NHÂN NGÀY PHỤ NỮ CHIA SẺ VỀ NHỮNG MẢNH ĐỜI CÔ ĐỘC, ĐÁNG THƯƠNG

● HỌ KHÔNG CÓ NGÀY 8/3

Người phụ nữ 40 năm sống ở vỉa hè Sài Gòn

Trải qua phần lớn cuộc đời trên vỉa hè Sài Gòn, bà Nga thường thức giấc ở ghế đá công viên với hành trang gồm vài ba bộ đồ mang theo từ Đồng Nai và đôi chân tập tễnh do dị tật.



Một ngày của bà Nga bắt đầu bằng việc xếp gọn chiếc ghế gấp bà nằm ngủ bên trong quán cà phê ở quận 1.

Bữa sáng gồm một bát mì tôm, ly cà phê đen và một vốc thuốc chữa tiểu đường uống kèm trà đá pha loãng. Từ quán gần hồ Con Rùa, bà lăn nhanh những vòng xe đến nhà thờ Đức Bà, khệ nệ ôm chiếc hộp đựng kẹo cao su đặt xuống ven đường.

40 năm nay, người phụ nữ đó luôn ở khu vực này cùng với nỗi lo về khoản nợ 500.000 đồng mỗi ngày. Đó là tiền vốn đại lý cho vay để bà lấy kẹo về bán. Chiếc hộp nhựa đựng mấy chục gói kẹo cao su như tài sản quý giá nhất của bà.

"Ngày nào tôi cũng cầu Chúa cho tôi may mắn bán được thật nhiều để đủ tiền trả cho người ta", bà Nga nói, tay với lấy bình nước rót cho mình ly trà để uống thuốc.

Ký ức cuộc di cư năm 12 tuổi

Không quá nhiều ký ức thời thơ ấu đọng lại, hoặc những thứ bà chỉ muốn quên, không bao giờ phải nhắc đến. Đến cả họ của mình, bà Nga cũng không nhớ.

Bằng giọng điệu bình thản, bà nhắc chuyện cha mẹ qua đời khi mới 4 tuổi. Không ai nói cho bà biết vì sao bố mẹ mất. Bà cũng không nhớ đám tang đã diễn ra thế nào. Hai ngôi mộ được dựng lên ngay sau nhà, sau tìm không thấy nữa.

Những ngày tháng đó, bà sống trong sự cưu mang của hàng xóm. Người ta cho bà ăn uống ngủ nghỉ, nhưng không cho tiền đi học. Tuổi thơ của bà không bảng đen, phấn trắng đến trường như các bạn cùng trang lứa.

Dẫu vậy, vẫn bà thể đọc vanh vách tên của các đường ven khu vực Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.



Mảng sáng duy nhất trong vùng ký ức của người phụ nữ này là năm 12 tuổi, bà theo chân những người hàng xóm nhảy tàu từ Thanh Hóa vào Đồng Nai sinh sống.

"Nhà ga đông lắm, tàu vừa chạy thì mấy người hàng xóm nhảy lên rồi kéo tôi nhảy theo. Tôi đi theo người ta chứ đâu bà biết gì", bà nhớ lại.

Vào Đồng Nai, bà lại nghe "người ta" kể nhiều về một vùng đất khác, một nơi rất đông đúc và nhiều nhà cao tầng. Quan trọng là bà có thể kiếm tiền ở đó. Vậy là bà lên xe khách chạy thẳng ra bến xe Miền Đông. Lần này không bà người hàng xóm nào đi cùng nữa.

Vào chính khoảnh khắc đặt chân lên mảnh đất "đẹp lắm" ấy, bà có trải nghiệm đáng quên nhất trong cuộc đời mình. "Tôi mệt quá nên ngủ quên ở đâu không nhớ rõ. Đến khi tỉnh dậy thấy mình bị lột hết quần áo, người thì đau nhức. Lúc đó mới hiểu ra mình vừa bị làm sao", bà Nga nhắc lại ký ức xảy ra vào khoảng thời gian vừa dậy thì.

Kể từ đó về sau, "đàn ông" là hai từ bị cấm kỵ trong tất cả các cuộc nói chuyện của bà. Cũng chính vì thế, người phụ nữ này không bao giờ có ý định lập gia đình.

