CÙNG ĐOÀN KẾT CHỐNG DỊCH KHÔNG NÊN GÂY HIỂU LẦM NHAU
300 sinh viên Hải Dương vào chi viện cho TP.HCM, hành động tưởng chừng đẹp đẽ lại bị dội 'gáo nước lạnh'
Trên mạng xã hội, câu chuyện về hơn 300 sinh viên Hải Dương vào TP.HCM bỗng chốc gây nên làn sóng tranh cãi trái chiều. Từ một việc lẽ ra để thắt chặt tình cảm thì lại gây tranh cãi, trách móc, mỉa mai, quả thực rất đáng tiếc.
Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM đang điễn biến vô cùng phức tạp. Sáng ngày 1/7 vừa qua, hơn 300 cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã xung phong vào 'tâm dịch' hỗ trợ.
Toàn bộ ê kip đều đều có mặt từ sớm, mặc áo blouse trắng, xếp hàng ngay ngắn để hoàn tất thủ tục bay từ Nội Bài đến TP.HCM.
Hành động đẹp tưởng chừng chẳng có gì để bàn tán thì mới đây, câu chuyện này ngày càng phức tạp khi xảy ra nhiều tranh cãi.
"Giúp thì ít mà phá đám thì nhiều"
Trên mạng xã hội, câu chuyện về hơn 300 sinh viên Hải Dương vào TP.HCM bỗng chốc gây nên làn sóng tranh cãi trái chiều. Có ý kiến cho rằng, đội ngũ chi viện này "giúp thì ít mà phá đám thì nhiều". Bởi lẽ, đội ngũ y tế tại TP.HCM thời gian qua vẫn đang làm rất tốt công việc của mình, việc 300 nhân lực từ Hải Dương vào TP.HCM khiến mọi việc trở nên rối rắm hơn.
Chưa kể, đội hỗ trợ cho TP.HCM, chủ yếu là sinh viên vốn không có nhiều kinh nghiệm, ý thức làm việc chưa cao, đến điểm lấy mẫu trễ nải... điều này khiến đội y tế TP.HCM mất thời gian trong việc hướng dẫn, điều chỉnh.
Kể cả việc các bạn đi - đứng - ăn - ở cũng khiến nhiều người khó chịu, cho rằng các sinh viên Hải Dương có quá nhiều đòi hỏi, thậm chí có bạn tỏ thái độ chảnh chọe. Hay việc ăn mặc của các sinh viên khi trên đường vào TP.HCM cũng bị bắt bẻ. Theo đó, có một vị đạo diễn nọ đã đăng tải dòng status tỏ ý thắc mắc: “Tại sao mặc áo blouse trắng đi ra khỏi Bệnh viện rồi còn đi ra sân bay vậy nhỉ? Có ai hiểu quy tắc của việc mặc áo blouse trắng không nhỉ?".
Dù không phủ nhận sự góp sức của bất kỳ ai nhưng ở thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, muốn giúp đỡ thì nên chọn người phù hợp và cũng cần tập huấn kỹ năng công việc, thái độ làm việc để sự giúp đỡ ấy thật sự có hiệu quả.
Thời điểm này, sự trợ giúp nào cũng đáng quý...
Theo quan điểm của nhà văn Hà Thanh Phúc, suốt thời gian qua, với khả năng y tế của TP.HCM, với sức trẻ của các sinh viên ngành Y thuộc Đại học Y Dược, Phạm Ngọc Thạch… họ vẫn đang làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, nếu có thêm sự trợ giúp từ địa phương nào vào lúc này cũng đáng quý.
Về việc cho các sinh viên Hải Dương ở khách sạn 5 sao khi đến TP.HCM thực hiện công tác hỗ trợ, điều này hết sức bình thường, bởi dù sao những khách sạn ấy cũng đang bỏ trống, hơn nữa việc tiếp đãi khách tử tế, hiếu khách vốn là bản tính người Miền Nam.
"Hay việc một số em sinh viên chê đồ bảo hộ, chê không có khẩu trang N95 hay que chọt chuẩn thì mình nghĩ là các em tuổi đời còn trẻ, cũng muốn bảo vệ sự an toàn cho bản thân và số em lên tiếng chỉ là vài em, không đại diện cho cả đoàn. Nên mình hy vọng rằng đây chỉ là vấn đề nhỏ.
Nhưng điều này, theo mình là hơi thiếu tế nhị vì các y bác sĩ TP.HCM vẫn đang dùng nó suốt thời gian qua. Sự giáo dục lại là cần thiết (nếu điều này là có thật) vì hơn ai hết các em chính là những bác sĩ tương lai, mà y đức thì cần đặt lên hàng đầu. Mình vẫn tin chỉ vài em - trong số hàng trăm em tham gia có vấn đề. Chúng ta không nên “đánh hội đồng” cả đoàn, tội cho các bạn khác", anh Hà Thanh Phúc nêu quan điểm.
Cũng theo anh Phúc, quan điểm của anh là vẫn nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực, nhẹ nhàng để mùa dịch vốn đã quá mệt mỏi trở nên dễ thở và vui vẻ hơn. Bản thân anh chọn không ném đá các em sinh viên Hải Dương vì các bạn còn quá trẻ, nhưng giá mà các em được đả thông tư tưởng kĩ về công việc mình đang làm không chỉ là đi hỗ trợ, mà giống như công việc “ngoại giao”.
Cũng giống như chuyện Việt Nam hỗ trợ Campuchia vì không chỉ là hỗ trợ, mà là ngoại giao. Không có Việt Nam thì họ vẫn chống dịch được thôi, họ vẫn tự lo tốt, nhưng có Việt Nam thì thêm vui, thêm sức mạnh. Ở đây cũng thế! không có các em Hải Dương thì Sài Gòn vẫn ổn, nhưng nếu có, bằng lòng thật tâm, đúng cách, nhiệt thành, sẽ rất ấm lòng miền Nam.
Từng lời ăn tiếng nói ở thời điểm này đều nhạy cảm, nhất là Sài Gòn - trọng tâm kinh tế của cả nước đang thất thủ và cần nhiều hơn vaccine cho người dân; cần sự chia sẻ từ đáy lòng chân thật chứ không phải một chiến dịch đẹp hình ảnh. Sài Gòn cần bình thường lại sớm, kinh tế Sài Gòn phục hồi thì kinh tế cả nước mới ổn theo.
Đừng bỏ mặc 300 sinh viên "trẻ người non dạ" ấy
Hành động nhanh chóng chi viện giúp đỡ TP.HCM của 300 sinh viên Hải Dương vốn xuất phát từ tinh thần và mục đích hết sức tốt đẹp. Từ một việc lẽ ra để thắt chặt tình cảm thì lại gây tranh cãi, trách móc, mỉa mai, quả thực rất đáng tiếc.
Phải chăng tinh thần thiện nguyện của các bạn trẻ đang nhận phải "gáo nước lạnh"? Trong khi đó, những thông tin nói trên đang lan truyền liệu có phải là toàn bộ sự thật? Những người tổ chức, những người đứng đầu đã làm gì để bảo vệ 300 sinh viên kia?
Trước câu chuyện này, nhà báo Hà Phan nêu quan điểm, lẽ ra khi hiểu lầm đã có, nặng nhẹ qua lại đã nhiều điều không hay và cả những lời lẽ "đổ dầu vào lửa" hay thậm chí dè bỉu thì người tổ chức không nên "bỏ mặc" cho 300 sinh viên trẻ người non dạ kia "chịu trận" và có em đã bật lại bằng những ngôn từ đầy nhạy cảm, đẩy sự việc đi xa hơn.
Những im lặng hôm qua đến giờ dễ làm "hố sâu ngăn cách" lớn thêm, lòng tốt, hào sảng vốn có của Sài Gòn đang bị tổn thương và tinh thần thiện nguyện của các bạn trẻ nhận nhiều "gáo nước lạnh".
"Tôi chỉ xin chép lại cảm nhận của một bạn chứng kiến việc này "Hôm qua cả buổi chiều theo các em lên xe buýt, chuyển xuống xe thùng rồi vào điểm lấy mẫu, chị thấy các em đã làm việc như một người chiến sĩ vào trận. Gọi tập hợp lúc nào là tập hợp lúc đó. Phân công đến đâu các em đi đến đấy.
Chỉ huy nói trang bị bảo hộ không đảm bảo an toàn, không được làm thì các em cũng phải đợi lệnh. Thế nhưng rồi nó lại thành ra các em chảnh chọe, đòi hỏi. Nếu có lỗi gì thì là lỗi ở người chỉ huy đã yêu cầu bảo hộ cho các em quá cao. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh họ trang bị bảo hộ cấp 4. Vào Sài Gòn có thay đổi nên buổi đầu tiên chưa có thống nhất giữa chỉ huy và đơn vị tại Sài Gòn. Cuối cùng thì người buồn nhất chắc là các em.
Đi theo một nhóm 4 bạn nữ, thấy các bạn lúng túng. Không biết theo lệnh chỉ huy đi về hay ở lại làm tiếp khi thấy người dân đã xếp hàng chờ sẵn rồi. Mà chỉ huy kêu không làm mà làm, chắc sẽ không có lần sau tham gia đội hình nữa. Nhưng đâu ai hiểu. Họ chỉ biết mấy đứa sinh viên Hải Dương đòi hỏi, chảnh chọe..."
Và một cảm nhận khác "Hôm nay, một phần trong số 300 bạn TNV ấy đã dành cả ngày từ sáng đến 8-9h tối để hỗ trợ các y bác sĩ thuộc phường 22 , Bình Thạnh và các Bác sĩ, Học viên cao học, Sinh viên Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Số còn lại hỗ trợ ở những địa bàn khác. Và các bạn sẽ còn ở SG dài ngày nữa.
Họ còn rất trẻ, như tất cả bao nhiêu người trẻ khác, nhiệt huyết cống hiến luôn hừng hực trong lòng! Sài Gòn ơi, Hãy bao dung như đã từng!".
Cũng theo nhà báo Hà Phan, nếu có sự trách móc nào, có lẽ là trách báo chí, truyền thông của BTC chưa tế nhị, vô tình làm phản tác dụng truyền thông, và làm tổn thương những tấm lòng tình nguyện lâu nay chống dịch của Sài Gòn"
Người Sài Gòn vốn bao dung, hào sảng và tốt bụng. Nhưng khi bị tổn thương và đụng đến những chuyện nhạy cảm, thứ mà không phải ai cũng hiểu hay rành mạch nếu không thấm đẫm hồn Sài Gòn thì phản ứng hay bực tức rất khó tránh khỏi.
Thông cảm cho các bạn trẻ rất cần, đồng tâm hiệp lực rất nên nhưng những vị tổ chức, đứng mũi chịu sào chuyện này không nên im lặng và dù gì cũng phải lên tiếng để chuyện có thể hóa giải, hòa hợp để cùng nhau hướng đến mục đích cao hơn là dập dịch được hanh thông.
Còn chúng ta những người Sài Gòn, nếu có thể với bản tính thẳng thắn nhưng không để bụng, hào hiệp và dễ cho qua khi ai đó biết cái sai có lẽ cũng chẳng phải là chuyện không thể thông cảm cho nhau!
Nguồn saostar.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét