GIÚP VIỆC NHÀ: MỘT HÌNH THỨC XUẤT KHẨU NÔ LỆ VN TẠI TRUNG ĐÔNG???

Cuộc đời tủi nhục hơn cả nô lệ của các nữ giúp việc nhà Việt Nam ở Trung Đông

Làm việc 19 tiếng/ ngày, bị bỏ đói, thậm chí còn không được cấp băng vệ sinh hay những nhu cầu tối thiểu khác, phụ nữ Việt Nam đã phải sống trong địa ngục khi đi xuất khẩu lao động.

Ngồi trong căn nhà của mình với cô con gái bảy tuổi Hồng Anh, chị Phạm Thị Đào, 46 tuổi vẫn chưa hết ám ảnh về những tháng ngày lao động kinh hoàng ở Ả Rập Saudi.

Tìm kiếm một cơ hội đổi đời cho gia đình mình, người mẹ đến từ Hòa Bình này đã quyết định sang đất nước Trung Đông xa lạ để thành người giúp việc gia đình. Tuy nhiên sự đối xử tệ bạc của chủ nhà, cùng với điều kiện làm việc vất vả khiến cô quyết định rời khỏi nơi đó sau 7 tháng làm việc.



Chị Đào trong ngôi nhà sập xệ cùng đứa con thơ của mình

Chị Đào kể với tờ Al Jazeera về trải nghiệm của mình khi còn làm việc ở thành phố cảng Yanbu: “Tôi phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 1 giờ sáng hôm sau và chỉ được phép ăn một lần vào lúc 1 giờ chiều. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi chỉ được ăn một lát thịt cừu và một đĩa cơm. Sau gần hai tháng, tôi thấy mình như một người điên vậy”.

Theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 20.000 lao động Việt Nam đang lưu trú tại Ả Rập Saudi, trong đó có gần 7.000 người đang làm việc gia đình.

Trong năm 2014, hai nước đã ký kết một hiệp ước lao động 5 năm, tạo cơ hội cho nhiều công dân Việt Nam làm việc tại quốc gia vùng Vịnh. Ả Rập Saudi là một trong những quốc gia có nhu cầu tuyển dụng người giúp việc gia đình cao nhất trong khu vực.

Chúng tôi đâu có đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong là mình không bị bỏ đói, bị đánh đập, và được ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Nếu người ta có thể đáp ứng những yêu cầu trên, chúng tôi đã không tìm kiếm đến sự giải cứu từ bên ngoài - chị Phạm Thị Đào cay đắng chia sẻ.

Trịnh Thị Linh, 30 tuổi quê ở tỉnh Hà Nam cũng là một người phụ nữ xa quê để tìm cơ hội việc làm ở nước bạn xa xôi. Trước kia chị từng làm giúp việc cho một gia đình ở Riyadh. Mãi cho đến khi cất cánh ra nước ngoài, chị mới tìm hiểu về đất nước xa lạ này.



Thị trường giúp việc gia đình ở Ả Rập Saudi vừa có nhiều tiềm năng, nhưng cũng rất rủi ro với những phụ nữ Việt Nam

Chị Linh kể với Al Jazeera qua điện thoại:

Người ta hứa với tôi, mỗi tháng tôi sẽ được trả 388 USD (9 triệu đồng), mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào trong suốt quá trình tuyển dụng. Điều này thực sự làm tôi cảm thấy rất háo hức. Gia đình chúng tôi khá nghèo và một tháng lương giúp việc như thế là còn cao hơn cả tiền bán lúa hai vụ nữa.

Tôi thậm chí còn không có miếng băng vệ sinh và bị ép phải rửa chân và massage cho họ. Đôi khi bà chủ sẽ vứt đồ ăn thừa đi chứ không để tôi được ăn nó.

Linh kể, bản thân chị đã gặp một số phụ nữ Việt Nam khác ở Ả Rập Saudi. Người trẻ nhất trong số họ là 28 tuổi, còn người lớn tuổi nhất 47. Họ chủ yếu là nông dân đến từ những vùng thôn Việt Nam, nhiều người còn là người dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi tôi đặt chân đến sân bay ở Riyadh, họ (nhân viên công ty Saudi cung cấp dịch vụ thuê người giúp việc) đẩy tôi vào một căn phòng lớn với hơn một trăm người khác. Khi gia đình chủ đến đón tôi, ông ta đã lấy hộ chiếu và hợp đồng lao động của tôi. Hầu hết phụ nữ tôi nói chuyện cùng đều bị tương tự như vậy.



