BỐN PHƯƠNG ÁN TẤN CÔNG IRAN CỦA ISRAEL. GIỜ PHÚT NGHẸT THỞ SẮP ĐẾN?
Bốn phương án tấn công Iran của Israel: Không có Mỹ nhưng vẫn phải cần tới Nga!
Nếu muốn phá hủy các địa điểm hạt nhân ở Iran, Israel sẽ phải dựa vào sức mạnh không quân của mình là chính. Mỹ có thể không tham gia nhưng Israel vẫn cần tới sự trợ giúp của Nga.
Thời gian gần đây, một loạt các quan chức cấp cao Israel đã phát đi những thông điệp cho thấy nước này đang ráo riết chuẩn bị các phương án tác chiến cho kịch bản tấn công Iran, ngay cả khi không cần tới sự hỗ trợ của Mỹ.
Theo chuyên gia Benjamin Weil, Giám đốc Dự án An ninh Quốc gia Israel thuộc Quỹ Sự thực Trung Đông (EMET) có trụ sở ở Washington, D.C (Mỹ) thì Israel chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dựa vào một quốc gia khác để bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của mình.
Ông Benjamin Weil cho rằng, nếu Israel muốn phá hủy các địa điểm hạt nhân của Iran, họ sẽ huy động chính lực lượng không quân của mình bằng cách triển khai các máy bay chiến đấu mang bom boongke, có thể là bom dẫn đường laser GBU-28 mà Tel Aviv đã mua cách đây một thập kỷ.
Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: Planet Labs Inc.
Mối quan tâm hàng đầu của Không quân Israel (IAF) là khoảng cách xa giữa Israel và Iran; nguy cơ bị tấn công bởi các hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa cũng như tầm ngắn; và radar của đối phương phát hiện ra máy bay Israel trước khi IAF xâm nhập vào không phận Iran.
Như vậy, để chống lại các radar và hệ thống phòng thủ tầm xa, IAF sẽ phải bay ở độ cao thấp, lợi dụng địa hình địa vật để tránh các radar của đối phương. Tuy nhiên, kế hoạch này khá tốn kém. Bay thấp đồng nghĩa với việc tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn, một điều xa xỉ đối với các phi công Israel.
Hơn nữa, vì IAF cần phải bay trực tiếp qua khu vực hạt nhân của Iran để thả bom nên bay thấp sẽ khiến các phi công gặp nguy hiểm trước các hệ thống phòng thủ tầm ngắn xung quanh địa điểm định tấn công. Israel có thể cũng sẽ phải cần tới hoạt động tiếp nhiên liệu trên không.
Phương án 1: Bay qua Jordan và Iraq
Cung đường ngắn khả thi nhất là bay qua Jordan và Iraq đến Iran. Israel và Jordan từng hợp tác chặt chẽ với nhau vì nhiều lợi ích quốc phòng và Israel cũng đã chứng minh được khả năng không quân của mình trên bầu trời Iraq trong nhiều cuộc tấn công do IAF thực hiện.
Thế nhưng, đường bay này sẽ yêu cầu IAF phải di chuyển tương đối gần thủ đô của Syria và Iraq. Khi đó, các máy bay Israel có nguy cơ bị phòng không những nước này tấn công hoặc tệ hơn là bị radar phát hiện và cảnh báo cho Iran. Tuyến đường này cũng sẽ yêu cầu tiếp nhiên liệu ở đâu đó phía trên bầu trời phía Đông Jordan hoặc phía Tây Iraq.
F35 và F-16I của Không quân Israel Ảnh: TOI
Phương án 2: Bay qua Địa Trung Hải, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq
Để tránh phải bay qua các thủ đô này, Israel có thể chọn đường bay phía Bắc, qua Địa Trung Hải, dọc theo biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, qua Iraq và tới Iran. Thế nhưng, ngoài việc tuyến đường này dài hơn và làm phức tạp hơn nữa quá trình tiếp nhiên liệu, nó đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ với Quân đội Nga.
Trong khi đó, cộng đồng tình báo và Quân đội Israel lại rất ngần ngại chia sẻ các kế hoạch quân sự nhạy cảm như vậy với người Nga. Mặc dù vậy, tuyến đường này có lợi thế là dễ dàng vượt qua radar và hệ thống phòng thủ của đối phương hơn vì là địa hình đồi núi và ít bị kiểm soát.
Một máy bay chiến đấu F-35 tại Căn cứ Không quân Nevatim ở miền nam Israel. Ảnh: IAF
Phương án 3: Bay qua Ả Rập Xê Út
Tất nhiên, còn có tuyến đường phía Nam. Lúc này, phi công Israel sẽ bay qua Ả Rập Xê Út và từ đó đi qua Vịnh Ba Tư hoặc Iraq để đến Iran.
Lộ trình này có vẻ khả thi vì cả Ả Rập Xê Út và Israel, mặc dù không phải là đồng minh, đều coi chương trình hạt nhân của Iran là một mối đe dọa chung. Hơn nữa, IAF đã quen thuộc với cung đường này từ cuộc tấn công năm 1981 vào lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq.
Trên bầu trời Ả Rập Xê Út, các phi công Israel sẽ có thể tiếp nhiên liệu và bay tự do. Trở ngại chính cần vượt qua sẽ là việc Ả Rập Xê Út có thể do dự giúp đỡ Israel thực hiện cuộc tấn công này vì sợ bị Iran trả đũa.
Phương án 4: Dùng các nước láng giềng Iran làm bàn đạp
Phương án cuối cùng là lựa chọn triển khai các máy bay phản lực của Israel tới những nước láng giềng của Iran và sử dụng chúng làm căn cứ để thực hiện một cuộc tấn công.
Xuất kích từ một quốc gia láng giềng sẽ tránh phải bay thấp và quan trọng hơn, có thể tránh được quá trình tiếp nhiên liệu. UAE và Bahrain chỉ cách Iran chưa đầy 500 km. Ngoài ra, Israel còn có một đồng minh ở phía bắc Iran là Azerbaijan.
Azerbaijan và Israel từng hợp tác với nhau trong các vấn đề an ninh nhiều năm. Trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh gần đây, Israel đã đứng về phía Azerbaijan, bất chấp sự chỉ trích của quốc tế. Vì vậy, Azerbaijan có thể “trả ơn” Israel vì lòng trung thành này, mặc dù cũng giống như Ả Rập Xê Út, họ có thể không muốn dính líu đến Iran.
Nói đi cũng phải nói lại, dù Israel có thể lựa chọn phương án nào đi chăng nữa, nước này vẫn cần tới sự hợp tác của Mỹ và trong nhiều vấn đề yểm trợ khác, chẳng hạn như tác chiến điện tử, tác chiến mạng hay thông tinh tình báo.
Cuối cùng, một câu hỏi rất lớn cần được giải quyết là làm thế nào để Israel chuẩn bị tốt cho các kế hoạch phòng thủ ngay sau khi tấn công Iran?
Nguồn soha.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét