LẠI THÊM MỘT GÓP Ý MỚI VỀ NHÀ HÁT 1500 TỶ
Gần đây dư luận dân chúng xôn xao về nhà hát giao hưởng 1500 tỷ sẽ được xây tại Thủ Thiêm, tpHCM. Có thể nói cuộc tranh luận này xảy ra rất gây cấn trong cộng đồng mạng và phần thắng tạm nghiêng về phe phản đối. Chưa biết cuối cùng sẽ ra sao, nhưng nay xin giới thiệu với quý vị một bài viết có tính cách cá nhân mà sau khi đọc xong phần lớn có thể hiểu nghiêng về phe thiểu số (OK) nhưng nếu đọc kỹ quý vị vẫn thấy những trăn trở, băn khoăn nào đó trong phần cuối bài, điểm thú vị theo tôi là ở đấy, nào mời quý vị bắt đầu tham khảo:
Tội nghiệp Mỹ Linh, tội nghiệp nhạc bác học
Chưa thể biết là nên hay đừng tồn tại một nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm, nhưng đã và đang có rất nhiều lỗi biện luận khi chỉ trích ý định xây dựng công trình 1.500 tỷ này. Và càng lỗi hơn khi nhiều người nhân danh dư luận để trút cơn thịnh nộ vào Mỹ Linh.
Nhạc giao hưởng, nhạc hàn lâm, nhạc bác học…, dân Việt Nam có biết nghe không? Chính xác là có nghe nổi không? Với câu hỏi này, lẽ thường chúng ta sẽ ồ lên một cái hoặc “úi giời” một cái và người hỏi sẽ tự biết câu đáp như thế nào. Có lý lắm. Tại Mỹ, theo công bố của Statista năm 2017, dòng nhạc cổ điển chỉ chiếm 1,1% tỷ lệ tiêu thụ album nhạc, khi rock tới 22,22%. Và với thực trạng bản quyền như ở Việt Nam hiện tại, quả thật không thể biết tỷ lệ 1,1% kia còn giảm xuống gấp bao nhiêu lần nữa.
Vậy là chúng ta có sẵn một phép biện luận: Đấy, người Mỹ còn chả nghe nổi. Đấy, âm nhạc bác học sắp biến mất khỏi hành tinh này rồi. Tóm lại là, đừng xây nhà hát làm gì cho phí tiền. Những 1.500 tỷ, hãy xây trường học, bệnh viện. Đường sá còn tắc, còn ngập kia kìa, hãy làm dịu nỗi bức xúc của dân Sài Gòn, của người Thủ Thiêm. Đấy!
Nhìn đi nhìn lại, có 2 lý luận nghe qua thấy lọt tai. Một là, xây nhà hát giao hưởng khi dân không biết nghe nhạc giao hưởng. Hai là, xây nhà hát giao hưởng tốn tiền khi những cái cần xây, cần làm xong lại chưa làm. Nếu có lý luận thứ 3 thì chắc là, đừng so mình với các nước tiên tiến.
Khi tư duy chúng ta đã bám chặt vào những phép biện luận ấy, thì tội nghiệp một người như Mỹ Linh - “lỡ miệng” nói khác số đông. Mà số đông này không biết chính xác là đông đến mức độ nào, bao nhiêu người, hay chỉ là cảm giác khi ta trượt ngón tay lướt Facebook và nhìn thấy những status đầy vẻ hờn căm.
Nhưng hãy bình tĩnh lại, bằng tất cả sự bao dung nếu chưa đồng cảm được với Mỹ Linh và những người có tư tưởng giống Mỹ Linh. Bởi không phải lúc nào “số đông” trên Facebook cũng đại diện cho chân lý. Bởi đang có lỗi biện luận rất nghiêm trọng ở đây, nếu phân tích bằng tư duy khoa học.
Hầu hết chương trình nghệ thuật nhạc giao hưởng hiện nay đều được biểu diễn tại Nhà hát Thành phố. Ảnh: Báo Đất Việt
Tiền nhiều hay ít?
Thoạt nhìn vào còn số 1.500 tỷ thấy rất khủng khiếp. Một chỗ hát hò thôi mà, gì mà gớm vậy! Nhưng con số này chỉ hơn thu ngân sách 1 ngày của TP.HCM một chút. Tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2018 là 183.465 tỷ đồng (số liệu công bố của Sở Tài chính TP.HCM), nghĩa là mỗi ngày địa phương này thu về 1019, 25 tỷ đồng, bằng 45 tỉnh cả nước cuối “bảng xếp hạng” cộng lại.
Là đầu tàu kinh tế và giao thương, giao thoa văn hóa, TP.HCM xứng đáng tiêu tiền nhiều hơn con số 1.500 tỷ cho những công trình hạ tầng lớn hoặc có ý nghĩa văn hóa, biểu tượng. Hãy nhìn xem, ở khía cạnh văn hóa, Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông một thời – bây giờ có thêm công trình nào đáng để tự hào? Hãy nghĩ xem, có phải như một cô gái có tiền nhưng không dám mua một chiếc áo mới, khi nhà có khách luôn trong sự úi xùi, tự ti.
Hình hài đơn điệu của nhà hát Trần Hữu Trang
Và đừng quên rằng, 1.500 tỷ không chỉ để xây một chỗ để hát giao hưởng. Đó còn là một tổ hợp công trình với hạ tầng đi kèm và những dịch vụ vệ tinh hưởng lợi cùng nó. Nhà hát cũng là nơi tổ chức sự kiện văn hóa lớn, những đêm nhạc đủ thể loại chứ không “độc quyền” giao hưởng.
