BI KỊCH VỤ ÁN ĐẶNG VĂN HIẾN: TỨC NƯỚC VỠ BỜ

Tử tù Đặng Văn Hiến và chuỗi dài bi kịch

Hơn 10 năm trước, hàng trăm hộ dân tới sinh sống, canh tác tại Tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Những vườn điều, cà phê, cao su mọc lên bạt ngàn, tươi tốt. Thế nhưng...



Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng tại Tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tháng 6-2013, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, phó giám đốc Công ty Long Sơn) và vợ nhận chuyển nhượng công ty này.











Buổi xét xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM vào ngày 12-7-2018

Trong quyết định giao đất có yêu cầu công ty phải thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho người dân đang sinh sống, canh tác trên đất nhưng Công ty Long Sơn đã nhiều lần tự ý cưỡng chế, phá hủy cây trồng khi chưa bồi thường nhưng chính quyền không giải quyết dứt điểm. Và bi kịch xảy ra…



Ngày 23-10-2016, hơn 30 cán bộ, bảo vệ Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm mang theo các công cụ hỗ trợ vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của các hộ dân.

Thấy tài sản của gia đình bị san ủi, ông Đặng Văn Hiến lấy súng đi ra thì bị nhóm người của công ty chặn lại sát bên hông nhà.

Ông Hiến đã bắn chỉ thiên thì nhóm người của Công ty Long Sơn dùng đá ném.

Ông Hiến chạy vào nhà bắn nhiều phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn. Lúc này, ông Hà Văn Trường đã tiếp đạn cho ông Hiến.

Sau đó, ông Hiến tiếp tục mang súng ra khu vực san ủi bắn nhiều phát về phía người của Công ty Long Sơn.

Ông Ninh Viết Bình cũng cầm súng chạy lên hỗ trợ cho ông Hiến.

Hậu quả: 3 người chết, 13 người khác bị thương.

Ông Hiến chưa có tiền án, tiền sự; sau khi gây án đã ra đầu thú.



Ngày 2-1-2018, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm và tuyên Tử hình ông Đặng Văn Hiến với tội "Giết người". Cùng với tội danh này, Hà Văn Trường lãnh 12 năm tù và Ninh Viết Bình lãnh 20 năm tù. Còn Nghiêm Xuân Thiên Sửu lãnh 6 năm tù, Phạm Công Thiện (quản lý Công ty Long Sơn) lãnh 4 năm tù với tội "Hủy hoại tài sản".



Đại diện của 3 người tử vong và nhiều người bị thương đã có đơn xin giảm án, đơn kháng cáo giảm án tử hình cho bị cáo Hiến và giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm.

"Tôi thấy các bị cáo phạm tội do quá bức xúc, phẫn uất trước việc làm của Công ty Long Sơn. Họ đều là nông dân lao động nghèo, hiền lương như gia đình tôi, cũng có những đứa con thơ bé dại như gia đình tôi. Bản án tuyên xử là nghiêm khắc và nặng nề" – bà Điểu Thị Mai (vợ ông Điểu Tào - nạn nhân tử vong) viết trong đơn xin giảm án.



Ngày 12-7-2018, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm, tuyên giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác nhưng y án TỬ HÌNH ĐẶNG VĂN HIẾN.

Tuy nhiên, khi tuyên án, vị chủ tọa phiên tòa đã 2 lần nhắc bị cáo Hiến vẫn còn một cơ hội là làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm trong vòng 7 ngày. Sau đó, ông tiếp tục nhắc các luật sư làm đơn xin ân giảm giúp bị cáo Hiến càng sớm càng tốt.



Một lá đơn của bị hại xin giảm án cho bị cáo Đặng Văn Hiến

Ngay sau đó, tử tù Đặng Văn Hiến và nhiều người dân sống tại Tiểu khu 1535 cũng làm đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước và các cơ quan trung ương.

Trong đơn, tử tù Đặng Văn Hiến viết: "Chỉ còn 7 ngày cuối cùng, dù là chút hy vọng mong manh giữa thời khắc sinh tử, tôi vẫn cầu mong quý cấp sẽ thấu hiểu được bản chất của vụ việc để cho tôi được miễn tội chết vì thực chất tôi cũng là một nạn nhân trong sự vụ này. Tôi xin hứa nếu được một lần tái sinh trong cuộc đời sẽ tích cực cải tạo tốt để trở thành một công dân tốt, để con thơ không mất bố, vợ không mất chồng và có điều kiện để báo đáp đặc ân của nhà nước".

Ngày 17-7-2018, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Khi nghe tin này, bà Mai Thị Khuyên (vợ tử tù Đặng Văn Hiến) bật khóc và nói lời cảm ơn Chủ tịch nước.

Thực hiện:

Cao Nguyên - Lê Duy - Tấn Nguyên


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?