MỘT VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG KHÔNG NÊN XEM NHẸ NỮA

Nhà báo Bạch Hoàn: “Nếu không khởi tố hình sự thì đây là nỗi nhục của ngành tư pháp Việt Nam”

60 triệu người Việt đang sống bằng nghề nông nghiệp. Trong mỗi chúng ta ở đây, ai cũng có ít nhiều liên quan đến những người nông dân chân lấm tay bùn.

Tôi sinh ra bên những mảnh ruộng khô cằn. Còn các anh chị đang ăn bát cơm trắng từ những giọt mồ hôi mặn đắng của những người nông dân nghèo khổ. Vì sao tôi nói nghèo khổ, vì nông dân mình bao đời nay vẫn thế, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền.


Công ty Thuận Phong thừa nhận các vi phạm trong sản xuất phân bón – Ảnh internet

Gần 60.000 tỉ đồng là thiệt hại của ngành nông nghiệp mỗi năm vì phân bón giả. Những kẻ bất lương sản xuất phân bón giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến cây trồng, nhẹ thì giảm năng suất, nặng thì chết cây, và lâu dài thì đất đai cằn cỗi, chúng đã gián tiếp cướp mất bữa cơm có thịt của người nông dân, cướp mất cơ hội được ở một mái nhà đủ che mưa tránh nắng, cướp mất cơ hội cho những đứa trẻ được đến trường, được vào đại học…

Không biết bao nhiêu thân phận đã vì nghèo mà phải sống một cuộc đời lem nhem, nhếch nhác, vì họ không thể nào bước ra khỏi luỹ tre làng.

Các anh chị và tôi ngồi đây, chúng ta đã lên tiếng cho vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Nhưng lẽ nào, chỉ những con người nhỏ bé như chúng ta cất lên tiếng nói?

Vì sao?


Công ty Thuận Phong thừa nhận các vi phạm trong sản xuất phân bón – Ảnh internet

Hãy nhìn câu chuyện phân bón giả ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) để thấy, chừng nào công lý chưa được thực thi, chừng nào hành vi sản xuất phân bón giả theo kết luận của hàng loạt bộ ngành vẫn chưa được xử lý đúng người, đúng tội, chừng nào Đồng Nai còn cố bảo vệ, thì chừng đó vấn nạn phân bón giả vẫn tiếp tục hoành hành, những kẻ bất lương khác sẽ vẫn ăn chặn mồ hôi nước mắt của những người khốn khổ.

Đó là chưa kể, câu chuyện ở Công ty Thuận Phong không chỉ là câu chuyện ở một doanh nghiệp phân bón, mà nó là án lệ cho ngành này. Nếu không khởi tố hình sự thì đây là nỗi nhục của ngành tư pháp Việt Nam.

Quốc hội đang họp. Ở đó người ta bàn những chuyện quốc gia đại sự. Nhưng tại sao một vụ việc như sự bất thường trong xử lý vi phạm ở Công ty Thuận Phong và vấn nạn phân bón giả lại không được đem ra mổ xẻ. Tôi nhớ năm 2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã từng chất vấn mạnh mẽ về vấn nạn phân bón giả nhìn từ câu chuyện Thuận Phong.

Quốc hội với 500 con người ngồi đó, các anh chị đang làm gì, đang cất lên tiếng nói cho ai, vì ai? Một vấn nạn liên quan đến cuộc sống của hơn 60 triệu con người, tại sao trong nghị trường chỉ có vài người lên tiếng? Trong kì họp này, liệu có ai còn nhớ nữa không?

==========================

Kỳ án phân bón giả Thuận Phong và hệ quả của việc quân đội làm kinh tế

Hiện nay, tại Việt Nam đang diễn ra thực trạng đáng buồn, đó là đất quốc phòng nhưng không dùng cho mục đích bảo vệ an ninh quốc gia mà đang bị một số đơn vị quân đội tự ý chia chác để kinh doanh trục lợi: vụ lùm xùm đất ở Đồng Tâm, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, sân golf trong sân bay quân sự Gia Lâm,… Trớ trêu thay, đất quốc phòng không chỉ bị xâu xé để làm giàu cho nhóm lợi ích, nó còn bị tận dụng để sản xuất phân bón giả, khiến 60 triệu nông dân điêu đứng vì cảnh mất mùa do phân kém chất lượng.

Khi Công ty Thuận Phong bị phát hiện sản xuất phân bón giả quy mô lớn, dư luận lại một lần nữa biết đến tình trạng đất quốc phòng đang được cho tư nhân thuê lại.

Vụ công ty Thuận Phong bị bắt quả tang sản xuất phân bón giả đã trôi qua hơn hai năm trời. Đó là vào tháng 4/2015, Công ty này bị bắt quả tang đang sang chiết, sản xuất phân bón giả dán mác “made in USA” nhưng thật chất là ra đời tại Đồng Nai. Khi đó sáu bộ ngành, trong đó có cả Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học Công nghệ, … kết luận và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự, ba lần các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng gay gắt trong ba kỳ họp yêu cầu phải xử lý nghiêm minh, nhưng không hiểu sao đến nay Thuận Phong vẫn bình yên vô sự.


Công ty Thuận Phong thừa nhận các vi phạm trong sản xuất phân bón – Ảnh internet

Đặc biệt, nơi sản xuất của công ty Thuận Phong lại nằm ngay trong đất quân đội thuộc Cục quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) tại khu phố 7, phường Long Bình, tp. Biên Hòa. Tức là nếu vụ việc công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả không bị phanh phui, thì dư luận sẽ không thể phát hiện thêm một trường hợp đất quốc phòng đang bị một số đơn vị quân đội phân chia cho tư nhân để sử dụng một cách bừa bãi, thậm chí là sản xuất kinh doanh trái phép.