Nếu ký ức là một khoảng không gian thì bà Nga cũng như bao người khác, đã đi qua cả vùng sáng, vùng tối và một vùng sương mù trong suốt tuổi thơ của mình.

"Thà chết đói chứ không chịu xin ăn"

Khó ai có thể tượng tưởng một đứa trẻ 13 tuổi đã sống một mình ở Sài Gòn như thế nào. Trước khi ở "ngôi nhà" hiện tại, bà sống một cuộc sống ở vỉa hè thành phố. Mỗi ngày, bà thức giấc trên ghế đá công viên với hành trang là vài ba bộ đồ mang theo từ Đồng Nai và đôi chân tập tễnh do dị tật từ nhỏ.

"Hồi thiếu nữ tôi cũng đẹp, da trắng bóc. Các chị em giới thiệu cho người này người kia mà tôi đâu bà thiết tha yêu đương gì", bà Nga nói rồi cười to.



Trong số "các chị em" được nhắc tới, có bà Lan bán nước ở hồ Con Rùa. Hai người phụ nữ quen nhau từ hồi bà Nga vừa đặt chân lên thành phố. Bà Lan có nhà, có chồng, còn bà Nga thì không gì cả.

Nhưng những điều ấy không tạo khoảng cách giữa hai người phụ nữ trạc tuổi. Hai người trở thành bạn, nhưng chưa bao giờ bà Nga mở lời nhờ đến sự giúp đỡ của bà Lan. Mỗi người một cuộc sống riêng và họ chỉ tìm đến nhau để kể lể, tâm sự những câu chuyện thường ngày.

"Chúng tôi là bạn, có chuyện buồn vui gì cũng chia sẻ cho nhau. Chứ tôi không giúp được gì cho bà Nga hết", bà Lan nói.

Dù vậy, một người bạn tâm giao có lẽ đã là món quà đáng quý với bà Nga. "Hồi thiếu nữ, bà ấy thỉnh thoảng mua cho tôi vài bộ đồ lót, có khi bà cho dùng chung cả phấn son", bà Nga kể về người bạn của mình.



Những ngày một thân một mình sống ở thành phố đông dân nhất cả nước, bà Nga học cách sinh tồn để không phải đi "xin ăn". Năm 20 tuổi, bà từng bị bắt lên đồn trong một lần xô xát với đám thanh niên đường phố. Khi ấy, một phụ nữ tên Tuấn đã chuộc bà về nuôi và cho sống cùng trong một ngôi nhà trên đường Điện Biên Phủ.

Khoảng thời gian đó với bà Nga là những tháng ngày sung sướng nhất của cuộc đời. Bà được ăn uống, chăm sóc tử tế. "Nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác đang mắc nợ người ta", bà nhớ lại.

Sau một thời gian sống trong cảm giác "mắc nợ" đó, bà kiên quyết chuyển ra ngoài. Dù rằng "ngôi nhà" tiếp theo bà đi đến lại là ghế đá ở công viên quận 1 và vỉa hè ven Nhà thờ Đức Bà. Ở đó không có đồ ăn, nước uống, không có quần áo đẹp để mặc nhưng bà được làm chủ cuộc đời mình.

"Ở đây nhiều người tốt, nhưng tôi thà chết đói chứ không bao giờ xin ăn", bà Nga quả quyết.



Đến một ngày, khi đã mở lòng hơn, bà nhận sự giúp đỡ của một chủ quán cà phê. Sau 22h, khi quán đã hết khách, bà được kê giường gấp ngủ nhờ ở bên trong. 6h sáng, trời vừa hửng nắng, bà tỉnh dậy và rời khỏi quán trước khi có khách. Bà không quay về quán trong ngày.

Tháng 11/2018, bão số 9 - Usagi quét qua Sài Gòn khiến bà đổ bệnh. Mưa lớn, đường ngập, không ai đi lên hồ Con Rùa hay nhà thờ Đức Bà, bà không thể bán hàng được nữa.