Lao động nữ Việt Nam sang Ả Rập Saudi làm giúp việc thường gặp nhiều thiệt thòi

Giống như chị Đào, chị Linh cho biết mình cũng chỉ được cho ăn một bữa một ngày và phải làm việc tận 18 giờ. Một giúp việc gia đình giấu tên khác đã tiết lộ cho tờ Al Jazeera rằng trong hợp đồng của cô ghi rõ, thời gian lao động của cô tối đa là 9 giờ một ngày, theo luật của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Khi chị Linh yêu cầu được chuyển đến một gia đình khác theo quyền của người lao động trong hợp đồng, nhân viên công ty môi giới Việt Nam đã la mắng và tìm cách đe dọa chị. Để phản đối, chị Linh đã tuyệt thực trong ba ngày cho đến khi chủ lao động của chị đồng ý đưa chị trở về công ty giúp việc ở Ả Rập Saudi.

“Nhà chủ đầu tiên của tôi nói với tôi rằng ông ấy đã trả rất nhiều tiền để thuê tôi, tầm 6.100 USD (141 triệu đồng), vì vậy ông ta rất muốn tôi ở lại, cuộc sống ở đó làm tôi không thể chịu nổi. Sau một tuần, họ đã trả lại tôi cho bên môi giới [phía Ả Rập Saudi]“.



Chuyện bị bạo hành là điều không hiếm gặp với các lao động ngoài nước tại đây

Nhưng khác với kì vọng của chị, người chủ thứ hai tệ hơn người trước rất nhiều. Một phụ nữ trong gia đình chủ đã lục lọi va li của Linh ngay vào ngày đầu tiên chị đến đó, rồi nhốt chị vào một căn phòng và tịch thu hộ chiếu của chị.

Cô ta bỏ tất cả đồ đạc của tôi vào một kho chứa đồ, tôi cũng không được phép sử dụng điện thoại và nấu ăn cho riêng mình.

Sau ba tháng, cân nặng của tôi đã sụt từ 74kg đến 53kg. Tôi luôn cảm thấy hoảng loạn, sợ hãi, và thường xuyên bị mất ngủ. Điều duy nhất tôi có thể làm lúc đó là khóc.

Khi được phía Al Jazeera yêu cầu phỏng vấn một tháng trước, Bộ lao động của Ả Rập đã từ chối gặp mặt các phóng viên. Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Hà Nội cũng không đưa thêm bất kì một bình luận gì.

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, điều phối viên dự án quốc gia cho chương trình Tam giác ASEAN tại Văn phòng Lao động Quốc tế Việt Nam (ILO) chia sẻ: “Rất khó để những nữ giúp việc này có thể chứng minh mình bị ngược đãi, làm việc quá sức, bị đánh đập hoặc thậm chí là cả lạm dụng tình dục. Phía cơ quan hành pháp (của Ả Rập Saudi) vẫn ủng hộ những chủ lao động trong nước chứ không phải những người lao động ngoại quốc”.

Những người giúp việc gia đình nhập cảnh vào Ả Rập Saudi dưới dạng bảo lãnh, hay còn gọi là kafala, thường thay đổi công việc hoặc rời khỏi đất nước mà không có sự chấp thuận của người bảo lãnh.

Nhiều quốc gia vùng Vịnh khác như UAE, Oman, Kuwait, Qatar và Lebanon cũng gắn tư cách thị thực của người lao động với chủ lao động của họ, khiến họ bị lệ thuộc vào gia đình chủ nhà và chịu thiệt thòi trong nhiều tình huống. Ở những nước này, các lao động trốn thoát khỏi những chủ lao động bạo hành thường bị phạt do tội “bỏ trốn”, bị phạt tù, phạt tiền và trục xuất về nước.

Giúp việc gia đình của Việt Nam thường được tuyển dụng qua một công ty môi giới phía Việt Nam. Công ty này sau đó trang bị những kiến thức về ngôn ngữ cũng như việc làm cho các phụ nữ muốn đi xuất khẩu lao động dạng này. Quyền lợi của người lao động cũng là do công ty này chịu trách nhiệm bảo đảm.



Những bài học tiếng Ả Rập của chị Đào vẫn còn đó

Trong hệ thống này, những người lao động thường chịu nhiều tổn thương khi bị ngược đãi. Ngoài ra, nếu không chứng minh được là mình bị bạo hành, người lao động phải chịu toàn bộ tiền phạt (dao động từ 2500 USD (58 triệu đồng) đến 3500 USD (81 triệu đồng) và cả vé máy bay khi quay lại Việt Nam.

Anh Bùi Văn Sang là chồng chị Tuyết - một nữ lao động khác đang làm việc ở Riyadh. Anh nói hiện vợ mình bị đánh đập và bỏ đói. Điện thoại của cô đã bị chủ lấy đi và Sang chỉ có thể liên lạc với cô từ hai đến ba tuần một lần “khi người chủ của cô ấy cảm thấy như [cô được phép gọi]”.



Ảnh của chị Tuyết, một nữ giúp việc bị cho là đang bị bạo hành ở Riyadh, do anh Sang cung cấp

Công ty môi giới Việt Nam đã yêu cầu anh trả 2.155 USD (50 triệu VNĐ) để Tuyết có thể trở lại Việt Nam, nhưng từ chối đưa bất cứ văn bản nào. Qua thời gian, phía môi giới Việt Nam lại yêu cầu tăng gấp đôi tiền phá hợp đồng. Anh Sang đã đi 1.500km từ tỉnh Tây Ninh đến thủ đô Hà Nội để gặp người môi giới, nhưng lại bị từ chối.

“Tôi chỉ muốn vợ tôi quay lại. Chúng tôi không bao giờ ngờ rằng điều này là khó khăn đến thế. Khi cân nhắc mức lương có thể được nhận, lên tới 388 đô la/ tháng (9 triệu) cho 18 đến 20 giờ làm việc trong ngày, thì nó còn ít hơn cả tiền thuê giúp việc ở Việt Nam nữa”.

Hiện này không có tổ chức độc lập nào ở Ả Saudi hay Việt Nam đảm bảo sự an toàn cho các giúp việc gia đình. Cho dù trong vài năm qua, nhiều báo cáo về nạn ngược đãi lao động ngoài nước đã thúc giục chính quyền Ả Rập Saudi thay đổi các quy định lao động hiện hành nhưng thế vẫn là chưa đủ.



Tờ trình của anh Sang lên Đại sứ quán Ả Rập Saudi về tình hình của vợ anh

Để nhận được hỗ trợ, người lao động và người thân của họ phải dựa hoàn toàn vào các công ty môi giới Việt Nam. Theo như chị Linh chia sẻ, công ty môi giới Việt Nam nói với cô rằng hợp đồng lao động chỉ có hiệu lực soạn thảo từ trước chỉ có hiệu lực ở Việt Nam chứ không phải ở Ả Rập Saudi.

“Họ [các công ty môi giới Việt Nam] có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi của những người giúp việc, nhưng tất cả những gì họ làm là hét lên với chúng tôi. Bây giờ tôi chỉ muốn rời khỏi đây. Nếu đi đến cảnh sát, ít nhất họ cũng sẽ đưa tôi đến trại tạm giam rồi trục xuất về Việt Nam.



Điều mong mỏi duy nhất của anh Sang lúc này đó là vợ anh có thể trở về nhà bình an vô sự

Gần đây, chị đã phát trực tiếp một video chi tiết về cuộc sống của chị và nhiều người Việt khi làm giúp việc tại Ả Rập Saudi, nó thu hút đến 113.000 lượt xem. Chị Linh ngậm ngùi trải lòng: “Nhiều phụ nữ tôi biết ở đây đều chỉ muốn một điều duy nhất, rời khỏi địa ngục trần gian này. Nhưng họ sợ, bị đe dọa, và thậm chí là không dám nói ra”.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?