THỊ TRẤN KHÔNG ÁNH NẮNG MẶT TRỜI
5 tháng không có mặt trời, thị trấn Na Uy tốn 13 tỷ đồng lắp gương trên núi để phản chiếu ánh nắng
Bạn có thể rất ghét ánh nắng gay gắt nhưng trên thế giới vẫn có rất nhiều nơi không có mặt trời khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều.
Ánh nắng mặt trời là một khía cạnh rất quan trọng đối với cuộc sống của con người. Không chỉ giúp cho công việc trồng trọt, ánh nắng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của chúng ta. Sự xuất hiện mỗi ngày của ánh nắng giúp con người trên thế giới được bổ sung Vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Hơn hết, sống ở một nơi tối tăm cũng không lý tưởng chút nào. Thậm chí, nhiều người còn mong muốn được sống ở những quốc gia ấm áp, quanh năm có mặt trời và nhiệt độ không quá lạnh lẽo. Tuy nhiên, một thị trấn tại Na Uy lại không may mắn sở hữu ánh nắng mặt trời, suốt 5 tháng qua, họ gần như không được nhìn thấy ánh sáng tự nhiên.
Thị trấn suốt 5 tháng qua chìm trong bóng tối vì mặt trời không thể chiếu đến.
Rjukan, một thị trấn nằm cách thủ đô Oslo, Na Uy 3 giờ về phía Tây Bắc. Nơi này được biết đến là một trong những thành phố tối tăm nhất trên thế giới.
Rjukan có khoảng 3.386 cư dân, nơi này được đặt tên theo ngọn thác Rjukan cao 104 mét. Nhờ có ngọn thác lớn này mà thị trấn có dòng điện dồi dào.
Để khắc phục, họ đã lắp đặt những chiếc gương khổng lồ trên núi để phản chiếu mặt trời xuống thị trấn.
Mặc dù chỉ là một khoảng sân nhỏ nhưng cư dân ở đây vẫn rất hài lòng với dự án này.
Mặt trời giúp mọi người được sưởi ấm và bổ sung vitamin.
Thị trấn này còn một đặc điểm chính là không có ánh nắng mặt trời từ tháng 9 đến tháng 3 hàng năm vì bị những ngọn núi cao bao quanh. Trên thực tế, thị trấn Rjukan luôn sáng trừ tháng 12 và tháng 1 vì Na Uy là một trong những quốc gia sở hữu "mặt trời lúc nửa đêm" của thế giới. Điều khác biệt mà Rjukan gặp phải là những ngọn núi cao xung quanh khiến nhiều tháng liền thị trấn này không nhìn thấy mặt trời.
Để giúp cư dân địa phương có một chút ánh nắng, thị trấn đã chi khoảng 5 triệu Kroner Na Uy (hơn 13 tỷ VNĐ) để lắp gương phản chiếu mặt trời từ sau núi.
Những chiếc gương này chạy bằng năng lượng mặt trời và đặt ở vị trí cao 450 mét so với thị trấn.
Gương cũng sử dụng năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cư dân của Rjukan khẳng định họ đã quen với việc sống không có ánh sáng mặt trời. Khi những chiếc gương được lắp đặt, cư dân rất vui mừng vì họ đã cảm thấy ấm áp về thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều cho rằng dự án này lãng phí tiền của cho mỗi việc chiếu sáng một khoảng nhỏ của thị trấn.
Những người ủng hộ thì khẳng định ý tưởng này đã cung cấp ánh nắng rất cần thiết cho người dân địa phương, giúp đưa tên thị trấn lên bản đồ vì ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Ý tưởng về những chiếc gương phản chiếu ánh nắng lần đầu tiên được đưa ra bởi người sáng lập thị trấn, ông Sam Eyde, vào năm 1913.
Ông hiểu tầm quan trọng của mặt trời và cố gắng tìm cách để giúp cư dân nhân được ánh nắng, nhưng kế hoạch của ông đã dang dở. Theo trang web du lịch của Na Uy, ý tưởng này lại được nhắc đến một lần nữa vào năm 2005, đến năm 2013, những chiếc gương này mới bắt đầu được chính thức lắp đặt.
Đối với mỗi cư dân ở Rjukan, những chiếc gương này mang đến cho họ không khí ấm áp hơn cũng như giúp họ cải thiện sức khoẻ, bổ sung vitamin D cần thiết. Nếu bạn lên án dự án này, có lẽ bạn vẫn chưa thực sự hiểu thiếu đi mặt trời là một việc khó khăn đến mức nào.
Nhận xét
Đăng nhận xét