KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN Ở VIỆT NAM ?
Đối với những người Việt chưa từng tiếp xúc với môi trường cuộc sống ở Mỹ, lần đầu đến du lịch hay làm việc ở đây thì sẽ có thể nhận thấy một vài hiện tượng “rất kỳ lạ.”
Một cô gái người châu Á đưa cha mẹ đến tham quan một thắng cảnh ở Manhattan. Sau khi mua vé vào rồi, cô mới chợt nghĩ ra rằng người già có thể được ưu đãi nên vội vàng quay lại hỏi nhân viên. Người bán vé là một cô gái trẻ tuổi, nghe thấy câu hỏi đó liền nói lời xin lỗi, và lấy khoản tiền ưu đãi gửi lại. Điều khiến du khách này ngạc nhiên là, cô gái người Mỹ cũng không cần xem xét giấy tờ chứng nhận, thậm chí không đi nhìn xem cha mẹ cô có đúng là người già hay chưa (người hơn 62 tuổi mới được ưu đãi). Điều này khiến chúng ta thầm hiểu rằng: “Đây đúng là làm theo nguyên tắc “tin người”.
Thật ra, gần như ở tất cả các nơi công cộng, nếu có ưu đãi giảm giá cho người già và trẻ nhỏ thì đều không cần xem giấy tờ chứng nhận. Họ chỉ cần lời nói là sẽ tin mà không sợ “người già nhưng nhìn rất trẻ” và “trẻ con nhưng nhìn rất cao lớn”.
Người Mỹ với nhau họ rất “dễ tin”, hơn nữa ở bất kể cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ nào đều đặt danh tiếng lên trên hết. Khi mua đồ ở cửa hàng, ngoại trừ là đồ ăn và một số mặt hàng đặc biệt thì tất cả đều có thể trả lại trong một thời gian nhất định và được hoàn tiền đầy đủ. Ví dụ, mua đồ điện tử, quần áo, giày dép hoặc là các thương phẩm khác… Về nhà dùng một lát, cảm thấy không tốt, cầm lại cửa hàng, đều cho trả lại.
Tuy rằng cuộc sống ở Mỹ không hoàn toàn là màu hồng, cũng có những phần tử lừa đảo và trái pháp luật đủ loại, nhưng nói chung, những ai nghe các câu chuyện trên hẳn sẽ cảm thấy quả là “chuyện lạ” đối với người Việt Nam.
Người Việt đang phải sống dưới quá nhiều áp lực
Sáng ngày 09/06/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt và vấn đề an toàn sống… “Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức ứng xử đạo giữa người với người.”
“Khủng hoảng niềm tin” là hiện tượng đang thực sự xảy ra trong xã hội chúng ta, ở trên mọi khía cạnh cuộc sống của người dân từ thành thị cho tới nông thôn. Dù sống ở đâu người dân đều phải đối mặt với thực trạng với “thực phẩm bẩn”, nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, an toàn giao thông… đang vượt ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong một thời gian kéo dài. Tới những vụ việc nổi cộm gần đây như Formosa Hà tĩnh, tranh chấp đất tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội; rồi vụ việc đau lòng “8 người chết khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình”…
‘Khủng hoảng niềm tin’ ở Việt Nam, đâu là gốc rễ? (ảnh: Facebook/ Ngô Bá Lục)
Theo học thuyết Maslow, nhu cầu thiết yếu nhất của con người chính là thức ăn, nước uống, và sự an toàn. Vậy mà người dân trong xã hội Việt Nam hôm nay đang sống trong trạng thái thường xuyên phải lo lắng về sự an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, môi trường và các dịch vụ y tế mà họ đang sử dụng hằng ngày… Có câu nói: “Mất niềm tin là mất tất cả!” Điều tệ hại nhất là khi con người ta phải sống trong cảm giác không còn biết tin ai, tin vào cái gì, đã tạo nên sự bất an và căng thẳng tâm lý kéo dài, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 15% dân số đang mắc 1 trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần thường gặp như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Đặc biệt trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, thì có tới hơn 45% ở độ tuổi dưới 30. Một trong những nguyên nhân ít được thống kê là các vấn đề xã hội: bất mãn về chính sách kinh tế xã hội, bất lực trong việc đấu tranh đòi công lý, công bằng. Sự khủng hoảng niềm tin vào giá trị sống và hiện tượng xuống dốc của đạo đức xã hội dẫn đến mâu thuẫn trong cuộc sống gia tăng, tâm lý, tinh thần nhiều người bị khủng hoảng theo, làm gia tăng bệnh tâm thần, trầm cảm…
Nhiều bài viết đã được đăng tải, xem “khủng hoảng niềm tin” như là một vấn đề nóng trong xã hội. Tuy nhiên các bài viết chủ yếu phản ánh các biểu hiện của “khủng hoảng niềm tin” trên mọi lĩnh vực xã hội (giáo dục, y tế, môi trường, giao thông,..) và tập trung vào các nguyên nhân bề mặt như sự bất cập của các chính sách kinh tế xã hội, sự bất lực trong việc đấu tranh đòi công lý, công bằng, và tham nhũng, sự tha hoá lối sống ở các cấp… Trên thực tế, “khủng hoảng niềm tin” còn có những nguyên nhân sâu xa hơn, gốc rễ hơn xuất phát từ trong tư tưởng của con người trong xã hội hôm nay.
Sơn Vũ tổng hợp
Niềm tin vào cuộc sống
Gần 30 năm trước, tôi hay đi bằng xe mô tô phân khối lớn trên cung đường Sài Gòn – Đà Lạt. Một lần, tôi phát hiện bị rơi túi xách cột sau xe. Trong túi xách không có đồ gì đắt tiền, nhưng tôi vẫn quyết định quay lại tìm, mặc cho đứa em nói rằng chắc chắn đã bị mất rồi.
(Ảnh: Lê Nhật Vương Anh)
Tôi quay lại và chạy từ từ. Được khoảng vài chục cây số, thì tôi nhìn thấy chiếc túi xách của mình được để trên một cái bàn, ngay lề đường, trước một quán nước. Tôi vui mừng, phần vì không bị mất túi xách, phần vì niềm tin của tôi vào con người đã không bị phản bội.
Tuy nhiên, xã hội ngày nay đã khác xa so với 30 năm trước. Các giá trị bị đảo lộn, các giá trị xã hội truyền thống đã bị phá vỡ, thay vào đó là những hệ giá trị mới. Mới hôm qua đây, ngay tại cái nơi mà tôi đã hãnh diện vì niềm tin của tôi vào con người đã không bị phản bội, có một anh cán bộ xã làm thượng thọ cho mẹ anh ấy khi bà được 90 tuổi.
Anh ấy có vẻ là một người con có hiếu. Chỉ có điều, anh ấy dựng rạp che hết cả con đường đi của mấy chục hộ dân sống bên trong. Và mọi người đến dự vẫn cứ bình thản ăn uống, vui cười, thậm chí còn thể hiện sự thích thú, khi xe của những người có nhà, có vườn ở bên trong không thể đi qua.
Thật khó để mà duy trì niềm tin vào cuộc sống này, khi chúng ta đi đâu cũng gặp những chuyện như vậy. Thật khó có thể duy trì niềm tin khi nhìn thấy những trăm tỷ, ngàn tỷ, chục ngàn tỷ, trăm ngàn tỷ… tiền mồ hôi nước mắt của chúng ta chui vào túi, hoặc chui vào bụng của các quan chức, mà không phải là mang đến những phúc lợi cho người dân.
Nhưng không lẽ chúng ta cứ đứng đó nhìn niềm tin vỗ cánh bay đi? Không lẽ chúng ta cứ để cho bản thân mình mất phương hướng mãi? Không, cuộc đời này là của chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau tạo ra niềm tin, cho chính chúng ta, và cho những người đang hoang mang, vô định trong cuộc sống nhiễu nhương, vô định này.
Theo facebook Bác sĩ Võ Xuân Sơn
( BS Võ Xuân Sơn là trưởng ban tổ chức chương trình “Dĩa cơm trên tường” – một hoạt động thiện nguyện để hỗ trợ bữa ăn cho các bệnh nhân. Từ tháng 6/2016, các thành viên nghĩ ra việc tổ chức Đêm nhạc Blouse trắng để quyên góp cho chương trình. Đêm nhạc với tiếng hát chủ yếu của các y bác sĩ diễn ra hằng tuần. Khán giả không phải mua vé, tự trả tiền nước uống; khoản tiền đóng góp sẽ được dành để mua những suất cơm cho bệnh nhân nghèo.)
Nhận xét
Đăng nhận xét