MỘT HOÀN CẢNH QUÁ THƯƠNG TÂM
NGHỊCH CẢNH CHUA XÓT của một gia đình: Ông ngoại U70, mẹ 14 tuổi và con chưa tròn tháng, cả nhà ngủ chung 1 cái chiếu
Hàng ngày, người cha già 69 tuổi vẫn lặn lội ngược xuôi trên chiếc xe máy cũ. Nguyện vọng lớn nhất của ông chính là có thể nuôi dưỡng cô con gái không có mẹ nên người. Thế nhưng, số phận trêu ngươi. Cô bé mới lớn thiếu vắng sự yêu thương của mẹ, sự dìu dắt của cha, trong một phút nông nổi đã bị một thanh niên lừa qua mạng, cuối cùng bất đắc dĩ trở thành một người mẹ khi mới vừa tròn 14 tuổi.
Mái trọ nghèo che nắng che mưa
Căn phòng trọ lụp xụp chừng hơn 10 mét vuông. Phía trước là một chiếc xe dream rất cũ. Một bên kính xe không biết đã bể đâu mất, vài bộ phận trên xe vì nắng mưa, vì di chuyển mà cũng chẳng còn. Trước cửa phòng trọ, một ông lão tóc bạc ngồi lặng thinh, đôi mắt miên man nhìn vào dãy tường loang lổ đối diện. Thi thoảng, chiếc điện thoại trong túi ông lại rung lên. Ông lão nheo mắt nhìn màn hình, rồi ghé điện thoại sát tai trả lời: ‘Alo, dạ, đúng rồi, tui là cha của cháu Trang…‘. Ông bảo đó là một mạnh thường quân gọi đến hỏi địa chỉ để giúp đỡ gia đình ông.
Trong nhà, một bé gái mệt mỏi nằm lim dim. Bên cạnh cô bé, một đứa trẻ còn đỏ hỏn cũng đang bình yên say giấc. Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ hai đứa trẻ ấy là hai mẹ con.
Phòng trọ 10m2 là nơi tá túc của 3 thế hệ…
Căn phòng trọ nhỏ chẳng có bao nhiêu đồ đạc, ngoại trừ một tấm nệm mỏng và một chiếc tủ thờ. Lâu lâu, căn phòng trọ ấy lại mở cửa để đón những nhà hảo tâm tới tặng quà. Bé gái mơ màng tỉnh dậy, nhận tiền, cảm ơn. Có đôi khi, cô bé còn phải cầm tiền để cho người nọ người kia chụp ảnh.
Trên gác, một vài miếng la phông rơi ra ngoài. Có mấy nhà hảo tâm nhìn lên trần xuýt xoa: ‘Có khi nào mấy miếng trên lửng đó rớt xuống hông? Hai mẹ con bé này nằm vậy là hông có an toàn đâu nhen’. Họ nói rồi họ đi. Sự giúp đỡ cũng chỉ đến như vậy. Để lại một ông lão già yếu, một người mẹ non nớt, và một đứa bé chỉ vừa 13 ngày tuổi.
‘Trước đây nhà mình sống ra sao?’
Chú kể vợ mình mất sớm, chú kết hôn lần nữa và sinh ra bé Trang. Một ngày kia, mẹ bé Trang bỏ đi biền biệt. Chú với chiếc cream cũ ngày ngày xuôi ngược Sài Gòn lo miếng cơm manh áo, lo cho con tiền học hành để tương lai không khổ cực như mình.
Căn nhà thiếu bàn tay của người phụ nữ. Chú chỉ có thể lo được cái chất chứ không lo nổi cái hồn. Chỉ là sáng đi vắng, tối về nhà, buổi trưa mua hộp cơm về đưa cho con, mình cũng ăn vội rồi lôi xe đi tiếp. Cô con gái lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương. ‘Căn bếp nhà này chắc lâu lắm rồi không nhóm lửa’, cô hàng xóm nói vậy. Hai cha con cứ sống qua ngày bằng cơm hộp.
