BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VN: CÂU CHUYỆN ĐAU LÒNG

Xin mượn mấy câu thơ của cố nhân:

Cái học (nhà nho) thời nay đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thày khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
......

(Trần Tế Xương)

Bạo lực học đường: Học sinh và Thầy cô, ai là nạn nhân?

Tình trạng bạo lực học đường đang được phơi bày ở nước ta thời gian gần đây không chỉ nguy hiểm ở việc gây tổn thương nghiêm trọng về thân thể, mà đáng sợ hơn, đó là việc làm nhục công khai, là sự thách thức đối với nhân tính. Và trong cái thực tế đau thương ấy, người ta tự hỏi: Học sinh và Thầy cô, ai mới là nhân?

310 vụ bạo lực học đường trong 3 tháng

Đó là con số đau lòng mà Cục trẻ em vừa công bố đầu năm 2019, khiến bất kỳ ai quan tâm đến môi trường giáo dục học đường cũng cảm thấy sửng sốt, xót xa. Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như Hưng Yên, Nghệ An và mới nhất là Quảng Ninh. Tìm kiếm trên Google, chỉ trong 0,33 giây có tới 27,9 triệu kết quả cho cụm từ "bạo lực học đường". Nghiêm trọng nhất, tại Hưng Yên, 1 nữ sinh bị 5 bạn gái đánh dã man, lột đồ rồi quay clip phán tán lên mạng xã hội khiến cộng đồng dậy sóng.



Bạo lực học đường tại trường học

Ở khía cạnh ngược lại, nửa đầu tháng 5/2019, có ít nhất ba giáo viên bị kỷ luật do phạt học sinh. Thầy Nguyễn Việt Hưng, trường Tiểu học Nguyễn Văn Dương (Long An) bị khiển trách vì phạt 13 học sinh "thụt dầu" do quên đem theo cầu đá trong giờ thể dục. Cô Lê Thị Quy, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bị kết luận vi phạm đạo đức nhà giáo khi bắt học sinh quỳ trong lớp. Và mới nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, trường Tiểu học Quan Toan (Hải Phòng), bị đình chỉ giảng dạy sáu tháng vì đã đánh hơn 10 học sinh trong giờ thi do làm bài chậm.

Một nền giáo dục mà nhìn ở đâu cũng thấy bạo lực, học sinh đánh học sinh, Thầy cô đánh học sinh, rồi học sinh “hỗn” với Thầy cô.

Học sinh và Thầy cô, ai là nạn nhân?

Đây là một câu hỏi rất đau lòng nhưng cần phải đặt ra để thấu hiểu và để tìm hướng giải quyết căn cơ cho câu chuyện bạo lực học đường. Vậy theo bạn, học sinh và Thầy cô, ai mới là nạn nhân?



Học sinh và Thầy cô, ai là nạn nhân?

Theo các chuyên giao giáo dục tâm huyết, cả học sinh và Thầy cô đều là nạn nhân. Họ là nạn nhân của một nền giáo dục chạy theo thành tích và khủng hoảng triết lý giáo dục.

Thành tích, như là một cái tròng được người ta quàng lên cổ lẫn nhau trong nền giáo dục này. Bộ giáo dục quàng lên Sở - Sở quàng lên nhà trường - Nhà trường quàng lên giáo viên – Rồi giáo viên, bằng mọi cách, áp chế nó cho học sinh. Trong cái vòng quan hệ thành tích này, người giáo viên chịu áp lực nặng nề. Nếu không đạt thành tích thì coi như họ không đạt tiêu chuẩn, tệ hơn là bị “loại bỏ”.

Cũng lấy thành tích làm thước đo cho giáo dục, học sinh cũng bị giáo viên, phụ huynh ép, rồi dần dần sinh ra sự phản kháng. Những em học sinh lột đồ, đánh “hội đồng” một người bạn không có khả năng tự vệ từ ngày này sang ngày khác vì không muốn thấy kẻ ngứa mắt, yếm thế, không xứng đáng được xuất hiện chung trong bầu không khí cùng đẳng cấp với số đông. Các em cũng đang nhân danh cái lý lẽ mà mình cho là phải, hay đơn giản và đau đớn hơn, là thích làm vậy mà không cần lý do gì xác đáng.



Giáo viên xử phạt học sinh

Giáo viên, học sinh, khi ta không đủ mạnh mẽ và hiểu biết để buông bỏ được cảm giác bị tổn thương, yếu thế, bị xâm phạm hay bất công, thì sẽ bị thôi thúc hành động để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình. Khi những thứ đó bị phóng đại quá mức cần thiết, ta sẽ sẵn sàng đè bẹp lợi ích và quan điểm của người khác, đó chính là lúc cái ác được sinh sôi.

Giải pháp nào cho bạo lực học đường

"Bạo lực trong nhà trường là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải lên án. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất người học.



Bạo lực trong nhà trường là hành vi vi phạm pháp luật

Nhưng cũng cần phải phân biệt rõ đâu là bạo lực học đường, đâu là biện pháp giáo dục nghiêm khắc. Bởi nếu hình thức xử phạt hoàn toàn mang động cơ giáo dục các em, biện pháp xử phạt tương xứng với sai phạm của học sinh, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, không làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần học sinh, giúp học sinh nhận ra lỗi lầm và không tái phạm thì đó hoàn toàn không phải là hành vi bạo lực học đường.

Trong môi trường học đường, có rất nhiều hành vi của học sinh mà cần phải giáo dục một cách nghiêm khắc, ví dụ lấy trộm đồ của bạn, đánh bạn, gian lận trong thi cử, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác... Nếu không có các biện pháp giáo dục, xử phạt uốn nắn các em ngay ở lứa tuổi đi học thì khi trưởng thành ra ngoài xã hội, các hành vi đó bị coi là vi phạm pháp luật và có thể dẫn tới tù tội.



Tiên học lễ, Hậu học văn nay còn đâu?

Đa số các em học sinh hiện nay đều được sự quan tâm, chăm sóc, đầu tư rất nhiều từ gia đình, đó là điều rất mừng. Nhưng sự quan tâm đầu tư phải đi kèm với giáo dục nhân cách cho các em. Chúng ta hiểu rằng, các con rồi cũng phải trưởng thành và hòa nhập với cuộc sống xã hội. Các con cũng có cuộc đời riêng, số phận riêng của chính mình, các con phải được học cách tự chịu trách nhiệm với các hành vi của chính các con, bởi pháp luật không cho phép người này chịu trách nhiệm thay cho hậu quả hành vi của người khác.

Thành ngữ nước ta có câu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" với ý nghĩa là thương yêu con cái thì phải quan tâm dạy bảo chứ không phải sự nuông chiều. Không nên coi con cái như là báu vật của riêng mình, đừng cho rằng bao bọc, chiều chuộng, yêu thương, bênh vực, đầu tư học hành nhồi nhét là tốt cho các con.

Trong giáo dục con trẻ, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là rất quan trọng. Cha mẹ và thầy cô phải thường xuyên liên hệ, trao đổi, dõi theo những thay đổi và trưởng thành của trẻ. Sự thông hiểu và thống nhất trong các biện pháp giáo dục ở từng cá nhân mỗi trẻ sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tranh tụng đúng sai.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?