TAI NẠN MÁY BAY BAO GIỜ CŨNG THẢM KHỐC
Cuộc sống vực dậy của chiến sĩ Đinh Văn Dương trong vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc 4 năm trước
Những ai dõi theo tin tức, hẳn đều biết sáng nay, 26/7 đã có thêm vụ rơi máy bay quân sự vô cùng thương tâm tại Nghệ An. Chiếc máy bay Su-22U thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bay huấn luyện, cất cánh từ Thanh Hóa, qua làng Dừa, Nghĩa Đàn, Nghệ An thì gặp nạn.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, 2 phi công bay huấn luyện đã hy sinh gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, SN 1978, quê quán Sơn Tây, Hà Nội và Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, SN 1972, quê quán Thái Thụy, Thái Bình.
Hiện tại, thời tiết mưa lớn và đường vào hiện trường gặp nhiều trở ngại vì sình lầy và địa hình đồi núi nên đội cứu hộ, cứu nạn đang cố gắng hết sức để tiếp cận vị trí máy bay rơi.
Người chiến sĩ duy nhất “thắng” tử thần năm xưa
Từ vụ việc đau lòng này, chợt nhớ đến trường hợp thương tâm không kém khi chiếc trực thăng Mi-171, rơi tại thôn Hòa Lạc (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ngày 7.7.2014 đã cướp đi sinh mạng của 20 chiến sĩ. Người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn năm ấy chính là chiến sĩ Đinh Văn Dương, nhưng cuộc sống của anh cũng gặp không ít khó khăn, đối diện nỗi đau thân thể lẫn tinh thần.
Sau 4 năm sống với cơ thể không lành lặn, việc tự mình cầm được cốc nước, tự xúc được từng thìa cơm, cầm được cái điều khiển ti vi với đôi tay giả có lẽ là khoảnh khắc khiến anh Đinh Văn Dương - chiến sĩ sống sót duy nhất trong vụ rơi máy bay Mi-171 rơi ở Hòa Lạc - xúc động nhất.
Anh Dương có thể sinh hoạt bình thường nhờ vào đôi tay giả.
Có được đôi tay giả, anh Dương đã tự cầm chai rót nước vào chén, làm được vài việc phụ giúp gia đình, tự mình vệ sinh cá nhân... Đây có lẽ là điều mà 3 năm qua anh và gia đình chưa từng nghĩ đến. Tết 2018 vừa rồi cũng là cái tết đầu tiên anh Dương có tay giả, tự phục vụ mình và không cần nhờ người khác như trước đây.
"Tôi có thể tự mình làm được những việc đơn giản như trang trí lau dọn nhà cửa, chăm sóc hai con, bắt tay chúc tết mọi người. Đối với tôi, đây là cái tết ý nghĩa nhất, vì bản thân không còn phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Tôi luôn tự nhủ, phải cố gắng để mọi người không phải vất vả vì mình nhiều nữa", anh Dương xúc động chia sẻ.
Cơ thể tật nguyền nhưng bản lĩnh phi thường.
Khi hỏi về hạnh phúc lớn nhất ở thời điểm hiện tại, anh Dương khẽ tiếng: "Đó là việc thấy mẹ, vợ và con mình khỏe mạnh. Bây giờ, tôi sống không phải vì mình mà vì mọi người, vì sự tin yêu của người thân, bạn bè. Sống để cho đi".
Bà Trịnh Thị Đông, mẹ của anh Đinh Văn Dương cho hay, sau chừng ấy thời gian chống chọi với tử thần, giờ bà mới yên lòng phần nào khi con trai có thể vận động được bằng đôi tay giả.
Nghị lực phi thường sau 1000 ngày đêm "giành giật" mạng sống
Trải qua 30 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, cuối năm 2016, anh Đinh Văn Dương được trở về với gia đình tại căn hộ 66m2 ở Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội). Thời điểm đó, sự phục hồi của anh được coi là điều kỳ diệu, bởi nhiều lần các y bác sĩ đành buông tay để "tử thần" mang anh đi. Thế nhưng, nhờ ý chí, nghị lực phi thường đã giữ anh ở lại với cuộc đời, với người thân trong gia đình.
Người thân là động lực mạnh mẽ giúp người chiến sĩ can trường vượt qua nghịch cảnh.
