CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI: NGƯỜI TRUNG QUỐC VÀ ĐÀI LOAN SANG VN TÌM VIỆC
Xu hướng ngược đời: Người Đài Loan, Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam tìm việc, lương cao gấp đôi, miễn phí ăn ở, dễ dàng tiết kiệm được 30.000 USD trong vòng 2,3 năm
Chỉ 8 năm sau khi rời Đài Loan, Trung Quốc với không nhiều kinh nghiệm làm việc, giờ đây Bevin Su đã trở thành quản lý đội kiểm định chất lượng cho hơn 700 công nhân tại nhà máy của Nike ở thành phố Hồ Chí Minh.
"Tôi sẽ không bao giờ có cơ hội như vậy nếu tiếp tục ở lại Đài Loan hay sang làm việc ở Trung Quốc đại lục", anh Su nói khi cho biết mình thích ở lại Việt Nam làm hơn sang các nước khác.
Đồng nghiệp cũ của anh Su là cô Zoe Wu cũng đến làm ở Việt Nam sau khi nhận ra mình không có tương lai tại quê nhà. Công ty mới của Wu không những cung cấp miễn phí bữa ăn hàng ngày, còn chỗ ở, dịch vụ giặt là, lau dọn cho đến 7 chuyến về thăm Đài Loan miễn phí mỗi năm cũng như 55 ngày nghỉ phép. Thậm chí cô Wu cho biết mình có thể dễ dàng tiết kiệm hơn 50% số lương của mình do chi phí sống quá rẻ tại Việt Nam.
"Tôi kiếm được gấp đôi so với ở Đài Loan, Trung Quốc…Rất dễ dàng để mọi người có thể tiết kiệm tới 30.000 USD tại đây trong vòng 2-3 năm. Đó là điều tôi chưa bao giờ có thể mơ tới nếu tiếp tục ở lại Đài Loan", cô Wu thừa nhận.
Lao động Đài Loan tìm công việc tại Đông Nam Á ngày một nhiều, vượt cả Trung Quốc đại lục
Trường hợp của anh Su và cô Wu chỉ là 2 trong số hơn 110.000 lao động Đài Loan, Trung Quốc đang làm việc ở Đông Nam Á với mức lương cao hơn cũng như đãi ngộ tốt hơn so với ở quê nhà. Trước đây lao động Đài Loan thường sang Trung Quốc đại lục kiếm việc nhưng chi phí nhân công tăng cao cùng căng thẳng thương mại với Mỹ khiến rất nhiều công ty Đài Loan dịch chuyển nhà máy cũng như nhân viên sang các thị trường như Việt Nam hay Ấn Độ.
Trong khi Đài Loan hoan nghênh việc lao động nội địa ra nước ngoài làm việc như một cơ hội tăng cao tay nghề, kinh nghiệm thì nhiều nhà hoạch định chính sách đề nghị Đài Loan nên thu hút thêm sinh viên và lao động tay nghề đến đây trước tình hình suy giảm nhân lực trong nước.
"Chính phủ nên lo ngại việc nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đến các quốc gia khác như Đông Nam Á chứ không phải Đài Loan. Điều này sẽ gây ra cuộc chảy máu chất xám", Chuyên gia Gordon Sun của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan (TIER) nói.
Anh Su cho biết mức lương khởi điểm đối với lao động Đài Loan có bằng cấp ở Việt Nam là vào khoảng 35.000 NT (1.140 USD) và con số này có thể tăng lên đến 1.500-1.600 USD theo thời gian. Mức lương này cao hơn rất nhiều so với 927 USD tại quê nhà, theo số liệu của Bộ Lao động năm 2017.
Các nhà máy của Đài Loan tại Việt Nam rất cần những quản lý từ trong nước.
Tồi tệ hơn, thị trường việc làm ở Đài Loan đang ngày một khó khăn hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ tại đây đã vượt 10% năm thứ 9 liên tiếp. Trong tháng 8/2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên độ tuổi 20-24 tại Đài Loan đạt 12,8%.
Trong khi nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng 2,8% năm 2017 thì Việt Nam hay Ấn Độ đã tăng trưởng quanh mức 7% vài năm nay và trở thành điểm đến hấp dẫn cho lao động Đài Loan.
Số liệu của 104 Job Bank cho thấy lượng lao động Đài Loan trong độ tuổi 25-29 hướng đến Đông Nam Á đã tăng 62% trong 3 năm tính đến năm 2017. Lượng lao động ứng tuyển cho các công việc tại Đông Nam Á của Đài Loan đã tăng 33% lên 53.137 đơn.
Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cùng khiến doanh nghiệp Đài Loan dịch chuyển đầu tư nhiều hơn cho Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư của Đài Loan cho Đông Nam Á và Ấn Độ năm 2017 đã tăng 54% so với năm trước đó lên mức 3,68 tỷ USD. Trái ngược lại, mức đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc đã giảm 4,8% cùng năm, mức giảm năm thứ 2 liên tiếp, xuống 8,74 tỷ USD.
Sau những nhà máy sản xuất của Eclat Textile, Pou Chen, Feng Tay là đến những công ty công nghệ như Advantech, hàng sản xuất PC lớn nhất thế giới tính theo thị phần, hay Hon Hai Precision Industry, chuyên cung cấp cho Apple, rồi đến Pegatron. Tất cả các công ty Đài Loan này đều thấy được tiềm năng tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Nếu trước đây Đài Loan là thị trường nổi tiếng cho các nước như Việt Nam, Philippines xuất khẩu lao động thì nay xu thế ngược lại đang diễn ra. Đài Loan cho rằng việc chảy máu lao động không những đem về thêm ngoại tệ mà còn thúc đẩy thương mại, kinh doanh trong khu vực, nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra.
"Đài Loan sẽ làm bất cứ thứ gì để giúp các công ty dịch chuyển khỏi Đài Loan hoặc Trung Quốc nếu cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ giúp những công ty muốn đầu tư mới vào các nước Đông Nam Á", Trưởng phòng đám phán thương mại Đài Loan, ông John Deng nói.
Những hàng quán Đài Loan cũng mọc nhiều hơn để phục cụ lao động xuất khẩu từ nước họ
Năng suất lao động thấp kìm hãm tăng trưởng GDP
Theo Thời Đại
Nhận xét
Đăng nhận xét