HAI BÀI VIẾT HAY VỀ KIẾN THỨC VACCINE COVID 19
Chờ vaccine "xịn"
Bạn tôi ở Việt Nam mới hỏi rằng anh có nên chờ vaccine Pfizer, tôi trả lời ngay “không nên chờ”.
"Chờ vaccine xịn an toàn hơn không?", anh hỏi. Tôi nói: "Những vaccine như AstraZeneca, Moderna và Pfizer đều rất an toàn".
Anh sau đó dường như vẫn lăn tăn. Anh có thể chưa hoàn toàn an tâm, như tâm lý tôi đang thấy ở một số người.
Một số bạn bè, người quen ở Việt Nam cho tôi biết, có những người trong cộng đồng đang nói với nhau rằng vaccine Pfizer và Moderna đắt tiền hơn, có hiệu quả cao hơn AstraZeneca. Nhất là họ cho rằng, AstraZeneca có lẽ ít an toàn, gây nhiều phản ứng không mong muốn. Và vì thế, có người đã hoãn tiêm AstraZeneca mặc dù họ trong nhóm được tiêm.
Tôi muốn thuyết phục các bạn rằng cách so sánh và niềm tin đó sai. Các bạn nên tiêm một trong ba loại vaccine hiện nay khi có cơ hội. Đừng chần chừ hay tìm cách hoãn tiêm, đừng chờ vaccine "xịn". Đơn giản vì không có khái niệm "vaccine xịn" và không thể so sánh hiệu quả giữa các vaccine.
Một bộ phận công chúng nghĩ rằng Pfizer và Moderna hiệu quả cao hơn AstraZeneca. Kết quả nghiên cứu công bố trên các tập san y khoa cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả 95%, Moderna 94%, và AstraZeneca 72%.
Như tôi đã giải thích, khi nói vaccine có hiệu quả 90% thì điều đó không có nghĩa là giảm 90% số ca nhiễm mà là: người được tiêm đầy đủ giảm 90% nguy cơ nhiễm.
Nhưng các bạn có thể dựa vào đó mà nói rằng AstraZeneca hiệu quả thấp nhất, hay không "xịn" bằng vaccine của Mỹ? Câu trả lời dứt khoát là "không". Có rất nhiều lý do không thể so sánh hiệu quả các vaccine như vậy.
Thứ nhất, thiết kế nghiên cứu không cho phép so sánh hiệu quả giữa các vaccine. Hiện nay, hiệu quả của mỗi loại được đánh giá qua các nghiên cứu độc lập với nhau. Ví dụ, Pfizer được đánh giá qua so sánh tỷ lệ nhiễm ở nhóm vaccine và "nhóm chứng" A, còn AstraZeneca thì lại so sánh với "nhóm chứng" B. Hai "nhóm chứng" A và B hoàn toàn độc lập nên không thể so sánh hiệu quả của hai vaccine được.
Để so sánh hiệu quả hai vaccine một cách khoa học, người ta phải làm nghiên cứu "head-to-head", tức so sánh trực tiếp trong cùng một nghiên cứu. Thiết kế này có nghĩa là hai vaccine so sánh với một "nhóm chứng" chung. Nhưng nghiên cứu dạng này chưa và sẽ không bao giờ được thực hiện, vì không hãng nào muốn so sánh vaccine của họ với vaccine của công ty khác mà kết quả có là gì đi nữa cũng có bên không vui.
Thứ hai, đặc điểm của tình nguyện viên trong các nghiên cứu rất khác nhau. Mỗi nghiên cứu có một nhóm tình nguyện viên riêng, hoàn toàn độc lập. Nghiên cứu AstraZeneca thử nghiệm trên tình nguyện viên Brazil, Nam Phi và Anh, còn nghiên cứu Pfizer làm trên người ở Mỹ và Đức. Thử nghiệm AstraZeneca làm trên người từ 18 đến 55 tuổi ở Anh, 18 đến 65 tuổi ở Nam Phi và không thấy đề cập đến tiêu chuẩn loại trừ liên quan bệnh đi kèm. Còn thử nghiệm Pfizer làm trên các nhân viên y tế và cộng đồng nhưng loại trừ người có bệnh nền.
