QUÂN ĐỘI MỸ ĐANG THỬ NGHIỆM BỘ GIÁP IRON MAN GIÚP BINH LÍNH CHIẾN ĐẤU TỐT HƠN
Quân đội Mỹ đang từng bước chế tạo ra bộ đồ Iron Man như thế nào?
Giống với bộ giáp của Iron man, thiết kế của TALOS hướng tới việc sử dụng các màn hình thế hệ mới bên trong bộ đồ, để giúp binh lính nắm bắt được mọi diễn biến xung quanh chiến trường.
Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ luôn là một con số khiến tất cả chúng ta phải sửng sốt. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2019, nước Mỹ đã chi 732 tỷ USD cho hoạt động quốc phòng. Con số gần gấp 3 lần Trung Quốc (với 261 tỷ USD), gấp 10 lần Ấn Độ (với 71 tỷ USD) và 11 lần Nga (với 65 tỷ USD).
Một trong số những hoạt động ngốn rất nhiều ngân sách chi tiêu quốc phòng của quân đội Mỹ chính là việc đầu tư nghiên cứu ra các thiết bị gia tăng sức mạnh cho binh lính, trực tiếp phục vụ 1,3 triệu quân tại ngũ của họ cũng là một trong 3 lượng quân đội đông nhất thế giới.
Năm 2017, Bộ chỉ huy Lực lượng Biệt động Hoa Kỳ đã khởi động một dự án chế tạo ra một bộ điều khiển tấn công chiến thuật hạng nhẹ (TALOS), nhằm giúp binh lính Mỹ tăng cường được khả năng tấn công và phòng thủ.
Trong giới báo chí quốc phòng, bộ đồ này thường được gọi là "Iron man" ngoài đời thực, bởi nó được trang bị rất nhiều tính năng như: chống đạn, vũ khí hóa tự động, báo cáo các chỉ số cơ thể và môi trường, nâng cao nhận thức và sức mạnh của người mặc.
Để nghiên cứu ra một bộ đồ như vậy, quân đội Hoa Kỳ cũng phải hợp tác với rất nhiều đơn vị nghiên cứu khác bao gồm Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), Lực lượng Phát triển Khả năng Chiến đấu (DEVCOM) và nhiều phòng thí nghiệm và công ty quân sự tư nhân khác.
Dưới đây là những trang bị đang được quân đội Mỹ thử nghiệm, cho phép bạn hình dung về một bộ đồ TALOS hay "Iron man" của họ sẽ trông như thế nào:
1. Khung xương trợ lực Onyx
Balo luôn là vật bất ly thân trong những chuyến hành quân của binh lính. Theo tiêu chuẩn của bộ binh Hoa Kỳ, trang bị cơ bản của một người lính yêu cầu họ phải mang trên vai một khối lượng 23 kg. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, một người lính sẽ phải mang theo tới 64 kg trên lưng bao gồm các thiết bị nặng như quần áo giáp, kính nhìn đêm và hệ thống liên lạc.
Hiểu được điều này, quân đội Hoa Kỳ đã đặt hàng Lockheed Martin, một công ty quốc phòng lớn ở Mỹ để thiết kế ra các khung xương trợ lực cho phần thân dưới của binh lính, giúp họ khỏe hơn để có thể mang được một khối lượng nặng hơn.
Với bản hợp đồng trị giá gần 700.000 USD, Lockheed Marin đã phát triển thành công bộ khung xương mà họ gọi là ONYX. "Đây là một bộ khung kết hợp công nghệ người/máy tiên tiến, có thể giúp binh lính cải thiện hiệu suất, giảm chấn thương và mệt mỏi trong các nhiệm vụ đòi hỏi thể chất", giám đốc chương trình ONYX tại Lockheed Marin cho biết.
2. Người vận chuyển hàng hóa đa năng
Một thiết kế khác của Lockheed Martin được gọi là Người vận chuyển hàng hóa đa năng (HULC). Nó cho phép một binh lính có thể mang theo vật nặng tới 90 kg mà không gây căng thẳng cho người mặc. Binh lính có thể di chuyển với tốc độ tối đa 11km/h trong thời gian dài và tốc độ chạy nước rút lên tới 16km/h.
Điều đặc biệt hơn nữa là bộ đồ HULC có thể được tháo rời và đóng gói trong chưa đầy 30 giây. Nó cũng có các phụ kiện như áo giáp, hệ thống sưởi và làm mát cùng các cảm biến.
3. Khung xương hạng nhẹ Wyss hợp tác với DARPA
Wyss Exosuit, được phát triển bởi Viện Wyss trong chương trình Warrior Web của DARPA. Nó là một loại khung xương đa khớp hạng nhẹ nhắm đến việc tăng cường sức mạnh cho eo, hông, đùi và bắp chân binh lính.
