MỘT TRONG NHỮNG NGHỀ VẤT VẢ, NGUY HIỂM NHẤT Ở VN

Chỉ vì sự vô ý thức của người VN khiến cho nghề này trở thành nguy hiểm
Mở nắp cống ở TP.HCM: Đầy rác, kim tiêm, thủy tinh do người dân xả xuống

Giữa cái nắng hừng hực như đổ lửa, nhiều anh em công nhân công ty Thoát nước đô thị TP.HCM tất bật lật từng nắp cống, chui xuống hố ga ngập rác thải, hôi thối nồng nặc dọn vệ sinh để khơi thông dòng chảy.



Rác thải được người dân vô ý thức xả ngay tại miệng cống. Mưa và gió khiến rác bị cuốn xuống lấp đầy hố ga gây tắc nghẽn dòng chảy. Điều trên đã gây cho anh em công nhân Thoát nước đô thị TP.HCM phải rất vất vả hốt lên. - Ảnh: ẢNH: AN HUY

Một ngày đầu tháng 7, mặt trời lên cao với cái nắng bỏng rát. Sau khi ăn vội ổ bánh mì, gần 10 anh em công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cùng chung tay khơi thông cống nước trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình, Q.Tân Phú).

Đây được xem là công việc nặng nhọc, vô cùng độc hại đối với anh em công nhân khi phải tiếp xúc với các loại rác thải, hóa chất công nghiệp…, được không ít người dân vô ý thức xả thẳng xuống cống. Bên cạnh đó, các loại rác thải nguy hại như mảnh chai, kim tiêm, sắt…, cũng thường xuyên cứa và đâm trực tiếp vào một số anh em gây đau đớn, phải uống thuốc điều trị dài ngày sau đó.

Đối mặt với công việc, anh em công nhân không còn khái niệm sợ nguy hiểm trong mỗi lần chui xuống cống, mà thay vào đó là lòng yêu nghề, họ vượt qua tất cả. Mùi hôi thống trong lòng cống cũng trở thành điều gì đó thân thuộc, theo họ xuyên suốt tháng năm làm nghề.



Lúc 8 giờ sáng 3.7, mặt trời đã lên cao, con đường Âu Cơ (đoạn qua P.10, Q.Tân Bình) không một bóng cây che mát. Nhiều anh em công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM chuẩn bị đồ nghề bắt đầu công việc nạo vét lòng cống, giữ vệ sinh môi trường và khơi thông dòng chảy. Anh Võ Thanh Vàng (36 tuổi) bắt đầu dùng xà beng nạy nắp cống lên và thực hiện công việc. - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Một hình ảnh kinh hãi dưới lòng hố ga lộ ra với dày đặc các loại rác thải sinh hoạt nằm xếp lớp. Mùi hôi thối tỏa ra nồng nặc, khiến mọi người chạy xe máy qua khu vực phải lấy tay bịt mũi. Đây là một trong những hình ảnh rất dễ nhìn thấy ở các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM khi người dân cứ mặc định nơi miệng cống thành nơi để rác chờ các xe dịch vụ công ích đến thu gom. Điều đó cũng khiến một lượng rác không nhỏ lọt xuống cống bởi gió và nước mưa cuốn theo. - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Bất chấp mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra, anh Võ Thanh Vàng bắt đầu xắn tay áo bước chân chậm rãi đứng xuống lòng cống với tâm trạng lo lắng khi một vài ống kim tiêm được phát hiện trên miệng hố ga và có thể mảnh chai bén ngọt nằm đâu đó dưới lòng cống. "Tôi làm nghề đã hơn 3 năm, mới đầu xuống cống hôi chịu không nổi. Tôi xuống hốt được vài ki rác rồi lại lên thở lấy hơi mới xuống làm tiếp, riết rồi quen mùi luôn. Qua thời gian, tôi thấy yêu nghề dọn rác đến lạ. Mỗi lần chui xuống cống như một thử thách với bản thân mà tôi phải chinh phục nó" anh Vàng chia sẻ - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Không nằm ngoài dự kiến, hơn 10 ki rác đầy ứ liên tục được Vàng đưa lên, toàn bộ là rác thải sinh hoạt hàng ngày như: chai nhựa, bao nilon, mút xốp..., thêm vào đó là nhớt xe, dầu ăn và chất thải sinh hoạt hòa với nhau đặc quánh, nước đen ngòm. Mùi hôi từ miệng cống xộc lên khiến người đứng trên vỉa hè hít vào muốn nôn mửa, phải lánh đi nơi khác - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Theo người dân tại khu vực, mỗi khi mưa xuống, đoạn đường Âu Cơ qua đây thường xuyên bị ngập nước do cống không thoát nước kịp. Những đống rác thải chấy đầy trong các miệng cống có thể là nguyên nhân chính khiến bế tắc tiêu thoát nước, gây ngập. Qua quan sát, tất cả các miệng cống trên đường Âu Cơ qua khu vực khi được công nhân Công ty Thoát nước đô thị kiểm tra đều chất đầy rác và bùn đất. - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Anh Võ Thanh Vàng cho biết, trong hơn 3 năm làm trong nghề anh đã không biết bao nhiêu lần bị kim tiêm của những đối tượng tiêm chích ma túy xả xuống cống đâm vào chân, đau đớn. Những lần như vậy, anh phải băng bó vết thương và mua thuốc uống nhiều ngày, chống nhiễm trùng. Theo anh Vàng, có những hộ dân rất vô ý thức khi bóng đèn huỳnh quang không còn sáng, họ liền đập nhỏ và đổ xuống lòng cống khiến anh em khi dọn vệ sinh bị đâm nhiều nhát vào chân. Thâm chí mảnh chai còn ghim vào chân gây nhiễm trùng, anh em phải điều trị dài ngày. Anh mong muốn mọi người nên ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, đặc biệt giáo dục con trẻ trong gia đình - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Bùn đất và rác thải sau khi hốt lên sẽ được cho vào các thùng, sau đó chuyển lên xe tải đem đi xử lý ở bãi rác Đa Phước (H.Bình Chánh). Mỗi ngày, anh em công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM phải thay phiên nhau chui xuống lòng cống 8 giờ/ ngày, để dọn rác khơi thông dòng chảy toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM. Nghề dọn cống được xem là đặc biệt nguy hiểm khi phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều chất thải nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Anh Võ Thanh Vàng cho biết nghề này rất vất vả, phải có lòng yêu nghề mới bám trụ được. Khi mới đi làm công nhân Thoát nước đô thị, mỗi khi xong công việc về nhà anh phải tắm gội nhiều lần nhưng không hết được mùi hôi. "Vợ nói tôi hôi quá, không ngủ chung được khiến tôi cũng buồn. Nhưng rồi vài hôm vợ đã quen mùi hôi và nói với tôi rằng mùi cũng dễ chịu, giờ thiếu mùi này chắc ngủ không được", anh Vàng vui vẻ chia sẻ - Ảnh: ẢNH: AN HUY