Các nhóm tình nguyện viên rất khác nhau về thành phần kinh tế và hệ thống y tế, đặc điểm sinh học... nên hiệu quả của các thử nghiệm chắc chắn khác nhau. Sự khác biệt có thể chẳng liên quan gì đến vaccine và không thể so sánh trực tiếp được.
Thứ ba, phương pháp phân tích dữ liệu rất khác nhau. Theo các mô hình thống kê áp dụng cho phân tích hiệu quả vaccine giữa các thử nghiệm lâm sàng, có nghiên cứu sử dụng mô hình Binomial, có nghiên cứu sử dụng mô hình Cox, thậm chí mô hình Poisson. Các mô hình này thích hợp cho mỗi tình huống. Nhưng vì các tham số kỹ thuật khác nhau, nên kết quả cũng khác nhau. Ngay trong cùng một trường dữ liệu, hai mô hình phân tích có thể cho ra hai kết quả khác nhau. Vấn đề là nhà nghiên cứu phải đủ am tường để chọn một mô hình thích hợp.
Thứ tư, tỷ lệ nhiễm virus rất khác biệt giữa các quần thể thử nghiệm - yếu tố ảnh hưởng đến sự khác biệt về hiệu quả vaccine. Tỷ lệ này dao động từ 0,9% với Pfizer đến 1,8% với Johnson & Johnson. Tỷ lệ nhiễm khác nhau dẫn đến số ca nhiễm khác nhau giữa các nghiên cứu. Có nghiên cứu ghi nhận 130 ca nhiễm AstraZeneca, nhưng cũng có nghiên cứu ghi nhận hơn 450 ca nhiễm Johnson & Johnson. Số ca nhiễm khác nhau dẫn đến kết quả và độ tin cậy cũng khác nhau.
Về phản ứng phụ, nhiều người đang e ngại phản ứng phụ sau khi tiêm AstraZeneca, nhưng có lẽ họ không biết hay không chú ý rằng vaccine khác như Pfizer và Moderna cũng có phản ứng phụ như vậy.
Vài bạn nghĩ rằng AstraZeneca có nhiều phản ứng phụ hơn Pfizer, nhưng cảm nhận đó không đúng với thực tế. Số liệu từ Australia trên người đã tiêm cho thấy phản ứng phụ của hai vaccine AstraZeneca và Pfizer tương đương nhau. Chẳng hạn, số ca có phản ứng phụ cần đến bác sĩ hay nhập viện sau liều thứ hai của AstraZeneca là 0,7% - tức 7 trên 1.000 người và đối với Pfizer là 1,8% - 18 trên 1.000 người.
Bạn có thể thắc mắc, "0,7% với 1,8% chênh nhau chớ", nhưng trong khoa học, tỷ lệ này là chênh rất thấp, không đáng kể.
Tóm lại, dữ liệu từ nghiên cứu hiện nay không cho phép chúng ta kết luận vaccine nào hiệu quả hơn hay vaccine nào hiệu quả thấp. Những lý do về cách thiết kế nghiên cứu, chọn nhóm tình nguyện viên, phương pháp phân tích và tỷ lệ nhiễm trong quần thể đều ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine.
Tất cả ba vaccine tôi đề cập đều đã qua nghiên cứu cẩn thận, dữ liệu minh bạch và đã công bố, được giới khoa học đánh giá độc lập, chúng ta có thể tin vào chúng. Cả ba vaccine khá an toàn và có tỷ lệ phản ứng phụ tương đương nhau.
