NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỨNG TIM BẤM NHẦM NÚT KHI ĐI TIÊM KÍCH RAFALE
Trải nghiệm tiêm kích hàng đầu của Pháp, vị khách quá sợ hãi bấm nhầm nút... nhảy dù
Người đàn ông được tặng món quà bất ngờ là chuyến bay trải nghiệm trên tiêm kích Rafale B tại Pháp đã sợ đến mức bấm phải nút phóng ghế thoát hiểm khi tìm chỗ bám.
Nhật Bản có gần 950 lần điều tiêm kích đánh chặn máy bay Nga, Trung Quốc / Lockheed Martin thông báo huấn luyện phi công cho tiêm kích F-35 thứ 1.000
Theo CNN ngày 13/4, một người đàn ông 64 tuổi tại Pháp được trải nghiệm trên tiêm kích Rafale B loại 2 chỗ ngồi đã sợ đến mức bấm nhầm nút kích hoạt ghế phóng thoát hiểm khiến ông bị bắn khỏi máy bay.
Hành khách ẩn danh này được các nhân viên cùng công ty tặng chuyến bay làm món quà khi về hưu, nhưng dường như họ không hiểu rõ về sở thích của ông.
Họ đưa ông đến căn cứ không quân Saint-Dizier rồi mới tiết lộ về món quà nhằm gây bất ngờ.
Ông vẫn nhận món quà nhưng vô cùng căng thẳng vì chưa bao giờ muốn bay thử trên tiêm kích cũng như chưa từng bay máy bay quân sự nào.
Khi máy bay cất cánh và đang ở độ cao 760 m, phi công bắt đầu lấy thêm độ cao bất ngờ khiến vị hành khách này hốt hoảng và bám lấy những gì vớ được trong tầm tay.
Không may, ông nắm phải nút kích hoạt ghế phóng nên bị bắn ra bên ngoài với chiếc dù bung tự động.
Đáng sợ hơn, chiếc mũ bảo hiểm sau đó bay mất do ông cài không đúng cách.
Tuy nhiên, hành khách bất đắc dĩ này chỉ bị xây xát nhẹ khi đáp một cách không suôn sẻ xuống cánh đồng gần biên giới Đức, trước khi được đưa đến một bệnh viện gần đó.
Phi công đáp chiếc tiêm kích an toàn dù bị thương nhẹ ở mặt trong sự cố. Kính buồng lái chỗ phi công và vị khách đều vỡ tan.
Trước đó, theo đồng hồ đa năng của hành khách này, nhịp tim của ông cao đến 136-142 lần/phút trước khi bay.
Cơ quan điều tra kết luận rằng sự cố do vô tình xuất phát từ căng thẳng và động tác di chuyển đột ngột của chiếc tiêm kích.
Theo ước tính, không quân Pháp sẽ phải tốn hàng chục ngàn USD để khắc phục chiếc tiêm kích bị hư hại kính buồng lái và lắp ghế ngồi mới.
Rafale là loại tiêm kích đa năng nằm trong tốp đầu thế giới hiện nay.
Khả năng cơ động tốt, kho vũ khí đa dạng cùng hệ thống điện tử tối tân, chiến đấu cơ Rafale là nét tinh túy của không quân Pháp.
Chúng được trang bị nhiều loại vũ khí với tổng trọng lượng lên tới 9.500 kg. Nhiều hơn 1,5 tấn so với các tiêm kích hạng nặng của Nga.
Những chiếc Rafale đầu tiên đã phục vụ trong Không quân Pháp từ đầu những năm 2000.
Với thiết kế cánh tam giác độc đáo giúp đem lại khả năng linh hoạt cao cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, đưa nó trở thành một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới.
Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy thô 50 kN/chiếc, 70 kN có đốt sau. Động cơ sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số
Tốc độ tối đa 1.912 km/h ở cao độ lớn, 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển.
Rafale được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Buồng lái kiểu "nhà kính" hiện đại với các màn hình LCD khổ lớn cung cấp thông tin chi tiết về vũ khí, nhiên liệu và môi trường xung quanh máy bay.
Một trong những điểm độc đáo tạo nên sức mạnh cho Rafale là hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp có tên SPECTRA. Hệ thống này được trang bị các cảm biến bố trí xung quanh máy bay, cung cấp khả năng phát hiện, nhận dạng và xác định mối đe dọa.
Hệ thống này giúp phi công nhận thức được tình huống và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp nhất, tăng khả năng sống sót cho máy bay trong chiến đấu.
Rafale có tới 14 điểm treo vũ khí dưới cánh với phiên bản B/C, 13 với phiên bản M của hải quân. Điểm treo này cũng nhiều hơn so với mức 12 trên các dòng tiêm kích hạng nặng Su-27/30/57 của Nga.
Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ.
Rafale tham chiến lần đầu trong chiến dịch Bình minh Odyssey, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya vào tháng 3/2011.
Hiện nay những chiếc máy bay này thỉnh thoảng vẫn tham chiến tại Syria và nhận được những đánh giá tích cực.
Với thiết kế cánh tam giác, cộng cánh mũi nên Rafale có độ cơ động rất đáng nể.
Trong tập trận với F-35, Rafale là một trong số ít những tiêm kích thế hệ thứ 4 giành chiến thắng trong một số tình huống đối đầu.
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô
Nhận xét
Đăng nhận xét