Điều đáng lo ngại hơn cả trong kỳ án Thuận Phong, là đất quốc phòng không chỉ bị chiếm dụng để phục vụ cho doanh nghiệp mà nó còn được sử dụng làm nơi sản xuất phân bón giả. Được biết, thiệt hại cho nông nghiệp và nông dân những năm gần đây lên tới gần 60.000 tỷ đồng mỗi năm. Chính vì những cơ sở sản xuất như Thuận Phong mà hiện nay thị trường tồn tại đến 60% mẫu phân bón giả. Không chỉ là con người, đất đai cũng vì vậy mà bị bạc màu, cằn cỗi vì phân kém chất lượng.

Với hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của mình, không hiểu sao đến nay Thuận Phong vẫn tồn tại mà không hề bị khởi tố. Phải chăng do nằm trên đất quốc phòng, nếu cơ quan thanh tra muốn bước chân vào nơi đó để thanh, kiểm tra và yêu cầu dừng sản xuất thì buộc phải có sự cho phép của Bộ Quốc phòng, do đó việc xử lý nghiêm Thuận Phong trở nên bất khả thi?

Sự việc này làm người viết liên tưởng đến vụ việc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất của tập đoàn Him Lam vẫn đang được một “bàn tay vô hình” bảo vệ nghiêm ngặt mà không bị sứt mẻ một tấc đất nào. Phải chăng sự dung túng dành riêng cho Thuận Phong, cũng giống như đối với Him Lam, cũng có liên quan đến lợi ích nhóm của một số đơn vị quân sự, do đó không một thế lực nào có thể phá vỡ “vòng kim cô” đang che chắn cho nó?


Quang cảnh sân golf khủng lấn át sân bay Tân Sơn Nhất

Đáng lo ngại hơn cả, người ta còn phát hiện đằng sau Thuận Phong là một thế lực ghê gớm có thể đánh bật được lệnh của Thủ tướng trong kỳ án phân bón giả. Theo đó, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng như Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, trưởng ban chỉ đạo Quốc gia 389 đã nhiều lần ra mặt, chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc này song đến nay không hiểu sao các ban ngành cấp dưới vẫn cố tình phớt lờ, bằng cách nào đó bao che, tiếp tay cho nhau để bỏ qua các sai phạm của Thuận Phong. Dư luận từng đồn thổi chủ của Thuận Phong là “cháu của quan chức” nên mới thuê được đất quân đội, phải chăng đây cũng là lý do khiến Thuận Phong dễ dàng lọt lưới pháp luật? Bất kể là con cháu của ai, nhưng việc để cho một công ty thuê đất nhằm phục vụ cho việc kinh doanh trái phép như vậy, Bộ Quốc phòng cũng không thể không có trách nhiệm.

Trong bối cảnh không thể khởi tố Thuận Phong khi có đầy đủ cơ sở pháp luật, thì khi đó liệu cơ quan chức năng nhà nước có quyền khởi tố các doanh nghiệp sản xuất thuốc giả khác hay không? Hay có khi phải thả ngay và bồi thường cho những người từng sản xuất phân bón giả? Nghĩa là phải thay đổi luật để hợp thức hóa… hàng giả? Thử hỏi, khi đó các doanh nghiệp có còn thượng tôn pháp luật nữa không?


Thuận Phong không chỉ lạm dụng đất quốc phòng để kinh doanh trục lợi mà còn gây tội ác đối với hàng triệu nông dân, đẩy họ vào tình cảnh điêu đứng vì phân bón giả

Trên đây chỉ là một số trường hợp bị phanh phui về tình trạng đất quốc phòng bị lạm dụng vô tội vạ, ai biết được ở ngoài kia còn bao nhiêu sân golf, xưởng sản xuất phân bón giả, những khu đất quốc phòng bị tư nhân phân lô và xây dựng trái phép như vậy vẫn đang tồn tại? Trong khi đất nước đặt bao nhiều nguồn lực, kỳ vọng cho quân đội để bảo vệ tổ quốc, thì bây giờ đều được đổi thành những tòa nhà, khách sạn, công ty làm ăn bất chính,… để kinh doanh trục lợi với danh nghĩa quốc phòng kinh tế. Để rồi không biết quân đội đã đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách quốc phòng, hay đang gây ra biết bao nhiêu mối nguy hại: tiếp tay cho các sai phạm kinh tế, lũng đoạn thị trường, bóp nghẹt môi trường cạnh tranh, làm rối loạn nền kinh tế,…

Thực chất, những câu chuyện sân golf trong sân bay, xưởng sản xuất phân bón giả trên đất quốc phòng,… của các tập đoàn như Him Lam và công ty Thuận Phong sẽ không thể một tay che trời, thâu tóm đất quân đội để kinh doanh trục lợi nếu không có bàn tay đắc lực hậu thuẫn phía sau của một số tướng lĩnh quân đội, của nhóm lợi ích cùng nhau chia chác lợi nhuận từ việc tham gia làm kinh tế. Điều khiến người viết đau đáu trong lòng là: nếu như việc bứng một cái sân golf hay một xưởng kinh doanh cũng không thể làm được, thì liệu còn ai tin tưởng vào sự nghiêm trị của pháp luật, vào hiệu quả xây dựng Chính phủ kiến tạo nữa hay không?

(Tổng hợp / Facebook Bạch Hoàn)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?