Không giống như các thiết kế khung xương hạng nặng, Wyss Exosuit cho phép người mặc có thể hoạt động rất nhanh nhẹn và linh hoạt. Nó cũng có các cơ chế trợ lực dựa trên từng dáng đi cơ thể của binh sĩ.
4. Khung xương hạng nặng XOS2
Nếu như Wyss Exosuit là một bộ đồ hạng nhẹ thì XOS2 được phát triển bởi Raytheon/Sarcos lại là một bộ đồ siêu nặng. Nó sử dụng tới cả những hệ thống thủy lực áp suất cao, cho phép binh lính nâng một khối lượng với tỷ lệ 17: 1 cơ thể.
Người mặc bộ đồ XOS2 được cung cấp sức mạnh để nâng vật nặng tới hơn 90kg trong thời gian dài. Nó có thể cung cấp cho binh lính một sức công phá xuyên qua gỗ dày 7,6 cm. Mặc dù vậy, vận động với XOS2 không hẳn quá nặng nề. Các binh lính thử nghiệm nó vẫn có thể đi bộ, chạy, leo cầu thang và thậm chí đá bóng.
5. Khớp chân Exo-boot của Dephy
Mặc dù chỉ là một công ty khởi nghiệp, nhưng Dephy cũng đã tham gia vào hoạt động chế tạo bộ giáp cho quân đội Hoa Kỳ, với một sản phẩm nhỏ của mình. Exo-boot được thiết kế không nhắm tới việc hỗ trợ toàn thân mà chỉ cung cấp trợ lực cục bộ cho bàn chân và mắt cá chân binh sĩ.
Khớp trợ lực chân của Dephy được tích hợp nhiều kiến trúc điện tử linh hoạt, giúp kiểm soát chuyển động, thu thập dữ liệu và cung cấp cơ sở hạ tầng mạng cho các khung xương ngoài đa trục và đa khớp khác.
6. Khung xương thoát lực OX
Hãy tưởng tượng cảnh người lính này nhảy xuống đất, chân của anh ấy sẽ phải chịu một chấn động bằng với trọng lượng cơ thể rơi xuống với gia tốc trọng trường g. Để có thể làm giảm phản lực này, các kỹ sư đã sáng chế ra một thiết bị thoát lực được gọi là OX để truyền thẳng chấn động xuống đất.
Nó sử dụng hai dây cáp Bowden, thường được dùng để điều khiển bướm ga cho máy bay hạng nhẹ. Với trọng lượng chỉ 3kg, OX nhẹ hơn nhiều so với HULC hay XOS2. Tuy nhiên, nhờ sự phục vụ của cáp Bowden, nó vẫn sẽ cung cấp một số tính năng chống chấn động hiệu quả, giúp bảo vệ bàn chân cho binh lính.
7. Hệ thống khóa ngắm tự động ACE
Aim Control Enhancer (ACE), hay hệ thống cải thiện kiểm soát điểm ngắm là một dự án nhỏ trong kế hoạch phát triển bộ đồ TALOS của Bộ chỉ huy Lực lượng Biệt động Hoa Kỳ. Nó nhằm trang bị cho binh lính Mỹ một thiết bị hỗ trợ ngắm bán tự động, hay giảm sai lệch điểm ngắm khi tay họ chuyển động.
ACE có kích thước rất nhỏ gọn, chỉ tương đương với ống ngắm laser và nó cũng có thể được gắn vào ray ốp của bất cứ loại súng trường tiêu chuẩn nào. Về cách sử dụng, binh lính sẽ cầm vào ACE thay vì ốp súng. Sau khi khóa mục tiêu và bật ACE, hệ thống này sẽ hoạt động như một gimbal chống rung, cho phép binh lính giữ nguyên hướng nòng súng cho dù tay anh ta có chuyển động hay bị rung lắc.
8. Áo chống đạn toàn thân và mắt kính tăng cường thị giác
Một trong những yêu cầu tối quan trọng mà Bộ chỉ huy Lực lượng Biệt động Hoa Kỳ đặt ra cho bộ đồ TALOS là nó phải tăng cường được khả năng sống sót cho binh lính. Vì vậy, một giáp chống đạn toàn thân, từ đầu tới chân như thế này là một điều cần thiết.
Binh lính mặc TALOS thậm chí không hở mắt ra ngoài, bởi họ đã được trang bị nhiều mắt kính tăng cường thị giác và cảm biến cho phép cải thiện nhận thức về môi trường xung quanh. Giống với bộ giáp của Iron man, thiết kế của TALOS hướng tới việc sử dụng các màn hình thế hệ mới bên trong bộ đồ để giúp binh lính nắm bắt được mọi diễn biến xung quanh chiến trường.
Tham khảo Futurism
Nhận xét
Đăng nhận xét