TẠT AXÍT, MỘT TỘI ÁC CẦN PHẢI TRỪNG TRỊ ĐÍCH ĐÁNG
Cô gái bị hôn phu tạt axít tìm lại khuôn mặt sau ca phẫu thuật 8 tiếng
Lan Vy đang dần hồi phục mặt sau ca vi phẫu tái tạo ngay lập tức cho bệnh nhân bỏng axít được thực hiện lần đầu trên thế giới.
Gương mặt hiện tại của Vy sau khi trải qua 9 ca phẫu thuật.
Một ngày đầu tháng 1, Hải giấu trong áo chai axít, đến nhà Lan Vy đòi nói chuyện rõ ràng trước khi chấp nhận bị hủy hôn. Biết cậu con rể tương lai vũ phu, bố mẹ Vy đi cùng Hải vào bếp. Hải bất ngờ đẩy bố Vy ra, kéo vai vợ chưa cưới lại rồi hất axít lên người cô. Vy ngồi thụp xuống góc nhà, bưng mặt khóc trong hoảng loạn. Mọi thứ trước mắt cô trở nên trắng xóa. Trong đầu Vy khi ấy hiện lên một câu duy nhất: "Đời mình thế là hết". Hôm đó trời lạnh, Vy mặc áo thun dài tay, khoác ngoài áo dạ, mặc quần bò, đi dép nỉ kín chân và xõa tóc. Axít nhanh chóng khiến bộ đồ cô mặc trên người mủn ra.
Dưới nền nhà, axít lênh láng. Bố Vy dính chút ở cổ, mẹ bị ở chân nhưng vẫn cố lôi Hải ra ngoài. Vy kịp nghe thấy tiếng bố khóc, gào lên trong tuyệt vọng: "Có ai cứu con tôi với, chết con tôi rồi". Hàng xóm sau đó ùa sang đưa Vy tránh xa vũng axít, lấy kéo cắt quần áo và nhanh chóng đưa cô tới bệnh viện. Vy bị biến dạng khuôn mặt và tổn thương nhiều vùng trên cơ thể.
Hai ngày sau khi gặp nạn, hôm 3/1, Vy được đưa ra Viện Bỏng Quốc gia, Hà Nội. Ngày 8/1, cô gái Đà Nẵng bước vào ca phẫu thuật vi phẫu. Êkip mổ đã cắt hết tổ chức hoại tử, làm sạch axít còn tồn dư, đồng thời thiết kế vạt da siêu mỏng vùng lưng để tái tạo khuôn mặt. Ca mổ kéo dài 8 tiếng giúp Vy phục hồi gương mặt tới 90%. Cô là bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được áp dụng kỹ thuật vi phẫu tái tạo ngay lập tức cho bệnh nhân bỏng axít, cũng là ca đầu tiên trên thế giới điều trị theo phương pháp này.
Sau 8 ca đại phẫu và một ca tiểu phẫu, hiện Vy đã dần ổn định tâm lý, tự tin hơn với diện mạo mới và không ngại soi gương suốt ngày. Cô trò chuyện vui vẻ với các bệnh nhân trong phòng, cởi mở với người mới quen và chủ động "giới thiệu" những đám sẹo lồi, cứng bám trên mu bàn tay, những chỗ da nhăn nhúm vì bị lấy đi để vá chỗ khác hay vết sẹo dài chia đôi khuôn mặt. Vy khoe gương mặt hai bên đã đều nhau sau hai lần hạ mỡ. Phần da lấy ở lưng đắp lên mặt sống tốt và cô đã có cảm giác nóng, lạnh khi chạm tay vào.
Sau biến cố, cô gái 24 tuổi vẫn luôn nói mình may mắn. Vy thấy may vì hôm đó xõa tóc và sự việc xảy ra vào mùa đông, nếu không mức độ hủy hoại của axít sẽ rộng hơn rất nhiều; may vì cơ địa tốt và có sức đề kháng nên sau bao ca phẫu thuật đều không bị sốt; đặc biệt may mắn vì gặp được Phó giáo sư Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia.
Vy tình cờ gặp bác sĩ Vinh trong một lần từ khoa bỏng người lớn sang trung tâm phẫu thuật tạo hình để nhờ một bác sĩ khác tư vấn. Người đàn ông cao lớn mặc áo tím mở cửa phòng bước vào, bắt gặp ngay khuôn mặt đen sì một bên của Vy và hỏi han. Trước khi rời đi, bác sĩ khuyên Vy trở về điều trị trước. Tuy nhiên, đi được khoảng 10 m, ông chợt khựng lại và nghĩ tại sao lại không phẫu thuật ngay cho Vy bằng kỹ thuật vi phẫu, lấy vạt da 2 cuống vùng lưng để tái tạo khuôn mặt, tránh tình trạng co kéo vết sẹo. Phương pháp này giúp rút ngắn thời gian điều trị, giảm các cuộc mổ, ít biến dạng sau mổ.
"Bác Vinh muốn phẫu thuật ngay cho tôi để tránh tình trạng co kéo da và giúp tôi đỡ mặc cảm sau này. Trước khi mổ, ông gặp tôi, hỏi có muốn phẫu thuật không và hứa sẽ cố gắng lấy lại nhiều nhất có thể cho gương mặt của tôi. Tôi mừng lắm và không cảm thấy quá hồi hộp lúc vào phòng mổ, chỉ muốn được phẫu thuật càng sớm càng tốt", Vy nói.
Vy tâm sự đã quen với những vết sẹo và không ngại diện váy với đôi chân đầy sẹo sau khi hồi phục. Ảnh nhỏ là gương mặt Vy trước khi được bác sĩ Vinh phẫu thuật.
