KHI NỀN ĐIỆN ẢNH HOLLYWOOD LỆ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC
Vén màn bí ẩn đằng sau một "HOLLYWOOD MADE IN CHINA" đang dần đánh mất chính mình
Ở Hollywood có một câu đùa thế này: Phim bom tấn thì dù dở đến mấy cũng không thể trở thành bom xịt, miễn sao được "cứu vớt" bởi thị phần Trung Quốc.
Cụm từ phim “Hollywood Made in China” đang ngày càng phổ biến, và không ít nhà làm phim tại kinh đô điện ảnh Mỹ trở nên lệ thuộc vào đồng tiền từ thị trường quốc gia tỷ dân
Quả vậy, với dân số hơn 1,3 tỉ cùng tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Trung Quốc từ lâu đã trở thành “bãi đáp” an toàn cho các thương hiệu phim tại Mỹ.
Trong cuốn sách Hollywood Made in China, tác giả Aynne Kokas cũng đã viết: “Hollywood đang nỗ lực làm những bộ phim dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường Trung Quốc” để nói về sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên điện ảnh phương Tây, cụ thể là Hollywood.
Theo Business Insider, “mối lương duyên” giữa Trung Quốc và Hollywood không còn đơn giản là câu chuyện xoay quanh điện ảnh mà đã trở thành ván bài kinh tế lên đến vài trăm triệu USD cho mỗi phim. Cổ phần của các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hollywood ngày càng lớn, dẫn đến việc nền điện ảnh của xứ cờ Hoa cũng không ít lần phải “cúi mình chiều lòng” vị thượng khách này.
5. Hollywood chấp nhận bán linh hồn cho quỷ
Với các studio Hollywood, khoản tiền kiếm được từ thị trường Mỹ và các nước châu Âu đã không còn đủ khi ngân sách đa phần phim bom tấn ngày càng bị đội lên cao. Thay vào đó, các nhà làm phim Mỹ tìm kiếm vận may ở phía bên kia Thái Bình Dương, tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo Aynne Kokas, những bộ phim bom tấn với chi phí sản xuất khoảng 200 triệu USD trở lên bắt buộc phải thành công tại thị trường Trung Quốc để có thể mang về lợi nhuận. “Để thu lại được vốn, studio phải ra mắt được phim tại Trung Quốc,” Kokas lý giải.
Từ nhiều năm, Trung Quốc đã nuôi tham vọng vượt mặt Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Doanh thu phòng vé của Trung Quốc cũng đã bắt đầu đuổi kịp Bắc Mỹ. Theo như truyền thông Trung Quốc, thị trường điện ảnh trong nước đã tăng lên đến 8,6 tỷ USD vào năm 2017. Con số này chỉ xếp sau Bắc Mỹ với 11 tỷ USD trong năm qua.
4. Bom tấn Hollywood thực ra toàn là... phim Trung Quốc
Những khán giả chăm đi xem phim tại rạp dạo gần đây sẽ dễ dàng nhận ra logo của một hãng phim nghe khá “lạ tai” mang tên Alibaba Pictures. Đây là một xưởng phim Trung Quốc thuộc Alibaba Group của tỷ phú thương mại điện tử Jack Ma, nhưng lại “thầu” hầu hết các tựa phim lớn của Mỹ như Mission Impossible: Rogue Nation, Ninja Rùa: Thoát Khỏi Màn Đêm, ...
Mission Impossible: Rogue Nation được "thầu" bởi Alibaba Pictures.
Fast and Furious và Transformers hiện đang là hai trong số những thương hiệu bom tấn đình đám nhất tại Hollywood. Và đoán xem, cả hai loạt phim này đều “ăn nên làm ra” nhờ thị trường Trung Quốc.
Cũng mới đây, tựa phim Pacific Rim: Uprising khi ra mắt cũng khiến người xem băn khoăn, trước sự góp mặt của hàng loạt những yếu tố Trung Quốc xuất hiện trong một bộ phim lấy bối cảnh tại Mỹ.
3. Trung Quốc nới lỏng cửa
Nếu như trước đây chính quyền sở tại đặt ra nhiều luật định để kiểm soát số tác phẩm điện ảnh ngoại được trình chiếu mỗi năm, như hạn ngạch nhập khẩu, quãng thời gian dành riêng cho phim nội, thời gian trình chiếu ngoài rạp. Thì 2 năm trở lại đây, Trung Quốc cũng đã nới lỏng cửa hơn để đón phim Mỹ vào thị trường của họ. “Thị phần của doanh thu phòng vé mà các nhà phân phối phim của Mỹ sẽ tăng trung bình từ 25% đến 40%”, Bloomberg dẫn lời một nhà phân tích tại công ty Analysys International cho biết.
Dù muốn hay không, thị trường Trung Quốc vẫn phải mở cửa đón phim Hollywood. Và thay vì ngăn chặn dòng phim này, các nhà quản lý của nước này chọn cách kiểm soát và thay đổi chúng theo hướng có lợi cho quốc gia.
Thế nhưng, giống như nhà nghệ sĩ tài danh bán linh hồn mình cho con ác quỷ ngã tư đường (một truyền thuyết đô thị nổi tiếng tại Mỹ), mọi lợi ích đều đi kèm với thỏa thuận. Tại Bắc Kinh, mỗi năm chỉ có 10 phim Mỹ được phép trình chiếu, và dĩ nhiên, 10 phim này phải lọt vào mắt xanh của các nhà thầu xứ này.
Không dừng ở đó, Cục Điện ảnh tại xứ tỷ dân cũng thắt chặt nội dung các tựa phim trình chiếu ở đây, nhằm tránh những sản phẩm điện ảnh ít có giá trị ngợi ca đất nước của họ.
Đây cũng là lý do mà như đã đề cập, ba tựa phim lớn gồm Pacific Rim, Transformers: Age of Extinction và Furious 7 được mở rộng của chào đón tại Trung Quốc và gặt hái doanh thu gấp nhiều lần khi so sánh với thị trường nội địa.
Có thể nói, đây hoàn toàn là câu chuyện đánh đổi: Đánh đổi sự tự do, để đạt được thành quả tài chính. Và nếu ông già Noel có một danh sách gồm những trẻ ngoan và những trẻ hư, thì Trung Quốc cũng vậy. Danh sách “trẻ hư” tại thị trường điện ảnh Hoa ngữ là những phim được cho rằng “không phù hợp với thuần phong mỹ tục” như Brokeback Mountain, Deadpool,...
Thậm chí, trong một trường hợp cá biệt, siêu phẩm Avatar của đạo diễn James Cameron cũng phải cuốn gói khỏi phòng vé Trung Quốc sau hai tuần công chiếu, với lý do... doanh thu quá “khủng” nên sẽ trở thành mối đe dọa với các tựa phim quốc dân của họ.
Đến siêu phẩm Avatar cũng bị "đá đít" dù có nhiều cảnh quay thực hiện tại Trung Quốc và mang về lợi nhuận khổng lồ sau này trong ngành du lịch cho đất nước tỷ dân.
2. Những chiêu bài để "được lòng" Trung Quốc
Nói chung, có 4 cách cơ bản để Trung Quốc thâm nhập vào trong các bộ phim Hollywood đó là: bối cảnh, diễn viên, tiền sản xuất và các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ.
Một phần trong số các diễn viên phải là người Trung Quốc; một vài cảnh phim phải được quay tại Trung Quốc; và bản thân bộ phim đó, nếu muốn thành công tại châu Á, thì phải dễ tiếp cận với khán giả Trung Quốc. Nó cũng có nghĩa nhà làm phim buộc phải thay đổi từ động cơ, mục đích, địa điểm, diễn viên, văn hóa dịch chuyển từ Tây sang Đông để có vẻ “Trung Quốc hơn”.
Ngoài việc sử dụng bối cảnh Trung Quốc là một trong những phương án an toàn và dễ thực hiện nhất thì việc can thiệp, thay đổi nội dung, nhân vật cũng trở thành phương thức phổ biến. Cụ thể như việc đổi quốc tịch của nhân vật phản diện, kỳ thị chủng tộc The Mandarin (Iron Man) không còn là người Trung Quốc (khác so với phiên bản truyện tranh).