Và bạn đừng quên, những con số về hiệu quả vaccine được rút ra từ việc áp dụng trên một quần thể chứ không áp dụng cho một cá nhân. Mỗi người chẳng hưởng nhiều lợi ích từ mũi tiêm vaccine, nhưng qua việc tiêm chủng, mỗi chúng ta đóng góp cho cộng đồng để tạo nên miễn dịch cộng đồng. Đó là ý nghĩa đích thực của chiến dịch tiêm chủng.
Nguyễn Văn Tuấn
Người bạn vừa tiêm liều vaccine AstraZeneca đầu tiên được hẹn bốn tuần sau quay lại tiêm liều hai. Anh hỏi tôi con số bốn tuần từ đâu ra.
Khoảng cách thời gian giữa hai mũi tiêm là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Trước các băn khoăn xung quanh thời gian giữa hai liều vaccine, chúng ta phải dựa vào chứng cứ từ nghiên cứu khoa học hơn là ý kiến cá nhân.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất AstraZeneca, khoảng cách thời gian cho hai mũi tiêm là bốn đến 12 tuần, nhưng họ ghi rõ "chuộng tám tuần trở lên", vì đó là thời gian để vaccine đạt hiệu quả cao nhất.
Ở Australia nơi tôi sống, Bộ Y tế lặp lại khuyến cáo của hãng này, kèm theo tham vấn từ cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia và các chương trình triển khai vaccine quốc tế. Họ khuyến cáo rằng, để đạt được hiệu quả tối đa của vaccine AstraZeneca, hai mũi tiêm phải cách nhau 12 tuần.
Kinh nghiệm tiêm chủng từ các nước khác như Anh, Hàn Quốc, Pháp được công bố đến thời điểm hiện tại cũng cho biết, hai liều vaccine AstraZeneca nên cách nhau 12 tuần trở lên.
Thời gian 12 tuần giữa hai liều cũng nhất quán với kết quả nghiên cứu của nhóm 81 nhà khoa học được công bố trên Tạp chí Y khoa hàng đầu Lancet vào tháng 2/2021. Các khoa học gia lý giải rằng, ba tháng là thời gian đủ để cơ thể chúng ta "làm quen" với vaccine trước khi nhận liều mới.
Nghiên cứu trên cũng cho biết, khi cách nhau dưới sáu tuần, hiệu quả vaccine AstraZeneca chỉ là 55%, nhưng ở 12 tuần trở lên, hiệu quả là 80%.
Điều này còn liên quan đến một thắc mắc khác. Sau khi 54 nhân viên của Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM bị nhiễm Covid-19 dù họ đã được tiêm hai liều vaccine, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao đã tiêm hai mũi vaccine mà vẫn bị nhiễm virus?
Theo các nguồn tin, những người này đã được tiêm vaccine AstraZeneca và thời gian giữa hai liều là bốn đến năm tuần. "Hiện tượng" này làm cho nhiều người hoang mang.
Tuy nhiên, tôi muốn thuyết phục các bạn rằng chẳng có gì phải hoang mang cả. Xin nhắc lại rằng mục đích chính của vaccine Covid-19 không hẳn là ngăn chặn lây nhiễm mà là giảm độ lây nhiễm, giảm nguy cơ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong. Do đó, đã tiêm vaccine mà vẫn bị nhiễm Covid-19 là điều không nằm ngoài dự báo của khoa học.
Nói vậy nhiều bạn sẽ không hài lòng. Nhưng đó là sự thật. Từ khi vaccine Covid-19 chưa ra đời, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng, người được tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm. Nó cũng như tôi tiêm vaccine cảm cúm mỗi năm mà thỉnh thoảng vẫn bị cảm cúm. Trong dịch tễ học, người ta gọi đó là những ca "nhiễm đột phá".
Tập san Y khoa New England Journal of Medicine mới công bố một bài nghiên cứu về các ca nhiễm đột phá sau tiêm vaccine Pfizer. Đa số họ bị nhẹ và được điều trị khỏi trong một tuần.