Tái tạo da ngay sau bỏng axít là một quyết định táo bạo, bởi nếu xảy ra nhiễm trùng, ca mổ sẽ thất bại. Để tránh nhiễm trùng, bác sĩ phải lấy hết tổ chức hoại tử, đánh giá tổn thương vùng nông, vùng sâu. Sau đó, bác sĩ vẽ bản đồ mạch máu ở lưng để lấy vùng da lưng phù hợp với vùng cần ghép ở mặt, có mạch máu nuôi dưỡng.
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Vy thấy người mệt mỏi, đau đớn nhưng vẫn cố lấy điện thoại chụp lại mặt, phần vì muốn theo dõi quá trình hồi phục, phần cho vụ việc liên quan tới Hải.
"Tôi nửa tỉnh nửa mê, không dám nhìn vào camera và cũng không xem lại ảnh. Tôi nằm trong phòng vô trùng suốt ba ngày và được bác sĩ vào kiểm tra liên tục. Bố, mẹ và một người bác cũng thay nhau thức suốt đêm, dùng máy sấy, bật chế độ mát để sấy cho vết thương của tôi khỏi đau", Vy kể.
Một tuần sau, Vy lên bàn mổ, tiếp tục ghép vùng da mắt. Vùng mắt của Vy được băng kín và chỉ được biết da sống hay không sau khi mở băng một tuần sau đó. Trải qua hàng loạt ca mổ, Vy nhận thấy bản thân cứng rắn và chịu đau giỏi. Cô không còn quá sốc, muốn buông bỏ để đi tu, thu mình trong mặc cảm như thời gian đầu. Cô mạnh mẽ, vững tin bước vào từng ca phẫu thuật tái tạo cuộc đời mình và chỉ rơi nước mắt khi chứng kiến sự lo lắng, chăm sóc của cha mẹ.
Nhắc đến bố, nét mặt vui vẻ của Vy lúc đầu biến mất, khóe mắt đỏ dần và nước mắt tuôn ra. Trong ký ức Vy, bố là người đàn ông cao to, khỏe mạnh nhưng từ ngày con gái gặp nạn, ông già và sức khỏe giảm sút đi nhiều. Ông đồng hành cùng Vy từ những ngày đầu đến khi gương mặt của con dần hồi phục, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và thức tới sáng để giúp con bớt đau. Trong khi đó, mẹ Vy và em gái cô ở lại Đà Nẵng duy trì quán ăn để có thêm tiền chữa trị.
"Bố tôi ít thể hiện sự quan tâm bằng lời nói mà chỉ hành động. Đã bao lần tôi chứng kiến ông khóc, vỗ về tôi gắng lên rồi sẽ hết đau. Từ lúc nằm viện, tôi có cơ hội nói chuyện và hiểu bố hơn", Vy chia sẻ.
Ngồi giường đối diện, ông Lê Quốc Vũ không rời mắt khỏi con gái dù đang dở câu chuyện với người nhà của các bệnh nhân khác. Người đàn ông với chất giọng miền Trung đặc sệt, làn da ngăm đen, giọng run run kể về Vy. Ông Vũ lấy tay vỗ lên ngực trái, thể hiện nỗi xót xa khi nhìn thấy con gái bị hủy hoại. Dù có phải bán nhà, ông cũng quyết xóa đi những vết sẹo trên người con. Ông trách mình đã không tìm hiểu kỹ trước khi đồng ý cho con gái đính hôn với Hải. Nếu được làm lại, ông sẽ không để Hải bước vào nhà mình. Ông mong luật pháp nghiêm minh, trừng trị thích đáng kẻ gây ra nỗi đau đớn cho Vy.
Lan Vy có gương mặt ưa nhìn trước khi bị bạn trai cũ tạt axít.
Ngoài gia đình, Vy còn nhận được tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ của bạn bè, hàng xóm, thậm chí cả những người không quen biết. Những người bạn thời cấp 1, cấp 2, sau khi biết sự việc của Vy, đã tìm cách liên hệ để giúp đỡ và động viên cô. Họ cũng như Vy đều không thể ngờ Hải, người bạn cùng trường, cùng khối năm nào lại hại cô như vậy. Hải từng thầm yêu Vy khi còn học cấp 3, nhưng ra trường vài năm, anh ta mới ngỏ lời sau khi gặp lại cô tại một cửa hàng quần áo. Thấy Hải, khi đó đang công tác trong lực lượng Cảnh sát PCCC công an thành phố Đà Nẵng, chững chạc, lễ phép với người lớn nên Vy đồng ý tìm hiểu rồi yêu. Về sau, Vy phát hiện Hải hay ghen, vũ phu nên dừng lại và cuối cùng hứng chịu đòn trả thù của hắn.
"Mọi người hỏi có hận Hải không, tôi chắc chắn hận chứ. Cuộc đời tôi đã bị hủy hoại như này, sau không biết có phục hồi được không. Còn Hải giờ chỉ bị tạm giam. Án axít lại nhẹ, không biết ra tù, Hải có làm gì tôi nữa không. Tôi vẫn lo như thế", Vy bày tỏ.
Mong ước lớn nhất của Vy hiện tại là chữa bệnh, sau này có công việc để phụ giúp bố mẹ trả nợ và lo cho em gái học hành. Về phần mình, Vy hướng đến một cuộc sống đơn giản, làm từ thiện nhiều hơn và tham gia các hoạt động cộng đồng để cho đi và chia sẻ.
Theo bác sĩ Vinh, một ca tái tạo da mặt ở Mỹ có giá từ 50.000 đến 90.000 USD, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000 USD. Kỹ thuật vi phẫu sẽ mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân bị bỏng axit.
Hà Phương-Lê Nga
Nhận xét
Đăng nhận xét