Chiếc xe máy cũ là ‘cần câu cơm’ của người đàn ông gần 70 tuổi.
Cuộc sống bình lặng nhưng không bình yên. Một ngày, người cha biết được đứa con gái mới học lớp 7 của mình đã có thai ba tháng. Cả xóm nhao lên. Người cha chết lặng. Người con gái mới 13 tuổi ngẩn ngơ.
‘Hình như bé nó có bầu mà cũng hông biết nữa, đến khi cha dẫn đi khám mới biết được’, một người quen chia sẻ. Chắc Trang không biết rằng, vì mình, cuộc sống của hai cha con rẽ lối. Chẳng còn là người đàn ông ngày ngày chạy xe ôm, chẳng còn là cô nữ sinh hằng ngày cắp sách đến trường, chẳng còn những bữa cơm trưa ngắn ngủi giữa ngày trưa yên ả.
Ông ngoại…
14 tuổi, người ta chưa thích hợp để sinh con. 14 tuổi, đâu ai đã hiểu nổi thiên chức làm mẹ là gì? Cái thai từng bị dự tính sẽ bỏ đi, nhưng ‘tội lắm’, ‘thương con lắm’ mà người cha quyết định để cho con thôi học, ở nhà chờ cho đến ngày sinh. Khi được hỏi có trách con không, có giận con không? Ông bảo có, ‘giận thì giận nhưng con mình vẫn là con mình. Tức quá thì la một hai tiếng, xong rồi thôi, chuyện gì qua để cho nó qua. Nếu có mẹ, nó đâu có vậy’. Ông giận con gái bồng bột và giận cả bản thân mình vì không thể dạy dỗ con chu đáo.
Ông từng nuôi ý định để cho đứa bé ra đời và cho đi, gửi đứa trẻ đến một gia đình nào đó đầy đủ hơn. Ông nhìn vào gia cảnh nghèo khó của mình, nghĩ rằng bản thân không lo được cho cháu tương lai tốt, còn con gái ông nữa, còn một quãng đường dài đằng đẵng trước mắt, làm mẹ khi còn trẻ thế này, con có được hạnh phúc hay không?
Rồi đến ngày đứa trẻ ra đời, nhìn đứa bé nũng nịu thiêm thiếp trên tay mẹ nó. Ông không đành mà cho ai nữa. Cảm giác về đứa cháu chưa thấy mặt chỉ nằm trong bụng mẹ nó khác với cảm giác khi nó thật sự hiện hữu, khi ta nhìn thấy từng đường vân máu trên gò má bầu bầu, khi nghe đứa bé cất tiếng khóc, khi nhìn khuôn miệng nhỏ chúm chím đáng yêu.
Trang (phải) sinh 2004, có thai ngoài ý muốn. Hiện tại, 2 mẹ con đang sống chung với bố/ông ngoại.
9 tháng Trang có thai, ông bỏ bớt việc chạy xe ôm mà đỡ đần con gái. Tiền chẳng biết đắp đâu vào đâu cho đủ. Ông ráng chạy hết sức một ngày mới được khoảng 300 nghìn, còn thêm việc bữa đực bữa cái. Tiền trọ tháng hết 2 triệu 4, tiền khám thai cho con, tiền ăn uống, tiền thuốc men cho thai và tiến thuốc điều trị bệnh cả cho mình. Ông buộc phải vay mượn để lo cho con, cứ vay vậy thôi, còn chính ông cũng chẳng biết khi nào trả được.
69 tuổi, khi người khác đã an hưởng tuổi già thì phía sau ông vẫn là hai thân phận nheo nhóc. Nỗi bất hạnh của bệnh tật cũng không buông tha, ông mang đủ bệnh trong người, về dạ dày, về máu,… ‘Ba em bị nhiều bệnh, ba em uống thuốc nhiều lắm chị’. Bé Trang tay quạt cho con, nhưng ánh mắt dán lên dáng liêu xiêu của người cha gầy nhom phía trước.
Rồi ngày con gái chuyển dạ, ông vay mượn thêm để con vào viện. Từ lúc ấy đến lúc đưa cháu về nhà, ông vay mượn thêm 10 triệu nữa. Số tiền không lớn, nhưng đặt trong hoàn cảnh của gia đình, món nợ thật sự nặng nề.
Những ngày Trang ra viện mới thật sự là khốn đốn. ‘Ngày đưa cháu về tới phòng là trong túi tui không còn đồng bạc nào hết’, ông kể. ‘Mấy ngày đó, ba em ngày nào cũng ăn mì gói, em thì có nhà cô hàng xóm, cô thương, mỗi bữa cơm cô cho em ăn ké một chút’, Trang chia sẻ thêm. Đứa bé còn đỏ hỏn thì sống nhờ sữa mẹ.
Người mẹ…
Trang vẫn chưa cử động được nhiều, tai em vẫn còn nhét bông. Em xin phép vừa nằm vừa nói chuyện vì sao thấy cơ thể mình đau quá. Khuôn mặt em vẫn còn non nớt, những ngón tay vẫn còn vụng về.
14 tuổi, cô gái chưa biết cách làm thế nào để chăm sóc con mình, cả ông ngoại của cháu cũng thế. Có những người hảo tâm là phụ nữ đến thăm, người ta nhắc em nhiều: ‘Con coi trở đầu cháu nằm, để cháu dẹp một bên đầu thì tội’. Rồi lúc người khác cho tiền, em cũng hơi bối rối, ‘Thôi con coi cất tiền vô một chỗ nghe, con để tiền trước máy quạt vầy dễ bay lắm’. Rồi chuyện nuôi con, ‘Con cho bé bú mẹ hay bú bình, bú mẹ thì hông được ăn mấy món này, món này, món này,… nghe con’.
Dặn dò sao thì em nghe vậy. Những người phụ nữ dặn dò xong lúc về chắc lòng cũng chẳng thế yên tâm nổi. Còn trẻ như thế, biết có kham hết cái thiên chức lớn lao của người mẹ hay không? Có cha kề cận, nhưng cha cũng không đủ kiến thức để dạy cho em. Cha là đàn ông, cha không thể chỉ cho em cách phải làm mẹ thế nào.
Cô con gái mới 14 tuổi đã làm mẹ….
Ánh mắt Trang trong veo và buồn… Buồn nhất là khi có người hỏi: ‘Biết cha đứa nhỏ là ai không con?’, Trang trả lời ‘Dạ biết… giờ thì công an đang truy nã”.
Người ta nghẹn lòng, thôi không hỏi nữa. Trang và thanh niên kia quen nhau qua mạng xã hội, rồi yêu đương, rồi có thai. Cái thai oan trái khi em vừa học lớp 7. Thanh niên kia trốn đi biền biệt. Cô gái một mình trải qua 9 tháng cưu mang rồi cô đơn vượt cạn. Câu chuyện khiến người ta vừa thấy thương vừa thấy trách. Trách em sao dại dột yêu đương khi mới tuổi này, thương con em phải chào đời trong lúc mẹ nó vẫn còn là một học trò như thế. Chính cha cũng từng trách em kia mà: ‘Hồi xưa, lúc bình thường thì thôi, đôi lúc ba uống rượu, ba say rồi ba nói về chuyện cũ. Em buồn lắm…’.
Khi hỏi về chuyện tương lai, em thành thật kể: ‘Ở đầu xóm này có chị kia mở tiệm uốn tóc, chị nói đợi con em cứng cáp một chút thì em ra đó học nghề. Con em thì em gửi cho mấy cô hàng xóm gần nhà trông giùm’.