Hôm đó, bà mua 2 ổ bánh mì đặc ruột. Nửa ổ ăn bữa sáng, nửa ổ ăn bữa trưa, ổ còn lại để dành cho bữa tối. Căn bệnh tiểu đường bắt đầu giở chứng, cả người đau nhức, bà không thể đi đâu được. Bà xin chủ quán cho ở trong quán cà phê cả ngày, nhất quyết không gọi điện cho bà Lan để nhờ giúp đỡ.

"Tôi sợ nhất là mắc nợ người ta", người phụ nữ 40 năm sống bên vỉa hè Sài Gòn nói về nỗi sợ của mình.

Sống ở vỉa hè

6h sáng, trong không gian yên ắng của một quán cà phê nằm giữa trung tâm Sài Gòn, bà Nga thức giấc. Việc đầu tiên của bà là xếp gọn chiếc giường mình nằm vào góc cầu thang. Rồi bà lấy một chiếc túi nylon, bỏ vào trong đó vật dụng cá nhân bao gồm bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt và bộ quần áo giặt tối qua đã kịp phơi khô trong đêm.

Với bước chân tập tễnh, bà kéo chiếc xe lăn cải tiến ra, lên xe và đi thẳng về phía Nhà thờ Đức Bà. Ở đó có tượng Đức Mẹ Hòa Bình đứng hiên ngang và đàn chim bồ câu sà xuống mỗi buổi bình minh hay chiều tà. Cũng chính ở đó, bà làm công việc mưu sinh của mình là bán kẹo cao su.

Với mỗi phong kẹo bán được, bà lãi 5.000 đồng. Tiền đó để bà mua bữa ăn trong ngày và một bình trà đá giải khát.

Mang trong mình căn bệnh tiểu đường và huyết áp cao, mỗi ngày bà phải uống 3 lần thuốc. Bác sĩ khuyên không nên ăn nhiều nhưng bà vẫn âm thầm đi bệnh viện Nhi đồng mua suất cơm 25.000 đồng về ăn. Bữa trưa có thịt, cá, rau muống - những món nhiều đạm không hề tốt cho bệnh tiểu đường.

"Tôi chẳng sợ gì cả, Chúa cho mình sống đến lúc nào hay lúc đó. Sống mà phải nhịn ăn thì thà chết đi cho rồi", bà Nga bộc bạch.

"Chúa" là từ bà hay nhắc đến trong tất cả các cuộc nói chuyện.

"Ngày nào tôi cũng cầu nguyện Chúa cho bán được nhiều hàng".

"Chúa cho mình sống đến lúc nào hay lúc đó".

"Chết thì tôi cũng đi theo Chúa, tôi không sợ gì cả".



Có lẽ với một người phụ nữ nhiều tự trọng như bà Nga, "Chúa" là vị ân nhân duy nhất mà bà có thể nương tựa mà không phải mang cảm giác mắc nợ.



Ngoài Nhà thờ Đức Bà là không gian để kiếm sống, nơi mà bà hay ghé tới nhất là khu vệ sinh bên trong Nhà văn hóa Thanh Niên. Ở đó, bà mở chiếc túi nylon với đầy đủ vật dụng cá nhân đã được gói ghém từ sáng, tắm rửa và giặt giũ bộ đồ mình đã mặc trong ngày. Có 2 bộ quần áo được mua ở chợ Bến Thành giá 300.000 đồng/bộ, luân phiên mặc và giặt.

Hơn 4 thập kỷ đã đưa bà Nga trải qua từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Từ lúc còn là đứa bé 13 tuổi non nớt, đầy sợ hãi, cho đến khi trở thành một người phụ nữ tự biết xoay xở cho cuộc sống của mình.

Trong suốt từng ấy thời gian, Sài Gòn không chỉ không chỉ đơn thuần là vùng đất để bà kiếm sống. Bà nói chính nơi đây đã dạy bà khôn lớn. Và vỉa hè Sài Gòn được người phụ nữ khắc khổ gọi là "nhà".



Gần nửa đêm, bà Nga trở về quán cà phê quen thuộc, nơi nằm ngủ mỗi đêm. Quán đã hết khách, chỉ còn lại mình bà với ánh đèn vàng lọt xuống từ quầy bar - nơi những chai rượu đắt tiền và ly thủy tinh bóng loáng. Người phụ nữ lớn tuổi lấy chiếc giường gấp dưới chân cầu thang, kê gọn gàng trong một góc rồi lặng lẽ chìm vào giấc ngủ.

Ngày mai lại là một ngày mới.

LẠI MỘT SỐ PHẬN KHÔNG MAY

Chuyện cụ Nuôi: 60 năm ở đợ nuôi người dưng và cuối đời sống trong sự đùm bọc của tình nghĩa xóm giềng

Hơn 60 năm, gần như cả cuộc đời, bà Nuôi (88 tuổi) phải chịu cảnh ở đợ không công cho người dưng. Để rồi, cuối đời, không gia đình, không người thân, không chồng con, không tiền bạc, cụ đành lủi thủi một mình trong căn phòng 4m2. May mắn thay, có những người ‘bao đồng’ yêu thương mà đùm bọc.

Tôi bảo: Lúc mẹ cụ chết thì còn có bác sĩ, có chị gái, có cụ lo. Lúc chị gái chết thì còn cụ lo chiếc khăn tang Nhưng đến cụ thì sao? Người chết cuối cùng trong căn phòng nhỏ này lấy ai lo?

Cụ Nuôi vẫn cười, nụ cười chực sẵn trên khuôn mặt nhăn nheo, kéo lớp da mỏng như giấy xô nhau lại, vặn vẹo:

- Thôi cậu ơi, đừng nghĩ xa quá! Tôi già rồi, chuyện còn lại thì đành nhờ cô Cúc, không cổ thì chắc ai đó đi qua thấy cũng giúp. Không nữa thì đến lúc không tỉnh dậy, đã chết rồi thì biết gì nữa mà buồn, mà khổ.

Giữa trưa, nắng vàng giòn. Nắng hé qua liếp cửa gỗ cũ rọi vào căn phòng từng đợt nhỏ. Xung quanh, trừ chiếc tivi đang phát ra tiếng xì xèo nhỏ tỏ, mọi thứ còn lại yên lặng, bỗng chốc quay về những năm tháng đượm đầy ký ức buồn-buồn-và đau khổ.



Chỉ cần tới chung cư Trúc Giang (Q.4, TP.HCM), hỏi dăm người dân về bà cụ độ 90 tuổi, cả đời đi ở đợ không công thì ai ai cũng biết. Cánh cửa phòng nhà cụ Nuôi từ 3 năm nay đã khép kín, lâu lâu chỉ còn vài người hàng xóm thân thương ghé qua, đặt lại vài ba món bánh cho cụ ăn qua ngày. Ấy vậy, tình làng nghĩa xóm đã giúp bà cụ nghèo sống những ngày cuối đời.

Ngồi trên chiếc ghế xếp, cụ Nuôi thuề thào kể lại chuyện đời bằng lớp ký ức mờ nhạt. Năm đó, cụ sinh ra trong một gia đình nghèo. Người mẹ đẻ rớt đứa con ở làng nào thì lấy tên làng đó đặt cho con. Chị cả ở Hà Đông, tên Nguyễn Thị Đông (1928), cụ đẻ ở làng Đơ thì tên Nguyễn Thị Đơ (1931).

Vì cái ăn cái mặc năm đó thiếu thốn lắm, chưa đặng 12 tuổi, người mẹ đành dắt tay chị Đông đi buôn trái cây dạo, còn Đơ thì bán cho một nhà tri thức thân quen. Từ đó, cô bé nhỏ đang ở tuổi trong veo như nước đã bước vào nhà người ta, làm chị cả nuôi 4 đứa em thơ.

“Họ bảo đặt lại tên cụ là Nuôi là để dễ nuôi ăn. Từ đó quen tên, người ta quên dần cái tên Đơ nên vẫn gọi là Nuôi đến giờ thôi…” - cụ nhớ lại.



88 năm cuộc đời, bà Nuôi dần quen với nỗi cô đơn.

