10 MÓN ĂN VN HÀNG ĐẦU CHÂU Á
10 món ăn Việt Nam được công nhận kỷ lục châu Á
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã có văn bản chính thức xác lập, công nhận 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.
Ngày 28/2, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã có văn bản chính thức xác lập, công nhận 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Dự kiến, ngày 22/3 tới, Tổ chức Kỷ lục châu Á sẽ trao bằng xác lập kỷ lục châu Á cho các tỉnh, thành phố có món ăn đặc sản đạt kỷ lục trong Chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 27 tổ chức tại TPHCM.
1. Bún suông (đuông của tỉnh Trà Vinh) được chế biến từ tôm tươi, bỏ vỏ, làm nhuyễn thành chả. Sau khi chả tôm được ướp gia vị sẽ cho vào trong túi ni lông sạch, rồi nặn vào nồi nước đang sôi hoặc chiên sơ rồi cho vào nồi nước lèo khi ăn. Lúc này, chả tôm được tạo hình giống con đuông dừa.
2. Chả cá Lã Vọng (Hà Nội): Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà Nội. Đây là món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên.
Lịch sử ra đời: Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng 'Chả Cá' được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá - biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn. Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn.
3. Bún cá rô đồng (Hải Dương): Món ăn này chỉ làm từ một loài cá rô sống trên ruộng đồng nhưng khi trải qua bàn tay của người dân quê thuộc tỉnh Hải Dương thì nó đã trở thành một món ăn độc đáo và gây nhiều ấn tượng đối với du khách. Cá rô đồng không chỉ là nguyên liệu chính trong món Bún cá này mà còn được người dân nơi đây biến tấu thành nhiều món ăn như Cá rô đồng kho nước dừa,Canh cải nấu cá rô đồng,Cá rô đồng chiên xù... Bún cá rô luộc (hấp) được chế biến đơn giản nhưng lại giữ được vị ngọt đặc trưng của thịt cá.
4. Chả mực (Quảng Ninh): Khi đến Hạ Long, để có một món quà mang hương vị đặc trưng của Hạ Long, đặc sản của Quảng Ninh, du khách không thể không mang về quê hương một vài cân chả mực. Chả mực vốn là món ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc, chả mực Hạ Long có hương vị, màu sắc, mùi vị riêng, không lẫn với nơi nào.
5. Cao Lầu (Hội An, Quảng Nam): Cao lầu là món ăn được làm từ những sợi phở khô dày gấp 3-4 lần sợi phở thường, nhưng lại có màu vàng nhẹ rất bắt mắt. Những sợi phở được chế biến từ gạo thơm, dùng nước tro (phải lấy từ đảo Cù Lao Chàm, Hội An) để ngâm gạo, và dùng nước giếng Bá Lễ (một chiếc giếng cổ có từ thời Chăm pa, khoảng thế kỷ thứ VII-IX) để nấu thì mùi vị mới thực sự đúng chất của món cao lầu.
6. Chả cá Quy Nhơn nổi tiếng ngon do làm từ cá tươi. Cá để làm chả thường là các loại ngon: cá mối, thu, thửng, rựa, chuồn... nhưng ngon nhất để làm chả là cá thu, cá mối, cá rựa. Chả cá có hai loại chả hấp và chả chiên.
7. Gỏi lá (Kon Tum): Gỏi Lá Kom Tum đúng nghĩa phải có từ 40 đến 50 loại lá… trong đó có 3 loại lá không thể thiếu được là mơ lông, đinh lăng và lá sung. Trên mâm gỏi lá có các món đi kèm là bì heo trộn thính, đĩa thịt heo ba chỉ thái mỏng, đĩa tôm sông xào thơm lựng, ít muối hạt, tiêu hạt, ớt hiểm… Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn đun nóng rồi gạt mớ hành khô giã nhỏ vào chảo, đảo đều tay. Cho tất cả hỗn hợp trên vào, nêm thêm chút sa tế, gia vị vừa ăn, để lửa liu riu năm đến bảy phút là được.
8. Bánh bèo bì (Bình Dương): Được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì chợ Búng (Bình Dương) mang hương đậm đà đặc biệt. Bánh có vị thịt khìa trộn thính ăn cùng mắm ớt rất ngon.Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng (Bình Dương) đổ bằng gạo nguyên được vo đãi thật kỹ. Quấy được nồi bột với nước cốt dừa ưng ý xong, mới đổ vào khuôn bánh bèo rồi đem hấp cho thật chín.
9. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang): Đặc điểm của Hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai dai, hương vị hơi chua, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác.
10. Bún cá Châu Ðốc (An Giang): Thành phần món ăn đơn giản với cá lóc, nước lèo và bún tươi, nhưng sự hấp dẫn của món ăn đến từ màu sắc và hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
theo tinmoi
Nhận xét
Đăng nhận xét