"TRUNG TÂM" MÔI GIỚI LẤY CHỒNG HÀN QUỐC
Con ơi đừng lấy chồng xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Tìm em như thể tìm chim.
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Đông.
Tìm chi cho phải mất công.
Đài Loan, Hàn Quốc em dông mất rồi.
Cô dâu Việt bơ vơ ở sân bay sau đám cưới chớp nhoáng với chồng Hàn Quốc
Những cuộc gặp chớp nhoáng trong nhà chòi
12h trưa, ngoài đường hầm hập như đổ lửa, phóng viên có mặt tại một nhà hàng nằm ngay mặt đường huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Theo lời giới thiệu của người dân khu vực, nhiều năm nay, đây được coi là nơi hiện thực hóa những giấc mơ 'đổi đời' của các cô gái Việt muốn lấy chồng nước ngoài.
Nam nhân viên đưa chúng tôi vào quầy thu ngân. Người này cho biết, việc tuyển chồng thường diễn ra vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Ngày thường nhà hàng chỉ kinh doanh ăn uống.
Một địa điểm ở Thủy Nguyên thường xuyên tổ chức các buổi tuyển cô dâu Việt sang lấy chồng Hàn Quốc
Qua quan sát, nhà hàng có khuôn viên khá rộng. Ngoài khu nhà chính, xây 3 tầng, chủ nhà hàng cho thiết kế các phòng bằng gỗ, lợp ngói trong khuôn viên sân vườn. Ở giữa là hồ nước lớn, hai bên hồ nước cũng có hai dãy nhà chạy dài, kê bàn ăn và ghế tiếp khách, uống cà phê.
Các tấm biển quảng cáo, môi giới xuất khẩu lao động, kết hôn với người Hàn Quốc, luyện thi tiếng Hàn cấp tốc… được treo dày đặc trên hàng rào, bờ tường.
Tại khu vực tiếp đón, một nữ nhân viên hỏi đầy ngờ vực: 'Ai giới thiệu chị vào đây? Chị có qua mối (người dắt mối) nào không?' .
Chúng tôi cho biết, không quen ai mà tự tìm hiểu và vào hỏi. Nữ nhân viên đưa ánh mắt dò xét rồi đáp: 'Các chị tự đi tuyển khó đấy. Bình thường ai muốn dự tuyển lấy chồng nước ngoài, phải có người quen giới thiệu'.
Nữ nhân viên cho biết, nếu có nhu cầu thực sự, chúng tôi để lại số điện thoại, họ sẽ báo bà mối chủ động liên lạc.
Theo lời nhân viên này, nhà hàng chỉ là đơn vị cho thuê địa điểm, phục vụ hậu cần cho các buổi tuyển vợ của trai Hàn Quốc, không tham gia vào việc mai mối, tuyển chọn. Tuy nhiên, cách tư vấn về thủ tục, quy trình lấy chồng ngoại quốc của cô cho phóng viên khá bài bản.
Chúng tôi tỏ ý băn khoăn về tuổi tác, sợ rể Hàn chỉ chọn người có độ tuổi thấp… Trấn an phóng viên, cô gái khẳng định, bất kỳ trường hợp nào quyết tâm đều có thể kiếm được chồng, xuất ngoại như mong muốn.
Nữ nhân viên tiết lộ, đàn ông Hàn Quốc thường thích tuyển vợ trên 30 tuổi, nếu là mẹ đơn thân cơ hội càng cao. 'Có thể họ cho rằng những phụ nữ tuổi tác như vậy mới có đủ kinh nghệm chăm sóc chồng con, gia đình. Nhiều phụ nữ 35 tuổi, thậm chí 45 - 50 tuổi vẫn lấy được chồng Hàn Quốc', cô nói.
Các biển quảng cáo luyện thi, kết hôn với người Hàn Quốc dán đầy trên các bờ tường của nhà hàng
Vẫn lời cô gái, thủ tục, quy trình dự tuyển chồng ở nhà hàng diễn ra khá đơn giản. Người ứng tuyển có bà mối dẫn dắt vào một ngày hẹn sẵn.
Tại nhà hàng, từng cô gái được sắp xếp gặp mặt, trò chuyện riêng với người đàn ông nước ngoài trong một nhà chòi. Gọi là trò chuyện riêng nhưng thực chất toàn bộ cuộc nói chuyện thông qua phiên dịch viên. Trung bình cuộc gặp mặt chỉ khoảng 20 - 30 phút, có khi còn ít hơn.
Hai bên cảm thấy ưng nhau, cô gái đưa chàng trai về thăm gia đình mình và đặt cọc tiền cho công ty môi giới. Tiền cọc dao động từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng, tùy công ty môi giới đưa ra.