TP.HCM có thiếu tiền làm đường, xây cầu, chống ngập không? Xin thưa là không. Thực trạng khiến người dân không hài lòng bắt nguồn từ quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không hoặc rất ít liên quan đến tiền. Như vậy, không hề tồn tại một mối quan hệ biện chứng nào để khẳng định: Nếu không xây nhà hát thì vấn đề hạ tầng đô thị, cầu cống, đường sa sẽ được cải thiện. Nếu ta cứ ép nhà hát gắn với ngập úng là phi logic, là lỗi biện luận.
Và ngay tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 18 hôm 16/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, đền bù đất cho người dân Thủ Thiêm và xây nhà hát là 2 việc hoàn toàn khác nhau: “Tiền thành phố đền bù cho người dân sẽ lấy từ ngân sách. Còn xây nhà hát là bằng tiền bán đất từ nhiều năm trước, không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm".
Xây xong xuôi…
Xây xong rồi để không, lãng phí nghìn tỷ. Đó là dự báo và lo ngại của nhiều người khi có đề xuất xây nhà hát giao hưởng. Một số công trình nhà hát cũ kỹ vắng khách tại TP.HCM, Hà Nội đã được đem ra làm lý luận cho quan điểm phản đối chi 1.500 tỷ để xây công trình tương tự ngay tại “vùng nóng” Thủ Thiêm. Vậy là lại có thêm một lỗi biện luận nữa.
Bám vào những công trình cũ, hoặc không có một chút giá trị kiến trúc, thẩm mỹ nào nhìn từ bên ngoài quả thực như chuyện cô gái đẹp vẫn tiếc nuối chiếc áo cũ lành lặn vậy. Xin hãy nhìn vào 2 bức ảnh trong bài này, liệu chúng ta có chút hứng thú nào, chưa nói đến tự hào địa phương, tự hào quốc gia. Bởi đã rất lâu rồi, không có công trình phục vụ văn hóa nào “đã mắt” và xứng tầm như Nhà hát Lớn Hà Nội (được xây từ 1901), Nhà hát TP.HCM (1898).
Một công trình như Nhà hát TP.HCM được người Pháp xây năm 1898 và đến giờ vẫn luôn “đỏ đèn” (đương nhiên không chỉ là giao hưởng), muốn có sân khấu phải đặt trước nhiều ngày, nhiều tháng trong khi nhiều nhà hát khác lại vắng khách đến thê thảm, thực tế này nói lên điều gì?
Rất khó tìm ra giá trị biểu tượng của những công trình như nhà hát Bến Thành
Đó không chỉ là sự khác biệt về “level” kiến trúc và giá trị thẩm mỹ, còn là quy mô và sức hấp dẫn của công trình mà những nhà hát nhỏ bé, hình hài đơn điệu không bao giờ có được. Khi công trình từ năm 1898 kia đang dần xuống cấp và khó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao của nghệ thuật biểu diễn, thì TP.HCM muốn xây mới một nhà hát với level tương đương, quy mô và giá trị đại diện tương đương, cũng chính đáng lắm chứ?
Như vậy, xin đừng vội lo xây xong rồi bỏ xó. Nếu chúng ta luôn lo sợ như vậy thì không bao giờ Việt Nam có được những công trình tầm cỡ và theo thời gian sẽ thành những giá trị lịch sử cho đời sau. Nếu cứ nghĩ thế, người Úc sẽ không bao giờ có nhà hát opera “vỏ sò” nổi danh, người Pháp sẽ không có tháp Eiffel, người Mỹ sẽ không có tượng Nữ thần Tự do… Tất cả những công trình này đều không mang lại giá trị thiết yếu về kinh tế cho người dân và mới đầu đều bị đem ra mổ xẻ, chỉ trích. Nếu một xã hội chỉ lo chuyện ăn uống, đói nghèo, đất đai thì chẳng phải rất… nhạt nhẽo sao?
Niềm tin và cái lý của số đông
Chẳng thể chứng minh được mệnh đề “nếu – thì”: không xây nhà hát, sẽ xây được hạ tầng. Điều đó đã rõ, vậy nguyên do nào dẫn đến sự bức xúc của số đông khi đề xuất TP.HCM phải có một công trình 1.500 tỷ? Số đông không bao giờ đồng nhất được về phép biện luận cho một vấn đề nhưng luôn tồn tại một điểm chung trong tâm nhiệt.
Các nhà quản lý, hoạch định ở TP.HCM nên nhìn ra thực tế này, là người dân không có niềm tin rằng nhà hát là một thứ gì hay ho khi cứ triều cường là họ phải bì bõm, khi người dân Thủ Thiêm đang khốn khổ vì nhà không nằm trong ranh giới dự án mà vẫn bị thu hồi. Đó cũng là cái lý rất hợp lý của số đông dư luận mà chính quyền TP.HCM cần tôn trọng và phải giải quyết bằng được.
Nếu TP.HCM không làm được thì không riêng gì chuyện xây nhà hát, mà muốn làm bất kỳ công trình, bất kỳ việc gì không lồ lộ những giá trị trước mắt, sẽ luôn bị phản ứng. Bởi chẳng người dân nào vui vẻ được khi lội nước đi chơi.
Nếu không, xin đừng quên rằng, ngay cả khi nhà hát được xây mà không gặp phải phản ứng gì, thì chính công trình này biết đâu mai này cũng thành một… dự án treo.
Việt Nguyễn
Nhận xét
Đăng nhận xét