Cô bé 12 tuổi, sáng nào 6h cũng thức dậy với bó củi trên vai, rồi gánh nước, nấu cơm, giữ em, giặt đồ,… và những buổi trưa b vội vàng bới tô cơm riêng, ngồi ở xó bếp. “Đi làm lâu mà đâu có tiền đâu, chỉ đủ 3 bữa ăn. Mà lúc đó mình còn nhỏ cũng hổng biết gì để nghĩ ngợi. Buồn lắm là mỗi lần ngước nhìn thấy gia đình họ yêu thương âu yếm nhau, mình thì hổng cha hổng mẹ. Nhưng thôi, cái số nó vậy”.

Thế rồi, thời cuộc, chiến tranh và định mệnh lại lần nữa đập tan ước mơ đoàn tụ của cô bé nhỏ. Năm đó, giặc tràn vào Hà Nội, người mẹ cùng chị cả bỏ lên Lạng Sơn để trốn, rồi biệt tích. Riêng cụ Đơ thì theo gia đình nhà tri thức lên rừng lánh đạn. Đến năm 1954, hoà bình lặp lại thì họ chuyển hẳn vào miền Nam sinh sống, cụ Nuôi cũng theo đó mà mất dấu gia đình.

“Qua hoà bình thì nhà ai cũng nghèo cả. Ổng bả mới bảo: đi kiếm chỗ nào có ăn thì đi đi. Thế là mình lại đi ở tiếp, hết nhà này nhà khác. Tối về mới trở lại căn nhà của ông bà chủ để nằm ngủ…”



Năm tuổi 16, có chàng trai vì thương cái tánh hiền lành, chịu thương chịu khó của Nuôi nên tới nhà dặm hỏi. Lần đó, chàng hẹn nàng đi uống nước, làm quen. Thế rồi vì thẹn mình con gái xấu xí, lại ám ảnh cái nghèo, cái đói của ngày tháng ngồi xó bếp mà cụ từ chối. “Phận mình nghèo còn xấu xí, lấy người ta rồi có lo đủ ăn không hay lại rước khổ cho người ta. Thôi cụ từ chối: “Em còn nhỏ nên anh đi tìm người khác!”. Sống một mình mãi cũng quen với cô đơn!”

Tuổi xuân cứ thế lặng lẽ trôi qua, chẳng còn mối lương duyên nào leo đậu lại cô gái ngày ấy. Niềm vui mỗi ngày của Nuôi chỉ là được chăm sóc 4 đứa em nhỏ cho nhà người. Cụ tự hào: “Ổng chủ nhà tôi giỏi lắm, đỗ cả tiến sĩ. Ổng vừa đi làm, lại vừa dạy học cho nhiều người lớn nữa nên tui nể phục. Dù có xích mích, thấy buồn tuổi lắm nhưng ông chủ ổng người học cao hiểu rộng, biết chuyện nên không giận được. Đi ở chỗ khác rồi cũng về nhà ông thôi…”



Mấy chục năm cách biệt kẻ Bắc người Nam, thế rồi gia đình cụ Nuôi cũng có cơ hội đoàn tụ. Sau này, mẹ và chị gái cụ Nuôi theo dòng người tha hương cũng vào Sài Gòn lập nghiệp. Nghe tin, cụ Nuôi tay bắt mặt mừng gặp lại.

Thế mà, chẳng bao lâu thì người mẹ đột ngột qua đời. Chị Đông vẫn ngày ngày đi bán chuối kiếm sống, còn cụ Nuôi thì tiếp tục phận ở đợ dù tuổi đã già, sức yếu.

Cụ kể: Hồi chị Đông chạy giặc lên Lạng Sơn, đi bán buôn rồi gặp được một người đàn ông lấy làm chồng. Hai người có với nhau cậu con trai. Những tưởng hạnh phúc viên mãn, vậy mà, một đêm nó cảm lạnh rồi chết yểu. Người ta đồn đại Đông là đàn bà sát phu sát phụ, phá hoại gia đình, nên người chồng một mực đuổi đi .



Những tấm ảnh cũ kỹ còn được bà cất giữ cẩn thận.