Một nghiên cứu khác ở Đại học Stanford báo cáo rằng trong số 22.729 nhân viên y tế được tiêm vaccine, có 189 người bị nhiễm virus. Nhưng các nhà nghiên cứu ghi chú rằng một số người bị nhiễm có lẽ do tiêm chưa đủ hai liều.
Ở Hungary, tính từ ngày 26/12/2020 đến 20/4/2021 đã có 1,4 triệu người được tiêm các vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik và Sinopharm. Trong số này, nhà chức trách Hungary ghi nhận 5.714 người bị nhiễm Covid-19 dù đã được tiêm đủ hai liều.
Câu hỏi tiếp theo: Tại sao có hiện tượng nhiễm đột phá? Con virus này phân biệt người để tấn công chăng? Câu trả lời là: rất có thể.
Ngoài lý do khoảng cách thời gian giữa hai liều vaccine như phân tích ở trên, còn các lý do sau có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Lý do thứ hai nằm ở hệ thống miễn dịch rất khác biệt giữa các cá nhân. Hệ miễn dịch của tôi có thể yếu hơn bạn, vì cơ cấu DNA trong hệ miễn dịch của tôi khác với cơ cấu DNA của bạn. Điều này có thể giải thích tại sao vaccine có vẻ hiệu quả tốt ở người khác mà có thể không tốt với tôi.
Lý do thứ ba nằm ở độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, bệnh đi kèm và nhất là tiền sử dùng thuốc. So với những người trẻ, hệ miễn dịch của của người cao tuổi không đáp ứng tốt với các kháng nguyên mới. Kháng nguyên là các yếu tố tại ngoại làm cho hệ miễn dịch chúng ta sản xuất kháng thể để chống lại virus. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học giải thích mối tương quan giữa tuổi tác và sự đáp ứng miễn dịch ở những người được tiêm Pfizer.
Lý do thứ tư là virus có biến thể giúp nó thoát khỏi tầm kiểm soát của hệ miễn dịch. Chất liệu di truyền của virus này là RNA - khác với con người là DNA. RNA có mức độ đột biến nhanh hơn nhiều DNA. Khi chúng ta có vaccine để chống, chúng đã biến sang dạng khác rồi, chúng thường đi trước con người rất xa.
Điều này giải thích tại sao virus biến chủng từ Ấn Độ thoát khỏi radar của hệ miễn dịch con người, làm cho vaccine hiện hành kém hiệu quả. Chẳng hạn như AstraZeneca hiệu quả đối với biến thể D614 và B.1.1.7 là 74%, nhưng đối với biến thể B.1.351 và B.1.617 chỉ là 31%.
Song, tôi nhấn mạnh rằng trên đây chỉ là bốn giả thuyết cơ bản mà thôi, khoa học vẫn chưa thể xác định một người cụ thể nào đáp ứng tốt và người nào không đáp ứng tốt. Khoa học chỉ có thể ước tính xác suất hiệu quả của vaccine, và xác suất chỉ ứng dụng cho quần thể chứ không cho một cá nhân.
Dù lời giải thích có là gì, ta phải nhận thức hai bài học quan trọng.
Tiêm vaccine đầy đủ hai liều, ta vẫn có nguy cơ bị nhiễm Covid-19. Vaccine không phải "viên đạn bạc". Mục đích chính của các vaccine là giúp giảm tối đa người bị nhiễm Covid-19 ở thể nặng - có thể tử vong, chứ không phải ngăn ngừa hoàn toàn lây nhiễm.
Sự việc xảy ra ở Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM là lời nhắc nhở rằng, ngay cả khi chúng ta đã tiêm vaccine cho 70%-80% dân số, hiệu quả chống dịch vẫn tiếp tục phụ thuộc vào các biện pháp y tế công cộng như 5K...
Nguyễn Văn Tuấn
Nhận xét
Đăng nhận xét