'Số tiền này công ty giữ để đảm bảo trong thời gian 3 năm đầu tiên, cô dâu sang bên đó không bỏ trốn ra ngoài, sống với chồng vui vẻ, hạnh phúc, không ly hôn, không bỏ về Việt Nam', nữ nhân viên nói.
Cô cho biết, phần lớn chú rể Hàn sang tuyển vợ đều lớn tuổi, người trẻ là 38 tuổi, còn lại là trên 40 tuổi. Họ có thể độc thân hoặc từng ly hôn. Cô gái nào không muốn chọn người từng ly hôn có thể đặt vấn đề trước với công ty môi giới. Công ty căn cứ vào đó, tìm người ghép đôi phù hợp.
'Đến dự tuyển, chị không phải bỏ đồng tiền nào, còn được công ty hỗ trợ thêm chi phí đi lại', nữ nhân viên quảng cáo.
Tại nhà hàng, từng cô gái được sắp xếp gặp mặt, trò chuyện riêng với người đàn ông nước ngoài trong một nhà chòi.
Một nhân viên khác tư vấn thêm, trước khi sang Hàn Quốc, cô dâu phải học một lớp giao tiếp tiếng Hàn và thi đỗ chứng chỉ. Lễ đính hôn, cưới xin được tổ chức ngay tại nhà hàng. Ảnh trong hôn lễ được bổ sung vào hồ sơ pháp lý trên đại sứ quán. Mọi chi phí đám cưới, tiền học tiếng do phía chú rể lo liệu.
'Sau lễ đính hôn, cô dâu, chú rể có thể thoải mái trò chuyện với nhau qua zalo, faceboọk, gmail, điện thoại…tùy hình thức liên lạc họ lựa chọn, để làm quen, hiểu biết về nhau nhiều hơn',
Chúng tôi bày tỏ sự lo lắng về việc mọi thủ tục xong xuôi nhưng cô dâu không thi đỗ tiếng Hàn, phải giải quyết thế nào?
Nhân viên cười ẩn ý cho biết, tất cả trường hợp lấy chồng Hàn, ai cũng qua được bên kia. Họ thi bao giờ đỗ thì thôi. 'Từ trước đến nay, chưa có ai phản ánh gặp khó khăn gì việc thi chứng chỉ', cô nhấn mạnh.
Trường hợp cô dâu thích chú rể nhưng chú rể không chọn, đối tượng dự tuyển sẽ được sắp xếp dự tuyển vào hôm khác.
Khi phóng viên đặt dấu hỏi về vấn đề cô dâu bị lừa hoặc thông tin về chú rể không đúng so với thực tế. Nữ nhân viên khẳng định, việc đó đã có công ty môi giới đứng ra đảm bảo, các cô dâu hoàn toàn yên tâm. Thế nhưng, ngay sau đó cô thừa nhận, trường hợp bị lừa, sai lệch về thông tin chú rể cũng từng xảy ra.
Bơ vơ nơi đất khách
Lời chào mời, tư vấn nghe có vẻ hấp dẫn là vậy nhưng thực tế, đã có nhiều cô dâu Việt phải gặp cảnh trái ngang khi rời quê hương, về làm dâu nơi đất khách quê người.
Chia sẻ về chuyện này, ông Đinh Văn Ba, PCT UBND xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, bên cạnh các cô dâu may mắn, lấy được người chồng tử tế, yêu thương vợ con, nhiều cô gái phải quay về Việt Nam chỉ sau vài tháng vì cuộc sống và người chồng xứ người không như ý.
Chị Trương Thị Nhỏ - hội Phụ nữ xã Lập Lễ cũng kể về trường hợp cô gái Nguyễn Thị Nhài.
Qua đội cò mai mối, Nhài quen biết và kết hôn với người chồng Hàn Quốc.
Xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) có tỉ lệ phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc khá lớn
Kết hôn xong, anh chồng về nước còn Nhài ở lại Việt Nam học tiếng và làm thủ tục giấy tờ. Đến ngày hoàn tất thủ tục, Nhài lên máy bay đến Hàn Quốc nhưng sang đến nơi, anh chồng bỗng bặt vô âm tín, không liên lạc được.
Sau nhiều ngày bơ vơ nơi đất khách, Nhài theo một số lao động người Việt làm nghề đồng nát kiếm sống. Vài tháng sau, nhận được sự giúp đỡ, Nhài mới được trở về quê hương...
Về nước, cô từng tham gia tích cực vào các buổi tư vấn, chia sẻ dành cho phụ nữ địa phương về việc lấy chồng nước ngoài.
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
Nhận xét
Đăng nhận xét