Một số anh em công nhân Thoát nước đô thị cho biết, rất sợ những hố ga bị người dân thải hóa chất độc hại xuống. Hố ga bị đổ hóa chất thường có hơi lạnh, nếu không nhận ra, lội xuống hốt rác được vài phút thì toàn thân sẽ bị phỏng, lột da rất đau đớn, vào bệnh viện điều trị tốn nhiều tiền và thời gian, nguy hiểm đến sức khỏe. Những khu vực xuất hiện hố ga đổ hóa chất thường ở một số đường trên địa bàn quận 11 và quận 5 - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Những lớp bùn đất đen xì, hôi thối nồng nặc được anh em công nhân hốt lên trong lúc trời nóng như đổ lửa. Sau hơn 10 phút làm việc, mồ hôi đã nhễ nhại trên gương mặt của các anh em công nhân - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Anh Nguyễn Huy Bình (38 tuổi) công nhân Công ty Thoát nước đô thị cho biết, có những xe bồn của công ty đổ bê tông sau khi thi công công trình xong, họ rửa bồn và bơm thẳng xuống dưới lòng cống. Những vữa bê tông còn sót lại đóng đông cứng dưới lòng cống kèm rác, anh em công nhân phải rất vất vả mới đục hết bê tông ra, trả lại nguyên trạng đường cống để thoát nước, chống ngập. Còn một số đường kinh doanh hóa chất, họ sẽ đổ thẳng hóa chất xuống cống và các ngành chức năng cũng không kiểm soát được vấn đề này, các anh em xuống dọn rác cũng rất nguy hiểm - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Cũng theo anh Bình, các tuyến đường gần khu vực bệnh viện và công viên là nơi thường xuất hiện dày đặc kim tiêm bỏ dưới cống. Đa số kim tiêm trên do người nghiện ma túy vứt xuống, còn dính máu cũng là loại rác thải thách thức anh em khi xuống cống dọn rác. - Ảnh: ẢNH: AN HUY



"Đối với kim tiêm và mảnh chai được người dân vô ý thức xả xuống, khi anh em công nhân xuống cống đạp trúng, chỉ thấy nhói dưới lòng bàn bân, nhưng công việc cũng phải làm cho xong rồi mới lên. Sau đó, anh em mới băng bó vết thương và mua thuốc chống nhiễm trùng uống điều trị", anh Bình nói - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Một mảng bê tông lớn đóng đưới lòng cống được anh Nguyễn Hải Đăng (31 tuổi) công nhân Thoát nước đô thị vất vả đưa lên mặt đất. Theo anh Đăng, những mảng bê tông lớn này do xe bồn khi rửa xe xả thẳng xuống cống, nếu không đưa ra khỏi cống sẽ tắc nghẽn dòng chảy - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Anh Đăng cho biết, mùi hôi khi dọn rác dưới cống rất khó sạch dù tắm gội nhiều lần. Mùi hôi sẽ bám lấy cơ thể đến khi nào nghỉ làm nghề này mới thôi. Ngoài tắm gội nhiều lần, cần phải mua dược liệu về xông thì mới hết hôi, bởi mùi đã bám vào lỗ chân lông của mình - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Sau khi chui từ dưới cống lên, anh Võ Thanh Vàng ướt đẫm nước hôi thối từ lòng cống. Anh phải nhờ đồng nghiệp giúp uống nước cho đã khát trước khi đến với hố ga tiếp theo. Với anh em công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM đây là hình ảnh đã quá quen, cùng tương trợ lẫn nhau trong công việc làm sạch đẹp thành phố - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Đến 12 giờ, anh Võ Thanh Vàng và anh Nguyễn Hải Đăng mới tắm vội để chuẩn bị ăn cơm trưa, nghỉ ngơi trước khi quay lại công việc vào buổi chiều. Chỗ tắm cũng chính là bồn nước đã được đặt sẵn trên vỉa hè - Ảnh: ẢNH: AN HUY



Đây được xem là công việc năng nhọc mà vô cùng độc hại đối với anh em, khi phải tiếp xúc với vô vàn các loại rác thải, hóa chất công nghiệp…, được không ít người dân vô ý thức xả thẳng xuống cống. Bên cạnh đó, các loại rác thải nguy hại như mảnh chai, kim tiêm…, cứa và đâm trực tiếp vào người gây đau đớn, phải uống thuốc điều trị dài ngày sau đó. - Ảnh: ẢNH: AN HUY

An Huy


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?