NGÀY TÀN CỦA TÀU HỎA VN
Do thua lỗ kéo dài, từ 1/4/2018 tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long chỉ chạy 1 chuyến/tuần vào ngày thứ 6 thay vì mỗi chuyến/ngày như trước đây. Tuy nhiên mỗi chuyến cũng không đầy nửa toa hành khách.
Hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng phát triển, thuận tiện hơn khiến đường sắt nhiều năm qua ngày càng thưa vắng khách.
Đã từng thử nghiệm đoàn tàu du lịch 5 sao xuất phát từ Hà Nội đi Hạ Long nhưng đã thất bại do không có khách, tuyến đường sắt Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) – Hạ Long (Quảng Ninh) hiện nay chỉ còn duy trì mỗi tuần/chuyến vào ngày thứ sáu.
Tàu chỉ gồm 1 toa chở khách ghế cứng, quạt chổi than tồn tại từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước và 2 toa chở hàng hóa, nông sản.
Nhóm phóng viên VietNamNet đã có dịp trải nghiệm chuyến tàu đặc biệt mang số hiệu 51501 xuất phát từ ga Yên Viên, Hà Nội đi TP Hạ Long.
Video: Hình ảnh trên tàu số hiệu 51501
Chỉ còn 5 phút đoàn tàu mang số hiệu 51501 khởi hành đi Hạ Long sẽ xuất phát, cổng ga Yên Viên, Hà Nội hiu hắt không một bóng hành khách.
Chỉ duy nhất có một hành khách, bà Phạm Thị Bình (69 tuổi) quê ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã đáp chuyến tàu từ Vĩnh Yên đến nhà ga Yên Viên từ 7 giờ tối hôm trước. Bà ngủ tại hàng ghế nhà chờ để đi tiếp đến Hạ Long. Bà Bình cho biết dù đi xe ô tô khách rất thuận tiện nhưng bà thường say xe nên đành phải đi tàu hỏa.
Theo qui định của ngành đường sắt, bà Bình được giảm 15% giá vé cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Bà Bình không đi hết tuyến mà chỉ mua vé đến ga Mạo Khê, Quảng Ninh với giá 46 ngàn đồng.
Đúng 4 giờ 50 phút sáng, đoàn tàu mang số hiệu 51501 rời ga Yên Viên, Hà Nội đi TP Hạ Long, Quảng Ninh.
Đoàn tàu gồm đầu máy kéo theo 1 toa chở hàng, 1 toa chở khách. Toa chở khách với hàng ghế cứng thiết kế từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi xuất phát từ ga Yên Viên chỉ có 1 hành khách là bà Phạm Thị Bình.
Hành khách lác đác lên tàu từ các ga lẻ trên tuyến đường sắt.
Dù chỉ có 1 toa chở khách nhưng ghế trống chiếm phần nhiều. Hành khách thoải mái ngả lưng tranh thủ ngủ.
Đến ga Kép (Bắc Giang), đoàn tàu được nối thêm một toa chở hàng. Hàng hóa chủ yếu của những người buôn chuyến.
Nông sản chuyển đi Hạ Long lên tục được đưa lên tàu từ các ga xép.
Những người buôn bán nông sản phần lớn gắn bó với con tàu từ vài chục năm nay.
Giống như những chuyến tàu chợ thời bao cấp, ông Nguyễn Văn Chuẩn (69 tuổi) đã theo tàu bán nước chè chén từ nhiều năm nay với mỗi chuyến đi về lãi chừng 50 ngàn đồng. Từ khi tàu chuyển từ 1 ngày/chuyến xuống 1 tuần/chuyến, ngoài việc bán nước chè ông còn bốc vác thuê cho bà con buôn nông sản, hoa quả kiếm thêm thu nhập.
Nhiều hành khách quen đi tàu từ mấy chục năm trước vẫn không muốn từ bỏ không khí dân dã thân thuộc của những chuyến tàu chợ thời bao cấp.
Trẻ em đi tàu sẽ đỡ say hơn nhiều so với đi ô tô. Vắng khách nên chúng thoải mái ngủ trong hành trình.
Những chiếc quạt chổi than cũ kỹ được sử dụng từ thời bao cấp không mấy khi hoạt động.
Đoàn tàu 51501 đã phải phanh gấp để tránh gây tai nạn do người phụ nữ này khi định vượt qua đường sắt mà không quan sát. Trên toàn tuyến đường sắt này có rất nhiều đường ngang dân sinh không hề có rào chắn hay biển báo. Ông Nguyễn Bá Vịnh, đội trưởng đội tàu phụ trách tuyến Yên Viên – Hạ Long cho biết trước đây khi tàu chạy 1 ngày/chuyến, mỗi tuần trung bình xảy ra 3 vụ tai nạn. Từ khi tàu giảm xuống còn mỗi tuần/chuyến, số vụ tai nạn giảm hơn trước.
Bà Nguyễn Thị Nhung đã vài chục năm nay theo tàu buôn bán hoa quả phải đưa 2 cháu nội, ngoại theo do nhà không có ai trông nom trong thời gian các cháu nghỉ hè. Bà Nhung cũng như những người buôn chuyến theo đoàn tàu rất mong muốn duy trì tàu mỗi ngày 1 chuyến như trước kia vì theo bà đi tàu an toàn hơn, giá cước rẻ hơn và đỡ say hơn đi ô tô.
Do chỉ có một toa chở hành khách nên cũng chỉ có duy nhất 1 người soát vé cũng như đưa đón khách là chị Hoàng Thị Phương Thanh.
11 giờ 20 phút, đoàn tàu 51501 đến ga Hạ Long. Đây là nhà ga mới được xây dựng hiện đại nhưng mỗi tuần chỉ đón 1 chuyến tàu đến và đi trong ngày thứ 6.
Nhận xét
Đăng nhận xét