Khi con chào đời, Trang bớt vô tư hơn một chút. Em biết sắp tới mình phải làm lụng, phải có một cái nghề trong tay để chịu trách nhiệm với sinh linh mà mình trót sinh ra.
Cái tình, cái nghĩa
Căn phòng trọ của hai cha còn nằm khuất trong hẻm, không gian tương đối chật hẹp nhưng tình người cứ ăm ắp tràn đầy.
Trò chuyện cùng người trong xóm nhỏ, tôi nhủ thầm, nếu không có những con người này, hai cha con trong căn phòng ấy phải sống thế nào đây?
Họ là người cho hai cha con mượn tiền lúc khó khăn, là những người góp cơm, góp cháo phụ giúp cho cha con Trang những ngày sinh đẻ. Chính một cô giáo cùng xóm là người đã đăng bài viết về hoàn cảnh của gia đình lên mạng xã hội. Nhờ đấy, hai cha con mới được nhiều nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ.
Vật chất còn đo đếm được, nhưng cái tình thì không.
Một cô trung niên trạc 40 tuổi trải lòng: ‘Ngày đầu sinh về, nghĩ sao ổng cho bé Trang ăn cá viên chiên. Cô la, nấu cơm đem qua cho con nhỏ. Rồi có bữa có chút tiền, ổng ăn mì gói để dành tiền mua cho con nhỏ hủ tiếu. Đàn bà sinh đẻ ăn hủ tiếu mà dính xương đầu là nguy hiểm lắm. Giờ cứ mua đồ về gửi đây, cô nấu rồi hai cha con ăn chung.
Con nhỏ nó chưa biết gì hết, việc cho con bú ra sao, chuyện tắm nắng cho con ra sao… Như việc tắm cho thằng nhỏ nè, ẵm từ phòng trọ qua nhà cô nhờ cô tắm dùm. Ban ngày thì cô chạy qua chạy lại, còn ban đêm cô ở trong nhà, có chuyện thì qua gõ cửa.’
Thật may, ở gia đình ấy không có người phụ nữ, nhưng xung quanh ấy lại có những người phụ nữ rất giàu kinh nghiệm làm mẹ.
Sự giúp đỡ từ những Mạnh Thường Quân gửi đến người mẹ trẻ.
Tới căn phòng nhỏ vào ngày này, người ta không chỉ thấy cái tình cái nghĩa gói gọn trong xóm trọ, mà còn thấy nét đẹp tình người thấp thoáng đâu đó trong dáng dấp của cả cộng đồng. Đó là những hộp sữa, những bộ quần áo, những bao gạo nằm xếp chồng lên nhau dưới nền nhà. Đó là những nhà hảo tâm đến trao cho em chút tiền để trang trải cho tháng này sắp tới.
‘Ngày đầu tiên có cả trăm người tới lận. Mà ngộ, trong số đó, có thấy mấy đứa con trai trẻ trẻ, nhìn giang hồ lắm, tay xăm tùm lum, vậy là hai tay cầm hai bọc tả. Chạy xe tới, vô cho tận tay rồi về. Coi vậy mà tốt bụng…’, cô hàng xóm của gia đình vừa cười vừa kể. Thế đấy, dù vẻ ngoài của ai đó có ra sao, lòng họ vẫn lương thiện vô cùng.
Lúc sắp về, cha của Trang nói nhỏ: ‘Giờ đồ hơi nhiều, mình đem vô cho lại mấy mái ấm từ thiện á, cho mấy đứa nhỏ khác có đồ ăn, đồ mặc được không chị nhỉ’. Sự sẻ chia không riêng gì việc người giàu chia sẻ cho người nghèo, trong hoàn cảnh khó khăn, người ta dù có rất ít vẫn có thể chia sẻ cho nhau tất cả những điều ấm áp và dung dị nhất.
Theo blogtin
Nhận xét
Đăng nhận xét