TRÚNG SỐ Ở MỸ MỪNG THẬT NHƯNG CÓ LO KHÔNG?

Người vừa trúng giải độc đắc 1,6 tỷ USD có nguy cơ phá sản

Theo tính toán xác suất, tỷ lệ trúng của giải thưởng “ngàn năm có một” này chỉ là 1/303 triệu.

Theo trang New York Post, dãy số may mắn được quay vào tối 23/10 trong chương trình xổ số Mega Millions tại Mỹ bao gồm 5-28-62-65-70 (số Mega Ball là 5) đã tìm ra người trúng thưởng. Chủ nhân của giải độc đắc kỷ lục này sẽ được trao tặng số tiền khổng lồ trị giá 1,6 tỷ USD (~37,000 tỷ đồng). Theo tính toán xác suất, tỷ lệ trúng của giải thưởng “ngàn năm có một” này chỉ là 1/303 triệu. Nghĩa là, nếu mỗi người Mỹ mua 1 tấm vé số khác nhau thì vẫn có tới 7% không có người trúng thưởng. Nhưng thực tế, người vừa trúng giải thưởng kia có thực sự may mắn như bạn nghĩ? Hay đây chỉ là sự khởi đầu cho một loạt các khủng hoảng tài chính tồi tệ trong tương lai?



Tổng trị giá giải thưởng độc đắc

Sự thật phũ phàng mang tên “đóng thuế”

Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần trúng thưởng là có thể thoải mái “ôm trọn” số tiền khổng lồ đó về nhà, bạn đã nhầm to! “Cửa ải” đầu tiên dành cho bạn chính là cơ quan thuế.

Theo luật, người trúng thưởng có 2 lựa chọn: nhận một lần 904 triệu USD hoặc thanh toán dần tất cả 1,6 tỷ USD trong 30 năm.

Thông thường, chẳng có người chơi nào muốn “xé nhỏ” số tiền trong mơ trong một khoảng thời gian quá dài. Người chơi sẽ chấp nhận “cho không biếu không” cơ quan thuế một số tiền không nhỏ và hy vọng được mang cả 904 triệu USD về nhà. Nhưng đừng vội mừng, cơ quan thuế liên bang sẽ tiếp tục trừ 24% tổng giải thưởng. Sau đó tiếp tục là 7% thuế của tiểu bang Nam Carolina - nơi tờ vé số độc đắc đã được bán ra.

Bây giờ thì nhìn lại xem, số tiền “có một không hai” ấy đã bị thu nhỏ không ngờ xuống còn một con số khiêm tốn hơn, khoảng 623,76 triệu USD (14.560 tỷ đồng).



Xổ số Mega Millions

Từ giấc mơ tỷ phú tới cuộc khủng hoảng tài chính cá nhân được dự báo trước

Trên thực tế, nếu không có kế hoạch quản lý chi tiêu chặt chẽ, cánh cửa dẫn bạn quay trở lại sự nghèo khó chỉ cách một bước chân.

Năm 2001, một báo cáo của hai nhà kinh tế học Guido Imbens, Bruce Sacerdote và nhà thống kê Donald Rubin cho thấy, người trúng số có xu hướng chi tiêu và đầu tư quá tay và kém hiệu quả. Trung bình, họ chỉ giữ lại được 16 xu trên mỗi đô la trúng được sau 10 năm.

Một nghiên cứu khác của giáo sư Jay L. Zagorsky đến từ Đại học Boston, những người bình thường trong độ tuổi từ 20 đến 40 khi bỗng dưng được hưởng thừa kế hoặc trúng thưởng một món tiền khổng lồ “từ trên trời rơi xuống” thường sẽ có xu hướng choáng ngợp, tiêu pha không kiểm soát hoặc đầu tư kém hiệu quả do không có sự tính toán kỹ lưỡng.

Ngoài ra, món tiền thưởng cũng không phải “vị cứu tinh” cho những người đang trong tình trạng kinh tế bi đát. Nó chỉ có thể cứu cánh họ trong một khoảng thời gian ngắn, và không lâu sau đó, họ lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của cuộc khủng hoảng tài chính được dự báo trước.

Một tấm gương chua chát của ước mơ “làm giàu không khó”

Có nhiều cách để tiêu xài và hưởng thụ sự giàu có như mua biệt thự, siêu xe hay đơn giản nhất là gửi ngân hàng và lấy lãi định kỳ, người trúng số hoàn toàn có thể nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống xa hoa đến cuối đời. Tiếc thay, số tiền có được quá dễ dàng khiến họ lóa mắt và sớm rơi vào tình trạng ăn chơi sa đọa, hoặc tham lam đầu tư không tính toán dẫn đến thua lỗ. Huntington Hartford chính là một ví dụ điển hình.



Chân dung vị tỷ phú thất thế Hungtington Harford

Từ năm 12 tuổi, Harford đã được thừa kế khoảng 90 triệu USD (~1,3 tỷ USD ngày nay, tương đương 30.000 tỷ đồng) từ công ty Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của gia đình. Đó là một công ty lớn sở hữu chuỗi cửa hàng thực phẩm từ Thế chiến I đến những năm 1960. Nhưng sự giàu sang không ở lại với Harford quá lâu, khoảng 70 năm sau khi được trao khối tài sản đồ sộ bậc nhất thế giới, ông tuyên bố phá sản vào năm 1992. Giới chuyên môn cho rằng, đó là hậu quả của việc mua bất động sản, xây bảo tàng nghệ thuật, tài trợ cho các chương trình biểu diễn vô tội vạ. Các hoạt động kinh doanh của ông không những không mang lại lợi nhuận mà còn liên tục nhận được báo cáo thua lỗ. Hơn nữa, Harford còn được biết đến như một tay chơi có tiếng với lối sống vô cùng xa hoa. Kết quả, nhà triệu phú già đành phải trở về Bahamas sống cuộc đời lặng lẽ với con gái và qua đời trong sự nghèo túng vào năm 2008.

24h.com.vn


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?