MỘT TẤM LÒNG NHÂN HẬU ĐÁNG TRÂN TRỌNG

Vợ chồng Sài Gòn bỏ chục tỷ đồng xây khách sạn cho người vô gia cư

Nằm sâu trong một con đường nhỏ ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), cơ sở bảo trợ từ thiện Ngọc Quý được bao bọc bởi không gian đầy cây xanh bình yên.

Chủ cơ sở là ông Nguyễn Quang Sức (75 tuổi) quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ ông đã mồ côi cha mẹ, được đưa vào cô nhi viện.

Sau đó, ông Sức lên TP.HCM làm nghề vá xe đế sống qua ngày. Ở thành phố nhộn nhịp này, ông gặp bà Đỗ Thị Quý (quê Bình Dương), họ nảy sinh tình cảm và đến với nhau bằng một đám cưới giản dị.

Sau khi cưới, ông Sức vẫn tiếp tục vá xe đạp, xe máy rồi cả xe hơi. Một thời gian, ông bà dành dụm được ít tiền và quyết định mở quán bán cơm để kiếm thêm thu nhập. Trải qua nhiều vất vả, vợ chồng ông cũng tích góp mua được căn nhà ở quận Bình Tân, tiếp tục mở cơ sở xông hơi, mát xa.

Thu nhập từ công việc cũng khá, năm 2002, ông bà trở về Bình Dương mua thêm 1.000 m2 đất kế bên miếng đất hơn 1.000 m2 của cha mẹ bà Quý để lại, xây nên khách sạn Ngọc Quý với 50 phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi.

Đến năm 2012, lúc khách sạn đang ăn nên làm ra, ông bà quyết định dừng việc kinh doanh. Họ biến khách sạn này thành cơ sở bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý. Thời điểm này, nhiều người bảo vợ chồng ông bà “dở hơi”, làm việc không đâu nhưng ông bà bỏ ngoài tai những lời nói đó.

Họ vẫn quyết tâm dựng nên cơ sở này để chăm sóc trẻ em mồ côi và người già neo đơn.



Khách sạn Ngọc Quý nay là cơ sở bảo trợ từ thiện Ngọc Quý.

Ông Sức chia sẻ: “Tôi cũng từng là trẻ mồ côi nên hiểu được cuộc sống khó khăn, vất vả của những đứa trẻ không cha mẹ. Nhìn các bé lang thang, những cụ già không nơi nương tựa tôi đồng cảm sâu sắc với họ. Bởi vậy tôi xây nơi này với tâm nguyện có thể chăm sóc, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn giống tôi ngày trước”.

Việc chuyển đổi khách sạn thành cơ sở bảo trợ xã hội từ thiện chưa bao giờ khiến ông Sức và vợ hối hận. Hiện tại cơ sở của ông bà đang cưu mang 38 trẻ em mồ côi và 2 người già neo đơn. Theo lời ông Sức, trước kia số lượng người già ở đây là 15 người nhưng họ đã mất vì tuổi cao nên giờ chỉ còn 2 người. Những người già mất đi đều được ông bà lo hậu sự một cách cẩn thận, chu đáo.

Hàng ngày những người ở đây đều được ông bà chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Những đứa trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Ông Sức tâm niệm phải cho các em đi học để sau này thành tài, có được công việc nuôi sống bản thân.

Các bé ở đây đều học hành chăm chỉ, một số bé nhiều năm được giấy khen học sinh giỏi khiến ông bà rất vui mừng.



Ông Sức pha sữa cho các bé.

Chi phí sinh hoạt hàng tháng ở cơ sở đến từ tiền lãi gửi ngân hàng của ông bà và tiền giúp đỡ của từ các nhà hảo tâm. Các con của ông đều rất ủng hộ việc làm thiện nguyện của cha mẹ. Có điều kiện họ đều phụ thêm để cho ông bà lo cho các bé và các cụ già.

Cứ như thế, ông Sức và vợ âm thầm làm lụng để nuôi những người dưng suốt nhiều năm qua. Người này đến lại giới thiệu cho người khác, chẳng mấy chốc cơ sở đã lên mấy chục người. Ông bà phải huy động hết tiền làm lụng và tiền tiết kiệm, thậm chí bán cả căn nhà ở Bình Tân để có tiền chăm lo cho những mảnh đời kém may mắn.

Ông Sức khẳng định: “Ngày nào tôi còn sống, tôi sẽ luôn chăm sóc cho những người ở đây, không để cho họ phải chịu đói, chịu lạnh một ngày nào”.

Bà Quý cũng chia sẻ: “Ở đây lúc nào cũng vui vẻ vì luôn có có tiếng cười của mấy đứa nhỏ. Các cháu ngoan và lễ phép, nhìn mấy thấy bọn trẻ lớn lên từng ngày tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.



Bà Quý chuẩn bị đồ ăn chiều cho các bé.

Cơ sở bảo trợ từ thiện của ông Sức còn mở thêm một phòng khám Đông y khám chữa bệnh miễm phí vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Ông Sức đã mời một bác sĩ Đông y có chuyên môn đến bốc thuốc, khám chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo ở tỉnh và những vùng lân cận. Những người bệnh đến phòng khám đều được khám sức khỏe tỉ mỉ và được bốc thuốc miễn phí mang về.

Cuộc đời ông Sức chỉ có hai tâm nguyện lớn. Thứ nhất ông muốn lo được cho cuộc sống của các bé, các cụ ở đây được no đủ. Tâm nguyện thứ hai của ông là có thể xây được điện Tam Bảo để sau này mời các ni cô vào ở và tu học.

Lúc trước có người từng trả giá mua lại cở sở của ông bà với giá 12 tỷ những ông bà không bán. Số tiền đó tuy lớn nhưng ông cảm thấy day dứt nếu bán bởi sẽ không còn chỗ cho những người cơ nhỡ và trẻ em mồ côi nương tựa.



Ông Sức chơi đùa cùng các bé nhỏ ở cở sở

Dù vẫn còn nhiều khó khăn trong việc điều hành cở sở vì chi phí hạn hẹp nhưng ông bà vẫn tận tâm với công việc của mình. Thật khó có thể tìm được ở nơi đâu những tấm lòng đáng quý như của ông bà.

Quỳnh Bùi


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?