Hiện tại, anh có thể đi lại khi lắp chân giả và không cần người hỗ trợ như những ngày đầu. Sau vụ tai nạn, đôi chân của anh đã không còn nguyên vẹn như xưa cũng như cơ thể bỏng nặng để lại khá nhiều vết sẹo đã cản trở ít nhiều bước tập luyện của anh.
“Trước khi có sự hỗ trợ của đôi chân giả, tôi tập đi bằng cách bám hai cánh tay vào thanh song song. Phải rất khó khăn và nhiều ngày tập luyện, tôi mới thích ứng với đôi chân giả này. Mỗi buổi tập, tôi có thể đi được khoảng 20m. Mỗi bước đi, là một niềm hi vọng tràn đầy”, anh Dương chia sẻ.
Anh Dương đã có thể lướt web, theo dõi tin tức nhưng đó là cả quá trình dài, nhiều cố gắng.
Từ ngày biết con có thể “tập đi” trở lại, người mẹ già của chiến sĩ Dương phấn khởi vô cùng: “Gần 1 năm túc trực bên giường bệnh, không lúc nào tôi không lo lắng cho số phận của con trai, dẫu biết con sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn nhưng ngay khi nhìn thấy con có thể tập đi bằng đôi chân không còn lành lặn, tôi cảm thấy trong lòng như trút đi một phần gánh nặng”.
Bác sĩ Phạm Mai Phương, Phó chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng, Viện Bỏng quốc gia, bác sĩ Phương cho biết, bệnh nhân Dương là trường hợp đặc biệt và quá trình chiến đấu với bệnh tật của anh khiến nhiều người nể phục. Trong chuỗi ngày điều trị, anh Dương luôn thể hiện quyết tâm của mình, kìm nén sự đau đớn về thể xác và tập trung cao vào việc chữa lành các vết thương.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện liệu trình phương pháp tập luyện bài bản, đều đặn như hiện nay, ít ai biết rằng anh đã phải trải qua cuộc giằng xé nội tâm, nhiều lúc phải “đối mặt” để vượt lên chính mình.
Nhớ lại ngày anh tỉnh dậy sau 4 tháng hôn mê cũng là lúc anh cảm thấy mình rơi vào cơn tuyệt vọng không lối thoát. Anh từng nghĩ, sắp tới đây bản thân sẽ nợ gia đình, nợ đồng đội, nợ chính những đam mê và dự định tương lai... Tất cả những suy nghĩ tồi tệ ấy nhấn chìm anh vào chuỗi ngày bi quan. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, đồng đội và sự tận tình của đội ngũ y, bác sĩ tại Viện Bỏng quốc gia đã làm anh thức tỉnh.
Những bước đi đầy đau đớn về thể xác lẫn tinh thần nhưng nghị lực đã giúp anh vượt qua tất cả.
Giờ đây, người chiến sĩ can trường năm xưa sẽ phải sống một cuộc đời khác, một cuộc đời mà ý chí chiến thắng số phận. Trước nghị lực can trường của chiến sĩ Đinh Văn Dương, các y bác sĩ tại Viện Bỏng quốc gia gọi anh với cái tên thân mật – người lính có “ý chí thép”!
Vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi thân thể lành lặn của người chiến sĩ, khiến anh sống đời tật nguyền. Nhưng nó không ngăn được ý chí, nghị lực sống và bản năng sinh tồn bên trong anh Đinh Văn Dương. Quả là chuỗi ngày thức dậy sau thảm nạn, anh không chỉ sống vì bản thân, mà còn vì tình yêu thương của gia đình, người thân, những con người luôn dõi theo anh. Và quan trọng, chính là sống tiếp phần đời của 20 đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống nơi lòng đất.
Cuộc đời vẫn thỉnh thoảng “chơi khăm” mọi người, nhấn chìm họ vào tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng. Thế nhưng, khi đối diện với nghịch cảnh mới biết bản thân mình mạnh mẽ đến dường nào, và tình yêu thương của mọi người xung quanh dành cho chúng ta to lớn ra sao. Thay vì đầu hàng, bất lực và trách than trước những biến cố, hãy can trường đối diện và “thách thức” lại cuộc đời bằng ý chí thép và bản năng sinh tồn của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét