ mãi dùng công nghệ chôn lấp chất thải độc hại và mãi độc quyền xét duyệt doanh nghiệp thì có phải Việt Nam là quốc gia trên nền rác hay không?
Nhưng bất cập này vẫn chưa phản ánh được bản chất của sự tồi tệ về ô nhiễm. Dân Tuy Phong, Bình Thuận đã chặn Quốc lộ 1 và thậm chí đánh nhau với cảnh sát cơ động, ném gạch đá và bom xăng vì không thể chịu đựng nổi ô nhiễm. Cái đớn đau nhất là những “doanh nghiệp xí phần” đã tước đi cơ hội xử lý chất thải nhiệt điện (các doanh nghiệp khoa học công nghệ có phương thức xử lý chất thải hiệu quả nhưng không thể thực hiện do chất thải đã được các doanh nghiệp khác bao thầu dù không có công nghệ xử lý hiệu quả). Còn các báo cáo về môi trường thì vẫn luôn đẹp khi tới tay Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội,… Tôi chỉ lưu ý rằng Tuy Phong chưa phải nơi chặn Quốc lộ đầu tiên và chắc chẳng phải cuối cùng.
Thực tế và báo cáo khác nhau như trời với vực thì liệu có tình trạng báo cáo láo hay không? Liệu quyết tâm chống tham nhũng của chính thể có bị cấp dưới chỉ coi là khẩu hiệu suông hay không?
Đất nước trên nền rác bắt đầu từ “tư duy ve chai” của những nhà tham mưu, quản lý chính sách chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn của nhiệm kỳ. Tôi biết nhiều cán bộ cao cấp vẫn đau đáu vì dân nhưng cái họ thiếu chính là những lời nói thật, những báo cáo khách quan.
Trích đăng theo facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn
Nhận xét
Đăng nhận xét