Đến cuối đời, vì nhớ thương đứa con trai chết yểu đó mà bà Đông hoá điên. Bà cứ lẩm nhẫm chuyện cũ, rồi lê lếch đi khắp nơi, người ta quen mặt mới ẵm về nhà giao trả. “Ông tổ trưởng tổ dân phố khuyên là không nuôi được thì cho hai chị em vào viện dưỡng lão. Lúc đó, bà mới thôi, lui về nuôi chị tiếp vậy!”

Tưởng chừng ở tuổi 80, người ta đã có con có cháu phụng dưỡng, săn sóc, sum vầy,… vậy mà cụ Nuôi vẫn ngày ngày còng lưng chăm người chị già yếu hơn. Cụ Đông nằm một chỗ thì cụ Nuôi lại đút ăn, thay tã, tắm rửa… Rồi đêm đêm, chị ngủ trên, em lót chiếu nằm dưới đất.

Ba năm trước, người chị cuối cùng cũng bay về trời, bỏ cụ Nuôi lại một mình giữa cỏi đời. Căn phòng giờ đây càng trống trải mênh mông. “Lắm lúc nghĩ người ta có nhà, có con cháu,… mình sống một mình buồn tủi. Nhưng giờ sắp chết tới nơi rồi, thôi không nên nghĩ nữa, còn được lúc nào hay lúc ấy!” - cụ nhỏ thẻ.



Giờ đây, cụ Đơ thôi lui ra ngoài, cụ tự nhốt mình trong căn phòng. Chẳng ước mơ, chẳng hy vọng hay đủ sức để than trách cái phận đời mệnh bạc của mình nữa.

May mắn thay, mấy năm nay, thấy cụ lủi thủi một mình, có người phụ nữ ‘bao đồng’ tên Cúc (69 tuổi) thương tình mà ra tay giúp đỡ. Phận đời cô Cúc thì cũng chẳng mấy hơn. 20 năm trước, ông xã đột ngột qua đời, từ đó cô phải đầu tắp mặt tối đi ở đợ để chắt chiu tiền nuôi 4 đứa con ăn học.

Giờ đây, khi tất cả các con đã yên bề gia thất, cô đành trở về sống một mình trong căn phòng rộng ở chung cư Trúc Giang. Cứ thế, tuổi già mà cô đơn. “Mình đi qua thấy hai chị em, cụ nhỏ thì đã 86, cụ lớn 89 mà cứ dìu dắt nhau sống. Nghĩ mình còn có con cháu, họ không thì làm sao cầm lòng được. Cứ thế, cô phụ giúp thôi.”



Thế rồi từ khi cụ Đông ra đi, cô nhận luôn trách nhiệm nuôi cụ Nuôi. Mỗi sáng, cô Cúc lại thức dậy sớm, nấu xíu đồ ăn mang cho cụ, rồi tất tả đi chợ mua đồ cho buổi cơm trưa. Chiều về, dọn nhà người ta xong, cô lại trở về nhà, hai người bạn già ngồi bên chiếc tivi nhỏ, người lớn kể chuyện người nhỏ rồi cả hai cùng cười rỉ rã cho hết tháng ngày cô đơn.

“Được cái cụ không bệnh tật gì nhiều nên cô cũng đỡ nhọc. Cứ đi đâu về, cô đều mua hai phần đồ ăn. Mình ăn gì thì cụ ăn nấy, uống gì thi cụ uống nấy” - cô Cúc cười.



Hai người bạn cùng đùm bọc nhau những năm tháng cuối đời.

Giờ đây, căn chung cư Trúc Giang đã xuống cấp, chủ đầu tư cũng sớm di dời hộ dân sang nơi ở mới để sang sửa lại. Nhiều hộ dân đã lo toan cho những chuyến đi của mình, riêng hai người đàn bà ‘cô đơn’ thì vẫn loay hoay.

Cô Cúc bảo: “Cô tính là chuyển đi đâu thì sẽ dắt bà theo tới đó. Nếu cái duyên cho cô gặp được cụ thì thôi cô nhận, chăm sóc đến lúc mất…”. Nghe xong, cụ Nuôi kèm nhèm nước mắt: “Cô Cúc đi đâu thì tôi theo đấy, ăn gì sống sao cũng được cả”.

Rồi cả hai nhìn nhau, ánh mắt đầy những hy vọng lấp lánh.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?