Trong Doctor Strange của MCU, nhân vật Ancient One do Tilda Swinton thủ vai được đổi nguồn gốc từ người Tây Tạng sang người Celtic, để tránh xúc phạm đến khán giả Trung Quốc. Những chi tiết nhỏ nhặt hơn là việc các nhân vật uống sữa của một hãng Trung Quốc trong Iron Man 3 và Independence Day: Resurgence.
Ngoài ra, chiêu bài dùng diễn viên Hoa ngữ cũng được sử dụng rất phổ biến. Đã có hàng loạt những bình hoa di động của Trung Quốc xuất hiện nhan nhản trên phim Hollywood mà chả có mục đích gì, được tác giả Kokas miêu tả “vật thế thân dùng với mục đích trang trí để trông bộ phim có màu sắc Trung Quốc hơn”.
"Vũ trụ Cảnh Điềm" gây khó chịu cho công chúng khi xem các bom tấn Hollywood.
Vai diễn của những diễn viên Trung Quốc nhạt hơn “nước ốc” có thể kể đến như Cảnh Điềm (Kong: Skull Island, Pacific Rim Uprising), Ngô Diệc Phàm (XXX 3), Phạm Băng Băng (X-Men), Vương Học Chi (Iron Man 3), Lý Băng Băng(Transformers: Age Of Extinction), Angelababy (Independence Day: Resurgence). Thậm chí, các diễn viên này đều có phân cảnh được kéo dài hơn trong phiên bản phim chiếu tại Trung Quốc.
1. Hollywood liệu sẽ đánh mất chính mình?
Các quy định phát hành phim và thị hiếu người Trung Quốc trở nên quan trọng hơn trở thành hạn chế về nội dung của các bộ phim. Chúng đòi hỏi các nhà sản xuất nước ngoài tự nguyện chấp hành các "quy tắc bất thành văn" nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc phát triển, các studio ở Hollywood lại càng cần phải xem xét yếu tố Trung Quốc trước khi phát triển nội dung. "Made in China" giờ đã là một chiến lược bắt đầu từ việc tiếp cận đề tài, thực hiện đến quảng bá phim ở Trung Quốc.
Nhà sản xuất Hollywood không chỉ phải thay đổi từ khâu phát hành phim mà chính từ bên trong nội dung của các bộ phim cũng phải chứa đựng những yếu tố “thông đường” ở Trung Quốc. Theo đó, nhà làm phim phải điều chỉnh những chi tiết theo hướng có lợi nhất cho quốc gia tỷ dân.
Đồng nghĩa những nhà quản lý Trung Quốc sẽ có nhiều đặc quyền hơn trong việc can thiệp vào nội dung của phim Hollywood. Mối quan tâm hàng đầu lúc này của người hâm mộ là phim Hollywood liệu sẽ giữ được bản sắc riêng của mình?
Tạm kết: Giấc mơ bành trướng của Trung Quốc và khát khao chinh phục của Hollywood đặt cả hai thị trường này vào thế đối đầu nhưng lại phải sống dựa vào nhau. Hollywood vẫn sẽ tiếp tục đem phim đến Trung Quốc còn quốc gia tỷ dân này vẫn một mực bảo vệ nền điện ảnh quốc nội bằng hàng loạt những quy tắc hà khắc. Tuy nhiên, chính những sự thỏa hiệp này lại dẫn đến làn sóng chỉ trích từ cả công chúng phương Tây lẫn phương Đông. Khán giả phương Tây thất vọng, tẩy chay khi chứng kiến những tác phẩm lai tạp, gượng gạo và mất bản sắc. Còn một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc khát khao được thưởng thức một bom tấn Hollywood đúng nghĩa mà không có sự nhúng tay của đồng tiền nước này.
Những chia sẻ quá thú vị
Trả lờiXóacửa lưới dạng xếp
cửa lưới chống muỗi
lưới chống chuột
cửa lưới chống muỗi hà nội